Chuyện
bếp núc là chuyện của mấy bà !? Thường thì người ta hiểu câu nầy qua ý nghĩa
xem thường, đấy là chuyện không phải của đấng trượng phu ! Đâu phải vậy. Các cụ
ngày xưa thờ ngũ tự chi thần : Môn, Hộ, Tài, Tỉnh, Táo thì Táo Quân là nhất gia
chi chủ. Thờ Định Phúc Táo Quân (thần Bếp) đứng trên cả các vị thần coi ngó cuộc
sống của một gia đình : Cửa, Ngõ (trông coi, gìn giữ), Tiền tài (những thứ được
làm ra), Giếng nước, Bếp núc (miếng ăn thức uống hằng ngày). Vậy chuyện miếng cơm
có ăn hằng ngày qua tay của mấy bà thì lẽ nào các cụ không coi trọng.
Cái
bếp ngày xưa dưới hình dạng 3 ông đầu rau. Cái bếp lò đất nung hay cái kiềng 3
chân được đánh bằng sắt xem ra thật vững vàng và thật tiện lợi để đốt bằng than
hay để đủ cửa chụm các loại củi. Ấy đấy, đừng cho là các cụ ngày xưa không có óc
khoa học nhé ! Chẳng qua các cụ diễn giải một sự việc dưới cái nhìn khang khác
cái cách của ta ngày nay mà thôi. Chẳng hạn như để khuyên một đứa bé hỉ mũi chưa
sạch khi bước vào nhà ai thì phải lấy mũ nón xuống để tỏ lòng kính trọng thì các
cụ hay bảo :
- Vào nhà phải lấy mũ nón xuống chớ không bị lùn
đấy các con !
Mấy
đứa nhỏ mới đi chập chững hẳn là sợ lùn hơn là sợ việc tỏ ra không có kính trọng
người lớn. Kính trọng nghĩa là sao thì đâu đã có khái niệm gì trong đầu của một
đứa nhỏ ! Ngay như một vài người to đầu ngày nay chắc gì đã hình dung ra được để
biểu hiện sự kính trọng một đối tượng nào đó thì phải có những hành vi nào!?
Để
giải thích tại sao có 3 ông đầu rau của cái bếp mấy cụ lấy chuyện hai ông một bà
trọng tình trọng nghĩa ra mà kể :
Có hai vợ chồng trẻ nhà
kia, chồng đi làm ăn xa thỉnh thoảng mới trở về, có khi suốt năm gần Tết mới về
đến nhà. Rồi một năm nọ người chồng đi biền biệt. Người vợ ở nhà mỏi mòn chờ đợi.
Thấm thoát đã 10 năm hơn, không còn tin tức của chồng, nàng đành lòng ưng thuận
lời hỏi cưới của một thợ săn. Cả hai sống hạnh phúc cùng miếng dưa miếng muối.
Một hôm, người chồng đi
săn, người vợ ở nhà vô tình gặp lại người chồng cũ. Khi biết chồng biền biệt
bao năm chỉ vì đi buôn gặp cướp, mọi thứ mất hết phải lưu lạc xin ăn, lần hồi tìm
đường về quê cũ, người vợ chỉ còn biết ôm chồng cũ mà khóc than. Đã đến lúc người
chồng mới quay về, người vợ phải vội đưa chồng cũ ra một đống rơm ẩn tạm. Người
chồng săn được một con thú, vào giục vợ đi sắm mọi thứ để có làm thịt.
Vợ vắng nhà, chồng đem
con thú ra thui ở đống rơm. Lửa vô tình cháy cả. Người chồng cũ giữ nghĩa cho vợ,
cắn răng ở trong lửa chịu chết. Người vợ về thấy chồng cũ vì mình mà chết, đau đớn
lao vào lửa. Người chồng mới thương tiếc vợ cũng đâm đầu vào lửa chết theo. Sau
đó Diêm Vương cho ba người làm 3 “ông đầu rau” lo việc lửa củi cho mọi nhà.
Có
nhiều câu chuyện khác cũng kể tương tự như vậy, cũng đều có cấu trúc như vậy để
diễn đạt những sẵn sàng hy sinh cho người, sẵn lòng quên mình vì nghĩa vì thương.
Ấy đấy, các cụ xem người đàn bà ngày xưa là nội tướng trong nhà, mọi lặt vặt
lem lọ người phụ nữ vì cả nhà mà phải đảm đương để chồng con toàn tâm lo việc lớn.
Thế các cụ có không coi trọng chuyện bếp núc đâu. Với các cụ, những người chỉ
biết quẩn quanh với bếp núc chỉ vì những người ấy là những kẻ giá áo túi cơm :
Phong trần mài một lưỡi gươm
Những phường giá áo túi cơm sá gì
(Kiều)
Ngày
xửa ngày xưa các cụ đã có cái nhìn về Ông Táo lý thú như vậy. Gần gần đây các cụ
nhà ta cũng có cái nhìn vui vui về Ổng :
ÔNG TÁO
Cục đất nắn ra đáng mấy đồng
Thế mà ai cũng phải kêu Ông
Nồi niêu bưng bợ mình lem lọ
Củi đuốc lòn chui gối gập gồng
Lưỡi uốn tàn tro trơ mốc mỉu
Mồm phun sặc khói khét hơi nồng
Bao năm ngóng chuyện đời dâu bể
Nhảy tót thiên đình mét lấy công
(Đạm Thủy)
Nào ai hiểu chuyện đã thông ra
Bếp có hai ông với một bà
Đồ lại đồ đi đau bếp núc
Luận tình luận lý hổ nhà ta
Còn nghe cục Đất nung hòn Táo
Đã thấm câu Thần cậy gốc Đa
Mặt lọ, không quần, quen thóc mách
Nên đời cúng bảy lại thêm ba.
(Đồ Gàn)
Hăm
ba tháng chạp thường niên được xem là ngày Vua Bếp chầu trời báo cáo chuyện
trong năm. Tiễn Vua lên đường nhà nhà phải cúng kính, chuẩn bị hành trang, mua
sắm phương tiện cho Ông. Ngày nay ai đã có cái nhìn nào khác về Vua Bếp chưa !?
Hay là thôi phải biết uốn lưỡi bảy lần, từ tốn ăn ngay nói thẳng như các cụ nhà
ta đã dạy, chớ có nên ăn nói kiểu phạm húy, Ông Táo mà báo cho thiên đình, Thượng
Đế nổi xung lên thì khốn !?
Hoài An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét