Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Hai, 23 tháng 5, 2011

SUỐI TỪ BI

Hoài An


                        Chim kêu dưới suối Từ Bi
                        Nghĩa nhân còn bỏ huống chi cái gùi …

Lần đầu tôi được nghe câu ca có tên những vùng đất ở địa phương tôi là từ bà nội. Những năm đó ba mẹ đi làm xa, bà ở trên Bác xuống trông chừng tôi, cái thằng tôi mới nứt mắt đã biết đi chọc ghẹo xóm làng. Anh hai tôi đã đi học ngày hai buổi, thằng em còn bế trên tay thì đã có chị Bốn hàng xóm trông coi.

Chị Bốn nhà chẳng xa là mấy, thỉnh thoảng có việc phải chạy về bên nhà, chị ru cho em tôi ngủ rồi mới dám chuyển tay qua cho bà. Bà lúc nầy mắt đã mờ. Em tôi ngủ say, bà vẫn đong đưa ru. Bà ru hát để dẫn dụ tôi ở bên cạnh bà, bà hát cho cháu ngủ, hát cho những câu ca chín muồi trong tâm thức chúng tôi :

                        Củ lang Đồng Phó
                        Đỗ phộng Hà Nhung
                        Chàng bòn thiếp mót đổ chung một gùi
                        Chẳng qua duyên nợ sụt sùi
                        Chàng giận chàng đá cái gùi lăn đi
                        Chim kêu dưới suối Từ Bi
                        Nghĩa nhơn còn bỏ huống chi cái gùi.

Đồng Phó là nơi chôn nhau cắt rốn của anh em chúng tôi, nay thuộc Thượng giang huyện Tây Sơn. Hồi đó Đồng Phó bé tí tẹo, nhưng Ông Ngô Đình Diệm đã từng đặt chân đến đây cắt băng khánh thành Khu Trù Mật. Khu Trù Mật có Hòn Lãnh Lương, ngày xa xưa là đồn tích lương thảo của khởi nghĩa Tây Sơn, có Hóc Yến dưới chân Hòn Bà Phù là nơi đãi yến tiệc cho nghĩa quân trước khi xuống Hòn Lãnh Lương nhận lương thực trong cuộc hành binh tiến chiếm huyện lỵ Tuy Viễn. Khoai lang Đồng Phó nổi tiếng ngon, sai củ, nhưng thời ông Diệm khoai lang Đồng Phó bắt đầu lép vế trước giống khoai các Khu Dinh Điền ở Tây nguyên. Nhắc đến khoai lang người ta chỉ biết khoai lang Lệ Cần Pleiku, ít tai biết khoai lang Đồng Phó một thời cung cấp lương thực cho nghĩa quân Tây Sơn.

Thời Tây Sơn khởi nghĩa, theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí, trước đó Nguyễn Nhạc làm biện lại Vân Đồn. Biện lại là một chức quan thu thuế. Chưa rõ Vân Đồn là đồn thuế nào. Nhưng theo truyền lại thì ở Cây Muồng bên kia Dốc Đất Đỏ bây giờ, nằm phía trên Phú Lạc (là nơi sinh ba anh em Tây Sơn) một chút, xưa xa có đồn thu thuế. Đồn thuế đứng bên bờ sông Côn, án ngữ đường giao thương từ thượng nguồn về hạ bạn. Sau nầy chúa Nguyễn cho lập thêm một đồn phụ (phó) ở Đồng Phó hiện nay. Tên Đồng Phó có lẽ thoát thai từ tên Đồn phó, cũng giống như thời Pháp, trong vùng có Đồn Đoan (cũng là đồn thu thuế) nay đã gọi trại đi là Đồng Đang. Thanh điệu giọng Bình Định lởi xởi trong ăn nói hằng ngày đã làm biến dạng các tên gọi địa danh.

Đồng Phó đứng bên nầy sông Côn, bên kia sông là đất soi bồi đậu phụng Hà Nhung. Tên hành chính vùng Bắc sông Côn nằm trên Bến Cây Muồng một chút nầy gọi là Hữu Giang. Nhưng lâu nay cư dân lân cận vẫn gọi theo tên cũ xa xưa là Hà Nhung. Hữu Giang của Hà Nhung, Thượng Giang của Đồng Phó, Tả Giang của Chợ Sạn bắt đầu có tên trên sách vở vào năm 1834, khi nhà Nguyễn áp dụng phép quân điền, phân lại xóm thôn ở Bình Định. Trước đây đọc một vài cuốn truyện dã sử, thấy cảnh tả Trần Quang Diệu cỡi ngựa đi qua Thượng Giang mà thấy tội cho một giai đoạn xuất bản, phát hành mà không cần biết bên trong cuốn sách nó như thế nào …

Từ Hà Nhung đổ ngược lên nguồn, những địa danh mang âm hưởng tiếng Ba na cũng còn dùng nhiều như Hà Rêu, Hà Nhe, Hà Nhì … Phía nam sông Côn, quanh lân cận Đồng Phó thì nhiều địa danh mang âm hưởng tiếng Chăm như Cầu Cà Ná, Cầu Ba La … Bên cầu Ba La ở Chợ Sạn, khi san ũi xây dựng Nhà Máy Đường, nhiều dấu tích lộ ra ở đây trước là nơi sinh sống của một làng Chăm. Năm 2003 nước lũ xói lở bờ soi Đồng Phó cũng xuất lộ di chỉ Champa. Cư dân xưa sống quần tụ nơi đây với cái gùi, củ khoai, trái đậu đã làm nên câu ca của vùng đất quê tôi.


Di chỉ Chăm - Đồng Phó
Người làm nên câu ca đến bây giờ làm sao lần cho ra. “Chiều chiều trước bến Vân Lâu, Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm…” xuất hiện chỉ mới đây thôi, đang ở trong thời đại ghi lại bằng chữ viết, nay nó đã đi vào ca dao mà chắc gì có người còn nhớ, còn biết tên người viết nên nó. “Củ lang Đồng Phó, đỗ phộng Hà Nhung …” của chúng tôi không thể tìm ra người viết nên nó, nhưng nơi đầu tiên nó xuất hiện, có thể xác định được là địa phương có suối Từ Bi. Cái mô típ (motif) “ngó xuống…”, “ngó lên…”, “chim kêu…” là những yếu tố định hình cho nơi xuất phát câu ca.

Từ Đồng Phó - Hà Nhung ngược lên nguồn sông Côn năm sáu cây số, có con suối nhỏ đầy cây Từ Bi được người địa phương Tây Sơn thôn Tiên Thuận xưa đặt tên cho là suối Từ Bi. Suối Từ Bi, suối Co Co … những con suối nhỏ nhưng ngọt ngào đã giúp bớt mặn mồ hôi của đoàn người xưa mở đất lên nguồn. Từ đây nhìn về Đồng Phó, Hà Nhung, họ là chứng nhân cho cuộc đổ vỡ của mối tình từng chung một gùi bòn mót cái ăn …

                        Chim kêu dưới suối Từ Bi
                        Nghĩa nhơn còn bỏ huống chi cái gùi …

Sau nầy đọc trong Nước Non Bình Định của Quách Tấn, ông dẫn giải câu ca là biểu tượng mối bất hòa của Đại Tướng Tây Sơn Võ văn Dũng với các sắc tộc thiểu số quanh vùng. Tương truyền sau khi bị bắt cùng vợ chồng Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân ở Nghệ An, Võ Văn Dũng trốn thoát được về quê hương, đem hai con của Nguyễn Nhạc là Văn Đức, Văn Lương và cháu là Văn Đẩu lẩn tránh trên vùng núi Đồng Phó, Vĩnh Thạnh, tại các làng người thiểu số trước từng hợp tác với nhà Tây Sơn. Quan hệ giữa họ với Võ Công sau không còn gắn bó nữa. Năm Minh Mạng thứ 12 - 1831, chú cháu Văn Đức bị bắt đem về Phú Xuân hành quyết, còn trơ trọi một mình, Võ Công lang thang như mây ngàn, rày đây mai đó khắp vùng thượng nguồn sông Côn …

Có lẽ từ câu chuyện lịch sử bất hòa ở trên, từ bước chân hạc nội mây ngàn của Võ Công mà câu ca có khi được đọc là “chàng đi” chứ không phải “lăn đi”

                        Chàng giận chàng đá cái gùi, chàng đi …

Câu ca nếu viết đến đây cũng đã đủ nghĩa. Nhưng từ suối Từ Bi, tiếng chim thốt lên : “nghĩa nhân kia người ta còn dứt bỏ được thì sá chi cái gùi lăn nghiêng lăn ngửa”. Chỉ thêm tiếng kêu ở suối Từ Bi mà gia tăng thêm độ đớn đau, độ ngậm ngùi khi nhẩm lại câu ca.

Cũng từ suối Từ Bi, thử đi tìm những câu ca theo mô típ “khoai lang – đậu phụng”.

Thôn Phong Thạnh, xã Ninh Lộc, Ninh Hòa Khánh Hòa xưa là tên làng Suối Ré, ngày trước trồng nhiều khoai lang. Còn xã Ninh Sơn có Hòn Vung, núi hình giống cái vú nên còn có tên chữ là Nhũ Sơn. Phương dao Ninh Hòa có câu :

                        Khoai lang Suối Ré, đậu phụng Hòn Vung
                        Chàng bòn thiếp mót để chung một gùi.

Theo trang tin Văn hóa – Thể thao – Du lịch của Thị Xã Ninh Hòa, câu ca không thấy nối tiếp các câu sau. Nhưng theo chi tiết về Hòn Vung, Hòn Vung xưa là đất chuyên trồng trầu nguồn, khi đàn bà giảm ăn trầu mới chuyển sang trồng đậu phụng. Như vậy khoai lang Suối Ré đậu phụng Hòn Vung xuất hiện sau củ lang Đồng Phó đỗ phộng Hà Nhung xa.

Gần hơn là Phú Yên, phương dao ở đây cũng đầy đủ như ở Bình Định (Theo vietgle.vn – Tri thức Việt) :

                        Khoai lang suối Mít
                        Đậu phụng hòn Vung
                        Chồng đào thiếp mót đổ chung một gùi
                        Đến bây giờ nhơn nghĩa sụt sùi
                        Chàng giận chàng đá cái gùi lăn chiêng
                        Chim kêu dưới suối Từ Bi
                        Nghĩa nhơn anh còn bỏ huống chi cái gùi.

Suối Mít của Phú Yên thuộc thôn Hòa Trinh, xã Sơn Định – Sơn Hòa, ngày trước dân ở hai bên bờ khá đông và chuyên trồng mít nên có tên gọi như vậy. Gần đó có hòn Vung thuộc thôn Hòa Ngãi xã Sơn Định. Các huyện khác như Sông Cầu có núi Hòn Vung, huyện Tuy An xã An Hiệp, thôn Phước Hậu cũng có Hòn Vung chuyên làm đậu phụng. Như vậy hòn Vung nào là hòn Vung có đậu phụng trong phương dao Phú Yên. Tìm đến suối Từ Bi, mới biết được ở thôn Mỹ Phú xã An Hiệp – Tuy An có suối cùng tên nằm cách hòn Vung chừng 5km.

Phương dao của Phú Yên không nhất thống các địa danh, dù mường tượng ra hình như nó xuất hiện không thể trước củ lang Đồng Phó đậu phụng Hà Nhung, nhưng ít gì nó cũng mang tâm tình của câu ca Bình Định. Tên lại trùng tên, chuyện lại trùng chuyện là chuyện thường tình, nhưng cùng chung mối thương cảm thể hiện nên câu ca đi vào lòng người chỉ có thể cùng chung tâm tình, cùng chung lẽ sống.

Suối Từ Bi, Hà Nhung, Đồng Phó, những địa danh đã đi vào câu ca. Câu ca ngậm ngùi nhân nghĩa đã lan truyền khỏi nơi xuất phát.

                        Chim kêu dưới suối Từ Bi
                        Nghĩa nhân còn bỏ huống chi cái gùi …

Suối Từ Bi, suối mang chữ của nhà Phật, mong sao suối mang dòng chảy đầy ắp tình thương đến với con người, để con người không quên nghĩa quên nhân, đừng để cho thế nhân gặp cảnh sụt sùi …

4 nhận xét:

  1. Chuyện Suối Từ Bi dẫn dắt biết thêm cội nguồn các địa danh, tâm tình của câu ca, nỗi lòng của người viết.
    Suối Từ Bi mang chữ của nhà Phật.
    Mong đừng để cho thế nhân gặp cảnh sụt sùi ...

    Trả lờiXóa
  2. Chỉ muốn biết thêm phương dao ở Ninh Hòa, mà TruongNghi đã cho biết thêm nhiều cái hay quá.
    Cám ơn, cám ơn nhiều.

    Trả lờiXóa
  3. Củ lang Đồng Phó đỗ phộng Hà Nhung ...
    Từng chữ một, câu ca không những gói ghém một sự kiện lịch sử mà còn thể hiện được hình ảnh sùi sụt của bao duyên nợ đời thường.
    Câu ca truyền cảm xúc được đến người đọc, một phần nhờ vào công phu của người viết bài Suối Từ Bi.

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn Dam, Nguyen, GiaHung.
    Giá trị bài viết có được hay không cũng từ cảm xúc của người đọc. Cám ơn mọi người đã có phản hồi.

    Trả lờiXóa