Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Tư, 18 tháng 5, 2011

TRÔNG CHỜ

Lĩnh Thụy


Gió lan nhẹ thoảng hơi sương lạnh, mặt nước sông Côn xao xuyến trải dài, sóng bơ vơ oàm oạp vỗ vào mạn thuyền, trăng khuya vằng vặc …

Ông lão nghiêng mình chống tay chồm người ngồi dậy. Ông chậm rãi lặng lẽ, âm thầm ngồi châm thuốc hút, cái lạnh mơn man xâm chiếm tâm hồn. Ông khẽ rùng mình, sương đêm thấm ướt đẫm cả bờ vai … Xa xa cầu Kiên Mỹ thẳng tắp bắt ngang qua sông Côn mơ màng thiêm thiếp, bờ tre xanh Phú Lạc cúi đầu là sà trên mặt nước … Ông lão vẫn đêm đêm thao thức mong chờ. Ông thức với trăng sao, thi gan cùng sương gió, sâu thẳm của đêm trường. Ông lão vẫn chờ mong, nhưng đêm nay vẫn tuyệt nhiên không hề trông thấy ! … Trong yên tĩnh tiếng cuốc thê lương dấy lên khiến lòng ông buồn da diết ! Một ánh sao sa vụt tắt ngấm mãi cuối tận chân trời …

Một chút gì an ủi làm vơi bớt thầm kín nỗi niềm, nỗi buồn ấp ủ mãi trong lòng ít khi ông cùng với ai tâm sự. Trong đêm trường mênh mang, lạnh lùng, trống trải, ông lão chợt nghe lòng hòa nhập với Bến My Lăng, bất  giác ông khẽ ngâm bài thơ của thi sĩ Yến Lan, giọng ngâm ông   khàn khàn và trầm đục:

Bến My Lăng nằm không thuyền đợi khách
Ông lái buồn để gió nhẹ mơn râu
…………………………………………………
…………………………………………………
Bến My Lăng còn lạnh bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách đã bao trăng

Ông lẩm bẩm : Ông  lái buồn đợi khách đã bao trăng ! … Ông  lái buồn đợi khách đã bao trăng ?  và thở dài, tiếng thở dài lắng sâu trong tĩnh mịch. Ông lão ngã mình đầu gối trên cánh tay gấp lại đặt sau phía gáy, trời đầy sao lung linh, áng mây vương che khuất bóng trăng vàng … Ông lão thiếp dần trong mệt mỏi, trăn trở, trong tuyệt vọng, băn khăn.

Một ông lão râu tóc bạc phơ, da dẻ hồng hào, quắc thước hiện ra tay chống gậy tre miệng  mỉm cười vui vẻ :

     -    Này ! … Lão đã trông thấy chúng chưa ? … Chúng ở đâu ? … chẳng lẽ chúng không tìm về quê hương đất tổ ! … Không ! … Chúng vẫn mãi yêu thương bảo bọc lẫn nhau, biết kết đoàn họp lực, chúng biết yêu giống yêu nòi, biết nhớ nguồn, nhớ cội !,vẫn muôn đời thủy chung, son sắt, gắn bó với sóng nước Côn giang …  Hãy yêu thương chúng và nên bảo vệ giữ gìn, tránh ân hận mai sau một khi chẳng may chúng phải tuyệt dòng, tuyệt giống … Hãy kiên nhẫn đợi chờ, chớ nên mềm lòng, nản chí ! …

Bóng hình vụt biến đi … Không gian yên tĩnh lạ lùng ! …

Ông lão giật mình thức giấc trán đẫm ướt mồ hôi, niềm hy vọng dâng lên … Tiếng gà bắt đầu gáy vang ở cuối xóm bên bờ sông, trăng ngà lặn sau chóp núi …

Đã bao năm cư dân ở hai bên bờ sông Côn không còn thưởng thức món ngon cá lúi, cá lúi xương ít thịt nhiều, vốn gần gũi quen thuộc, thân thiết với hết thảy mọi người dân … Cá lúi hiếm  hoi, không nhiều như thuở trước, giờ đây quả thật quí giá vô cùng !

Xuân nữa thoáng qua … Hạ về, Thu đi, rồi Đông lại đến ! Thời gian lặng lẽ, miệt mài trôi … tuổi của ông lão ngày càng cao, lòng ông càng thêm buồn, càng thêm lo lắng, ông vẫn đợi trông và trông đợi biết đến bao giờ ! …

Ông lão ốm nằm liệt giường tính đã hơn hai tháng thoáng qua, ai cũng ngỡ ông phải ra đi ! … Không ! … Ông vẫn sống, ông phải sống để thực hiện những gì khi ông còn mãi ấp ủ trong lòng và chưa thõa mãn, sức ông đã tàn, hơi ông muốn kiệt ! … Và đêm nay ! … đứa con trai chìu lòng neo thuyền đưa ông trở lại với dòng sông xanh thơ mộng, niềm hy vọng cuối cùng ngập tràn, lan tỏa thắm cả khắp không gian, thắm cả cuộc đời gian khổ, vất vả của ông ! …  ông chợt nghe lòng mình sao không thôi thổn thức! Trăng vẫn sáng, sóng vẫn oàm oạp vỗ vào mạn thuyền, vẫn tiếng cuốc bên bờ chuốc trau não nuột ! … Bỗng đứa con trai của ông thốt lên :

-         Cá lúi ! … Cá lúi ! …  Cha ơi ! … Cá lúi về nguồn ! …

Ông lão sung sướng vui mừng nhướng đôi mắt như đã muốn mờ nhìn xuống dòng sông, bốn, năm con cá lúi lượn lờ, ngập ngừng, rồi vội vã ngược sóng biến nhanh, ông lão chỉ kịp dụi mắt nhìn theo :

-         Chỉ có bấy nhiêu ấy ư ! ? …

Đứa con trai gật đầu :

-         Khoảng bốn, năm con cá lúi !

Ông lão nở nụ cười, nụ cười thật tươi mãn nguyện, miệng phều phào:

    -    Thật … không uổng công ta đã hằng mong đợi và đợi trông … tự bấy lâu nay ! Chúng vẫn còn ! … Dù chỉ có dăm ba con ! … thế ! … thế thôi thì cũng đủ! …

Ai cũng thấy ông lão hôm nay khỏe hẳn ra, nụ cười nở luôn trên môi, lòng mừng vui hớn hở, nhưng đến hôm sau ông đã trút hơi thở cuối cùng ! …

Sau đám tang cha đứa con trai cứ thắc mắc mãi trong lòng : dòng sông xanh - đàn cá lúi có sức mạnh thế nào ? …  mà quyến rũ, chinh phục cha mình luôn vấn vương gắn bó chúng ! Anh thương cha lắm ! … Để hiểu được tâm nguyện của cha lúc ông còn sống, anh quyết định neo thuyển đêm đêm bầu bạn với sóng nước Côn giang … Anh cũng yêu bài thơ Bến My Lăng của Yến Lan mà cha vẫn thường ngâm … Sau bao đêm thao thức đợi trông, ngâm mãi bài thơ anh thích nhất là hai câu cuối :

Bến My Lăng còn lạnh bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách đã bao trăng

Giống như cha lòng anh vui mừng khôn xiết, khi dụi mắt nhìn cá lúi xuất hiện bơi lượn dưới lòng sông … Và giờ đây anh mới hiểu tâm nguyện của cha, lúc ông còn sống, vì sao ông phải làm chuyện điên rồ như thế !  anh cúi đầu thực lòng khâm phục!

Rồi cứ thế ! … mỗi năm sau ngày giỗ cha, anh neo thuyền trên dòng sông mong đợi, cá lúi mỗi năm mỗi ít dần và anh vẫn mòn mỏi đợi trông …, trong tĩnh mịch, vắng vẻ của đêm trường trên sông người ta nghe văng vẳng tiếng ngâm :

                        Nhưng đêm kia có một chàng kỵ mã
 Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly
Chàng gọi đò gọi đò như hối hả
                        Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi

Ông lão vẫn say trăng đầu gối sách
Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng
Tiếng gọi đò gọi đò như oán trách
Gọi đò thôi run rẩy cả ngàn trăng

 Bến My Lăng còn lạnh bến My Lăng
Ông lái buồn đợi khách đã bao trăng
                                                         

11 nhận xét:

  1. Bài Bến Mỵ Lăng của cố thi sĩ Yến Lan vừa là thơ nền, vừa là nguồn cảm hứng cho tác giả gởi lòng mình trong nhân vật ông lái đò mang một nỗi mong chờ khôn nguôi. Câu chuyện kết thúc có hậu vì sau cùng trước khi ông lài đò qua đời, ước nguyện của ông cũng đã thành cho dù nó thật mong manh.
    Hãy gìn giữ sự mong manh thì có ngày nó sẽ hồi sinh trọn vẹn phải không bạn TruongNghi. Mến

    Trả lờiXóa
  2. "Non nước Bình Khê" có một nhân vật (ông/bà, anh/chị) Lĩnh Thụy, đúng là người Bình Khê khi viết một bài i sì sì cảnh vật quơ hương tôi.
    Tôi xin được giới thiệu ở đây vài hình ảnh về dòng sông, bến nước, con đò,... mà tôi ghi lại được trong dịp tết Nguyên Đán vừa qua, coi như là tham góp vài bức hình minh họa vậy:
    1./ Quê tôi không có bên My Lăng, nhưng có Bến Lở, cũng trên dòng Côn giang (coi đây nè).
    2./ Bến bên này là Bến Lở, nơi tôi đứng, còn bờ bên kia là làng Phú Lạc đấy (có điều Phú Lạc không có bờ tre xanh cúi đầu là sà trên mặt nước!) (coi đây nè).
    3./ Xa xa cầu Kiên Mỹ thẳng tắp bắt ngang qua sông Côn (coi đây nè).
    4./ Và đây dòng Côn giang thơ mộng bi giờ cạn kiệt thế này, mặc dù vừa mới sang xuân (coi đây nè).
    5./ Cá lúi ư, bi giờ quê tôi hầu như không còn mà thay vào đó là cá trắm, cá mè (coi đây nè).

    Trả lờiXóa
  3. Thật cảm khái!
    Mỏi mòn con cá Lúi và bến My Lăng của sông Côn các bạn như quyện lẫn vào nhau. Đọc bến My Lăng của Yến Lan rồi mới thấy Trông Chờ của Lĩnh Thụy da diết biết chừng nào.

    Trả lờiXóa
  4. Cám ơn BuuChau đã phụ họa thêm hình ảnh cho bài của anh Lĩnh Thụy. Anh Lĩnh Thụy lớp lớn trên bọn mình.

    Trả lờiXóa
  5. NgocLuyen, mỗi người có một góc nhìn riêng mình trước một đối tượng nghệ thuật. " Hãy gìn giữ sự mong manh thì có ngày nó sẽ hồi sinh ...", góc nhìn của NgocLuyen đã làm phong phú thêm cho chủ đề của bài viết.

    Trả lờiXóa
  6. Trông Chờ viết nhẹ nhàng nhưng đầy xúc cảm.
    Bạn TruongNghi thỉnh thoảng nên đăng vài bài viết giống thế nầy cho bớt căng thẳng.

    Trả lờiXóa
  7. " Chúng ở đâu ... Chẳng lẽ chúng không tìm về quê hương, đất tổ ! ". Một tiếng kêu đau đớn cho con cá Lúi đang thay dần bằng cá mè, cá trắm ...
    Cá Lúi sông Côn các bạn chắc có gì đặc biệt lắm thì phải.

    Trả lờiXóa
  8. Cảm ơn các bạn đã góp tay và chia sẻ tâm tư cùng LinhThuy.

    Bạn Vân Long, trong Nam cũng có cá Lúi sọc, thịt không ngon, nhiều xương, miệng hơi khác với cá Lúi sông Côn. Ngoài Bình Định có câu khen những cô gái : Miệng như miệng cá Lúi.

    Cá Lúi sông Côn đến mùa nước lớn, từng bầy đàn dắt nhau vượt sóng về nguồn. Một phần hình ảnh nầy đã tạo nên bài viết của LinhThuy.

    Cảm ơn những nhận xét tinh tế, trao đổi sâu sắc của mọi người.

    Trả lờiXóa
  9. anh BC ơi!nhìn con sông Côn bi giờ em cứ tưởng là sông... Đà Rằng.
    còn cầu Kiên Mỹ là cây cầu tràn cũ chớ anh?(cái cầu mới này"dô diêng" quá!).
    "bến lở"nghe quen quen".nó nằm cách trường Quang Trung chừng bao nhiêu mét?nhờ anh chỉ dùm.(em nhớ:bến ông Nhái,bến cây me,bến ỉa...)

    Trả lờiXóa
  10. @ trần bá nghĩa:
    - Cầu Kiên Mỹ cũ, có một chi tiết mà chắc ít người biết. Thời ông Đại úy Nguyễn Xuân trường là quận trưởng Bình Khê chính quyền SG cũ, ông ta đặt tên cầu này là "cầu Phạm Hào", nhưng không ai kêu nó bằng cái tên đấy cả!
    - "Bến Lở", ở quê tui, cách trường QT khoảng 2 km (nếu đường "chim bay" thì lối 1,5 km thôi) về phía tây, cũng thuộc hữu ngạn sông Côn. Nơi đó, cách nay từ 45 - 50 năm về trước, vào những ngày hè, tui thường xuyên tung tăng tắm gội và thỉnh thoảng "sang ngang" để qua Chơn Tự đấy. Còn nay thì suốt cả 4 mùa không ai có thể tắm gội được mà chỉ có thể bơi lội khi sông Côn vào mùa lũ, lúc đông về!

    Trả lờiXóa
  11. Bá Nghĩa cũng siêng chạy ghê nghen.
    Mong có nhiều góp tay của Bá Nghĩa.

    Chúc cả nhà vui vẻ.

    Trả lờiXóa