Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Tư, 6 tháng 4, 2011

TIẾT THANH MINH

TIẾT THANH MINH TRONG KIM VÂN KIỀU TRUYỆN

Hai Kiều e lệ nép vào dưới hoa

               Thanh Minh trong tiết tháng ba
               Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh
               Gần xa nô nức yến oanh
               Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân …


Thanh Minh trong tiết tháng ba …
Xét về phép làm lịch Á Đông trong đó có Việt Nam đang sử dụng, Tiết Thanh Minh là một trong 24 tiết khí được sử dụng để phân định chu kỳ thời tiết trong một năm. Âm Lịch Việt Nam đang sử dụng là một loại Âm Dương Lịch, yếu tố Dương Lịch thể hiện rõ qua các ngày Tiết khí.
Lịch Âm 12 tháng, mỗi tháng có 2 Khí, Khí nửa tháng đầu gọi là Tiết khí, Khí nửa tháng sau gọi là Trung khí. Các nhà soạn Lịch thời xưa chia đường biểu kiến Hoàng đạo làm 12 cung, mỗi cung 300 tương ứng 1 tháng tiết khí. Khi mặt trời đi vào đầu cung tương ứng với ngày Trung khí, đi vào giữa cung tương ứng ngày Tiết khí. Ngày Tiết Khí xác định bằng cách nầy sẽ rơi vào một ngày Dương Lịch tương ứng (dung sai ±1).
Quy chiếu với Lịch Dương hiện nay, quan hệ ngày Tiết khí với tháng ÂL có thể ghi nhận qua bảng sau :
      TIẾT KHÍ       (DL)    TRUNG KHÍ     (DL)    (ÂL)
      Lập Xuân        4/2       Vũ Thủy          19/2     Giêng
      Kinh Trập        6/3       Xuân Phân      21/3     Hai
      Thanh Minh     5/4       Cốc Vũ           20/4     Ba
      Lập Hạ           6/5       Tiểu Mãn         21/5     Bốn
      Mang Chủng   6/6       Hạ Chí             21/6     Năm
      Tiểu Thử         7/7       Đại Thử           23/7     Sáu
      Lập Thu          8/8       Xử Thử           23/8     Bảy
      Bạch Lộ          8/9       Thu Phân         23/9     Tám
      Hàn Lộ           8/10     Sương Giáng   23/10   Chín
      Lập Đông       7/11     Tiểu Tuyết       22/11   Mười
      Đại Tuyết        7/12     Đông Chí        22/12   Một
      Tiểu Hàn         6/1       Đại Hàn          20/1     Chạp

Ngày bắt đầu Tiết Thanh Minh quy chiếu theo Dương Lịch là ngày 5/4 hằng năm (dung sai ±1). Nếu xét tháng 3 Âm Lịch theo ngày số đếm mồng 1, mồng 2 …, vì ÂL nhuận tháng nên ngày mồng 1 tháng 3 có thể dao động trong khoảng từ Tiết Xuân Phân đến Tiết Cốc Vũ, có nghĩa là dao động từ 21/3 DL đến 20/4 DL hằng năm.
Theo phép làm Lịch Âm, với phép “Hòa Trực”, 12 Trực là Kiến, Trừ, Mãn, Bình, Định,Chấp, Phá, Nguy, Thành, Thu, Khai, Bế được chuyển vận theo thứ tự với các ngày ÂL, khi nào gặp các ngày Tiết Khí (Tiểu Hàn, Lập Xuân, Thanh Minh, Lập Hạ … Đại Tuyết), lấy Trực trước đó định Trực cho ngày có Tiết Khí. Phép hòa Trực nầy hình thành nên các ngày Dần trong tháng giêng, các ngày Mẹo trong tháng 2, các ngày Thìn trong tháng 3 … các ngày Sửu trong tháng Chạp đều là Trực Kiến, nên tháng giêng còn gọi là tháng Kiến Dần, tháng 2 ÂL còn gọi là tháng Kiến Mẹo, tháng 3 ÂL còn gọi là tháng Kiến Thìn …, tháng chạp còn gọi là tháng Kiến Sửu. Tháng Kiến Thìn bắt đầu từ ngày Tiết Thanh Minh (5/4 DL) và kết thúc trước  ngày Tiết Lập Hạ (6/5 DL).
Ngày 1/3 ÂL năm 2010 là ngày 14/4 DL, Tiết Thanh Minh ngày 5/4 DL ( 21/2 ÂL )
Ngày 1/3 ÂL năm 2011 là ngày 3/4 DL, Tiết Thanh Minh ngày 5/4 DL ( 3/3 ÂL )
Ngày 1/3 ÂL năm 2012 là ngày 22/3 DL, Tiết Thanh Minh ngày 4/4 DL ( 14/3 ÂL )
“ Thanh Minh trong tiết tháng ba ” của Đoạn Trường Tân Thanh, tháng ba được xác định chính là tháng Kiến Thìn trong Lịch Âm mà ta đang sử dụng. Lúc nầy là thời tiết tháng 4 DL nên nhiệt độ đã ấm hơn lên, cây cỏ đã tốt tươi, tiết trời đã trở nên trong sáng (Thanh minh), là cơ hội để nam thanh, nữ tú (yến oanh) du xuân, ra đồng dạo chơi (đạp thanh – dẫm lên cỏ xanh) …

Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh …
Người Tàu một số tỉnh có tục lệ Tảo mộ vào tiết Thanh Minh (người Phúc Kiến, Triều Châu …), một số tỉnh tảo mộ vào tiết Đông Chí (người Hải Nam …). Lễ Tảo mộ nói giản dị là quét dọn (tảo), dẫy sạch cỏ mộ phần của ông bà, tổ tiên …, tổ chức lễ cúng, dâng phẩm vật, hương hoa cho người quá vãng để tỏ lòng tưởng nhớ.
Người Hoa ở Việt Nam dù xa cố hương nhưng vẫn xem ngày Tiết Thanh Minh là ngày Tết của người âm. Tết Thanh Minh, họ cùng nhau đến nghĩa trang gia đình quét dọn, sửa sang, trang hoàng lại các mộ phần. Bia mộ được sơn vẽ mới, cỏ được dẫy sạch sẽ, đất được đắp bồi thêm …, người dương thế có một chút nào đó sâu lắng, thấy một chút thiêng liêng khi kính cẩn dâng hương trước mộ người quá cố.
Lễ cúng của người Hoa tại nghĩa trang được chuẩn bị 2 mâm, một mâm cúng Thổ thần với lễ vật tam sanh (thịt heo luộc, trứng vịt, con tôm), một mâm cúng mộ phần với heo quay, hoa quả, hương đèn … và món đặc trưng không thể thiếu là giấy tiền, vàng bạc. Sau lễ cúng, mọi người quây quần ăn uống trên tinh thần cùng dự tiệc với ông bà, tổ tiên. Thường thì lễ vật cúng tại nghĩa trang dù còn thừa đều để lại tại chỗ, không mang về nhà.
Đối với người Việt Nam, tu tảo mộ phần ông bà tổ tiên đa phần được thực hiện vào tháng chạp để ông bà cùng con cháu thảnh thơi ăn Tết Nguyên Đán. Tiết Thanh Minh, người Việt cũng xem đây là Tết của người âm, nhưng là Tết của những người đã chết mà số phận kém may mắn, không ai khói nhang, không ai cúng kính.
Làng Xã Việt Nam, mỗi làng có thể chưa có Đình, chưa có Chùa, nhưng ít nhất phải có Miếu Thanh Minh, có Am chúng Sinh là nơi tế tự, nhang khói cho những nấm mồ vô chủ. Trong tâm thức người Việt, sống sao thì thác vậy, người dương thế não người cùng cảnh vật, cùng cuộc sống thì người âm đâu khác gì hơn …

Lòng nào lòng chẳng thiết tha
Cõi dương còn thế nữa là cõi âm
Trong trường dạ tối tăm trời đất,
Có khôn thiêng phảng phất u minh
Thương thay thập loại chúng sinh
Hồn đơn phách chiếc lênh đênh quê người …
(Nguyễn Du – Văn tế thập loại chúng sinh)
Với người Việt, Tết Nguyên Đán là ngày đoàn tụ gia đình, sum họp cùng Tiên Tổ, Tết Thanh Minh là ngày lo lắng cho những người đã chết mà số phần không may mắn, không được khói nhang.
Thanh Minh trong tiết tháng ba, Lễ là tảo mộ … Người Việt tổ chức tu tảo, sang sửa cho những nấm mồ vô chủ, tổ chức cúng kính người dưới mộ, không phân biệt đó là người khá hay hèn ngu, kẻ ăn mày hay tử tội ...
Hội là đạp thanh … Hội đạp thanh trong Kim Vân Kiều của Nguyễn Du tả sự kiện xảy ra thời trước ở nước Tàu, Hội đạp thanh ở đây không còn mang ý nghĩa nam thanh nữ tú du xuân mà cả làng chung sức nhau thể hiện ý thức cộng đồng, tình làng - nghĩa xóm.
Miếu Thanh Minh, Am Chúng Sinh …, Tiết Thanh Minh  đã thể hiện rõ tình người, ý thức chúng sinh trong cuộc sống của người Việt, không những của ngày xưa mà còn chính cho cuộc sống ngày nay.
Tổ chức Lễ Thanh Minh, biết thương, biết lo nghĩ đến số phận hẩm hiu của những người đã chết, … thì với người còn sống đang gặp bất hạnh, đang gặp khó khăn, xóm làng càng phải biết thương, biết đùm, biết bọc, biết chia sẻ lẫn nhau …Làm chuyện cho người âm, nhưng chính là việc làm cho người dương thế.

Đây chính là nét nhân sinh, nhân văn của ngày Tiết Thanh Minh.
Rắp hòa tứ hải quần chu
Não phiền trút sạch oán thù rửa không
(Nguyễn Du – Văn tế thập loại chúng sinh)
Chiến trận 1975, Bình Khê là nơi ác liệt súng đạn chẳng kém gì mặt trận Tây Nguyên, Xuân Lộc …, người chết bên vệ đường, bên góc núi chỉ được đắp vội nắm đất … Sau cuộc chiến, một số Miếu Thanh Minh đã bị phá hủy, nhưng đến ngày Thanh Minh người dân vẫn nhiệt tình với cuốc, xẻng, rựa phát dọn, đắp bồi thêm đất cho những nấm mồ hoang, không phân biệt người dưới mộ là lính bên nào, ít nhiều gom góp sắm sửa hương đèn, hoa quả … cúng ngay bên vệ đường, bên góc rẫy.
Không biết bây giờ ở quê, Miếu Thanh Minh có được xây dựng lại, có được sửa sang …

2 nhận xét:

  1. Bài viết hay.
    Thanh Minh VN không phải đi chơi xuân mà là ngày làm việc nghĩa.
    Biết làm việc nghĩa cho người âm thì sẽ biết động lòng với người còn trên dương thế.

    Tôi chép lại nhận xét của tôi bên trang quang trung binhkhe. Xin được thêm :

    Bạn nào rõ cách dùng các từ Nghĩa trang, Nghĩa địa, Bãi tha ma. Chỉ cho biết với.

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết còn phân tích được tháng ba, tháng thời tiết trong Kim Kiều. Khá hay.
    Theo tôi ba từ bạn Đạm hỏi đều dùng để chỉ nơi chôn người đã mất.
    Bãi tha ma là nơi còn ngổn ngang gò đống, có thể dùng như nơi các mả lạng, vô chủ.
    Nghĩa địa, đất cho việc nghĩa làm chỗ chôn người, dùng chung như mộ địa.
    Nghĩa trang có thể tạm hiểu như nơi các mộ địa có sắp xếp ngay hàng thẳng lối.
    Theo Đào Duy Anh trong Hán Việt Từ Điển thì Nghĩa trang dùng như Nghĩa điền là ruộng nương để lấy hoa lợi mà giúp cho người nghèo khổ.
    Đúng hay sai, bạn nào rõ chỉ vẽ thêm.

    Trả lờiXóa