Hát Bài Chòi |
Bài Chòi xuất phát từ mô hình sinh hoạt văn nghệ ở vùng nương rẫy thời mở đất. Dần dần những làn điệu phát triển, Bài Chòi hiện nay trở thành một loại hình dân ca kịch đặc thù của miền Trung Trung Bộ. Nhưng sắc thái riêng của Bài Chòi Bình Định nay vẫn còn lưu giữ được trong những ngày lễ hội ở địa phương : Hội Bài Chòi hay còn gọi là Chơi Bài Chòi.
Non Nước Bình Khê xin giới thiệu bài viết của Thầy Đào Đức Chương (San Jose, California) về loại hình văn nghệ độc đáo nầy của Bình Định (nguồn từ cuongde.org).
Bài viết có những nội dung :
Sự Hình Thành
Cách Tổ Chức
Thể Thức Cuộc Chơi
Câu Thai Trong Bộ Bài Chòi
Sự Cải Tiến Và Biến Thể Của Bài Chòi
Thành thật cảm ơn Thầy Đào Đức Chương đã đồng ý cho sử dụng, đăng bài của Thầy trên Non Nước Bình Khê cũng như Quang Trung Bình Khê.
BÀI CHÒI BÌNH ĐỊNH
Đào Đức Chương
Các tỉnh miền Trung từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, đâu đâu cũng biết chơi bài chòi. Nhưng nhiều nhất là ở Bình Ðịnh, có thể nói, đây là cái nôi của trò chơi lý thú này.
Cứ vào dịp Tết Nguyên đán, khắp miền quê, hội bài chòi được tổ chức trong khoảng thời gian dựng nêu, tức từ 30 tháng chạp đến mồn 7 Tết. Ðôi khi cuộc chơi kéo dài đến rằm tháng giêng âm lịch, tức từ Tết Nguyên đán đến Tết Thượng nguyên.
SỰ HÌNH THÀNH
Vùng đất Vijaya trở thành lãnh thổ Việt Nam từ năm 1471, dân các tỉnh phía Bắc vào định cư còn thưa thớt, nơi đây rừng núi rậm rạp đan xen với chuỗi đồng bằng nhỏ hẹp, việc trồng tỉa thường bị tàn phá bởi thú hoang. Trên những vạt đất khai khẩn, phải dựng nhiều chòi có người canh giữ, bảo vệ hoa màu. Ðể được an toàn, các chòi phải vững chắc, sàn cao quá tầm tấn công của mãnh thú và bố trí theo hình vuông, chữ nhật, hay hình thuẫn tùy theo địa hình để tiện thanh viện cho nhau. Trên mỗi chòi đều có thanh la, mõ, trống; khi thú rừng kéo đến, các âm thanh đồng loạt nổi lên rung chuyển cả rừng núi, dã thú dù gan lì đến đâu cũng phải khiếp sợ bỏ chạy và không dám bén mảng đến phá phách. Rồi có những đêm trăng thanh gió mát, đối cảnh sinh tình, giữa các chòi người ta dùng loa nói chuyện hay ca hát đối đáp nhau cho giải buồn, dần dần trở thành một mô hình sinh hoạt văn nghệ ở vùng nương rẫy.
Theo truyền thuyết, do nhiều nghệ nhân của tỉnh nhà, đơn cử như cụ Phan Ðình Lang tức là nghệ sĩ Bốn Trang, sinh năm 1910, người xã Nhơn Thành huyện An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, kể lại rằng lúc cụ còn trẻ đã từng nghe ông nội, ông thân và nhiều bô lão truyền lại là chính Ðào Duy Từ (1572-1634), người Thanh Hóa vào lập nghiệp ở Bình Ðịnh, đã dựa theo mô hình văn nghệ ở các chòi canh miền núi mà sáng lập ra hội bài chòi. Ðáp ứng trình độ thưởng thức văn nghệ dân gian ngày càng cao, đến thế kỷ 20 người ta lập ra điệu hò để nâng cao nghệ thuật của bộ môn này. Ðiệu bài chòi theo nhịp hai, nên loại thơ lục bát, những bài vè và nói lối bốn chữ rất thích hợp với điệu bộ này. Người hô phải theo nhịp trống, nhịp sanh, có tiếng đàn tiếng kèn đệm theo, làm cho điệu hò thêm réo rắt, hấp dẫn. Người hô với chức năng quản trò, được gọi là Hiệu. Tùy theo tuổi tác và giới tính, người ta gọi là anh Hiệu, chú Hiệu, hay cô Hiệu, người này phải rành các điệu hát nam, hát khách, hát lý ... thuộc nhiều thơ và ca dao, biết pha trò đồng thời ứng đối nhanh nhẹn.
Vậy bài chòi là lối đánh bài mà người chơi ngồi trên 9 cái chòi cất sẵn. Có nơi, để giản tiện người chơi bài ngồi trên ghế thay chòi, nên gọi là bài chòi ghế. Nhưng cả hai lối chơi bài này không có tính cách sát phạt, đỏ đen, mà chỉ nặng tính văn nghệ.
CÁCH TỔ CHỨC
Làng xã nào muốn tổ chức cuộc chơi bài phải tìm đến những gánh bài chòi nổi tiếng mới lôi cuốn được đông người tham gia và có thể kéo dài trong nhiều ngày. Vào thập niên 1930, ở vùng An Nhơn và Tuy Phước có gánh bài chòi Sáu Cóc được nhiều người hâm mộ hơn cả. Trong tỉnh có nhiều cô, chú Hiệu tài hoa, đến nay còn truyền tụng, như các chú Bùng, Ðốc, Kim, Kích, Miệt, Ngô Quang Thắng, Tuấn Phong, Tư Liên... và các cô Ðạm, Hương, Liễu, Nhảy...
Một gánh bài chòi có ban hô bài gồm một Hiệu chính và một hoặc hai Hiệu phụ, trong đó có đủ nam nữ thì diễn xuất mới linh hoạt. Ban nhạc thường chỉ gồm bốn người: một đàn cò, một kèn, một sanh, một trống chiến (nhỏ hơn trống trầu và lớn hơn trống tum, có dây mang trước ngực khi di chuyển).
1.- Hội Bài Chòi
Nơi tổ chức bài chòi thường ở sân đình, sân chùa hay sân chợ. Nói chung, nơi có khoảng đất trống bằng phẳng. Người ta cất 9 chòi, xếp chung quanh hình chữ nhật, mặt quay vào sân chơi.
Tám chòi nằm dọc theo hai cạnh hình chữ nhật, mỗi bên bốn chòi, đối diện tương ứng nhau từng cặp một. Chòi trung ương ở giữa cạnh nắn hình chữ nhật. Cạnh bên kia, đối diện với chòi trung ương, là rạp hội đồng, dành cho ban tổ chức. Khoảng đất trống ở giữa là sân khấu trệt, có bốn mặt dành cho Hiệu; rạp và các chòi đều quay mặt vào sân này. Chòi được cất theo kiểu nhà sàn, trang hoàng đẹp đẽ, nền sàn cao quá đầu người, có thang lên xuống. Mái chòi lợp tranh hay lá dừa để che mưa nắng. Mặt sau và hai hông chòi che kín, chỉ chừa trống mặt trước. Mỗi chòi chứa được 4 hoặc 5 người. Trong chòi có một cái mõ và một khúc thân cây chuối hay bó rơm để người chơi găm con bài và cờ đuôi nheo. Chòi trung ương, lớn hơn cái chòi thường một ít, dùng trống thay mõ và dành riêng cho các vị có chức tước hay có uy tín trong làng muốn tham gia cuộc chơi, cũng có thể dành cho cặp vợ chồng mới cưới. Nhưng khi không có khách đặc biệt thì người dân thường vẫn có thể ngồi chòi này.
Rạp ban tổ chức cũng có mái che mưa nắng, trang hoàng đẹp đẽ hơn. Các cột được bó lá ngâu hay lá đùng đình để tăng thêm vẻ trang trọng. Trong rạp kê một bộ phản ngựa rộng dành cho các hương chức và quan khách có địa vị ngồi. Ðầu phản đặt một cái trống chầu dùng làm trống lệnh để ban tổ chức điều khiển cuộc chơi. Bên cạnh bộ phản có đặt hàng ghế cho ban nhạc của gánh bài chòi ngồi hòa âm.
2.- Bộ Bài Chòi
Trong sân, trước rạp, chỗ Hiệu đứng hô bài, có đặt ống đựng bài. Ống bài là một khúc tre lớn, rỗng ruột, cắm lỏng trên một cái cột cố định để ống bài có thể lúc lắc được. Trong ống đựng 27 thẻ bài. Ðầu nằm trong ống, chân thẻ nhô ra ngoài và đật cao quá tầm mắt.
Con bài làm bằng tre, đầu trên bè ra để dán lá bài lấy trong bộ bài tới. Ðầu dưới là chân thẻ nhỏ tròn như chiếc đũa, vót nhọn. Các chân bài nhuộm nửa xanh nửa đỏ, giống hệt nhau để không phân biệt được.
Bộ thẻ bài chòi gồm 27 cặp, có tên như sau:
Pho VĂN: Nhất Gối, Nhì Bánh, Ba Bụng, Tứ Tượng, Ngũ Rốn, Sáu Xưởng, Bảy Liễu, Tám Miểng, Chín Cu.
Pho VẠN : Nhất Trò, Nhì Bí, Tam Quăng, Tứ Ghế, Ngũ Trượt, Lục Trạng, Thất Vung, Bát Bồng, Cửu Chùa.
Pho SÁCH: Nhất Nọc, Nhì Nghèo, Ba Gà, Tứ Xách, Ngũ Dụm, Sáu Hường, Bảy Thưa, Tám Dây và Cửu Ðiều.
Trên mỗi con bài không ghi tên con bài, chỉ vẽ hình như kiểu siêu thực, bằng mực đen, làm ký hiệu riêng cho mỗi con bài.
Ðôi khi người ta rút 3 cặp bài bất kỳ, mỗi pho rút một cặp, thế vào đó 3 cặp Yêu, màu đỏ, có tên là Lão, Thang, Chi. Nếu Lão thì gọi Ông Ầm, Thang gọi là Thái Tử và Chi gọi là Bạch Huê. Miễn sao bộ thẻ bài chòi vẫn giữ y số ấn định là 27 cặp, chia đều mỗi pho 9 cặp. Ngoài 27 thẻ bài bỏ vào ống, còn 27 con bài cũng y như vậy, đem dán vào thẻ lớn. Cú 3 con bất kỳ dán chung vào một thẻ. Có 9 thẻ phát mỗi chòi một thẻ, nên thẻ lớn còn gọi là thẻ chòi. Cũng có nơi không dán chung 3 con bài vào một thẻ lớn mà vẫn dùng 27 thẻ nhỏ, y như 27 thẻ bài đã dùng trong ống để phân phát cho 9 chòi, mỗi chòi 3 thẻ bài. Như vậy, cả hai cách, mỗi bộ bài chòi phải có 27 cặp như đã kể trên, chia làm hai phần y nhau về số lượng và tên con bài. Một phần bỏ vào ống bài để cho Hiệu bốc thăm, một phần đem phân phát cho 9 chòi.
Trong bài chòi, tên con bài đôi khi được gọi khác. Như trong pho Văn: Nhất Gối thì gọi là Chín Gối, Nhì Bánh tức là Hai Bánh rồi đảo ngược gọi là Bánh Hai, Ngũ Rốn gọi trại Ngũ Rún hay gọi khác là Ngũ Ruột, Tám Miểng gọi trại là Tám Miếu. Trong pho VẠN: Tứ Ghế còn gọi là Tứ Móc hoặc Tứ Cẳng, Ngũ Trượt là Ngũ Trật hay Ngũ Trợt, Lục Trạng gọi là Lục Chạng. Trong pho SÁCH: Tứ Sách gọi là Tứ Gióng, Ngũ Dụm thành Ngũ Dít, Bảy Thưa là Bảy Hột.
Đào Đức Chương
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét