Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Bảy, 20 tháng 8, 2011

BÌNH ĐỊNH GIỌNG NÓI (3)

Đào Đức Chương


Bài thuyết trình tại "Hội Nghị Quốc Tế về Tiếng Việt: Lịch Sử và Giảng Dạy", tháng 7/2007 tại Viện Việt Học, Westminster, California. (tiếp theo)



3. LỐI NÓI BÌNH ĐỊNH


Ở Bình Định cũng phổ biến cách nói ví, nói lóng và nói lái nhưng mang màu sắc riêng, đặc trưng cho địa phương.


3.1 NÓI VÍ

Có những phương ngôn thường lồng vào trong câu chuyện để ví von, cụ thể hóa được vấn đề hay thêm phần đậm đà cho sự so sánh. Những câu nói ấy chỉ người địa phương mới hiểu ý ẩn dụ của nó, chứ không thể phân tích đơn giản bằng ngữ nghĩa thông thường các từ đã tạo nên câu nói đó. Điển hình một số câu phổ biến như:

3.1.1 - Ngang quá ông Chảng :

Chữ "quá" trong câu này là thổ ngữ của Bình Định nên có nghĩa là: ngang như ông Chảng; dùng để ví những ai ngang bướng chưa từng có.

Sở dĩ có câu này vì ờ làng Bằng Châu, nay thuộc xã Đập Đá (huyện An Nhơn), vào thời Tây Sơn có võ sư Đinh Văn Nhưng, tục danh là ông Chảng, tính tốt nhưng ngang ngạnh khác thường, suốt đời chưa hề kiêng nể ai. Ba anh em Tây Sơn lúc nhỏ có đến xin học võ, được thầy Chảng tận tình truyền đạt. Khi xưng vương, Nguyễn Nhạc nhớ ơn thầy cũ mà ba anh em đã lập nên nghiệp lớn. Và nhất là đời ông cố, ông nội của Nguyễn Nhạc được nhà họ Đinh ở Bằng Châu nhận bảo bọc, coi như người thân thuộc. Vua Thái Đức tỏ ý muốn phong tước cho Thầy, ông bèn tâu: "Dù Bệ hạ đã lên ngôi Hoàng Đế, nhưng vẫn là đạo con cháu của nhà họ Đinh, nếu Bệ hạ có lòng nghĩ đến thì xin cho tôi được tự phong".

Vua Thái Đức chiều ý thầy, chuẩn y cho. Ông lấy bút mực viết bài thơ dâng lên vua:

Bùng binh chi tướng,
Uýnh cướng chi quan,
Bộn bàn chi chức,
Chảng chảng ngang thiên.
(Nước Non Bình Định – Quách Tấn)

Rồi mỗi lần đến thăm vua Thái Đức ở thành Đồ Bàn, ông Chảng ngồi trên cái thang thay cho kiệu, dùng hai tàu lá đu đủ thật lớn thay cho lọng, lính hầu vác cuốc, xẻng, cào cỏ, đòn xóc thay cho cờ biển gươm giáo [3]. Con đường từ Bằng Châu đến thành Đồ Bàn chừng hơn một cây số và phải băng qua quốc lộ 1, dân địa phương cả người đi đường đứng xem đông nghẹt vì thấy cái ngang bướng lạ đời của ông Chảng.

3.1.2  Ông Xã Bình Thái lại nồi canh :

Muốn nói nồi canh, vì lỡ tay nêm muối quá mặn, người Bình Định có lối nói: "Ông xã Bình Thái lại nồi canh", đôi khi dùng tiếng tục "...đái nồi canh". Nhiều người quen gọi địa danh Bình Thái ra Bình Thới, nên câu trên được sửa lại cho hiệp vần "Ông xã Bình Thới tới nồi canh". Bình Thới là thôn nằm phía bờ Tây đầm Thị Nại, thuộc xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, dân trong làng hầu hết làm ruộng muối. Ông xã trưởng của một làng đời đời chuyên sản xuất muối biển mà lại gần nồi canh thì bảo sao nồi canh không quá mặn được!?

3.1.3  Hỗn quá nậu rổi :

Muốn ví ai ăn nói già hàm hỗn xược, người ta thường nói: "Hỗn quá nậu rẩu (rổi)." Thời trước, ít xe cộ và không có nước đá ướp lạnh cá, những người đàn bà chuyên nghề bán cá biển còn tươi, gọi chung là "nậu rổi", phải cố rút ngắn thời gian chuyên chở kẻo bị cá ươn, họ vừa gánh vừa chạy lúp xúp đến các chợ, mỗi ngày di chuyển vài chục cây số là thường. Nếu ai muốn mua cá mà trả giá từng cắc từng xu, làm kéo dài thời gian mua bán, thường bị "nậu rổi" mắng xối xả những câu tục tĩu, chọc quê trước đám đông cho xấu hổ, lần sau không dám trả giá chậm chạp nữa.

Lại nữa, cũng quanh chuyện nậu rổi, dân chúng vùng này bản chất cần cù ít nói, quanh năm hết việc đồng áng đến vườn tược hay các nghề phụ, không muốn tụ năm tụ ba đem việc vu vơ ra đàm tiếu. Họ rất ghét những ai có thói ngồi lê nói mách, đem chuyện riêng tư của người này nói cho người khác nghe. Với những hạng người đó, đôi khi họ không tiếc lời mắng nhiếc (nhưng hạn chế, chỉ những người bạo miệng mới dùng) bằng những câu nói rất tục cho đáng tội thóc mách: "Miệng nhóp nhép như mép l... nậu rổi".

3.1.4  Chuyện Cố Hỷ Cố Lai rồi !

Muốn ví một việc xảy ra đã quá lâu, quá cũ, người ta thường nói: "Chuyện Cố Hỷ [4] Cố Lai rồi!" Sự tích Cố Lai thì không ai biết được; còn bà Cố Hỷ, theo Quách Tấn (Nước Non Bình Định, trang 42 và 208) là một phu nhân, ở mé Đông Bắc đầm Thị Nại, sống vào thời xa xưa, không còn ai nhớ rõ niên đại. Bà rất giàu, nuôi hàng ngàn con trâu, khi bà qua đời, trâu không người chăn, chạy vào núi Triều Châu, lâu ngày thành trâu hoang, nên núi này trước đây có nhiều trâu rừng. Dân chài lưới tại địa phương tin rằng bà phù hộ cho đầm Thị Nại sóng êm, lắm cá nên họ lập đền thờ dưới chân núi Triều Sơn ở Huỳnh Giản (nay thuộc xã Phước Hòa, Tuy Phước). Hằng năm, đến mùa xuân, mở hội cúng tế bà Cố Hỷ rất long trọng và kết thuyền làm sân khấu nổi trên sông trước đền, thuê gánh hát bội danh tiếng về hát lễ.

3.1.5  Tướng rái :
 
Muốn ám chỉ ai bất tài nhưng nhờ gặp may, được lên địa vị cao sang quyền thế, người Bình Định thường gọi là "Tướng rái". Câu này có từ đời Gia Long. Nguyên vào năm 1775, quân Tây Sơn tiến chiếm Quảng Nam, Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần cùng Nguyễn Phúc Ánh dùng thuyền chạy vào Gia Định. Lúc đến cửa Cách Thử [5], trời tối như mực, lại gặp phải sóng to gió lớn, không dám tấp vào bờ vì sợ quân Tây Sơn bắt gặp. Đang ra sức chèo chống thì các dây buộc mái chèo đều đứt cả, thuyền trôi giạt vào đầm Thị Nại. Trong khốn cùng, bỗng nghe tiếng khịt khịt trước mũi thuyền, lén rọi đèn nhìn kỹ, một con rái to vừa bơi vừa ngoái đầu lại, tỏ ý muốn dẫn đường.

Định vương Nguyễn Phúc Thuần ra lệnh bơi thuyền theo rái. Đi được một quãng, rái lên bờ chạy vào làng (có lẽ là rái nuôi của dân làng này), Định vương và đoàn tùy tùng cũng đi theo. Chúa Duệ Tông được viên xã trưởng đón tiếp trọng hậu, dân làng cung cấp dụng cụ, sửa sang thuyền bè và bí mật đưa thuyền Nguyễn vương ra khơi an toàn.

Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi, tức Gia Long, nhớ ơn cứu mạng năm xưa, sai quan về tận địa phương truy tầm. Vua biết được nơi gặp con rái dẫn đường thuộc làng Vinh Quang, còn nơi đón tiếp Nguyễn vương thuộc làng Dương Thiện (nay hai thôn này thuộc xã Phước Sơn huyện Tuy Phước). Gia Long phong cho rái chức "Đại Tướng Quân", lập đền thờ tại làng Vinh Quang, ban thẻ bài xanh cho cả làng Dương Thiện đời đời miễn sưu thuế, còn nhà nào trực tiếp giúp đỡ thì được thưởng vàng bạc xứng đáng. Chuyện có thật này được truyền tụng qua nhiều đời. Tuy có khác nhau về chi tiết, nhưng chức "Đại Tướng Quân" đã lưu lại trong lối nói Bình Định thành ngữ "Tướng rái" ví von thú vị. Và tại địa phương, danh từ "con rái" được gọi là "Ông Rái", đã phổ biến một thời.

3.1.6 Ăn như ha hới :

Bình định còn có những câu nói không thể giải thích được căn do. Chẳng hạn như câu: "Ăn như ha hới" có nghĩa tương tự như câu: "Ăn như tằm ăn lên".


3.2 NÓI LÓNG



3.2.1 Chen tiếng đệm vào câu nói :



Lối nói lóng có chen một số từ ngữ với nghĩa qui ước mà chỉ những người trong nhóm mới hiểu được. Nói lóng ở Bình Định, chen vào sau mỗi chữ của câu nói một tiếng đệm, cấu tạo bởi phụ âm hoặc nguyên âm khởi đầu và dấu giọng của từ ngữ gốc, rồi ráp nối với vần ÂN. Do đó, câu nói lóng sẽ tăng gấp đôi số từ ngữ của câu nói gốc. Thí dụ:



Sáng nay chúng ta đi dạo phố (câu nói gốc có 7 chữ).
Sáng sấn nay nân chúng chấn ta tân đi đân phố phấn (câu nói lóng tăng thành 14 chữ).


Trường hợp ngoại lệ, vì cách ráp vần tiếng Việt, có một số từ không thể tạo thành chữ đệm đúng với nguyên tắc đã qui định. Thí dụ:



Anh em như thể tay chân
Anh ân em ân như nhân thể thẩn tay tân chân chân.



3.2.2  Nói lóng của nghề nghiệp :



Bình Định còn những câu mang tính nghề nghiệp, như: "Cho che ăn mía" hay câu "Ngồi che", tức là cán mía, lấy nước ngọt, chế biến thành đường theo lối thủ công. Che là dụng cụ ép mía, gồm hai trục cán bằng gỗ, dựng đứng, ăn khớp nhau bởi hai đầu có xẻ răng cưa và nối với một cần quay. Khi trâu, bò kéo cần quay di chuyển quanh che, theo chiều kim đồng hồ, làm hai trục cán quay ngược chiều và ép dẹp thân cây mía, lấy nước ngọt. "Cho che ăn mía" tức dí đầu cây mía vào khe trục cán. "Ngồi che" là người ngồi bên trục cán để làm công việc "cho che ăn mía".



3.3  NÓI LÁI



Nói lái là cách chuyển đổi trật tự một tổ hợp có hai hoặc ba âm tiết để thành một tổ hợp khác hẳn với tổ hợp ban đầu. Có thể hoán chuyển phần nguyên âm hay phụ âm đầu, phần vần, phần thanh điệu để tổ hợp mới hoàn toàn khác với ngữ nghĩa ban đầu, nhằm mục đích chơi chữ, bông đùa, châm biếm hoặc trao đổi riêng với nhau.



3.3.1  Về cấu trúc :



Nói lái ở Bình Định giống với nói lái ở miền Bắc là không hoán chuyển vị trí dấu giọng, nhưng lại khác nhau nhiều điểm quan trọng. Nói lái Bình Định, vẫn giữ vị trí phụ âm hay nguyên âm khởi đầu và chỉ hoán đổi phần âm vận. Trong khi nói lái ở miền Bắc, hoán chuyển nguyên cả chữ. Như vậy, nói lái của Bình Định phức tạp hơn vì phải sử dụng cách ráp vần tiếng Việt.

Thí dụ:



Bình Định : lọ tương thành lượng to
Bắc : lọ tương thành tượng lo.



Bình Định : đấu tranh thành đánh trâu
chứ không hoán chuyển âm đầu: đấu tranh thành trâu đánh.



- Trường hợp ngoại lệ phải hoán chuyển cả dấu giọng để có thể đọc được các từ trong tổ hợp mới, theo cách ráp vần tiếng Việt.



Bình Định : cốt tu thành cu tốt,
chứ không nói lái 2 lần: cốt tu – tu cốt – tốt cu .



- Trường hợp biệt lệ. mặc dù cấu trúc hai cách nói lái khác nhau nhưng có một số tổ hợp vẫn cho ra cùng một đáp số.



Bình Định : con cầy thành cây còn
Bắc : con cầy thành cây còn.



3.3.2  Lối chơi chữ trong nói lái :



3.3.2.1  Nói lái một câu dài, cứ ghép hai hoặc ba âm tiết vào một tổ hợp để nói lái, nếu tổ hợp ba âm tiết thì nói lái ở âm tiết thứ nhất và thứ ba, giữ y âm tiết thứ hai.

Thí dụ: Ông cha/ trồng cây mít/ ba năm/ có trái/ được ăn/ trèo lên/ vỗ cái bum/ hái xuống/ đem vô/ xẻ ra/ lấy hột/ chị em/ xúm lại ăn/ cho rồi.

Nói lái thành: A chông/ trít cây mồng/ băm na/ cái tró/ đặc ương/ trền leo/ vũm cái bô/ huống xái/ đô vem/ xả re/ lột hấy/ chẹm y/ xắn lại um/ chôi rò.



3.3.2.  Nói lái giả âm tiếng nước ngoài, trong cách chơi chữ, Bình Định còn dùng nói lái có âm điệu như đang nói tiếng Pháp.



Thí dụ: Quăng xơ mít bên sông ăn mót.
Nói lái thành: Quích xơ măng bông sên ót măng.


(Còn tiếp)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét