Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

VĂN DOAN DIỄN CA - TRUYỆN CHÀNG LÍA



VĂN DOAN DIỄN CA - TRUYỆN CHÀNG LÍA, bản Nôm Minh Chương Thị người làng Phụng Du đính chính, khắc in ở Việt Đông Phật Trấn (Quảng Đông). Không rõ in vào năm nào, Gs. Nguyễn Văn Sâm (Viện Việt Học) sưu tầm, phiên âm, Nguyễn Hiền Tâm viết bạt, hiệu đính. NonNuoc BinhKhe đăng lại từ phiên bản [doc] VanDoan.doc của Khoa Văn Học và Ngôn Ngữ Đại Học Xã Hội và Nhân Văn.

Theo GS Nguyễn Văn Sâm, Truyện thơ Chàng Lía được các nhà tân học ở Nam Kỳ khoảng cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 phiên âm ra chữ quốc ngữ dưới hình thức “bổn cũ soạn lại”. Có nghĩa là thêm thắt, sửa đổi ít nhiều rồi đem in ra để phục vụ nhu cầu cấp thiết sách vở thời kỳ nầy. Nay ông phiên âm, gắng giữ nguyên bản theo bản khắc in Nôm. Truyện thơ có pha thêm các hình thức Nói (viết), Nói lối (tán), Nói thơ (xướng), Hát nam (vãn), Hát khách (loạn), Than thở (thán)... của hát bội. Vô hình trung truyện thơ đã hình thành nên một thể loại văn chương mà Gs. Nguyễn Văn Sâm gọi là Thơ Tuồng. Ông cho rằng Thơ Tuồng “vừa có hình thức truyện thơ, vừa có những thành tố đặc biệt của tuồng hát bội với những thay đổi cách nói và thêm sự ra bộ nếu người nói thơ có khả năng làm những công việc này. Bởi vậy người nói thơ đồng thời tạo cho người nghe thơ những nhân tố để hình dung ra câu chuyện và thấy như mình đang xem trình diễn trên sân khấu với sự than thở, nói năng, xưng tên, hát hò, diễn tả nội tâm cũng như những điều suy nghĩ của nhân vật”  




VĂN DOAN DIỄN CA - Nhị Bổn

Phụng Du lý - Minh Chương thị đính chính
Quảng Thạnh Nam phát thụ [phát hành]
Việt Đông Phật Trấn, Phước Lộc đại nhai [đại lộ]
Bửu Hoa Các tàng bản



Có người ở phủ Qui Nhơn
Ở Phù Ly huyện, ở miền Bích Khê.
Cha xưa lính trụ[1] thảy về,
Vợ chồng kết nghĩa, sanh rày một con.
Thời trời vận khiến thon von[2]
Cha thác mẹ còn, Lía chịu mồ côi[3].
Hái rau, bắt ốc lần hồi,
Dưỡng nuôi từ mẫu tháng ngày trải qua[4].
Thằng Lía thôi mới nói ra,
Cho con ở mướn với ông Lục Tường[5].
Lía nên  bảy tuổi càng thương
Ở với Lục Tường chăn một bầy trâu.
Canh ba gà mới gáy đầu[6]
Một mình thằng Lía đuổi trâu ra đồng[7].
Thằng Lía để trâu ăn rong[8]
Lía bèn thôi mới thẳng xông vào làng.
Trái bầu, trái bí, củ khoai
Lía trộm hoài hoài, gian đã nên gian[9].
Thốt thôi Lía bắt trộm gà
Vừa trống vừa mái ôm ra một lần[10].
Về nhà, canh hỡi còn khuya
Thắp đèn thổi lửa tức thời nấu ăn
Mẹ già còn ngủ chẳng hay[11]
Lía nấu vừa rồi kêu mẹ dậy ăn.
Mẹ ôi, còn ngủ làm chi
Người thì giàu có, ta thì khó khăn.

Tán:
Dạ, dám thưa mẹ, trong sách thánh nhân, người có nói rằng:
Phú dữ quí thị nhơn sở dục, còn như
Bần dữ tiện thị nhơn sở ố[12] là phải lắm mẹ.

Xướng:

Mụ Lía ngó thấy một khi,
Mụ bèn mới hỏi của nầy ở đâu?
Thằng Lía thưa mẹ đặng hay
Của nầy Lục Tường kỉnh mẹ một mâm[13].
Mụ Lía thôi mới nói ra
Mầy làm chức gì, người lại kỉnh tao[14]?
Tớ đầy[15] thời có phần ăn.
Trăm việc giữ gìn ấy là phận con[16].
Có đâu thịt béo gà ngon
Của nầy ăn trộm người ta đem về[17].
Thằng Lía thôi mới quì thưa[18]
Thương mẹ ở nhà không kẻ dưỡng nuôi[19].

Lại nói:
Thưa mẹ, trong sách người có nói rằng
Phú quí đa nhơn hội,
Bần cùng thân thích ly[20], thời đã phải lắm mẹ!

Xướng:
Thằng Lía thưa mẹ một khi
Thân con ở mướn ở thuê cùng người.
Đói no cơm tẻ ngày hai[21],
Lòng thương từ mẫu hôm mai ở nhà.
Tôi[22] mà chẳng thương mẹ già
Tôi đi ăn trộm làm gì mẹ ôi[23]!
Lía bèn thôi mới ra đi
Rạng ngày vậy thì trâu đã mất đi[24].
Kiếm trên kiếm dưới hồi lâu,
Chẳng ngờ trâu lạc, Tham Bình bắt đi[25].

Tham Bình:
Nào trẻ gia đinh đó bây. Ậy, nghe tao dặn:

Xướng:
Bốn phương canh giữ cho nghiêm,
Tuần phòng tám hướng mà coi phen nầy.
Thằng nào xao xiến[26] tới đây
Bây bắt nó lại đem ngay vào nhà.
Thằng Lía nghe nói rụng rời[27]
Trâu nay gia hại, khốn tao làm vầy[28].

Lại nói:
Khổ dã, khổ dã!
Nguy tai, nguy tai[29]!
Nào tôi biết liệu làm sao, mà đem trâu về, cho người ta chừ[30]?

Xướng:
Âu là toan chước một khi,
Giả làm trò khó, giáo khuyên[31] nhà người.
Đầu thời ta đội nón cời[32]
Tay cầm roi ngựa tới nơi Tham Bình.
Tôi nay học đạo Khổng Trình[33]
Lỡ bữa nên mới giáo khuyên nhà người.
Trợn tròng con mắt ngó lên[34]
Thằng Lía nhìn hết bốn bên cửa nhà.
Tham Bình ngỡ thiệt học trò
Đem cho tiền gạo, Lía bèn ra đi[35].
Một mình bàn luận vân vi[36],
Đứng chờ trời tối lẻn vào một khi.
Lía bèn nổi lửa tứ tung[37]
Nhà rày đã cháy, ta vào mở trâu[38].

Lại nói:
Hảo hảo tai đắc kế
Khoái khoái dã ngô tâm[39].
Âu là:   Phóng trâu nọ về nhà,
Hồi Lục Tường phi báo a!
Thưa ông, trâu tôi đã đem về đủ cho ông đó!

Xướng:
Lục Tường thôi mới lắc đầu
Giả ơn Chú Lía đặng trâu đem về.
Khá khen thằng Lía mưu sâu
Tao mất trâu này chẳng kể còn đâu.
Lía bèn thôi mới, thưa ông
Tôi không ở nữa, về nuôi mẹ già[40].

Lại nói:
Cúi đầu bái biệt chủ gia
Bắc mặt quê xưa trở lại[41].

Vãn:
Bắc mặt quê xưa trở lại
Cúi đầu từ gia chủ dời chơn.

Lại nói:
Âu là: Kíp trở lại gia trung,
đặng ngõ báo lai từ mẫu[42] a!

Loạn:
Diêu vọng sơn xuyên bộ bộ khinh,
Bôn ba đoạt lộ khoái ngô tình[43].




[1] Lính trụ: lính lựa, lính cẩm y.
[2] Thon von: gian nan, cực khổ.
[3] Giới thiệu tên đứa trẻ. Cái tên nầy sau nổi danh, người đời thường biết truyện đời của Lía dưới tên Vè/chuyện Chàng Lía nhiều hơn cái tên Văn Doan quá bác học. 
[4] Ở nhà sống khổ cực nhưng Lía rất có hiếu, hái rau bắt ốc để nuôi mẹ.
[5] Tự ý Lía xin đi ở mướn để mong được thêm tiền nuôi mẹ. Chí hiếu!
[6] Mới bảy tuổi đã thức khuya dậy sớm lo việc chăn trâu. Đời quá cực cho trẻ thơ!
[7] Nôm sai, khắc ván sai thành trùm.
[8] Thả trâu ăn rong: thả trâu tự do đi ăn không cần phải coi. Chữ rong có nghĩa là đi chỗ nầy chỗ kia, nay còn các từ thả rong, bán rong, đi rong, rong chơi, rong ruổi….
[9] Ăn trộm vặt vãnh mà thôi, nhưng chú ý là nó ăn trộm vì thương mẹ già yếu nghèo khổ.
[10] Lúc nầy thì đã hơi lớn hơn chút đỉnh rồi, ăn cắp bầy gà phải là tay lão luyện mới làm được.
[11] Chi tiết nầy nói rằng Lía trộm cắp không phải làm theo lời mẹ dạy. Lía chỉ tự ý muốn tìm món ngon vật lạ cho mẹ mình thôi.

[12] Giàu sang là điều người ta mong muốn, còn nghèo khổ là điều người ta ghét.
[13] Lía dối như ngưòi ta kỉnh mẹ mình lắm vậy. Chữ Nôm không rõ nhưng cũng nhìn ra dạng chữ mâm 𣙺.
[14] Bà mẹ không tin người ta cho mình món ngon vật lạ vì con mình chẳng là cái thá gì hết. Kỉnh : kính; kỉnh tao: kính biếu tao.
[15] Đầy tớ, thầy tớ.
[16] Bổn phận con là gìn giữ, chu toàn công việc cho người ta. chữ gìn bản Nôm nhòe, cũng đọc được 㕓 với bộ mịch ở trước.
[17] Bà mẹ bắt thóp được đứa con: Làm đầy tớ thì món ngon làm sao có được mà đem về.
[18] Chữ quì thưa cho thấy Lía rất kính yêu mẹ.
[19] Nó nói ít nhưng mẹ nó hiểu: Con ăn cắp đây là vì mẹ không có món ăn ngon…
[20] Phú quí thì nhiều người đến, còn nghèo khổ thì bà con cũng xa lìa, không đến. Tình đời mà. Nói câu nầy thằng Lía đã thấm thía cái nhục của phận nghèo. Đây là mầm của những hành vi bán trời không văn tự của Lía sau nầy. Chữ Người tôi viết hoa vì nghĩ Lía muốn nói đến một thánh nhơn nào đó.
[21] Ngày hai bữa ăn cơm thường, chỉ đủ no thôi, chẳng ngon lành gì. Cơm tẻ: Cơm nấu bằng gạo thường
[22] Tôi trong văn xưa không có nghĩa ngang tàng như ngày nay khi con cái tự xưng với cha mẹ. Trong trường hợp nầy ngày nay dùng chữ con.
[23] Ăn trộm vì mẹ chớ không vì mình. Thương thay!
[24] Bỏ về ăn cháo gà với mẹ bị người ta bắt trâu vì trâu đi lạc vô khu vườn người ta.
[25] Trâu đi lạc bị một nhà giàu tên là Tham Bình bắt. Xưa trong truyện hay tuồng cái tên thường mô tả được tính cách của nhân vật, trường hợp nầy là tham lam.
[26] Xao xiến 嗃釧:  Khua động, lộn xộn. Có thể giải thích bằng từ láng cháng của ngày nay. Chữ xiến viết bằng Nôm xuyến , theo giọng Nam.
[27] Quá thất vọng vì sợ mất trâu luôn.
[28] Tính vô xin lại mà nghe nói dữ nên sợ.
[29] Công thức than nguy khốn trong tuồng hát bội. (Nhắc lại chuyện chàng Lía nầy là loại thơ-tuồng nghĩa là một thể văn phối hợp giữa thơ lục bát và tuồng hát bội.)
[30] Tinh thần trách nhiệm hay sợ uy quyền của chủ Lục Tường?
[31] Giáo khuyên: ăn xin.
[32] Nón cời: nón rách, khờn, mòn, xấu. Đọc tạm là cời vì bản Nôm hình như viết cân + kiền .
[33] Học đạo Khổng Trình: nói mình là học trò.
[34] Lõ con mắt ngó, ngó chăm chú để tìm hiểu, ghi nhớ ngoại cảnh vô trí.
[35] Lía làm bộ ra đi khỏi nhà, nhưng thiệt sự đứng núp đâu đó.
[36] Một mình suy đi nghĩ lại [các phương sách]. Vân vi: nầy kia kia nọ.
[37] Tứ tung: tức tứ tung, ngũ hoành: khắp nơi.
[38] Ngay từ nhỏ đã hành động hơi thô bạo khi bị lâm vô chuyện khó xử.
[39] Kế hay thi hành được vui quá!
[40] Thấy cái nhục của kiếp làm người ở mướn.
[41] Đi về phía nhà mình. Bắt mặt là từ chuyên môn trong hát bội để chỉ đi về hướng nào. Khi nhân vật nói bắt mặt tức là từ giả ra đi.
[42] Mau trở lại nhà để báo với mẹ là mình không muốn ở mướn nữa. Để ý thằng Lía ngay từ nhỏ đã tự mình quyết định những việc quan trọng cho mình như xin được đi ở mướn, xin nghỉ trở về, xin được đi học….
[43] Câu công thức của hát bội chỉ việc đi mau để đến đâu đó.

(Còn tiếp)
... 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét