Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Hai, 16 tháng 4, 2012

BÀI CHÒI BÌNH ĐỊNH (4)

SỰ CẢI TIẾN VÀ BIẾN THỂ CỦA BÀI CHÒI


Hội bài chòi là một trò chơi dân gian, mang tính văn nghệ quần chúng. Tiền thân của bài chòi là sự liên lạc nhau giữa các chòi canh trên nương rẫy. Và bài chòi được hình thành và hoàn chỉnh ở đồng bằng. Thể thức chơi vẫn giữ nét độc đáo nguyên thủy, ngồi trên những chiếc chòi, nên gọi là bài chòi truyền thống.


Bài chòi truyền thống cũng chia làm hai giai đoạn: Hiệu hô những câu ca dao ngắn, nội dung không liên quan gì đến con bài, miễn sao có chữ đồng âm với tên con bài là được; thời kỳ này gọi là bài chòi tạp. Dần dần có xen nhiều những câu thai do nghệ nhân đặt ra hoặc do Hiệu ứng chế có nội dung ăn khớp với tên con bài, như câu Nhứt Nọc dưới đây; thời kỳ này gọi là bài chòi câu.

Tay cầm sào chống lái
Mắt liếc bãi lều tranh
Ở đây đưa rước bộ hành
Thuyền nan một chiếc tử sanh trọn bề
Trải qua bãi bạc gành nghê
Tứ mùa chèo chống đôi bề sóng xao
Thú vui ngang dọc một sào
Ngồi trong tịnh viện kẻ gào người kêu
Tiếng ai văng vẳng kêu đò
Mau mau nhổ nọc chèo qua rước người.

Sau này vì sự giản tiện, có vài nơi phá lệ cất chòi vẫn dùng 9 cái ghế thay cho 9 chiếc chòi và thể thức vẫn như cũ. Khuyết điểm của bài chòi ghế là không thể thay thế hết được chức năng của chòi nên kém phần sôi nổi, giảm sự hào hứng của người chơi bài và cả người xem.

Từ hình thức bài chòi ghế, những năm đầu thế kỷ 20, có một số nghệ nhân mạnh dạn tách khỏi mô hình truyền thống để kiến tạo một lối mới gọi là bài chòi chiếu. Ðặc tính của bài chòi này không phụ thuộc vào thời vụ. Nghĩa là tổ chức lúc nào cũng được, không cần phải đợi dịp Tết Nguyên Ðán.

Bài chòi chiếu cũng không có chòi. Sân khấu vẫn còn trệt nhưng đã được giới hạn trong phạm vi chiếu rải. Bài chòi chiếu cũng không còn độc diễn của Hiệu mà đã phân vai nhân vật (2 hay 3 diễn viên) nhưng còn đơn giản, chủ yếu là giọng ca mùi mẫn diễn những lớp trong các truyện tuồng như Lưu Kim Ðính, Phàn Lê Huê, Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên...

Tuy vậy, sự trình diễn chỉ để giải trí và nêu tên con bài ở những câu thơ cuối lớp, chứ chưa đủ trình độ kết cấu nghệ thuật để trở thành mục diễn, nên người ta gọi là bài chòi lớp.

Một biến cố lớn trong bộ môn bài chòi là sự ra đời của bài chòi truyện. Vào giữa năm 1933, hai nghệ sĩ sáng lập gồm Bốn Trang (tức Phan Ðình Lang người xã Nhơn Thành, An Nhơn) và Ba Nhỏ (tức Ba Huợt người xã Cát Sơn, Phù Cát) cùng với sự cộng tác của Tư Liên (Ðỗ Liên), Năm Oanh (Mỹ Chánh, Phù Mỹ) và nhiều nghệ nhân khác; lần đầu tiên trình diễn bài chòi truyện trên sân khấu sàn gỗ tại chợ An Lương xã Mỹ Chánh huyện Phù Mỹ.

Ðây là lần thử nghiệm, không tránh khỏi nhiều trở ngại, nhưng nói chung vẫn gặt hái những kết quả khích lệ. Bài chòi truyện hoàn toàn dứt bỏ thể thức chơi bài truyền thống, mạnh dạn bước lên sàn sân khầu có đầy đủ phông màn. Nghệ sĩ được chọn sắm vai thích hợp với nhân vật, có hóa trang, có sự nhập vai, diễn xuất các động tác theo qui luật ước lệ và cách điệu. Làn điệu cũng phát triển để phù hợp tình cảm của mỗi nhân vật. Ngoài điệu cố hữu là hô bài chòi và điệu hát chủ đạo là Xuân Nữ (có sức gợi cảm), còn có điệu cổ bản, nói lối, Hồ quảng, xàng xê, hát Nam, hát Khách, tẩu mã, lý thượng... Về âm nhạc ngoài đờn cò, kèn, sanh, trống còn có đàn nguyệt để tạo âm non âm già phù hợp với làn điệu mới. Về trình diễn, diễn viên có thể cương vài chi tiết nhưng không được đi quá xa hoặc phản lại đề tài. Về y phục và đạo cụ cần sắm đủ các loại để trang bị thích hợp từng nhân vật. Về ánh sáng có trụ đèn lồng thắp dầu, về sau có đèn măng sông.

Dịp Tết Giáp Tuất (1934) gánh bài chòi của ông Bốn Trang và Ba Nhỏ kiện toàn đội ngũ lập thành đoàn hát Tân Xuân đến lưu diễn ở thị trấn Gò Bồi (phủ Tuy Phước). Nhờ rút tỉa kinh nghiệm, lần này được khán giả đón nhận nồng nhiệt và bán vé thu được một số tiền lớn.

MỘT THỜI CỰC THỊNH

Ðánh dấu sự thành công của gánh hát Tân Xuân, nhiều nghệ nhân đầu tư vào việc lập gánh hát bài chòi chuyên nghiệp. Ðoàn lớn thì diễn tuồng truyện trên sân khấu hiện đại, đoàn cỡ trung thì diễn lớp trên sân khấu trệt trải chiếu, đoàn nhỏ thì hô bài theo lối truyền thống trên sân đất.

Từ năm 1933 đến năm 1945 tỉnh Bình Ðịnh có trên 10 gánh hát bài chòi nổi tiếng. Các đoàn hát như Tân Xuân của Bốn Trang, Long Vân Bang của Tư Miệt, Ý Chung của Phan Ðình Chi chuyên lưu diễn ở khắp các tỉnh từ Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Phan Rang, Phan Thiết đến Di Linh (Lâm Ðồng). Các đoàn khác như gánh Năm Oanh (An Lương, Phù Mỹ), gánh Ông Dần (Hoài Nhơn), Chính Oanh (Kiến Hàng, An Nhơn), Sáu Sơn (Nhạn Tháp, An Nhơn), Ông Lợi (Phước Nghĩa, Tuy Phước), gánh Ðồng Ấu của Ðinh Thảo và Bốn Dân...

Ðội ngũ diễn viên của bộ môn bài chòi cũng khá hùng hậu, không những nhiều kép nổi tiếng như Ba Huợt, Ba Sinh, Bốn Que (tức Bốn Trang), Tư Liên, Tư Miệt, Năm Oanh, Mười Vạn, Kim Kích... mà còn có nhiều khuôn mặt nữ tài hoa "một thời vang bóng" như đào Nhảy và Dần (Hoài Nhơn), đào Trang và Ðài (An Thái, An Nhơn), đào Sanh và Ðồng (Phước Sơn, Tuy Phước), đào Bình (Phú Tài, Tuy Phước), đào Chung và Liệu (Qui Nhơn), đào Giàu, Ba Danh...

Lớp diễn viên mầm non có Văn Bá, Ðinh Thị Bích Hải, Nguyễn Thị Hường, Lê Quí, Ðinh Thái Sơn... đều phát triển tài năng trước tuổi.

Về âm nhạc cũng có những nghệ sĩ xuất thần như Tám Kèn (tức Nguyễn Hoài Ân), Văn Bá Anh (Mỹ Chánh, Phù Mỹ), Lưu Hạnh (An Nhơn), Nguyễn Mới, Sáu Hoạch...

Về kịch bản xuất hiện nhiều tác giả soạn bài chòi truyện như Trương Ân, Năm Oanh, Sáu Cóc với những vở ca kịch nổi tiếng như Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, Tam Hạ Nam Ðường, Lưu Bình Dương Lễ, Quan Công Phục Huê Dung, Lý Ân Lang Châu...

Trong thời kỳ này ba thể hình bài chòi đều thịnh hành và không cạnh tranh lấn áp nhau. Bài chòi truyện có một chỗ đứng ở sân khấu phông màn, có rạp che chắn, lưu diễn ở các thị tứ, người xem phải mua vé. Bài chòi lớp tìm đất sống trên sân khấu chiếu khắp các làng mạc miền quê. Bài chòi truyền thống vẫn nở rộ mỗi dịp xuân về.


THÚ TIÊU KHIỂN TRONG BÀI CHÒI

Bản chất bài chòi là trò chơi bài của dân gian xen với ca múa do tài anh Hiệu ứng chế đồng thời có sự cộng tác, đối thoại một cách tự nhiên giữa người hô và người tham gia cuộc chơi.

Nếu đưa bài chòi lên sân khấu có phông màn tức là xóa bỏ cuộc chơi, bài chòi truyện trở nên hụt hẫng, cần bù đắp vào các điều kiện sau đây mới tạo được không khí hấp dẫn: Sự tích truyện tuy có gay cấn nhưng có hậu mới thỏa mãn người xem. Kịch bản cần cải tiến mới tránh khỏi sự tẻ nhạt nhưng không làm đứt mạch truyền thống, trong đó chất liệu bài chòi phải chiếm tỷ lệ cao, nếu không sẽ bị đồng hóa với các môn nghệ thuật khác, làm thất vọng khán giả.

Thời ấy có thành ngữ "gánh hát xà bần" để chỉ trích những gánh bài chòi diễn trò hổ lốn đã đưa hát bội, cải lương, chèo, Hồ quảng chen vào quá nửa. Ngoài ra bài chòi truyện cần có đạo diễn thành thạo, tài diễn xuất của nhân vật và giọng ca đúng điệu. Sau nữa, cách trang trí, lối trang phục và sự điều chỉnh ánh sáng rất cần thiết, làm nổi bật cảnh sắc trên sân khấu. Nhưng bài chòi truyền thống, không cần những điều kiện trên, chỉ cần một anh Hiệu tài hoa là đủ rối và tự nó đã đi vào lòng dân tộc nên có sức lôi cuốn :

" Rủ nhau đi đánh bài chòi,
Để cho con khóc đến lòi rún ra"
(Ca dao).

Bởi thế, những người khắt khe lại cho rằng: chơi bài chòi là đánh bạc vì sử dụng bộ bài tới, có cáp tiền và có sự ăn thua nên mới hấp dẫn như vậy.

Thưa không, chơi bài chòi không mang tính cách sát phạt của sòng bài, những người có máu cờ bạc không lấy gì làm thích thú ở cuộc chơi này. Trong lịch sử bài chòi, chưa có ai khuynh gia bại sản vì đam mê trò chơi này, và cũng chưa thấy ai giàu có vì trúng mánh bài chòi.

Ở bài chòi, ngoài việc thử thời vận, bói hên xui vào dịp đâu năm, người ta còn tìm đến bài chòi để mua vui qua giọng hô, tài ứng đối và lối diễn trò của Hiệu. Vì vậy, đánh bài chòi là một thú tiêu khiển, một hình thức vui chơi nhẹ nhàng, tao nhã, ít tốn kém. Một hội chơi dân gian đã trở thành tập tục vào dịp đầu xuân, mang tính chất khuyến khích sáng tác và duy trì thi ca bình dân.

Ở các tỉnh miền nam Trung phần, nhất là Bình Ðịnh ngày nay còn lưu lại rất nhiều ca dao qua lối chơi này, đóng góp không nhỏ vào kho tàng văn chương bình dân của nước nhà. Tiếc rằng hội bài chòi và trò chơi truyền thống của nó từ sau năm 1945 đã mai một dần, đến nay hầu như mất hẳn...

Đào Đức Chương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét