Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

VĂN DOAN DIỄN CA (2) - LÍA ĐI HỌC


Lía người miền Bích Khê (!?) huyện Phù Ly. Phù Ly của Phủ Qui Nhơn (tỉnh Bình Định bây giờ) thời Trịnh Nguyễn phân tranh, thời mà Lía sống có 2 Tổng là Tổng Thượng và Tổng Hạ. Đến vương triều Nguyễn đời vua Minh Mệnh, Phù Ly mới tách ra làm 2 huyện mới là Phù Mỹ (tổng Thượng) và Phù Cát (tổng Hạ), giữ nguyên địa giới đến tận bây giờ. Mồ côi cha sớm, mới 7 tuổi đầu Lía đã phải đi ở đợ, đã biết đau tình đời : Phú quý được nhiều người kéo đến - Bần cùng người thân thích cũng rời xa.

Lía là người con chí hiếu, trước đây Lía bắt ốc hái rau nuôi mẹ, nay đi ở (chăn trâu cho Lục Tường), vì Thương mẹ ở nhà không kẻ dưỡng nuôi, Lía xén thời gian đi trộm khoai hái bí, bắt gà về nấu cho mẹ ăn. Tháng ngày nầy đã hình thành trong tuổi thơ của Lía những ma mãnh ứng xử kiểu bụi đời : đốt nhà người (Tham Bình), mọi người phải lo chữa cháy để vào dắt trâu của mình bị người bắt nhốt chờ đền lúa bị trâu ăn.

Sau vụ cứu trâu cho chủ, thấm đau kiếp ở đợ bị người đời khi dễ, Lía về xin mẹ cho đi học.

VĂN DOAN DIỄN CA (tiếp theo …)




Xướng:
Về nhà, thưa lại mẹ hay
Tôi chăn trâu rày, thế sự dể tôi[1].
Trở về thưa lại mẹ hay
Tôi xin đi học văn chương[2] cùng người.
Mụ Lía mới nói cùng con
Mầy hay gian giảo, thầy nào dạy con[3].
Làng trên xóm dưới biết danh
Con hay trộm cướp tiếng đồn đã lâu.
Thằng Lía nói hết căn nguyên[4]
Tôi nay chẳng còn trộm cướp làm chi[5].
Xin mẹ hãy đem tôi đi
Lên đó vậy thì tự sự trình qua.

Lại nói:
Thưa mẹ, trong sách thánh nhơn người có nói rằng
Nhơn bất học, bất tri lý,
đãi lão hà vi[6] a mẹ?

Xướng:
Mụ Lía nghe nói khá thương
Con đà muốn học văn chương[7] cùng người.
Làm sao cho mẹ yên lòng
Trước là có hiếu, sau là người khen[8].

Lại nói:
Xin mẹ già trước khá dời chơn
Sau con trẻ tùy tòng thượng lộ[9].

Vãn:
Sau con trẻ  tùy tòng thượng lộ.
Thương mẹ già đầu bạc tuổi cao[10],

Tán:
Thưa mẹ: Như nay mẹ đem con đi tầm sư học đạo, như ý ai mà rằng, chớ như:
Ý con, nay là:
Phụ tại, quan kỳ chí
Phụ một, quan kỳ hành
Tam niên vô cải ư phụ chi đạo,
Khả vị hiếu hồ[11]!

Vãn:
Nghĩ mình phận bạc đơn cô,
Cám thương nỗi mẹ lụy tuôn hai hàng.
Bắc nhìn[12] xa chốn quê hương
Phút đâu đã tới trường trung[13] hầu kề.

Xướng:
Mẹ con thôi mới bước vô
Thầy chào mụ Lía, vậy thời đi đâu?
Mụ Lía mới thưa cùng thầy,
Tôi đem con dại[14] học hành cùng ông.
Ngày xưa nó đi chăn trâu
Rủ nhau nó bắt trộm gà người ta.
Bây giờ nó đã về nhà
Tôi đà răn dạy, chẳng còn như xưa.
Gian tham trộm cướp đã chừa
Làm ăn nuôi mẹ, dưỡng thân tháng ngày.
Bây giờ nó muốn[15] học hành
Vậy nên tôi phải tìm lên trường thầy.
Xin thầy dạy bảo trẻ thơ,
Ơn ấy, sau thời tôi sẽ đền ơn.

Thầy:
Mụ nói đã hết lời, thôi thời ta dạy. Lía, con nghe thầy dặn:
Sự phụ sự sư, lập thân hành chánh đạo[16]  nghe a!

Xướng:
Mụ đà dặn bảo trước sau,
Con tua khá học cho nên đạo mầu[17].
Cúi đầu từ giã tôn sư
Xin gởi[18] con trẻ đặng tôi trở về.
Thằng Lía nghe mẹ nói về
Chạy theo dặn mẹ vậy thời trước sau.
Giò hoa[19] con để sau hè
Trở về mẹ cất một khi[20] vào nhà
Chớ để mà nó mất đi
Giò hoa dầu mất[21], ngày sau chẳng lành.
Thầy nghe Lía nói, lắc đầu[22]
Thằng nầy gian hùng, nó chẳng sợ tao.
Thầy kêu thằng Lía trở vào
Hỏi mầy nói nhỏ nói to chuyện gì?
Lía bèn đặt gối thưa qua
Dặn mẹ tôi về trả nợ người ta[23].
Chớ để mà nó tới nhà,
Trước là xấu mẹ, sau là thẹn ông[24].
Cái thằng ăn nói trớ trinh[25]
Tao nghe mầy dặn giò hoa tỏ tường.
Giò hoa mầy để sau hè,
Dặn mẹ mầy về mà cất có khi.
Mới nói thôi lại chối đi
Mầy thằng ăn cướp, tao đà biết danh.
Mẹ mầy là gái trớ trinh
Kiếm lời trau chuốt[26] cho con học hành
Gạo tiền chẳng có một đồng
Gia hại cho thầy, lại mất[27] danh tao.

Lại nói:
Nghe tao dặn, như mầy muốn học hành thời bỏ gian tham, mới đặng cho!
Hành ác chi nhơn, như ma đao chi thạch, bất kiến kỳ tổn, nhật hữu sở khuy[28] nớ, con à.

Xướng:
Thằng Lía học đặng ba năm
Ăn ở trường thầy, tuổi đã mười ba.
Học trò tính đặng hai trăm[29],
Thằng Lía chẳng sợ một trò, làm song[30].
Vắng thầy ta[31] lại phóng lao
Tập nhảy hàng rào, võ nghệ tinh thông,
Thầy về điểm lại học trò
Thằng Lía thôi mới vậy mà mất đi[32].
Học trò bây khá nghe[33] lời
Bây đi bắt Lía đem về cho tao.
Học trò cúi lạy thưa lên
Đi bắt trò Lía, xin thêm cho nhiều.
Tôn sư nghe nói nực cười.
Thương hại trẻ nầy sợ Lía lắm thay!

Lại nói:
Lạy Tôn sư an tại trường trung
Cho đệ tử truy tầm trò Lía.

Loạn:
Biệt từ tôn trưởng bộ khinh khinh
Khuất khúc na từ hiểm lộ nan.
Diện khán đông tây, quan bất kiến
Trừng chiêm nam bắc thị vô văn[34].

Xướng:
Trò giám[35], trò biện[36] kiếm tìm
Khắp hết trên dưới vậy mà cũng không.
Ngó ra thấy Lía tập nghề
Dựng chiếu Lía nhảy, miệng thời kêu la
Học trò xem thấy hãi hùng
Mới bảo trò Lía, ta vâng lịnh thầy.
Lía kêu bớ học trò bây
Tao vâng lời thầy, lọ phải bắt tao.
Chữ rằng: nhứt nhựt vi sư
Tao học một ngày cũng sợ như cha.

Lại nói:
Ớ, học trò ôi!
Hễ làm người, muốn lập thân hành đạo, thời tao vâng đó, mà thôi chớ. Còn như bây mà bắt, tao có sợ ở mô.
Chừ thời:

Xướng:
Bây về thưa lại cùng thầy,
Rằng bây đi tìm, mà chẳng thấy tao.
Gà nầy tao cho một lồng[37]
Chúng bây đi đã có công kiếm tìm.
Xin bây dung lại cho tao,
Kẻo[38] tao đương mắc phóng lao tập nghề.
Học trò thôi mới nói rằng
Ai ăn gà mầy trộm cướp người ta.
Học trò kêu nhau một khi,
Trò nào vô bắt nó đi cho rồi.
Ta bắt nó đem về thầy
Cho nó phải đòn, kẻo nó dể ngươi[39].
Lía bèn nghe nói nực cười
Nào tao có dám dể ngươi lịnh thầy.
Học trò ta kíp áp vô
Lấy dây trói lại, vậy thời cho mau.
Lía bèn thấy học trò vô
Đá thôi một cái, học trò ngả lăn.
Trò Lía làm dữ lắm thay
Tao nguyện cùng mầy, nhứt tử nhứt sanh[40].
Học trò thôi mới bảo nhau,
Xúm ta cho đủ[41], đánh rày chẳng tha.
Học trò ta phân làm ba
Tả chi hữu dực, lập làm trung quân.
Trường côn[42] một bó cho ròng,
Làng cang[43] một vác[44] để phòng ta quăng.
Trò nào mà đi tay không,
Kiếm đường đi trốn, đánh đòn mười roi.
Lía bèn kêu, học trò ôi!
Tao sợ cho mầy khóc mẹ la cha.
Học trò tức giận áp vô
Đánh Lía vậy thời khác tợ như ong.
Lía bèn đở hết làm song[45]
Học trò ngả xuống, động lòng khá thương[46].
Đứa thời thôi lại gảy tay,
Đứa la lỗ đầu, đứa lại[47] dập xương,
Lía bèn xem thấy sợ thay
Mẹ cha nó biết ắt rày kiếm tao,
Mẹ thời tuổi tác đã già
Tiền đâu mà chạy câu tra[48] cho làng.
Vịt gà trút lại một lồng[49]
Bầy heo lớn nhỏ gánh gồng ra đi.
Gánh về cho mẹ tao ăn
Lâu ngày thèm thịt, cực thay thân già.

Lại nói:
Như nay mà tôi đánh con người ta, chi cho khỏi xóm làng người hay đặng, chăng là khổ lắm mà!
Khổ dã, khổ dã!
Nguy tai, nguy tai!
Âu là: Cất gánh nọ[50] lên vai,
Đặng tìm phương tị tử a[51]!

Loạn:
Hoang mang tị tử vọng sanh phương
Viễn tẩu cao phi dĩ thoát nguy.[52]

Xướng:
Về nhà kêu bớ mẹ già,
Vịt gà con gánh đem về mẹ ăn.
Mụ Lía thôi mới chạy ra
Vịt gà đâu rày con gánh về đây?
Thằng nầy trộm cướp hoài hoài
Nó đà chẳng sợ, đem gông về nhà.
Tao thời một lớn một già
Sanh con, thôi lại oan gia cùng mầy.
Có mầy tao lại thêm lo
Cơm ăn chẳng đặng, thịt xương gầy mòn[53].
Thấy mầy muốn học văn chương,
Nên tao tìm thầy, lặn suối trèo non.
Tưởng là mẹ đặng nhờ con
Hay đâu con lại chẳng thương mẹ già.
Bây giờ con lại bỏ thầy
Học hành chẳng tưởng quen rày tánh lung[54].
Cứ đi khắp xóm khắp làng
Trộm gà trộm vịt người ta hoài hoài[55].
Con đà chẳng tưởng mẹ già
Bây giờ còn sống vậy mà làm chi?

Tán: Thời mẹ cũng tưởng có con, mà dạy bảo con nghe lời, thời [thánh nhơn] người có nói rằng: Hiếu thuận hoàn sanh hiếu thuận tử ai ngờ vô phước, cho nên tôi
sản xuất ngỗ nghịch nhi. Tôi cũng muốn dạy bảo lắm chúc, nhưng mà nó cũng không nghe
Thôi thôi sống làm chi nữa nào!

Xướng:
Lía nghe mẹ nói một khi
Hai hàng nước mắt ròng ròng như mưa.
Mẹ sanh con có một mình
Nỡ nào mẹ chẳng thương tình con thơ.
Công mẹ chín tháng cưu mang
Tam niên nhũ bộ, mười ân chưa đền.

Lại nói:
Trăm lạy mẹ, mẹ thấy làm vậy cho nên mẹ buồn, mẹ muốn thác thời cũng phải, nhưng mà
Bành Tổ niên cao hà tại?
còn  Nhan Hồi thọ yểu hà thời a nọ!




[1] Thế sự dể tôi: Người đời khi dể, khinh thường.
[2] Lía nó muốn học chữ, việc học võ sau nầy chỉ là hoàn cảnh thôi.
[3] Thầy chạy mặt vì tiếng xấu vang danh từ lâu.
[4] Chữ nguyên viết bằng bộ mộc, theo Phan Anh Dũng, góp ý bằng email, là kỵ húy chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Cũng có thể người viết liên tưởng tới chữ căn vừa viết trước đó.
[5] Từ bỏ cách sống du đảng rồi mẹ ơi.
[6] Người không học không biết nghĩa lý, đợi đến già thì làm gì được?
[7] Mẹ Lía cũng biết con muốn học văn chương. Học văn chương là cách lập thân dễ dàng nhứt.
[8] Cũng biết giựt dọc người ta ghét.
[9] Cách nói của hát bội chỉ hai người cùng đi.
[10] Lại nói và vãn ở đây là những kỹ thuật của hát bội để diễn tả sự đi.
[11] Cha còn thì con nhìn theo cái chí của cha, cha mất thì hướng về những hành động xưa của cha, ba năm không thay đồi (cái chí cái hành của cha) đó không phải là điều hiếu sao!
[12] Bắc nhìn, như chữ bắc mặt: quay về phía.
[13] Trường trung: chỗ trường học.
[14] Con dại: chữ nầy quá hay!
[15] Chữ muốn sai thành mọn 𨳒.
[16] Lời thầy dặn ban đầu là thờ cha thờ thầy, lo học hành để lập thân sau nầy phò vua giúp nước. Dạy thì dạy vậy nhưng lòng trò thì trò biết!
[17] Bà mẹ trước khi từ giả con cũng đã dặn bão hết lời.
[18] Xin gỡi, bản Nôm viết lộn vị  trí thành gỡi xin.
[19] Giò hoa 𨃝: Cái chưn gà phơi khô, thầy bói dùng để bói, bọn trộm cướp thường dùng để coi hướng và giờ xuất hành mỗi khi sắp ăn hàng.
[20] Một khi có nghĩa là liền, tức khắc.
[21] Giò hoa dầu mất: nếu giò hoa bị mất. Dầu chữ xưa có nghĩa là nếu, còn vết tích trong tuồng và câu hát đưa em: ví dầu: nếu mà…. Lía dặn mẹ cất bửu bối giò hoa vì nghĩ rằng mình cần phải đường rút sau nầy. chuyện học hành coi vậy chớ chưa có gì chắc chắn.
[22] Lắc đầu: chữ rất hay chứng tỏ thầy ngao ngán trò ngay từ bước đầu.
[23] Tánh Lía coi vậy vẫn còn xạo sự.  Để ý vần điệu chỗ nầy lộn xộn cho nên truyện thằng Lía thường được gọi là vè thằng Lía. Ngày xưa các người giới thiệu truyện nầy không chịu được những chỗ thất vận nên sửa lại nhiều khiến cho truyện không còn tính nguyên thủy của nó. Chúng tôi cho rằng bản Nôm gần với nguyên bản nhứt nên phiên âm theo từng chữ ngay cả chữ thất vận..
[24] Thằng Lía lẽo mép, chữ ông nầy nó nói để vui lòng thầy: Người ta đến đòi tiền thì thẹn cho mẹ và cho thầy học. Gọi bằng ông vì chưa chánh thức được nhận làm học trò.
[25] Ăn nói trớ trinh 咹呐詐貞: Nói qua cũng được nói ngược cũng xuôi. Hoa ngôn xảo ngữ.
[26] Trau chuốt 𢭂: Người vật không  tốt mà nói cho người ta tin rằng tốt, chuốt ngót, nói ngọc nói ngon.
[27] Bản Nôm: mất lại danh tao.
[28] Kẻ làm điều xấu như cục đá mài dao, không thấy bị xuy xuyển liền nhưng dần dần thì bị khuyết lõm. Kẻ xấu từ từ sẽ thành người ác độc.
[29] Xưa lò dạy võ ở Bình Định đã phát triển thiệt mạnh mẽ rồi. Một lò dạy võ có hai trăm môn sinh thiệt là lò võ lớn.
[30] Làm song: Tuy nhiên. Cả câu: Tuy nhiên thằng Lía chẳng sợ một trò nào hết thảy.
[31] Chữ ta nầy đặc biệt, có nghĩa anh ta, hắn ta, va, nó….
[32] Văn lúng túng chỗ nầy. nói chung thơ chàng Lía như là vè vì những câu như thế nầy.
[33] ?
[34] Nhìn tứ phương đều không thấy Lía.
[35] Trò giám: trưởng tràng, hoc trò giỏi nhứt trường, đưọc thầy cử lo lắng mọi việc học hành của các trò khác giúp thầy.
[36] Trò biện: học trò giúp thầy coi về việc bài vỡ, sổ sách.
[37] Cho một lồng gà, một bội gà, chứ không phải chỉ cho một vài con. Thằng nầy bây giờ khá ha!
[38] Chữ kẻo ngày nay không còn dùng nữa.
[39] Dễ ngươi: khinh thị coi thường.
[40] Dọa sanh tử. Nói vậy thôi chứ học trò một thầy mà giết nhau sao đành.
[41] Xúm ta cho đủ: bọn mình xúm lại cho nhiều.
[42] Trường côn: Cây dài.
[43] Cây chặt vắn vắn, vừa cầm mà quăng. Vậy thì học trò thủ đủ thứ cây dài cây ngắn..
[44] Một vác: một bó, một mẻ, một miếng, một vạc. Vác là đơn vị đếm ít dùng, xưa còn nói một mẻ lưới, một vác  lưới… một thửa ruộng. một vạc đất. Bản Nôm viết sai của chữ
[45] Từ làm song 双 là từ xưa cho đến bây giờ khó thể tìm thấy nhóm chữ tương đương. Huình Tịnh Của cắt nghĩa là làm đôi, chia đôi, không đúng trong trường hợp nầy.
[46] Nhìn tình cảnh bọn học trò bị đánh ngã thương tích mà thương thay!
[47] Buộc lòng lắm mới sửa là lại, chữ Nôm: thời.
[48] Tiền câu tra: tiền đòi chứng. Đi kiện tới làng, phải có tiền câu tra (tiền tra lễ), có tiền ấy làng mới chịu việc ( theo HTC)
[49] Trút gà vịt vô chung một lòng để dễ dàng quảy đi. Chữ trút/nhốt đều hài thanh với tốt , chọn trút vì hợp văn cảnh hơn.
[50] Cất gánh nọ, bản Nôm: Gánh cất nọ, sai vị trí.
[51] Sợ sanh chuyện lớn Lía đi trốn.
[52] Lật đật tìm nơi để trốn,  chạy trốn thiệt xa để thoát hiểm. Câu vãn dùng để hát nói chuyện chạy trốn.
[53] Thịt xương gầy mòn: thân thể ốm o.
[54] Bây giờ bỏ học, không theo thầy nữa, chỉ làm theo tánh ngang tàng. Xưa học trò muốn được khá thì ở luôn với thầy, như Lục Vân Tiên theo thầy nấu sử xôi kinh. Tánh lung: hay lung tánh là tánh tình buông thả, không thuần, dữ tợn.
[55] Chữ hoài hoài nầy bình dân mà thân thiết biết bao!

(Còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét