Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

TÂY KHÊ THẢO THỤ LƯU KỲ TÍCH


Tây Khê thảo thụ lưu kỳ tích
Nam Quốc sơn hà ký võ công

Đó là câu đối chữ hán đặt 2 bên cửa Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt ngày xưa ở thôn Kiên Mỹ, xã Bình Thành, quận Bình Khê, bây giờ thuộc Thị trấn Phú Phong của huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Tây Sơn Điện được xây dựng để thờ ba vua, ba anh em Nhà Tây Sơn - Vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ và Đông Định Vương Nguyễn Lữ. Điện thờ ngày ấy khởi công trùng tu năm 1959, được khánh thành vào năm 1960.

Gọi là trùng tu, không phải khởi phát xây dựng, vì chỉ là sửa sang cho bề thế, làm mới lại ngôi Miếu đã và đang thờ ba Ngài Tây Sơn. Ngôi miếu nhỏ nằm bên giếng nước xưa, dưới tàng cây me cổ thụ.

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

BINH BIẾN THÀNH BÌNH ĐỊNH NĂM 1800


            Thành Bình Định trước xưa là Thành Đồ Bàn của Chiêm Thành, năm 1778 Nguyễn Nhạc lên ngôi vương đã cho xây đắp lại, đổi tên là Thành Hoàng Đế. Đến khi nhà Tây Sơn bất hòa, Quang Trung Nguyễn Huệ định đô ở Phú Xuân, Hoàng Đế thành của Thái Đức Nguyễn Nhạc mất thực lực nên quen gọi với tên là thành Quy Nhơn.

            Tháng 6 năm Kỷ Mùi 1799, Nguyễn Ánh ở Gia Định ra chiếm lấy được Quy Nhơn, đổi tên là Thành Bình Định. Mùa gió bấc thổi, Nguyễn Ánh về nam, giao lại nơi đây cho Chưởng Hậu quân Võ Tánh và Lễ Bộ thượng thư Ngô Tùng Châu trấn giữ. Tháng giêng năm Canh Thân 1800, đại binh Phú Xuân dưới quyền của Thiếu Phó Trần Quang Diệu và Đại Tư Đồ Võ Văn Dõng vào bao vây Thành Bình Định, hòng đánh chiếm lại Quy Nhơn. Quân giữ thành cùng với Võ Tánh có một quân thứ toàn là người Quy Nhơn, gọi là Quân Ngự Lâm. Có một phiên hiệu của đội quân nầy đã gây ra binh biến nơi thành Bình Định, nếu thành công thì không dễ gì Nguyễn Ánh đã kết thúc sớm cuộc chiến, sớm lấy được Phú Xuân, Thăng Long năm 1802.

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2016

CHUYỆN HÀM ÂN


            Cả xóm bỗng đồn rùm lên là nghe đâu Ông Chài ở chòm trên được hàm ân.

            Nói là xóm chớ thiệt ra trảng đất nằm kề con suối Co Co, cái trảng nông nổng này gần như góp đủ hết mặt mày dân các xóm Tiên Thái, Tiên Bình, Tiên Thạnh bên kia sông tản cư qua đây, cùng chen chúc sin sít ở bên nhau. Chừng mươi gia đình của xóm Tiên Trị bờ đối diện cũng kéo qua dựng lên mấy cái lều. Chỉ trong một thời gian ngắn, thốt nhiên nơi đây lều tranh trại lá mọc như nấm, trải dài từ Tiên An, Tiên Hòa xuống tới tận Tre Đôi, Soi Nổ. Mấy cái nhà lá mái, trính cối, cột to đùng ở bên kia sông Việt Minh đã cho đốt sạch. Toàn quốc phải tiêu thổ kháng chiến mà. Có riêng gì đất Bình Định nầy đâu. Lính Tây trên An Khê, Tú Thủy có mò xuống cũng sẽ chỉ gặp vườn không nhà trống. Tây có vượt sông đuổi theo dân, con nước sông Côn vùng đầu nguồn nơi đây đủ hung hãn làm chậm chân bọn chúng, dân sẽ kịp chạy lên Lỗ Trâu Nằm ở trên Hòn Dồ. Tây nó càn rát quá thì hè nhau theo đèo Bồ Bồ thoát qua Thuận Ninh. Chạy giặc mệt đủ điều, nhưng có mấy khi cả làng được túm tụm ở bên nhau, cùng gánh cùng gồng vui buồn sướng khổ với nhau như vầy đâu.