Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Hai, 27 tháng 12, 2010

ĐỊA DANH (1)

NƠI GỞI GẮM ƯỚC MƠ CỦA CƯ DÂN VIỆT

Đọc đề tài nghiên cứu “Địa bạ và phép quân điền xưa tại Bình Định” của cụ Nguyễn Đình Đầu để tìm thời điểm hình thành tên thôn xã ở Bình Khê – Tây Sơn, cụ viết mạch lạc, gọn ghẽ, nhưng do tiêu chí của đề tài nên cứ thấy ngồn ngộn những mẫu, sào, thửa, mảnh … Dù sao thì cũng từ những cứ liệu nầy, kết hợp với Kỷ Yếu Quách Phổ Tộc Tịnh Nương Đường và những câu ca xưa của Bình Định đã phác thảo được tâm tư của người Bình Khê – Tây Sơn qua các địa danh.
Tây Sơn hiện nay thuộc huyện Tuy Viễn trước kia. Tuy Viễn xưa bao trùm các đơn vị hành chính  An Khê, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, An Nhơn, Vân Canh, Tuy Phước, Quy Nhơn bây giờ. Tên Tuy Viễn được hình thành từ thời Hồng Đức, sau khi chinh phạt Chiêm Thành năm 1471 lấy đèo Cù Mông làm ranh giới, vua Lê Thánh Tôn cho lập phủ Hoài Nhơn quản 3 huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn. Tên gọi Tuy Viễn hiểu theo nghĩa chữ Hán là “Miền biên trấn yên ổn”.
Theo Thiên Nam Dư hạ tập năm 1490, lúc đó Tuy Viễn có 6 tổng, nhưng Dư Địa chí của Nguyễn Trãi chép là Tuy Viễn có 2 xã và 30 thôn ấp. Chưa có điều kiện tìm rõ tên các thôn ấp của Tuy Viễn lúc đó là gì, về sau biến đổi ra sao. Qua công cuộc đạc điền và lập địa bạ của triều Gia Long, năm 1832 đã xác định được trước đó Tuy Viễn có 1 tổng là Tổng Vân Dương và 6 thuộc là Thuộc Võng Nhi, Thuộc Hà Bạc, Thuộc Sơn Điền, Thuộc Thời Tú, Thuộc Thời Đôn, Thuộc Thời Hòa. Tuy Viễn bao gồm 272 ấp và 1 trang.
Thuộc là cấp hành chính tương đương Tổng, còn Ấp tương đương cấp Thôn, phân ra “khách hộ ấp” để phân biệt “chính hộ ấp” là ấp đã có trước đó, Trang là đơn vị làng của người Minh Hương ở Việt Nam, nhưng không có địa giới cụ thể, người ở Gò Bồi nơi có Vĩnh An trang  nhưng có thể là dân của An Hòa trang trên An Thái. Sau năm 1832 không sử dụng tên Ấp nữa, còn Thuộc thì vẫn còn dùng cho người Minh Hương cho đến tận thập niên 50 của thế kỷ 20. Ở Bình Khê, Trang trưởng cuối cùng của Xuân Quang trang là Ô. Ngô Nãi Chấn người Đồng Phó, tục gọi là Trang Phú, Thuộc trưởng cuối cùng là Ô. Thuộc Danh, họ Hứa người ở Vĩnh Thạnh.
Phần lớn đất huyện Tây Sơn ngày nay là Thuộc Thời Hòa của huyện Tuy Viễn. Qua cải cách hành chính của Minh Mệnh đổi trấn thành tỉnh, chia Tuy Viễn làm 2 là Tuy Viễn và Tuy Phước. Lúc nầy Tuy Viễn có 2 Tổng là Thời Đôn và Thời Hòa. Chưa tra được nguyên ngữ chữ Hán để xác định chính xác ngữ nghĩa của chữ Hòa trong tên gọi Thời Hòa, nhưng cũng có thể tạm hiểu theo nghĩa “Nơi bốn mùa điều hòa, đủ ăn đủ mặc”.
Địa danh một đơn vị hành chánh hẳn nhiên là do những vị cầm cân nẩy mực đặt ra, họ sử dụng cái vốn “uyên bác chữ nghĩa” của họ (!?) để gọi tên cho một vùng đất. Năm 1832, theo chính sách cải cách hành chính, hàng loạt tên ấp cũ ở Bình Định được đặt lại cho “chữ đẹp ý hay” thay thế cho những tên cũ “nôm na dài dòng” như Nước Ngọt phụ lũy khách hộ ấp, Tiên Phong Nhuệ Nhứt ấp, Tây Sơn Nhứt ấp, Tân Nhuệ Nhì ấp … Nhưng chắc một điều tên xứ (bây giờ gọi là tên xóm) thì không thể thay đổi được hết. Đến bây giờ trong sổ sách hành chính vẫn còn hiện diện những tên Xóm nôm na nhưng không thể nào quên như Đồng Trại, Đồng Hào …
Những địa danh lưu giữ được trong dân gian, thể hiện được trên sổ sách, ngày nay đang có nguy cơ biến mất vì bây giờ đang có trào lưu số hóa. Gọi tên là Thôn 4, Thôn 5, nghe nó sao sao ấy.
Một vùng đất từ khi có người đến ở, một hai gia đình, rồi đông thêm, rồi thành làng thành xã. Có làng có xã là phải có cái tên. Tên làng có thể là tên cũ trước đây, có thể đặt ra cho văn vẻ, có thể nôm na, nhưng thường thể hiện được những sự kiện của cộng đồng như Đồng Lẫm, xóm Cây Ké, Xóm Mới …, thể hiện tay nghề của làng như Xóm Bún, Xóm Đậu …, thể hiện ước mơ như Phú Lược, Phú Văn …,
Di dân lập ấp, khi đến một vùng đất mới bao giờ lưu dân cũng mang sẵn một nỗi niềm của người xa xứ, trong lòng họ ít ra cũng có một hoài niệm hoặc một ước mơ. Gọi tên cho một vùng đất mới là điều kiện để họ thể hiện tình cảm, thể hiện tâm tư. Ngày nay khi chia tách, sáp nhập một vùng đất, dù là thời đại công nghiệp nhưng không thiếu chữ nghĩa để ta phải dùng kiểu số hóa, xóa mất dần những gởi gắm của người xưa qua địa danh. Hoặc giả vì cứng ngắt theo cách đặt tên mà phải dùng từ mới thay thế cho một từ cũ như thay An Vinh bằng Tây Vinh thì câu ca xưa sẽ lần hồi xơ cứng với thời gian :
Bên kia sông, quê anh An Thái
Bên này sông, em gái An Vinh
Thương nhau chung dạ chung tình
Cầu cha mẹ ưng thuận cho hai đứa mình lấy nhau

(Còn nữa)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét