(tuoitre.vn) - Ngày 1-1-1882, cách nay 130 năm, là ngày chính quyền thực dân Pháp đã buộc người Việt ở Nam kỳ “phải dùng chữ quốc ngữ”. Nội dung quan trọng này nằm trong nghị định ra ngày 6-4-1878 “về việc dùng tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin” do Thống Đốc Nam Kỳ Lafont ký.
KỲ 1 : HAI THẾ KỶ MỘT QUYẾT ĐỊNH
Nghị định trên ra đời sau 20 năm Pháp xâm chiếm nước ta và sau thế kỷ ra đời và phát triển của chữ Việt.
Vì sao người Pháp ra nghị định 6 - 4 - 1878?
Điều này được nói rõ trong nội dung nghị định. Nguyên văn như sau:
“Xét rằng chữ viết của tiếng An Nam bằng mẫu tự Latin ngày nay đã khá phổ thông trong các tỉnh Nam kỳ, là thứ chữ dễ học hơn chữ Nho và tiện lợi nhiều so với chữ Nho trong việc làm cho những giao dịch giữa các quan cai trị với dân bản xứ được trực tiếp hơn. Xét rằng việc dùng hợp pháp thứ chữ đó chỉ làm cho dân chúng dễ đồng hóa với chính quyền ta, và vì thế thật là một đường lối chính trị tốt nếu bắt buộc dùng nó trong các giao dịch chính thức. Tuy nhiên, xét rằng một cải cách quan trọng như thế không thể thực hiện được ngay tức khắc, và để thực hiện nó cần có sự cộng tác của những tầng lớp lãnh đạo trong dân chúng. Chiếu đề nghị của quyền giám đốc nội vụ, sau khi hội đồng tư vấn đã được hội ý kiến, nay ra nghị định:
Điều 1 : kể từ ngày 1-1-1882 tất cả những văn kiện chính thức, nghị định, quyết định, sắc lệnh, phán quyết, chỉ thị...sẽ được viết, ký và công bố bằng chữ mẫu tự Latin.
Điều 2 : kể từ ngày trên, không một tuyển dụng nào được thi hành, không một thăng trật nào được cho phép, trong ngạch phủ, huyện, tổng đối với bất cứ ai không ở trong tình trạng viết được chữ quốc ngữ. (Nguyễn Văn Trung - Chữ, văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc)
Đến đầu năm 1881, thống đốc Nam kỳ lúc đó là Le Myre de Vilers đã ký quyết định “nhắc lại” việc dùng chữ quốc ngữ trong hệ thống hành chính. “Vì lời nghị ngày mồng 6 tháng 4-1878, từ ngày mồng 1 janvier 1882, về các tờ giấy làm việc quan buộc phải viết ra bằng quốc âm chữ Langsa; Xét vì lời nghị nầy phải thi hành lần lần, vì trong lúc người ta biết chữ quốc âm Langsa đủ dùng trong các tổng” (Gia Định Báo ngày 21-2-1881). Và ngày 24-10-1881 cũng trên tờ Gia Định Báo phần tạp vụ, văn phòng Nha nội vụ đã đăng thông báo “nhắc lại”. “Ông directeur de l’interieur (giám đốc Nha nội vụ, người đương thời gọi là quan lại bộ thượng thơ), làm lời rao cho ai nấy đặng hay, lời nghị ngày mồng 6 avril 1878, buộc từ ngày mồng 1 janvier 1882 trong những giấy má việc quan mà viết theo tiếng An Nam đều phải dùng chữ Langsa mà thôi”.
Và ngày 30-1-1882, thống đốc Nam kỳ Le Myre de Vilers ra nghị định nhắc lại lần cuối cùng: “kể từ ngày hôm nay, việc chỉ dùng những mẫu tự Pháp trở thành bắt buộc trên toàn cõi Nam kỳ thuộc Pháp, trong những giấy tờ chính thức viết bằng tiếng An Nam”. (Nguyễn Văn Trung - Chữ, văn quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc).
Có thể nói, kể từ ngày 1-1-1882, người Việt bắt đầu chính thức sử dụng thứ chữ viết từng được gọi là “chữ quốc ngữ, quốc ngữ hay tiếng An Nam dùng chữ Langsa”, thứ chữ viết hôm nay người Việt dù sống ở đâu, trên đất nước VN hay nơi nào đó trên thế giới đều xem là văn tự chính thống của người Việt.
Để có được điều đó, chữ Việt đã trải qua nhiều thăng trầm.
Ngược dòng chữ Việt
Trang đầu Từ Điển Việt - Bồ - La |
Chúng ta đều biết chữ Việt do những giáo sĩ phương Tây tới Việt Nam truyền đạo sáng tạo vào thế kỷ 17. Và người được vinh danh nhiều nhất chính là giáo sĩ Alexandre de Rhodes.
Ngoài bức tượng nhỏ của ông dựng trong khuôn viên 161 Lý Chính Thắng (quận 3), ông còn có tên đường ở ngay trung tâm TP.HCM. Thực tế có phải Alexandre de Rhodes là người duy nhất sáng tạo chữ Việt? Không hoàn toàn như vậy.
Sáng tạo ra chữ Việt là công trình của nhiều người với mục đích ban đầu chỉ để truyền đạo. Theo Giáo sĩ Đắc Lộ và tác phẩm quốc ngữ đầu tiên của Nguyễn Khắc Xuyên, chữ Việt manh nha xuất hiện từ năm 1625-1626 trong một bức thư của giáo sĩ F. Buzomi, người Ý. Năm 1627, giáo sĩ Baldinotti đã xuất bản một bản Điều trần về xứ Đàng Ngoài có ghi một vài chữ quốc ngữ. Năm 1631, trong quyển Điều trần về xứ Đàng Trong của giáo sĩ Cristoforo Borri, người Ý, đã xuất hiện nhiều câu quốc ngữ như scin (xin), ciàm (chẳng), gnoo (nhỏ), chiam (chăng), tlom (trong), bua (vua)...
Tuy nhiên, công lớn lại thuộc về các giáo sĩ Bồ Đào Nha. Giáo sĩ được đương thời coi là “thầy tiếng Việt” là Francesco de Pina. Hai “học trò” của Pina được thừa nhận có công lớn là giáo sĩ Gaspar d’Amaral và Antonio Barbosa. Hai giáo sĩ này là người đầu tiên viết từ điển Việt - Bồ và Bồ - Việt. Hai ông sau khi rời Hội An, định cư ở Macau gần 10 năm. Không may Gaspar d’Amaral tử nạn trên biển Macau vào tháng 2-1646 khi trên đường đến VN. Antonio Barbosa cũng mất một năm sau đó.
Trước khi mất họ để lại trong nhà thờ San Pauli ở Macau những quyển từ điển Việt - Bồ - Latin mà họ đã sáng tạo. Và giáo sĩ Alexandre de Rhodes là người mang từ điển đó về châu Âu (Phạm Văn Hường - Đi tìm nguồn gốc chữ quốc ngữ). Đến năm 1651, quyển Từ điển Việt - Bồ - La ra đời dưới cái tên tác giả Alexandre de Rhodes. Và đây là cuốn từ điển tiếng Việt đầu tiên xuất hiện trên thế giới và ông Đắc Lộ (tên tiếng Việt của Alexandre de Rhodes) được công nhận là người có công trong việc sáng tạo chữ Việt.
Những sáng tạo của các giáo sĩ phương Tây không thể không có sự góp phần của người bản xứ. Nhiều tài liệu đã nhắc tới “những người thầy không tên” của các giáo sĩ. Theo xơ Jean Berchmans Minh Nguyệt trong tập san MISS của Vatican, giáo sĩ Đắc Lộ đã học tiếng Việt với “một người thầy trạc 10-12 tuổi”, người sau này trở thành thầy giảng đạo giúp việc cho các giáo sĩ.
Giáo sĩ Đắc Lộ đã nói về “thầy” của mình: “Chỉ trong vòng ba tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ”.
Những tài liệu khác cũng cho biết “thầy” của các giáo sĩ Amaral và Barbosa có tới 14 người. Những cái tên như Trâm, Văn Triều, Sang, Văn Tang, Cai, Văn Nhất... xuất hiện trong một tài liệu của Dòng Tên mang tên “Chung quanh mô thức rửa tội bằng thổ ngữ An Nam” (Huỳnh Ái Tông - Nguồn gốc chữ quốc ngữ).
Chữ Việt thời kỳ đầu khác xa với chữ Việt hôm nay, thậm chí hôm qua. Những từ “oũ” (ông), “kẻ hằii” (kẻ hầu), “bên đoũ đa” (bên Đống Đa)... vẫn còn nhiều âm hưởng nước ngoài đối với người Việt. Tới khi xuất hiện trong Từ điển Việt - Bồ - La năm 1651 cũng còn những khoảng cách xa với chữ Việt mà chúng ta đang dùng: “bao nheo” (bao nhiêu), “tôi blả bấy nheo” (tôi trả bấy nhiêu), “muấn” (muốn), “đức chúa Blời” (đức Chúa Trời), “iêo” (yêu), “khoăn đã nao” (khoan đã nào), “nếo” (nếu)...
Không chỉ có Từ điển Việt - Bồ - La, giáo sĩ Đắc Lộ còn được ghi nhận là có công đầu trong việc sáng tạo chữ Việt từ quyển Phép giảng tám ngày (1651) và phần “tiểu lược về tiếng An Nam hay tiếng Bắc kỳ” còn gọi là cuốn văn phạm VN đầu tiên (in chung với cuốn từ điển). Nếu Phép giảng tám ngày là cuốn sách chuyên về đạo đầu tiên của quốc ngữ thì cuốn văn phạm là sự sáng tạo không còn nghi ngờ gì nữa và là của riêng ông.
“Tất cả tinh thần của tiếng nói là ở các dấu lên xuống” - giáo sĩ Đắc Lộ nhận xét. Có thể chính nhờ cuốn văn phạm này mà các giáo sĩ, người học chữ Việt đời sau cảm thấy dễ dàng hơn.
TRẦN NHẬT VY
Cảng thị Nước Mặn - Gò Bồi ở Bình Định là một trong những nơi mà các Giáo sĩ Tây Phương khoảng những năm 1625 đến truyền giáo và soạn Từ điển.
Trả lờiXóaBạn nào có tư liệu đầy đủ về chi tiết nầy không ...