Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Ba, 14 tháng 12, 2010

NGỤY SỬ (1)

Sử của triều đại không chính thống, Sử quân giặc, Sử của quân đối địch.

Viết về quân đối địch của triều đại mình, bao giờ nhà viết sử cũng nhiều lời chê trích, phỉ báng. Muốn  hiểu rõ về “quân giặc”, chỉ có thể tìm đến những ngoại truyện, những lưu truyền khẩu ngữ dân gian. Dân gian là cái kho vô tận, ít nhiều gì cũng nói lên được những điều mà nhà viết sử của triều đại không muốn nói, không muốn nhắc đến.
1) HỌ NGUYỄN THÔN VÂN SƠN VÀ NHÀ TÂY SƠN
Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, Họ Nguyễn ở thôn Vân Sơn, Tuy Viễn ( nay thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, Tỉnh Bình Định ) đã bất chấp ngục văn tự, bất chấp những hình phạt thảm khốc có thể đến với mình, cả gia đình mỗi người một tay ghi chép lại hành trạng của triều Tây Sơn. Tây Sơn là cái gai trong mắt của Nhà Nguyễn đương thời. Hành động trả thù của Nhà Nguyễn Gia Miêu đối với ai liên quan đến Tây Sơn thật khủng khiếp, khó mà muốn nhắc đến.
Nhổ cỏ nhổ tận gốc, Triều đình Nguyễn tiêu huỷ tận gốc những gì vật chất cũng như tinh thần của Tây Sơn để lại cho đất nước. Quật mộ người đã chết, truy lùng người đang sống, người đương thời không được nhắc nhở nhà Tây Sơn. Năm cụ Tản Đà du nam ghé đến Bình Khê, biết đình làng Kiên Mỹ ngầm thờ tự ba anh em nhà Tây Sơn, chỉ biết quỳ bên ngoài bái vọng vì không ai dám mở cửa Đình. Có phải chăng những hằn thù dai dẳng của nhà cầm quyền đối với đất Tây Sơn – Bình Định, dân Bình Định sống khép kín, lúc nào cũng lo cũng lắng (Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay co (đôi co), Bình Định hay lo …). Đến bây giờ người Bình Định sống nơi đất khách, đa phần bị gán cho là dân ít cởi mở.
Sống trong xã hội nhiều nghi kỵ, ít bao dung, cha con Họ Nguyễn Vân Sơn vẫn miệt mài cùng ngọn bút. Năm cây bút trong một nhà, mỗi người một phong thái.
Cha là cụ Tú Nguyễn Khuê    ( 1825 – 1896 )
Con trưởng Nguyễn Bá Huân ( 1853 – 1915 )
Nguyễn Trọng Trì – Nghè Trì ( 1854 – 1922 )
Nguyễn Thúc Mân                  ( 1858 – 1896 )
Nguyễn Quý Luân                  ( 1859 – 1911 )
Gia tài văn học họ để lại, thơ thì mộc mạc, điềm đạm, dung dị, nhưng văn thì khẳng khái, hùng hậu, kể cả sự thể hiện cái “dũng” của người cầm bút dám ca ngợi những tướng lĩnh Tây Sơn.
Nguyễn Khuê viết
Tây Sơn nhân vật ký
Nguyễn Bá Huân để lại
            Cân quắc anh hùng truyện (nói về Đô đốc Bùi thị Xuân và các nữ tướng)
            Tây Sơn tiềm long lục (nói về nhà Tây Sơn lúc khởi đầu dựng nghiệp)
            Tây Sơn văn thần liệt truyện (nói về các kỳ sĩ dưới trướng tây Sơn)
            Bình Định hào kiệt truyện (nói về các chiến sĩ Cần Vương)
Nguyễn Trọng Trì để lại
           Tây Sơn danh tướng chinh nam truyện (truyện Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng chinh nam)
          Tây Sơn lương tướng ngoại truyện (hành trạng các tướng lĩnh Tây Sơn).
Trước đây Ty Thông Tin Văn Hóa Nghĩa Bình (lúc còn sáp nhập 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình  Định ) năm 1979 đã cho in 2 cuốn Tây Sơn văn thần liệt truyện và Tây Sơn lương tướng ngoại truyện, hiện không biết còn bản nào đã in tiếp … 
( còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét