Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Bảy, 11 tháng 12, 2010

CHÙA THIÊN TÔN



Thiên Tôn Tự - Tây Sơn
Chùa Thiên Tôn nằm ở lưng chừng núi Ông Đốc thuộc thôn Hòa Lạc, xã Bình Tường, Huyện Tây sơn, Bình Định. Từ Thị trấn Phú Phong theo đường 19 hướng về Pleiku đến chùa chỉ hơn 3km. Chùa có tên chữ Thiên Thai Tự, là một trong những danh lam đất Tây Sơn – Bình Khê thu hút nhiều thăm viếng của khách thập phương.
Thiên Thai Tự - Chùa Thiên Tôn của Bình Khê là Tổ đình của nhiều chùa trong Nam bộ, Thiên Thai Tự ở xã Tam An, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu là do Khai Tổ Huệ Đăng của Chùa Thiên Tôn – Bình Khê kiến lập năm 1922.
Chùa Thiên Tôn – Bình Khê cổ kính, đẹp và nhiều dật sự. Một trong những dật sự lớn lại liên quan đến lai lịch của chùa. Đặng Quý Địch hiện ở Bồng Sơn, người có nhiều biên khảo về địa dư, lịch sử, nhân vật Bình Định đã có bài viết về sự kiện nầy. (Chắc là chú Lộc Xuyên cho phép đăng bài viết trên trang blog nầy, thành thật xin lỗi đã không liên hệ chú trước).

V THIÊN THAI T TÂY SƠN

Bồng Sơn 04.06.2010
Lộc Xuyên Đặng Quí Địch

Trong những năm 80 của thế kỷ trước, lần nào về Quy Nhơn tôi cũng nghỉ đêm tại trụ sở Hội Văn học Nghệ thuật Bình Định, trong một phòng làm việc của Hội. Phòng không có giường, tôi phải nằm trên bàn làm việc của Từ Quốc Hoài mà ngủ. Ký giả Nhật Nam treo võng nằm cạnh tôi. Nhờ vậy mà tôi được nghe anh kể lai lịch chùa Thiên Thai ở Tây Sơn. Anh cho biết trước đây anh đã có nhiều năm xuất gia làm Sa di tại chùa Thiên Tôn, hậu thân của Thiên Thai tự. Anh kể rằng:
Sau khi Lý Chiêu Hoàng truyền ngôi cho Trần Cảnh thì Thái sư Trần Thủ Độ tìm cách giết hại tôn thất nhà Lý. Một hoàng thân của nhà Lý là Lý Quốc Hoài cùng thâm quyến bí mật trốn vào Đồ Bàn, được vua Chàm cho lên ở phía Tây Nam Đồ Bàn chừng mấy mươi dặm. Lý Quốc Hoài cùng mọi người khai phá rừng hoang làm ruộng vườn, qui dân lập ấp, lập một cảnh chùa trên hòn Dũng ( Hội Sơn) để tu, đặt tên là Thiên Thai tự.
Lý Quốc Hoài giỏi võ, dạy cho đệ tử, đời nọ nối đời kia, làm nên một phái võ nổi tiếng trong vùng. Đến mạt diệp chúa Nguyễn, ba anh em Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ cùng những người sau làm tướng cho nhà Tây Sơn đều xuất từ lò võ Thiên Thai tự.
Trong chiến tranh Việt Pháp ( 1945- 1954), chùa bị máy bay Pháp đánh sập, Hòa thượng trụ trì phải dời chùa xuống mỏm núi ông Đốc, đổi tên là Thiên Tôn tự, nay thuộc thôn Hòa Lạc xã Bình Tường huyện Tây Sơn tỉnh Bình Định.
Nếu đúng như thế thì Thiên Thai tự ở Tây Sơn có cách nay 785 năm (1225- 2010).Bấy giờ tôi sinh ngờ vực bèn hỏi Nhật Nam nghe chuyện này ở đâu thì được anh cho biết là nghe các thầy Thiên Tôn kể nhưng khi tôi hỏi cụ thể là thầy nào thì anh không nói.
Sau đó, tôi gặp Hòa thượng Kế Châu đương chức Trưởng ban Trị sự Phật giáo Bình Định kể lại việc này, thầy vô cùng ngạc nhiên vì không thấy sách sử nào chép và cũng không nghe ai kể.
Sau đó không lâu, tôi đọc thấy trên một tạp chí tỉnh ta, Đặng Duy Chuyên viết lai lịch chùa Thiên Thai - Tây Sơn như lời Nhật Nam đã kể. Duy Chuyên viết không đủ tin vì không trưng bày được bằng cứ. Vả lại trước đó anh ta đào đâu ra giờ, ngày, tháng sinh của vua Quang trung rồi chấm cho ngài một lá số tử vi rất tốt vì có chân mạng đế vương. Bài đó đăng ở một tờ báo do Hà Giao chủ biên, đã làm tôi không nhịn đươc cười!

Cuối năm 2001, tôi đọc quyển " Các ngôi sao Tây Sơn" của Nguyễn Xuân Nhân do Nxb Văn nghệ TP Hồ Chí Minh xuất bản, bài Thiên Thai tự từ trang 14 đến hết trang 22 thấy ông viết lai lịch chùa Thiên Thai- Tây Sơn về cơ bản như lời Nhật Nam đã kể. Xem tấm ảnh bàn tổ chùa Thiên Tôn với lời chú của Xuân Nhân. Tôi đối chiếu với bài tôi viết về chùa Thiên Tôn trong bộ sách " Những ngôi chùa trong tỉnh Bình Định" hoàn thành năm 2000. Tôi thấy cả ba người là Nhật Nam, Duy Chuyên và Xuân Nhân đã lầm.

1. Người lập chùa Thiên Thai không phải Lý Quốc Hoài nào đó sống cuối Lý đầu Trần mà là Lê Quang Hòa pháp danh Thanh Kế sinh 1873 tịch 1953. Chùa được lập không phải đầu đời Trần (1225) mà mới lập vào năm 1941. Mời đọc bài văn bia tại tháp tổ ở trên núi sau chùa Thiên Tôn thì rõ.

Bài văn bia bằng chữ Hán, tôi dịch như sau:

Tiểu sử sơ lược
Tổ Thiên Thai thuộc phái Thiền Liễu Quán, đời thứ 41, Pháp danh Thanh Kế, Pháp tự Huệ Đăng, thế danh Lê Quang Hòa. Sinh năm Quý Dậu (1873) tại tỉnh Bình Định huyện Bình Khê, xã Bình Thành, thôn An Dũng.
Năm Ất Dậu (1885) tham gia Phong trào Cần Vương mà thất bại, nên có tư tưởng thắng thì làm quan, lui về thì làm sư, bèn vào Nam Kỳ siêu cầu Tổ sư Hải Hội ở chùa xưa Long Hòa, xuống tóc xuất gia. Sau đó tổ kiến tạo chùa tổ Thiên Thai tại tỉnh Bình Định làm cơ sở hoằng dương hóa độ toàn sáu tỉnh Nam Kỳ.
Năm Tân Tị (1941), Tri huyện Bình Khê cung thỉnh tổ về quê, đứng lập chùa Thiên Tôn làm trụ xứ. Hơn 10 năm, cơ duyên đã mãn bèn thị tịch. Trụ thế được 80 năm.
Được biết bảo tháp Khai tổ Thanh Kế Huệ Đăng do đệ tử là Hòa thượng Thích Thiện Hào mới lập sau năm 1975. Bài văn bia này do thầy Thiện Hào đặt hay nhờ ai soạn thì tôi chưa rõ. Nếu có nhờ ai soạn thì lẽ đương nhiên thầy có duyệt qua trước khi khắc lên đá. Nói cách khác, thầy chịu hoàn toàn trách nhiệm về nội dung bài văn bia.
2. Bức ảnh chụp bàn tổ chùa Thiên Tôn được in tiếp theo bài" Chùa Thiên Thai" trong sách dẫn trên. Cuối bức ảnh, ông Nguyễn Xuân Nhân chú: Nơi thờ các vị sư tổ của Thiên Thai tự ngày xưa. Các vị này đã dạy võ nghệ cho một số tướng Tây Sơn.
Trong ảnh có chân dung Khai tổ Thanh Kế Huệ Đăng. Có 3 long vị: cái lớn và cao nhất là của Khai tổ Thanh Kế Huệ Đăng. Hai cái nhỏ hơn là của đệ tử tổ: Đại sư Trừng Mẫn Bửu Niệm và Hòa thượng Trừng Thanh Thiện Hào. Không có vị nào là " sư tổ Thiên Thai tự ngày xưa, từng dạy võ nghệ cho các tướng Tây Sơn" như ông Nhân đã chú, bởi lẽ họ sống sau Phong trào Tây Sơn 200 năm.
Như thế, lai lịch của Thiên Thai tự ở Tây Sơn qua lời kể của Nhật Nam, qua bài báo của Đặng Duy Chuyên, qua tập sách " Những ngôi sao Tây Sơn" của Nguyễn Xuân Nhân chỉ là ngoa truyền, không nên tin và cũng đừng tiếp tục truyền nữa. Mong vậy thay!


3 nhận xét:

  1. 1./ Chùa Thiên Tôn, cách trung tâm thị trấn Phú Phong (cũ) chưa đầy 2km đâu (còn TT Phú Phong - mới- thì sát cạnh thôi)
    2./ Bài trên của t/g Lộc Xuyên mình đã thấy được trên net khoảng 2 năm nay, định gặp anh Chuyên (anh Chuyên là một người quen của mình, anh là t/g của tiểu thuyết "Thần Điêu phá ngũ quan") để hỏi lại cho rõ hơn, nhưng mấy lần gặp nhau, nói chuyện "trên trời, dưới đất" nhiều quá nên quên mất!
    3./ Nhân đây giới thiệu với Nghị bác Trần Minh Can (bào huynh của ông Trần Minh Nhựt, hội đồng tỉnh cũ), người biết khá nhiều về lịch sử chùa Thiên Tôn, nói riêng và "địa phương chí" huyện Bình Khê, nói chung. Nay bác Can đã 90 tuổi nhưng rất minh mẫn và khá khỏe mạnh (còn đạp xe đạp đi 3, 4 km). Cách đây 4 tháng mình có hỏi chuyện bác, được bác kể nhiều chi tiết về lịch sử "rất thú vị".
    Có dịp Nghị gặp bác, có lẽ sẽ giúp ích cho Nghị nhiều đấy! Nếu chưa quen với bác và thấy cần, mình sẽ giới thiệu cho Nghị làm quen và gặp gỡ với bác. Những nhân vật cao niên mà còn minh mẫn như bác Can, có lẽ nay còn khá hiếm đấy!
    Bác can trước đây là nhân viên của Chi Bưu điện Bình Khê.

    Trả lờiXóa
  2. Bác Can có thể còn nhớ được mình. Anh Chuyên cũng là người quen cũ có nhiều kỷ niệm. Ngày trước mình cũng từng nghe anh kể chuyện chùa Thiên Thai. Mình đang cần tư liệu Chùa Thiên Sơn (Phú Phong) để có ý kiến tiếp về tiền thân của chùa Thiên Tôn. Đây là vấn đề mà chú Đặng Quý Địch chưa quan tâm đến.
    Lúc nào về Phú Phong, mong được Bửu đi cùng
    Thân

    Trả lờiXóa
  3. Hình như Nghị chép lại bài dịch văn bia của Cụ LỘC XUYÊN bị sai hay Cụ LỘC XUYÊN nhầm "...kiến tạo chùa thiên Thai ở Bình Định để làm cơ sở hoằng dương hoá độ toàn chúng sáu Tỉnh Nam Kỳ". Nói cho đúng là khoảng năm 1925 Ngài Huệ Đăng cho xây dựng THIÊN THAI TỰ ở núi DINH CỐ, Bà Rịa, đến năm 1929 thì hoàn thành.
    Còn về Chùa Thiên Tôn thì chinh xác là vào năm 1941, nhân chuyến về quê nhà để thăm mẫu thân. Sau đó quan quận Bình khê và nhân sĩ Bình Định rất ngưỡng mộ Hoà thượng Huệ Đăng nên khẩn cầu Hoà thượng ở lại quê nhà hoằng truyền Phật pháp, phổ độ bá tánh tỉnh nhà. Hoà thượng đã cho xây dựng chùa Thiên Tôn ở núi Ông Đốc xã Trinh Tường,quận Bình Khê để giáo hoá đồ chúng miền Trung.
    Còn về chùa " Hòn Dũng": Cách Mạng Tháng 8 và cuộc chiến tranh Việt - Pháp bùng nổ, chiến tranh xảy ra ác liệt ở Bình Định, chùa Thiên Tôn bị thiêu huỷ, Hoà thượng lên núi Hòn Dũng lập chùa Lê Sơn tránh nạn. Ngày mùng 4 tháng7 năm quý Tỵ (1953)tình hình ở quận Bình Khê tạm yên, đệ tử rước ngài về thảo am ở nền chùa Thiên Tôn an dưỡng. 18 giờ ngày 11 tháng 7 năm Quý Tỵ ngài viên tịch.
    Những nội dung này Thiiasao lấy từ quyển Tiểu sử Tổ đình Thiên Thai và Tiểu sử Đại lão Hoà thượng Huệ Đăng do Nguyễn Hiền Đức biên soạn và Hoà Thượng Thích Thiện Hào viết lời giới thiệu xuất bản năm 1994. Xin nêu ra đây để góp thêm vào việc tìm hiểu về chùa Thiên Tôn và chùa Hòn Dũng.

    Trả lờiXóa