Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

NGÀY XUÂN CHƠI ĐỔ XĂM HƯỜNG


Trong những thú chơi Tết ngày xưa thì có lẽ chơi đổ Xăm Hường là trò chơi hấp dẫn cả người lớn lẫn bọn trẻ, nhưng vào thời buổi nầy thấy không bao nhiêu gia đình tổ chức được cuộc chơi. Ngày xưa nhiều khi người lớn còn năn nỉ bọn trẻ chơi đổ Xăm Hường ngày Tết để … bói hên xui đầu năm. Chơi đổ Xăm Hường không mang tính cao thấp, hoàn toàn dựa trên may rủi của 6 hột xúc xắc bung vào tô mà ngẫu nhiên nó đem chiến thắng đến cho người chơi. Chơi trò chơi hên xui nầy cũng không kém phần hồi hộp, căng thẳng, nhưng chưa bao giờ thấy đổ Xăm Hường mà sinh ra chuyện cãi vã, gian lận cay cú ăn thua như những trò sát phạt khác. Cũng vì vậy mà người lớn muốn bọn trẻ đầu năm đổ Xăm Hường, vừa chơi vừa giải trí, mà cũng vừa như xin cái xăm xem thử chuyện học hành, thi cử của bọn trẻ trong năm như thế nào.

Chơi trò đổ Xăm Hường, còn gọi là bói Xăm Hường chỉ cần có bộ hột xúc xắc (còn gọi là hột xí ngầu, hột tào cáo) và bộ thẻ, có được một tô sứ to, sâu lòng để bung hột xúc sắc nữa thì tốt. Các thẻ trong bộ Xăm Hường được mang tên những học vị đạt được trong thi cử thời xưa. Cách chơi chỉ cần bung vào tô sứ 6 hột xúc xắc, qua các mặt xúc xắc hiện lên, theo quy định mà người chơi giật được thẻ Trạng nguyên, thẻ Bảng nhãn hay Thám hoa, hay Tiến sĩ … Tên gọi các thẻ xăm phần nào đã thể hiện khát vọng đạt được khoa bảng của sĩ tử ngày xưa, phần nào đó cũng thể hiện được tính thanh tao của một trò chơi nho nhã.

Đổ Xăm Hường, tiếng xúc xắc lanh canh, rổn rảng trong tô, nét mặt người chơi náo nức, hồi hộp chờ đợi các hột xúc xắc dừng lại cho ra kết quả, tiếng chặc lưỡi tiếc rẻ hay giọng cười hê hả trong cuộc chơi …, đấy là những hình ảnh thú vị không thể thiếu của những ngày Tết thuở xưa. Họa hoằn có anh còn vỗ đùi đánh bép, tự phàn nàn mình đã lỡ tay bung hột văng ra ngoài tô không được tính kết quả, có khi theo quy định của hội chơi còn bị phạt nộp 1 thẻ hường vào làng. Chẳng vậy mà người lớn năn nỉ bọn trẻ đổ Xăm Hường để tập cho được cái tính từ tốn, ung dung, không lanh chanh trong cuộc chơi.

Bộ Xăm Hường

Bộ Thẻ Xăm Hường có tất cả là 63 thẻ, chia làm 6 loại. Gán cho mỗi loại thẻ có giá trị 32 điểm. Tổng cộng các thẻ lại là 192 điểm :

-       Thẻ Tú tài - có 32 thẻ, mỗi thẻ trị giá 1 điểm
-       Thẻ Cử nhân - có 16 thẻ, mỗi thẻ trị giá 2 điểm
-       Thẻ Tiến sĩ - có 8 thẻ, mỗi thẻ trị giá 4 điểm
-       Thẻ Hội nguyên - có 4 thẻ, mỗi thẻ trị giá 8 điểm
-       Thẻ Bảng nhãn và thẻ Thám hoa - là 2 thẻ, mỗi thẻ trị giá 16 điểm
-       Thẻ Trạng Nguyên - 1 thẻ, thẻ nầy trị giá 32 điểm

Khi kết thúc ván chơi, ai đang giữ trong tay gồm những thẻ nào, có được bao nhiêu điểm, số điểm theo quy định ở trên được dùng để xác định kẻ thắng người thua. Do cách ăn được thẻ khi đổ xúc xắc, các loại thẻ nầy còn có tên thông dụng theo người chơi khắp nơi thường gọi :

-       Thẻ Tú tài còn gọi là thẻ Nhất hường
-       Thẻ Cử nhân còn gọi là thẻ Nhị hường
-       Thẻ Tiến sĩ còn gọi là thẻ Tứ tự
-       Thẻ Hội nguyên còn gọi là thẻ Tam hường
-       Thẻ Bảng Nhãn và Thám hoa còn gọi là 2 thẻ Trạng em
-       Thẻ Trạng nguyên còn gọi là thẻ Trạng anh

Bộ thẻ Xăm Hường chế tác bằng đủ mọi vật liệu, đơn giản thì có thể làm bằng tre gỗ, bằng nhôm, cầu kỳ sang trọng thì khắc chạm bằng sừng, bằng ngà. Hình dáng chúng giống như thẻ xăm của các đền chùa. Tên gọi Xăm Hường là từ cái thẻ xăm nầy mà ra, hường là đọc trại chữ hồng - tên màu hồng của thời vận đỏ đem đến, màu hồng của mặt tứ hột xúc xắc. Bộ thẻ nếu làm bằng tre, chỉ cần chuốt vót sao cho loại thẻ Cử nhân lớn hơn thẻ Tú tài, thẻ Tiến sĩ lớn hơn thẻ Cử nhân, thẻ mang học vị cao hơn phải lớn hơn thêm, mấy thẻ Trạng khâu thêm lá cờ đuôi nheo khác màu vào để phân biệt Trạng anh - Trạng em là ra dáng bộ Xăm Hường.

Bảo Tàng Mỹ Thuật Cung Đình Huế hiện nay còn lưu giữ được bộ Xăm Hường của vua Tự Đức - thất lạc mất 7 thẻ (2 thẻ Tú tài, 4 thẻ Cử nhân, 1 thẻ Tiến sĩ). Hộp đựng thẻ làm bằng gỗ mun khảm xà cừ, thẻ được tạo tác bằng ngà voi, mỗi loại thẻ còn có khắc số điểm và cách thức được ăn loại thẻ đó. Xem vậy chơi đổ Xăm Hường hấp dẫn cả vương tôn công tử, có lẽ trò chơi nầy ngày xưa xuất phát từ trong cung đình, trong giới quan quyền rồi mới lan truyền tới sĩ tử, thứ dân.

Bộ Xăm Hường của Vua Tự Đức 

Cách Ăn Thẻ

Từ xác suất xuất hiện mặt xúc xắc được chọn mà có cách ăn thẻ. Trước tiên căn cứ vào mặt tứ (màu đỏ hồng) của hột xúc xắc :

-       Khi 6 hột xúc xắc có được 1 mặt tứ, ăn được thẻ Nhất hường
-       Khi 6 hột xúc xắc có được 2 mặt tứ, ăn được thẻ Nhị hường hoặc 2 thẻ Nhất hường
-       Khi 6 hột xúc xắc có được 3 mặt tứ, ăn được thẻ Tam hường, hoặc 2 thẻ Tứ tự, hoặc 4 thẻ Nhị hường, hoặc 8 thẻ Nhất hường.
-       Khi 6 hột xúc xắc có được 4 mặt tứ, gọi là tứ hường Đoạt Trạng Nguyên, ăn được thẻ Trạng anh, còn gọi là ăn Trạng Đỏ, 2 mặt hột xúc xắc còn lại được tính tuổi cho Trạng. Ví dụ 2 mặt kia là tam và ngũ, gọi là Trạng đỏ 8 tuổi. Vòng sau có người cũng đổ ra được 4 mặt tứ, 2 mặt còn lại có tuổi cao hơn thì họ giật lấy thẻ Trạng nầy.
Nếu đổ ra được tứ hường mà hai mặt còn lại là 1 mặt tam và 1 mặt nhất, gọi là Trạng Cáp Xiên. Trạng Cáp Xiên cướp được Trạng Đỏ bất kỳ tuổi nào.
Nếu đổ ra được tứ hường mà hai mặt còn lại là 2 mặt nhị, gọi là Trạng Cáp Chính. Trạng Cáp Chính cướp được cả Trạng Cáp Xiên lẫn Trạng Đỏ bất kỳ tuổi.
-       Khi 6 hột xúc xắc có được 5 mặt tứ, gọi là ngũ hường Đoạt Tam Khôi, ăn được cả thẻ Trạng anh lẫn 2 thẻ Trạng em, ai có lấy được Trạng em trước đây thì cũng giật lấy. Hột xúc xắc còn lại cũng được tính tuổi cho Trạng.
-       Khi đổ xúc xắc mà có được cả 6 mặt tứ, gọi là Lục Phú Hường, ăn toàn làng, tổng số điểm các thẻ là 192 được nhân đôi lên thành 384 điểm

Còn cách ăn thẻ không căn cứ vào mặt tứ của hột xúc xắc :

-       Khi 6 hột xúc xắc mà có được thứ tự từ nhất đến lục, gọi là Suốt, ăn được 1 thẻ Trạng em.
-       Khi 6 hột xúc xắc có được 2 mặt nhất, 2 mặt nhị và 2 mặt tam, gọi là Thượng Mã hay Nhất Nhì Xa, hoặc có được 2 mặt tứ, 2 mặt ngũ và 2 mặt lục, gọi là Hạ Mã hay Tứ Ngũ Thiên cũng ăn được thẻ Trạng em
-       Khi đổ xúc xắc có được 3 mặt nầy giống nhau, 3 mặt còn lại cũng giống nhau, ví dụ 3 mặt tam với 3 mặt nhất, hoặc 3 mặt ngũ với 3 mặt lục .v.v…, gọi là Phân Song, ăn được thẻ Trạng em.
Nếu trong đó có 3 mặt là tứ thì gọi là Phân Song Tam Hường, ăn được thêm thẻ Tam hường nữa, hoặc ăn các số thẻ Tứ tự, Nhị hường, Nhất hường tương ứng số điểm.
-       Khi đổ xúc xắc mà có được 4 mặt giống nhau mà không phải là 4 mặt tứ, ví dụ 4 mặt nhất, hoặc bốn mặt nhị .v.v…, gọi là Tứ Tự thì ăn được thẻ Tứ tự, hoặc 2 thẻ nhị hường, hoặc 4 thẻ nhất hường.
Nếu có 4 mặt giống nhau và có thêm 1 mặt tứ, gọi là Tứ Tự Nhất Hường, ăn thêm được 1 thẻ nhất hường nữa.
Nếu đổ ra được Tứ tự mà 2 mặt kia cộng lại bằng với mặt tứ tự, ví dụ có được 4 mặt tam và 1 mặt nhất với 1 mặt nhị, hoặc 4 mặt lục và 1 mặt ngũ với 1 mặt nhất .v.v…, gọi là Tứ Tự Cáp, ăn được thẻ Trạng em. (Có 2 trường hợp đặc biệt của tứ tự cáp. Thứ nhất là trường hợp đổ ra 4 mặt nhất và 1 mặt ngũ với 1 mặt lục thành ra 11 là tứ tự cáp của mặt nhất. Thứ hai là trường hợp đổ ra 4 mặt nhị và 2 mặt lục cũng là tứ tự cáp của mặt nhị).
Có nơi quy định gặp được 4 mặt giống nhau còn 2 mặt kia phải là 2 mặt tứ thì mới gọi là Tứ tự cáp.
-       Khi đổ xúc xắc mà có được 5 mặt giống nhau, gọi là Ngũ Tử, ăn được thẻ Trạnh anh, còn gọi là ăn Trạng Đen. Mặt của hột còn lại cũng dùng để tính tuổi cho Trạng để giật lấy Trạng Đen nhỏ tuổi hơn. Ngũ Tử có mặt còn lại là mặt tứ thì gọi là Ngũ Tử Đại Ấn có số tuổi cao nhất trong tranh đoạt Trạng Đen.
-       Khi xúc xắc có 6 mặt đều giống nhau mà không phải là mặt tứ, gọi là Lục Phú, ăn toàn làng các thẻ với tổng số là 192 điểm.

Bộ thẻ Xăm Hường có tất cả 192 điểm. 192 chia chẵn cho 2, 3, 4, 6, 8, 12, 16 … nên chơi đổ Xăm Hường bao nhiêu người chơi cũng được, thuận tiện cho cảnh sum họp gia đình, anh em quây quần bên nhau vui chơi 3 ngày Tết, bói hên xui đầu năm.

Với số người chơi được chia chẵn theo trên như 8 người chơi chẳng hạn, chia đều 192 điểm cho 8 người thì mỗi người phải có 24 điểm. Không đậu chớn như tứ sắc, chơi đổ Xăm Hường, tùy ít nhiều tiền được lì xì trong năm mà hội chơi cùng nhau quy định mỗi điểm bao nhiêu đồng, kết thúc ván chơi thừa điểm thì bán thẻ ra, thiếu điểm phải mua cho đủ. Tương tự 6 người chơi thì mỗi người phải có 32 điểm, 4 người chơi thì mỗi người phải có 48 điểm…

Còn nếu số người chơi mà 192 không chia chẵn cho như 5, 7, 9 …, cách chơi đơn giản là lấy bớt thẻ theo số dư. Ví dụ với 5 người chơi, lấy bớt 2 thẻ nhất hường (hoặc 1 thẻ nhị hường), mỗi người có tương ứng 38 điểm. Với 7 hoặc 9 người chơi thì lấy bớt 1 thẻ nhị hường và 1 thẻ nhất hường ra, 7 người có 27 điểm, 9 người thì có 21 điểm … Nhưng thường thường các hội chơi không lấy bớt thẻ ra mà tổ chức cách bán Trạng.

Nếu với 5 người chơi, người có Trạng anh trong tay được quyền bán tất cả thẻ của mình, như vậy 4 người còn lại mỗi người phải có số thẻ đủ 48 điểm. Tương tự với 7 người chơi thì 6 người còn lại, mỗi người phải có số thẻ đủ 32 điểm … Còn khi 9 người trở lên, người có Trạng em trong tay xem như là đủ điểm thẻ, được quyền bán trước các thẻ dư còn lại, tiếp đến người có Trạng anh mới bán nốt phần mình.

Bán Trạng và Cướp Trạng là những quy định của trò chơi đã tạo nên sự sinh động, hào hứng cho người chơi. Mấy cụ ngày xưa có lẽ đã chế tác bộ Xăm Hường theo sinh biến của quẻ Dịch : Thái cực (1) sinh Lưỡng nghi, Lưỡng nghi (2) sinh Tứ tượng, Tứ Tượng (4) sinh Bát quái (8) … chuyển biến thành 192 rồi 384 hào … nên với bộ Xăm Hường có thể chơi với bao nhiêu người cũng phù hợp, chơi đổ Xăm Hường không khác gì xin một thẻ Xăm xem thời vận đầu năm. Cũng có lẽ vì vậy mà ngày xưa mấy cụ chơi đổ Xăm Hường chỉ trong mấy ngày Xuân. Và thường các cụ chăm chăm sao được thường thường bậc trung, đổ được Suốt để mong mọi việc hanh thông trong năm, tiền hung hậu cát, chớ không mong đổ ra được Lục phú hường ăn toàn làng 384 điểm, vì với quan niệm xưa bao giờ gặp đỏ quá thì cũng sẽ hóa đen. Mấy cụ ngày xưa có câu cửa miệng “chết một cửa tứ”, hẳn là lấy từ hình ảnh chơi đổ Xăm Hường mà ra cả 6 mặt tứ được Lục phú hường.

Chơi đổ Xăm Hường, bói Xăm Hường có nhiều ý nghĩa là vậy nhưng nay hầu như chẳng còn được mấy ai tổ chức quây quần vui chơi 3 ngày Tết !? Có phải chăng sự sum họp họ hàng anh em trong gia đình không còn được quần tụ như xưa ! Có phải chăng con đường học hành nên danh Cử nhân, Tiến sĩ quá dễ dàng mà chẳng giúp gì nhiều cho đời đã làm phai nhạt lòng người ! Học để làm quan có chức có quyền, nhưng chức quyền đi đôi với đặc quyền đặc lợi từ ngàn xưa đến nay đã làm mờ mất bóng dáng những bậc lo trước cái lo của thiên hạ … Người đời nay đã xem khoa cử qua trò chơi đổ Xăm Hường chỉ còn là chuyện của một thời vang bóng.

Xuân Quý Tị

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét