Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

CHUYỆN THẦY TRÒ


Chuyện Thầy Trò đấm đá nhau ở Trường THPT Nguyễn Huệ huyện Tây Sơn, Bình Định đã không còn là chuyện của một Trường, một địa phương nữa. Đây đó đã râm ran thành chuyện thời sự của cả nước :

Nước ta vui thật là vui
Đứng trên bục giảng thầy “xơi” học trò
Học trò nổi đóa “gan to”
Dồn thầy vào góc đánh cho no đòn

Hình ảnh người Thầy, đứa học trò thượng cẳng tay hạ cẳng chân ngay dưới câu biểu ngữ : "Học Tập Và Làm Theo Tấm Gương Đạo Đức ..." quả là nỗi đau của một nền giáo dục. Muôn thuở chuyện Thầy Trò là Thầy phải ra Thầy, Trò phải ra Trò. Nhưng Thầy và Trò nếu không có sự gắn kết những tâm tình, những dắt dìu nhau, thì ở thời đại nào Thầy và Trò cũng có một khoảng cách to đùng. Càng ngày càng to khi giáo dục được kinh doanh, khi sự hãnh tiến vị thế xã hội được đo bằng tiền !? 

Những nhà giáo lâu năm trong nghề, nhiều năm gần gũi với lứa học trò đang dần trưởng thành theo sự phát triển của công nghệ thông tin. Hơn ai hết, họ biết rõ chỉ có cái Tâm của người Thầy biết gần gũi lớp trẻ mới dẫn dắt, làm dịu được được những tâm hồn cuồng nộ của thời đại.

Tâm tình của Gv. Trường Chuyên Lê Quý Đôn - Quy Nhơn : Trần Hà Nam nhân một Câu Chuyện Buồn Của Giáo Dục là những kinh nghiệm, những biến hóa đơn giản... quý giá biết bao cho những Giáo sinh Sư phạm sắp ra trường.


Thứ Sáu, 21 tháng 2, 2014

ANH ĐI RỒI CÒN ĐÓ BIỂN TÌNH ANH


Buông điện thoại xuống, tôi chưa kịp nói gì thì Đoàn Nguyên đã hỏi vội :
-  Có phải anh ấy đã không ổn !?
-  Ảnh không ổn rồi, chị Tùng Vân nói hôm nay phải sắp xếp cho anh ấy xuất viện. Mình đến còn kịp.

Đoàn Nguyên chưa gặp anh Chu Trầm Nguyên Minh lần nào. Trước đây tôi cũng chưa từng gặp được anh Đoàn Nguyên ở ngoài đời. Khi nghe tin tôi vừa về lại SaiGon sẽ đến thăm tác giả của bài thơ Lời Tình Buồn, anh cũng muốn cùng đi. Sáng nay chúng tôi đã gặp nhau trước khi đến với anh Chu Trầm Nguyên Minh.

Vậy thì anh Chu Trầm Nguyên Minh ơi, anh lại là cầu nối cho lớp trẻ chúng tôi, những thằng lang bạt ở đất người gặp nhau, biết nhau để cùng sẻ chia những trôi nổi đường đời. Những người lang bạt chưa già nhưng cũng đã không còn trẻ nữa, những người tìm đến với nhau chỉ với một tấm lòng.

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

QUANGTRUNG BINHKHE - CÁI TÊN THÂN THƯƠNG


Trước năm 1975, tên các Danh nhân Việt Nam được dùng đặt tên cho một số Trường Trung Học trong các tỉnh hạt. Tỉnh Bình Định có các trường Cường Đễ, Ngô Chi Lan… ở Quy Nhơn, Tăng Bạt Hổ ở Bồng Sơn, Đào Duy Từ ở An Nhơn, Quang Trung ở Bình Khê… Tên của trường trong một tỉnh không trùng lặp nhau, nên trong mỗi tỉnh chỉ cần biết tên trường là biết được nơi ngôi trường tọa lạc.


Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

ĐỒ NGỰA


“Đồ Ngựa!” Chắc hẳn không ai lại đi lấy cho mình một cái mỹ danh (!?) như vậy. Mà nếu có ai cả gan dùng nó thì Đồ Gàn Thế Kỷ XXI tui nhứt định chẳng dám nhận Đồ Ngựa là họ hàng Nhà Đồ của tui. Ít ra nhà Đồ của tui ngày xưa đã từng vác lều gánh chõng đến trường thi để tranh nhau xem ai thông hiểu chữ thánh hiền. Có nghĩa là họ nhà tui được xếp vào hàng có chữ có nghĩa đấy. Chữ của thánh hiền bao đời đã từng là cái cần câu câu nên sự nghiệp đai vàng lọng tía đấy nhé. Chẳng phải quý bà ngày ấy chẳng tham ruộng cả ao liền, tham vì cái bút cái nghiên anh Đồ ấy sao !

Họ nhà Đồ tui lâu nay chưa có ai được đề tên trên bảng vàng bảng đỏ, chưa có ai cỡi ngựa vinh quy mà hai bên có lính hầu đi dẹp đàng - hẳn rồi, vì được cỡi ngựa vinh quy, được thiên hạ cờ lọng đi đưa đi rước như vậy thì đố ai dám gọi anh em Gàn tui là anh Đồ anh Khóa. Nhưng lý nào với lẽ đời lại chẳng rán giữ lấy lề dù giấy đã rách đã nát, đã đi chầu thánh hiền tự đời nảo đời nao. Nên giờ đây họ nhà Đồ tui lẽ nào lại thừa nhận có bà có con với đồ ngựa là đồ… chẳng ra làm sao cả trước cửa miệng thiên hạ !?

Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2014

NGÀY XUÂN NGẪM Ý XUÂN


Chắc cũng giống như mọi người, ngày xuân mà giới tay chân hằng ngày lấm mực ngẫm đến ý xuân thì họ nhớ liền ngay tới 2 câu cuối trong bài kệ của Mãn Giác Thiền Sư :

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua - sân trước - một cành mai.

Hai câu cuối của bài kệ nổi tiếng đến nỗi ai cũng nhớ, cũng thấm. Nhớ đến nỗi không cần nhớ cả toàn bài. Thấm đến nỗi khi đọc Đình tiền - Tạc dạ - Nhất chi mai … một không gian (sân trước), một khoảng thời gian (đêm vừa qua), một sự vật (một cành mai), những thành tố rời rạc đến vậy mà người đọc, người nghe tự liên tưởng đến ngay một cành mai vừa đâm chồi nẩy lộc vào đêm qua ở trước sân, liên tưởng đến ngay một sự sống chớm dậy dù xuân đã tàn.