Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Tư, 4 tháng 5, 2011

TRUNG KỲ DÂN BIẾN

GIẶC CẮT TÓC
 Trước thành quả canh tân của Nhật Bản cũng như các hoạt động cải cách đang, đã diễn ra ở Trung Hoa (chính biến Mậu Tuất 1898), không thể chậm trễ, một số nhà nho Việt Nam hăng hái thực hiện công cuộc cải cách – duy tân ở đất nước mình.

Tháng 4 năm 1904, Xã Sáu Lê Cơ (anh con cô của Phan Châu Trinh) xin mở Trường Tân Học ở làng Phú Lâm, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình (nay là Tiên Sơn, Tiên Phước, Quảng Nam). Thu nhận cả nữ sinh, có cả giáo viên là nữ (Cô Lê thị Mười, Cô Bảy Lẹ). Sau đó một số trường khác ra đời như Diên Phong, Phước Bình, Cẩm Toại … chủ trương học để mở mang trí tuệ chứ không phải học để đi thi. Trường dạy theo cách vừa học vừa làm ruộng, dạy chữ Quốc ngữ, cả chữ Hán chữ Pháp, dạy những môn học mới như địa dư, lịch sử, toán pháp, hội họa, thủ công … Tháng 5 năm 1904, Thương hội bình dân Phú Lâm ra đời, sau đó là Thương hội Diên Phong, Hợp thương công ty Hội An … ở Tỉnh Quảng Nam.

Hô hào cắt tóc ngắn 1908
Năm 1906, một số thân sĩ ở Phan Thiết như Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Trọng Lợi, Hồ Tá Bang … lập ra Liên Thành Thương Quán, sau đó mở ra Dục Thanh học hiệu. Cũng trong năm nầy, ở Quảng Nam rộ lên việc hô hào cắt tóc ngắn, mặc Âu phục, bài trừ hủ tục lạc hậu …

Hồ Tá Bang, Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất, Ngô Văn Nhượng sáng lập Công ty Liên Thành và Trường Dục Thanh

Tháng 3 năm 1907, Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời ở Hà Nội. Trường được tổ chức quy mô, có các ban Trước tác, Giáo dục, Tài chính, Cổ động. Một số hội viên của trường còn đứng ra thành lập các tổ chức kinh doanh công thương nghiệp. Ở Hà Nội có Nguyễn Quyền lập Hồng Tân Hưng, Hoàng Tăng Bí lập Công ty Đông Thành Xương. Ở Nghệ An có Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Lê Huân lập Triêu Dương Thương Quán …

Các sĩ phu Trường Đông Kinh Nghĩa Thục
Lúc nầy, chính sách thuộc địa của Pháp bắt đầu thu vén quyền lợi. Năm 1901, Công ty Fontaine được độc quyền nấu và kinh doanh rượu. Trước đây giá 1 lít rượu 6 xu, nay tăng lên 14, rồi 18, rồi 29 xu một lít. Trong khi đó hãng Fontaine mua lại rượu do người Việt Nam nấu chỉ 7 xu một lít. Trong khi đó, nông dân phải bỏ nhiều công sức lao dịch xây đắp thành quách, đường sá, đào sông, xây dinh thự … và gánh nhiều thứ thuế trên vai như thuế chợ, thuế muối, thuế rượu, thuế thuốc phiện ...
 
Tháng 1 năm 1904, Thành Thái ra đạo dụ quy định lại chế độ đi làm xâu : Mỗi dân nội đinh ở Trung kỳ phải đi làm xâu không công 10 ngày, trong đó 4 ngày làm việc làng, 6 ngày làm các công việc thuộc phạm vi hàng xứ - công ích thuộc hạt. Sau đó một đạo dụ khác cho phép 2 trong số 6 ngày công ích thuộc hạt được nộp tiền thay, mỗi ngày 0$20. Số tiền nộp thay gộp vào thuế thân tăng lên thành 3$ một suất đinh.

Tháng 7/1907 Vua Thành Thái bị giam tại điện Cần Chánh và sau đó bị ép truyền ngôi cho con là Duy Tân. Đến 31/12/1907, Toàn Quyền Đông Dương ra nghị định quy định lại chế độ đi sưu : Trong số 10 ngày đi làm xâu của dân đinh Trung kỳ, chỉ 2 ngày làm việc làng (hàng xã), còn 8 ngày phải ứng dịch làm cho hàng tỉnh … Thuế điền thổ tăng 5%.
Các chính sách sưu thuế, sự dung túng cường quyền hà hiếp của Pháp đã làm cho người dân khốn đốn. Đây là tiêu đích mà các nhà duy tân nhắm vào chỉ trích đã kích thích lòng phẫn nộ trong dân chúng.
Việc truyền tải sự hiểu biết đến người dân của các học hiệu tân lập đã làm cho người dân đa số là nhà nông thấy rõ cái học xưa không đủ giúp mình vươn dậy, để cuộc sống được sung túc, đầy đặn hơn phải biết kết hợp cùng công thương nghiệp, tự lực tự cường. Tiếp nhận được những hiểu biết mới, những ý thức mới, người dân dễ dàng có những phản xạ đối kháng lại áp lực đang đè nặng cuộc sống hằng ngày. Tháng 8/1906, Phan Châu Trinh gởi đến Toàn quyền Đông Dương lá thư chỉ trích chính sách cai trị của Pháp không lo mở mang khai hóa, mà chỉ lo thu thuế cho nhiều, dung túng quan lại Việt Nam hà hiếp dân ...
Khi đại đa số người dân đã thức tỉnh, việc đến sẽ đến. Ngày 6/2/1908, viên Trú sứ Quảng Nam bắt tráng dân ứng dịch 6 ngày công ích, không cho nộp bạc thay. Ngày 11/3 chừng 400 người dân Đại Lộc rủ nhau tới tỉnh kêu xin giảm sưu. Từ đó các phủ huyện khác cùng đứng lên hưởng ứng. Chẳng bao lâu, cuộc biến động lan khắp ra các Tỉnh khác. Dưới mắt Triều đình Huế, những kẻ nổi dậy làm càn là bọn giặc cắt tóc, những nhà nho duy tân như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Thúc Duyện, Nguyễn Bá Loan … là những kẻ khích biến lương dân.
Biến động Trung kỳ năm 1908 có thể sơ lược theo ghi chép biên niên :
11/3/1908 tại Quảng Nam, các ông Hứa Tạo, Trương Hoành, Lương Châu cùng đoàn nông dân áo rách, nón cời huyện Đại Lộc đưa đơn cho tòa Công sứ Pháp ở Hội An tỏ rõ nỗi thống khổ của người dân và yêu cầu giảm sưu, giảm thuế, ba người bị Công sứ Charles bắt giam. Đoàn biểu tình cho người vận động các phủ huyện khác cùng đổ dồn về bao vây tòa Công sứ.
13/3/1908 tại Quảng Nam, tất cả dinh thự hàng tỉnh đều bị bao vây. Đoàn biểu tình đã lên đến cả nghìn, tỏa về vây phủ các phủ huyện. Đoàn biểu tình các huyện Điện Bàn, Hòa Vang, Duy Xuyên do hai anh em ông Ông Ích Đường và Ông Ích Mắng lãnh đạo, lập ra đội xung phong tuyến đầu, dùng mo cau lót dưới nón, trong lưng để chịu trận roi vọt của lính.
Ông  Ông Ích Đường  bị xử chém tại chợ Túy Loan 11.5.1908

21/3/1908 dân cắt tóc kéo đến thành Quảng Nam (La Qua – Điện Bàn) đòi viên Tổng đốc Hồ Đắc Trung lên xe đi đến Tòa sứ cùng xin giảm sưu thuế cho dân. Hôm sau phủ của Tri phủ Điện Bàn Trần Văn Thống bị dân bao vây. Ngày 26/3 tới lượt Tri phủ Thăng Bình bị cầm giữ. Công sứ Pháp lệnh cho lính khố xanh giải vây, đàn áp, đoàn biểu tình đã có người chết. Tại Tam Kỳ, Trùm Thuyết dẫn đầu hơn 3000 người đến phủ đường đưa yêu sách giảm thuế sưu và đòi Đề đốc Trần Tuệ cùng đi xin sưu với dân, Đề Tuệ trước vốn là người coi dân đi phu đắp đường vào khai thác mỏ vàng Bồng Miêu, trước nộ khí của nông dân đã sợ quá mà chết.
28/3/1908 tại Quảng Ngãi, 25 hào lý và nông dân Bình Sơn kéo đến dinh Công sứ xin giảm sưu thuế. Ngày31/3, một số phủ huyện khác nổi lên hưởng ứng, rải truyền đơn kể tội Nguyễn Thân, kẻ từng cầm quân chống đối Phong trào Cần Vương trước đây, nay làm việc đắc lực cho Pháp. Các ông Nguyễn Bá Loan, Lê Tựu Khiết (Lê Khiết), Phạm Tuân, Phạm Mỹ, Nguyễn Đình Quản, Phạm Cao Chẩm lãnh đạo phong trào, gởi kiến nghị đến Toàn quyền Đông Dương giảm sưu, giảm thuế điền, bỏ thuế chợ … đòi thay thế tên Tuần vũ Lê Từ, tố giác Nguyễn Thân vu oan giá họa dân chúng.
Ngày 31/3/1908 tại Hà Nội, Phan Châu Trinh, người được xem là thủ lĩnh khởi xướng Dân biến ở Trung Kỳ bị bắt đưa về Huế, giam ở Hộ thành.
Ngày 2/4/1908, Toàn quyền Đông Dương gởi báo cáo cho Bộ Thuộc Địa ở Paris, trong đó có các điểm chính yếu : Đoàn biểu tình đông hơn hai, ba nghìn người. Không vũ trang. Đơn giản dùng số đông để đạt yêu cầu. Yêu cầu chính là xin giảm sưu, thuế. Phong trào do một số sĩ phu sách động, họ ít nhiều chịu ảnh hưởng tư tưởng Nhật Bản, một số đã bị bắt và sẽ do Nam triều xét xử.
(Còn tiếp) 

3 nhận xét:

  1. Sưu tập tư liệu công phu, phong phú. Nhưng không dễ đọc đối với người không ham thích nghiên cứu lịch sử nước nhà.
    Đoạn đầu trình bày thấy rõ chủ trương khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của các nho sĩ Phong trào Duy tân.

    Trả lờiXóa
  2. Đọc phần trước cũng rõ được một số nét chính yếu là nguyên nhân gây nên Dân biến.

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn Nguyen và GiaHung. Đoạn mở đầu bài viết đúng là Sơ lược những yếu tố chính đưa đến cuộc nổi dậy của người dân Trung kỳ, như Nguyen và Gia Hung đã nhận xét.
    Phần Sơ lược biên niên đành vậy, TruongNghi đã cố gắng nhiều để bớt khô khan.

    Trả lờiXóa