Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Bảy, 14 tháng 5, 2011

BÌNH ĐỊNH DÂN BIẾN

TRUNG KỲ DÂN BIẾN (4)
Di tích Cửa Đông Thành Bình Định
Cuộc nổi dậy của dân Bình Định xin sưu, giảm thuế năm Mậu Thân 1908 rất quyết liệt, mạnh mẽ. Lực lượng nông dân biểu tình có ngày huy động lên đến vạn người vây phủ các phủ đường, tỉnh đường thành Bình Định, tòa công sứ Quy Nhơn. Pháp phải điều động 2 đại đội lính Âu từ Bắc vào giải tỏa và đàn áp.

Theo mục Tỉnh Bình Định trong cuốn Trung Kỳ Dân Biến do Phan Châu Trinh viết năm 1911, số người chết và bị thương rất nhiều khi xảy ra dân biến. Sau khi yên việc, Công sứ tỉnh xử, cho chém ngay chừng 20, 30 người. Tổng đốc Bình Định can ngăn liền bị bãi chức.
Sau dân biến, Bình Định có nghìn người bị bắt, 101 người đã phạt thành án. Những người lãnh đạo dân biến ở Bình Định bị án có các nhà khoa bảng :
-  Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo, người làng Hòa Cư, tổng Thời Đôn, huyện Tuy Viễn, Phủ An Nhơn (nay thuộc huyện An Nhơn) nên thường gọi là Tiến sĩ Hòa Cư, đương nhiệm Tri huyện Tân Định (Ninh Hòa) – Khánh Hòa. Án xử trảm quyết, sau cải khổ sai chung thân, năm 1920 mới được trả tự do.
-  Cử nhân Lê Chuân (Truân), người Thanh Lương, Tổng Trung, huyện Bồng Sơn, Phủ Hoài Nhơn (nay thuộc huyện Hoài Ân). Án xử 100 trượng, đày 3.000 dặm, sau cải khổ sai 9 năm.
-  Cử nhân Nguyễn Du, người thôn Đại Thuận, tổng Trung Bình, huyện Phù Mỹ (nay thuộc xã Mỹ Lợi). Làm tri huyện ở Quảng Ngãi bỏ về, bị cách hết phẩm hàm.
-  Các Tú Tài Đặng Thành Tích, Bùi Phiên Dự, Nguyễn Phát, Lê Cương bị án xử giảo sau cải phạt trượng, đày Côn đảo.
Các nhà khoa bảng ít nhiều gì trong lòng người dân cũng có sự tuân phục, kính trọng. Việc có mặt cũng như tiếng nói của họ trong phong trào đã kích thích được cuộc nổi dậy của dân chúng. Một số quan chức đương quyền cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ, khâm phục những người đã dám đứng ra làm Giặc Đồng Bào. Họ tìm cách cứu xét giảm án như Tổng đốc Bình Định Bùi Xuân Quyến đã làm đối với nhóm lãnh đạo. Hoặc khẳng khái như Tri phủ Hoài Nhơn sau nầy là Nguyễn Đình Hiến đã bày bàn hương án giữa đường, đón đưa linh cửu của Chí sĩ Trần Quý Cáp từ Khánh Hòa về Quảng Nam đi ngang địa hạt Bình Định.(Về sau, năm 1923 Ô. Nguyễn Đình Hiến là Tổng đốc Bình Định – Phú Yên, có công lớn phác giác xử vụ án Thông Tằm)
Cũng như các tỉnh khác, các nhà lãnh đạo phong trào thực thụ sát cánh cùng nông dân áo rách, nón cời chính là những nhân sĩ, những hào lý ở các địa phương. Họ là những người đã nhận chân nỗi cơ cực của nông dân, họ không sử dụng cường quyền thừa gió bẻ măng khi chính sách sưu thuế đầy phức tạp đè nặng lên vai người cầm cuốc, cầm cày. Theo Bình Định Địa Chí, một số họ là những nhân sĩ như Cử nhân Nguyễn Trọng Trì, các Tú Tài Nguyễn Trực Lượng, Hoàng Tăng Duy, Bùi Trọng Hướng, Huấn đạo Lê Tư Văn, Huỳnh Vân …, một số họ là cừ mục, hương lý như Đốc Tiềm, Chánh tổng Vĩnh Thạnh Nguyễn Hàm, Lý trưởng An Hậu Phan Vinh, Lý trưởng Mỹ Trung Bùi Bàn …, các Bá hộ Huỳnh Lý, Phan Trường Vinh …
Di ảnh Tiến sĩ Hồ Sĩ Tạo (1869 - 1934)

Trong dân biến, bên cạnh người nông dân tay lấm chân bùn còn có các võ sinh của những lò võ trong tỉnh, những người chịu trách nhiệm đứng ra ngăn chặn bạo lực khủng bố để bảo vệ đồng bào. Lực lượng biểu tình ở Bình Định được tổ chức làm ba lớp. Lớp trong gọi là dân cảm tử, đa phần là những võ sĩ An Vinh, An Thái sẵn sàng áp sát vào rừng lưỡi lê đội quân Pháp. Lớp giữa là lớp dân biểu tình xếp hàng ngay ngắn ngồi quanh. Lớp ngoài là bộ phận vận động người tham gia cũng như đóng góp lương thực, một số khác tỏa về các làng, huyện trừng trị bọn điểm chỉ, ác bá dựa thế giặc. Nguyễn Thế Anh căn cứ vào các châu bản triều Duy Tân, trong cuốn Phong Trào Kháng Thuế Miền trung 1908 đã nêu lên ở Bình Khê có Hà Khuê, Hồ Cường, Lê Lý, Lê Hữu, Lê Thức, Võ Nghiệp … đã lùng kiếm các viên chức chính phủ Bảo Hộ để trừng trị. Theo một tài liệu khác, ở An Vinh Lý trưởng Nguyễn Văn Khải chỉ huy một toán tráng đinh bắt cóc bọn tay sai cho giặc, tiêu biểu có tên Uẩn đền tội, xác thả trôi sông. Ở Phù Cát có Nguyễn Hoành tổ chức ám sát hai tên gian ác là Bá và Tường do phủ phái tới. Ở Bồng Sơn có Đỗ Dương, Nguyễn Điềm, Phạm Quế, Phan Thuần cùng khoảng 50 thủ hạ cầm đao côn đến huyện đường kháng cự với lực lượng đàn áp …
Thời Cần Vương Bình Tây Sát Tả hơn 20 năm trước - 1885, giáo dân Thiên chúa giáo là đối tượng “sát tả” của nghĩa quân, trong Dân biến Bình Định 1908 thì lực lượng giáo dân lại là một bộ phận thiết yếu của phong trào. Trong công văn số 781 ngày 10/05/1908 gửi Toàn quyền Đông Dương, Khâm sứ Trung kỳ cho biết : “ Nhiều giáo dân ở tất cả các tỉnh đã tham gia vào cuộc biểu tình. Tôi không cố ý nói là bọn họ đã làm theo sự xúi giục của các giáo sĩ, tôi tin rằng các giáo sĩ đã không hay biết gì về sự chuẩn bị phong trào này trong khá nhiều giáo phận của họ. Nhưng con chiên của họ đã tham gia tích cực vào các cuộc biểu tình và tiếp tục tham gia tại Bình Định ” [trích theo Địa Chí Bình Định]
Chính từ các yếu tố trên mà nông dân Bình Định đủ điều kiện cơm đùm, cơm nắm vừa quyết liệt, vừa mềm dẻo kéo dài cuộc dân biến hơn các tỉnh khác. Quyết liệt là kháng cự với đàn áp, mềm dẻo là vẫn kiên trì đưa đơn xin sưu, giảm thuế. Công điện ngày 30/04/1908 của Khâm sứ Trung kỳ gửi Toàn quyền Đông Dương nói về cuộc nổi dậy của dân ở Bình Định : “Bọn chúng đã lôi cuốn nông dân với thuế đinh, thuế điền, phu dịch. Đàn bà được lôi cuốn với việc đòi bỏ thuế chợ. Những người làm muối và làm nước mắm rất đông ở tỉnh nầy được thu hút với vấn đề muối. Trong một lá đơn gửi cho chúng tôi, chúng đòi giảm thuế thân xuống còn 20 xu, về thuế ruộng đất, chúng đòi trở lại theo thời Minh Mạng, bỏ thuế chợ, cho diêm dân tự do khai thác ruộng muối …”. [trích theo Địa Chí Bình Định]
Máu người Bình Định đổ nhiều trong Dân biến 1908. Đối phó với đoàn biểu tình chân đất, tay trần đang vây hãm tỉnh đường Bình Định, Pháp phải sử dụng đại đội lính Âu của Grimaud từ Quy Nhơn lên giải vây như một cuộc hành quân chiến đấu quy mô. Sau khi dân biến tan vỡ, chém giết, tù đày, khủng bố bao phủ đất Bình Định. Thấy chém giết nhiều, Tổng đốc Bình Định can ngăn : “Dân nghèo không hiểu làm bậy phạm pháp, nhưng xét ra cũng không làm hại gì lắm, nên lựa vài ba người đầu nậu xử quyết, thừa ra thì phân biệt mà định tội”. Công sứ không nghe, đánh điện triệt chức ông ấy. Quan kế nhiệm theo chỉ thị thêu dệt, nên chém giết nhiều. Thảm thay. [trích Trung Kỳ Dân Biến Thủy Mạt Ký – Phan Châu Trinh]

1 nhận xét:

  1. Lực lượng biểu tình của BĐ được tổ chức có thứ lớp hẳn hoi, kéo dài cuộc nổi dậy hơn các tỉnh khác cũng phải. Người BĐ cũng giỏi quyết sách trong trướng nhỉ!

    Trả lờiXóa