Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

CHÍ THÀNH



Chí sĩ Phan Chu Trinh (1872-1926)
Vừa rồi đọc ở trang báo Taysonquynhon’s blog bài viết của Thời Hàn Băng người Trung quốc, bài viết “Thật đáng buồn cho cách dạy của chúng ta” than vãn  một nền giáo dục xem con người không phải là tài sản đáng quý. Thấy người mà ngẫm đến ta.
Vừa rồi Việt Nam rộ lên chuyện bằng tại chức ở Đà Nẵng. Rồi mới đây cũng đủ thứ chuyện không học cũng có bằng (giả), học (giả) có bằng thật … Nhiễu nhương bằng cấp ở mình cũng đau có khác chi chuyện đau của đất nước người!
Mục tiêu giáo dục của mình hình như vẫn còn bám víu vào lý lẽ “chuẩn hóa cán bộ”, để rồi cán bộ đổ xô đi tìm đường phải có một mảnh bằng. Giữa HỌC và HÀNH đã có một khoảng cách khá xa, huống hồ khoảng cách giữa MỤC TIÊU và THỰC HIỆN.
Chuyện Giáo dục, chuyện Văn hóa là chuyện lớn của ngàn năm. Rộ lên chuyện bằng cấp, chỉ nhân đây mà nhớ chuyện ngày xưa.
Đã trăm năm có dư, năm 1905 ở Trường Thi Hương Bình Định xảy ra một sự kiện liên quan đến khoa cử mà sau nầy cụ Huỳnh Thúc Kháng gọi là “ một tiếng sét đánh vang lừng cả nước “. Nhiệt huyết của sĩ tử lúc đó được hâm nóng thêm lên, sùng sục lên và sau đó năm 1908 họ đã cùng “đồng bào” hưởng ứng theo phong trào “xin sưu kháng thuế” khuấy động cả dọc dãy Trường sơn.
Năm ấy ba vị đại khoa của tỉnh Quảng Nam là Phan Chu Trinh (Phó bảng khoa 1901), Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp (cùng là Tiến sĩ khoa 1904) trên đường du nam tìm người cùng chí hướng với mình có ghé qua Bình Định. Gặp lúc Trường Thi tổ chức kỳ khảo hạch để chuẩn bị cho khoa thi Bính Ngọ 1906, ba cụ giả dạng sĩ tử, cùng lấy tên là Đào Mộng Giác (người tỉnh mộng họ Đào). Lúc nầy là kỳ hai thi Thơ Phú (kỳ nhất thi Kinh nghĩa, kỳ ba thi Văn sách), Cụ Trần làm bài phú Lương Ngọc Danh Sơn (ngọc quí ở nơi núi đẹp có tiếng), cụ Phan làm bài thơ Chí Thành Thông Thánh (thông suốt đạo thánh là ở nơi chí thành)
Qua đề bài thi, hai cụ đã triển khai ý chê trách kiểu khoa cử “học để làm quan “, khơi dậy sự phản tỉnh cho giới nho sĩ nhìn lại thế sự. Khi chấm thi quan trường sửng sốt, sĩ tử hay tin cũng loan truyền rộng rãi mà không biết Đào Mộng Giác là ai.
Ta thử đọc lại bài Chí Thành Thông Thánh của cụ Phan :
Thế sự hồi đầu dĩ nhất không
Giang sơn vô lệ khấp anh hùng
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ
Bát cổ văn chương thụy mộng trung
Trường thử bách niên cam thóa mạ
Bất tri hà nhật xuất lao lung
Chư quân vị tất vô tâm huyết
Thỉnh hướng tư văn khán nhất thông
Tạm dịch nghĩa
Quay đầu nhìn lại thấy việc đời trống không
Anh hùng cũng không còn lệ để khóc cho đất nước
Muôn dân thì đang chịu ách nô lệ của cường quyền
Đám nho sĩ thì đang đắm chìm với kiểu học tầm chương, trích cú
Nếu cam chịu cả trăm năm cho người mắng chửi
Biết được ngày nào mới thoát cũi thoát lồng
Các vị đâu phải là người không có tâm huyết
Mong sẻ chia, thông hiểu thơ nầy.

Trăm năm qua, con đường Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh của cụ đâu phải là lạc hậu. Học đúng nghĩa, Hành đúng nghĩa là thông suốt Đạo học. Chí thành thông Thánh.
 

4 nhận xét:

  1. Bạn TruongNghi có công sưu tầm câu chuyện của cụ Phan và các chí sĩ. Một giai thoại làm thơ tại trường thi hương Bình Định thật ly kỳ. Vừa cảnh tỉnh giới nho học thời đó, vừa gióng hồi chuông cho những ai còn thờ ơ với thời cuộc. Thật đáng cho chúng ta suy ngẫm. Đó là bài học GD cho thế hệ trẻ hôm nay. Bạn TruongNghi, sao chưa đăng bài "Lương Ngọc Danh Sơn" để anh em thưởng lãm luôn thể :)

    Trả lờiXóa
  2. "Lương Ngọc Danh Sơn" được cụ Thai Xuyên làm theo thể phú. Thế hệ trẻ ngày nay đối với văn học Trung cận đại thì thể phú thuộc dạng "khó nhai", khó muốn để ý đến. Đáng sợ cái "muốn thưởng lãm" của bạn cùng anh em.
    Tạm thời, nay ta cùng ngâm với nhau đôi câu trong bài nầy vậy.
    "Trường ca thả khốc, hạ bút san san
    Hựu hà tất Chí thành thông thánh, Lương ngọc danh sơn vi tai !"
    Vừa hát vừa khóc, bút buông đầy lệ
    Lại cần gì Chí thành thông thánh, Lương ngọc danh sơn vậy thay !

    Một lời như khóc như than
    Thôi còn Lương ngọc Danh sơn làm gì.

    Trả lờiXóa
  3. Mảnh bằng giả để lòe thiên hạ
    Lòe được rồi mà có giá chi đâu
    Tô cho mình thêm một chút mày râu
    Mảnh bằng giả đã làm rầu chi chức
    Tiên vi đức, hậu vi đức
    Bằng giả ơi trí thức được bao nhiêu

    Trả lờiXóa