Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

BÀI CA CẮT TÓC

TRUNG KỲ DÂN BIẾN  (1)

Vua Hàm Nghi với búi tóc
                         Tay trái cầm lược,
                         Tay phải cầm kéo.
                         Húi hề ! Húi hề ! 

Cách nay hơn trăm năm, khoảng trung tuần tháng 3 năm 1908, bắt đầu từ tỉnh Quảng Nam, những đoàn người nông dân chân đất tay trần lũ lượt kéo về các phủ huyện đòi giảm sưu giảm thuế. Chẳng bao lâu sau đoàn người mở rộng vào nam đến Bình Định, Phú Yên; ra Bắc đến Nghệ An, Hà Tĩnh. Cuộc biến động nầy theo các Văn thư Pháp và Châu bản triều Nguyễn gọi là Giặc cắt tóc, ở Bình Định gọi là Giặc đồng bào. Sau nầy được định danh là Dân biến Trung kỳ.
Gọi là Giặc đồng bào, Giặc cắt tóc. Vì cuộc biến động do những nông dân tay lấm chân bùn ùn ùn kéo đến phủ huyện với đầu tóc ngắn ngủn, cùng ca vang bài ca cắt tóc :
Tay trái cầm lược,
Tay phải cầm kéo.
Cúp hè ! Cúp hè !
Thủng thẳng cho khéo
Bỏ cái ngu mầy,
Bỏ cái dại mầy,
Cho khôn cho mạnh.
Cúp hè ! Cúp hè !
…   …   …   …
Điều lạ là bà con đi đòi giảm sưu giảm thuế, mà bài ca đi cùng lại là bài ca cắt tóc. Nếu có ai xin gia nhập cùng đi xin sưu thuế, đều phải hớt tóc ngắn mới cho cùng nhập bọn. Như vậy bài ca cắt tóc nói lên điều gì ở thời đại đó. Thời đại mà súng ống thực dân Pháp đã đánh tan gươm giáo của phong trào Cần Vương, khống chế triều đình Huế, bắt đầu thực hiện chính sách thuộc địa trên cả nước Việt Nam.
Qua sự tan rã của phong trào Cần Vương, các nhà nho yêu nước thấy rõ cái học bát cú từ chương của Việt Nam đã không chống chọi lại được văn minh kỷ thuật của Tây phương. Các chiến khu kháng Pháp kiểu xưa như Ba Đình – Thanh Hóa nhanh chóng thúc thủ trước súng Pháp. Các chiến khu Vụ Quang – Hà Tĩnh, Lộc Đỗng – Bình Định … cũng không thể kéo dài sức chiến đấu trước đòn truy bức nham hiểm kiểu Trần Bá Lộc, Nguyễn Thân, những kẻ theo Pháp sẵn sàng bắt chém cha mẹ của nghĩa quân nếu không gọi được con ra hàng.
Các nhà nho Việt Nam thời bấy giờ đã nhận thức cái học nào sẽ giúp dân thoát cũi, thoát lồng ?
Về phía Pháp, để phục vụ cho chính sách thuộc địa, Pháp lập trường Thông ngôn năm 1862, trường Hậu bổ năm 1873 ở Nam kỳ đào tạo nhân viên hành chánh, giải quyết vấn đề ngôn ngữ bất đồng trong cai trị. Ở Bắc kỳ, năm 1886 Pháp cho lập Trường Thông ngôn ở Yên Phụ - Hà Nội (Trường Thành Chung). Ở Trung kỳ, Trường Quốc Học Pháp Tự Trường Môn được mở ra dưới triều Thành Thái năm 1896 để dạy cho các con quan làm việc cho Pháp.
Về phía Việt Nam, ngoại trừ Trường Y được lập năm 1902 ở Hà Nội, dưới mắt các nhà nho thời bấy giờ, người nào bước vào học các trường do Pháp lập ở trên là những người sẽ làm việc cho  Pháp, không hy vọng gì trông cậy được. Ảnh hưởng trào lưu tư tưởng Tây phương truyền vào Việt Nam qua các “Tân thư” của Trung Hoa, một số sĩ phu đã hướng nhìn về Nhật Bản, tổ chức đưa thanh niên sang Nhật học hỏi, tạo nên Phong trào Đông Du do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo; một số ra sức cổ vũ canh tân, học cái mới ngay từ nước nhà, tạo nên Phong trào Duy Tân – Đông Kinh Nghĩa Thục do cụ Phan Châu Trinh khởi xướng.
Cụ Phan Châu Trinh và bạn bè Quảng Nam là những Phó bảng, Tiến sĩ. Đỗ đại khoa nhưng sẵn sàng bỏ quan (Phan Châu Trinh - Phó bảng khoa 1901, đồng khoa, đồng liêu với Nguyễn Sinh Sắc), không ra làm quan (Huỳnh Thúc Kháng – Tiến sĩ khoa 1904), hoặc sau nầy chỉ nhận một chân Giáo thụ để mẹ vui lòng (Trần Quý Cáp – Tiến sĩ khoa 1904). Năm 1905 cả ba cụ vào Bình Định  gây xáo động Trường thi Hương qua câu chuyện giả danh sĩ tử tải truyền bài Chí Thành Thông Thánh và Danh Sơn Lương Ngọc. Đầu tháng 4/1905, các cụ đến Nha Trang, giả làm người bán thức ăn, thuê ghe ra quan sát cho được văn minh Tây phương qua  các chiến hạm Nga đang đậu ở Vịnh Cam Ranh (Các chiến hạm Nga thuộc hạm đội Baltic đang trên đường đến Lữ Thuận, không lâu sau đã bị hải quân Nhật đánh tan chỉ với 24 giờ giao tranh).
Sau chuyến Nam du đến tận Phan Thiết tìm người cùng chí hướng, ba chí sĩ đất Quảng trở lại quê, Phong trào Duy Tân khởi phát từ Quảng Nam bắt đầu lan ra các tỉnh Trung bộ. Cuộc cải cách Duy tân xướng lập hội buôn (Phong Thử, Diên Phong - Quảng Nam, Triêu Dương - Nghệ An, Liên Thành - Phan Thiết ...), mở đồn điền, lập nông hội (Cờ Vĩ , Cẩm Nê - Quảng Nam), mở lò rèn, lập trường dạy chữ quốc ngữ ở làng Phú Lâm huyện Tiên Phước – Quảng Nam … Cuối năm 1906 cụ Phan ra Bắc gặp cụ cử Lương Văn Can, chẳng mấy lâu , tháng 3 năm 1907 Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời tại Hà Nội.
Vua Thành Thái
Phong trào Duy Tân – Đông Kinh Nghĩa Thục xuất hiện đầu thế kỷ 20 mở màn việc chống cổ hũ lạc hậu, bỏ lối học tầm chương trích cú, học kiến thức khoa học thực dụng, thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, khai hoang, lập hội phát triển kinh tế để đời sống sung túc hơn … Theo chiều hướng duy tân, chống cổ hũ, lạc hậu, những nhà nho theo cải cách đã hô hào hớt tóc ngắn, mặc âu phục như Vua Thành Thái.
Húi hề ! Húi hề !
Bỏ cái ngu mầy,
Bỏ cái dại mầy,
Ăn ngay nói thẳng
Học mới từ đây.
Học theo mới, từ bỏ lạc hậu. Đàn ông với cái búi tóc trên đầu không gọn gàng lại mất vệ sinh, bo bo viện dẫn “thân thể phát phu … ” đại diện cho giới câu nệ chữ thánh hiền, là cam chịu ách cường quyền, hãy cắt phăng nó đi. Búi tóc tó trên đầu mà không dám húi thì chuyện lớn sao dám xả thân làm. Đấy là những ý tưởng đã tạo cho những người nông dân mạnh dạn kéo đến phủ đường đòi giảm sưu giảm thuế, cả đoàn người cùng ca vang bài ca cắt tóc :
Tay trái cầm lược,
Tay phải cầm kéo.
Húi hề ! Húi hề !
…   …   …   …

7 nhận xét:

  1. Tôi được nghe bà cố (tằng tổ) của tôi kể lại về sự kiện này ở Bình Định ta.
    Ông cố của tôi (vốn là 1 hương sanh, 1 thầy đồ dạy chữ Hớn) có tham gia "giặc đồng bào", lúc bấy giờ ông còn búi tóc, để móng tay dài. Khi đó có mấy người bạn của ông (đã cắt tóc ngắn)đến "xầm xì, nhỏ to cái gì đấy" rồi ông vô bàn thờ gia tiên "thắp nhang, rót nước, khấn vái, lễ lạy" xong thì được mấy người bạn dùng dao kéo cắt tóc ngắn, cát cả móng tay nữa, rồi cùng kéo nhau đi "làm giặc đồng bào".
    Theo lời bà cố tôi kể lại thì hình như những người tham gia, tất nhiên tuyệt đại đa số là nông dân rồi, nhưng không phải là nông dân thuộc "bần hoặc cố nông". Giá như lúc bấy giờ các cụ vận động ưu tiên cho tầng lớp "nông dân cơ bản" thì kết quả và cục diện có lẽ đã khác.
    Cái hạn chế của tầng lớp có chút ít "tư hữu" và "chữ nghĩa" là không dám làm "quyết liệt và triệt để" không dám "cảm tử". (Cụ Phạm Hồng Thái là đặc biệt thôi nghen!)

    Trả lờiXóa
  2. Thiếu tá Pháp Delorm và Aymonier trong đội quân tiễu trừ nghĩa quân Cần Vương ở Bình Định đã nhận xét về tên Trần Bá Lộc :
    "Người dân ở đây sẽ còn nhớ lâu cuộc tàn sát tàn nhẫn của Tổng đốc Trần Bá Lộc đã thực hiện đối với họ".
    Việt Nam đã thua tàu chiến, súng ống của Pháp. Còn thua vì sự tàn nhẫn của đồng bào mình, những tên như Nguyễn Thân, Trần Bá Lộc.
    Thương thay.

    Trả lờiXóa
  3. Gõ thử Quốc học Pháp Tự Trường Môn trên Google, té ra là Trường Quốc Học Huế bây giờ.
    Chà chà ! Lò đào tạo toàn những lãnh tụ.

    Trả lờiXóa
  4. Trường Phú Lâm còn dạy cả Toán pháp, Địa lý. Trước chỉ có học trò nam, sau thu nhận cả nữ. Không biết Lịch sử giáo dục ở VN ta trường nào đầu tiên có nữ sinh nhỉ?

    Trả lờiXóa
  5. Trung Kỳ Dân Biến 1(!). Như vậy là còn dài tập.
    Phải không TruongNghi ?

    Trả lờiXóa
  6. Còn nhiều điều phải viết về Trung Kỳ Dân Biến
    Mỗi hôm chỉ biên chép được vài dòng.
    TruongNghi xin lỗi và mong được mọi người thông cảm.

    Trả lờiXóa
  7. Thấy bên QuangTrungBinhKhe có bài mới của TruongNghi.
    Bạn công phu dữ ha! Hèn chi bên nầy chờ mỏi cổ.

    Trả lờiXóa