Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2010

NGỤY SỬ (3)

Sử của triều đại không chính thống   (tiếp theo)
  

...  ...  ...  Những trước tác cuối thế kỷ 19 nếu có viết về Nhà Tây sơn, hẳn nhiên đa phần bằng chữ Hán. Chữ quốc ngữ đầu thế kỷ 20 mới thịnh hành khi xuất hiện 2 tạp chí Đông Dương (1913) và Nam Phong (1917), thời điểm nầy các bài viết liên quan đến Tây Sơn đều căn cứ vào các bộ sử của Quốc sử quán triều Nguyễn.
Năm 1915 bỏ thi chữ Hán ở Bắc kỳ, đến năm 1918 thi Hương lần cuối cùng ở Trung kỳ, những di cảo Hán ngữ trong dân gian lần hồi vong mệnh. Trải mấy cuộc chiến phải chạy giặc, tản cư, người lưu giữ được không còn là mấy. Đến khi có quan niệm chữ phong kiến không mấy ai đọc nổi không nên tồn trữ, phải đốt phải vứt … những bản viết về Nhà Tây Sơn bằng chữ Hán nếu có, nếu còn giờ lưu lạc nơi đâu ?
2. NHỮNG BỘ SỬ CÒN LƯU LẠC (!?)
Theo nguồn của thuvienbinhdinh.com,  Ô. Quách Giao con của cố nhà thơ Quách Tấn (1910 – 1992) đã trao cho họ di cảo của cụ Liệt kê tên các bộ sử Tây Sơn chữ Hán, ghi chú xuất xứ cũng như hành trình lưu lạc, thất tán của chúng.
(trích)
…  …  …
Muốn viết lại lịch sử nhà Tây Sơn tương đối chính xác cần phải tìm cho được những bộ sử chữ Hán viết từ thời Tây Sơn, thời Nguyễn, do những cây bút trung thực viết ra. Ngọn lửa Tần tuy tàn bạo khốc liệt song vẫn không đốt hết ngũ kinh, Tứ thơ, cùng những giai tác của Bách gia, Chư Tử, thì lửa nhà Nguyễn làm gì tiêu diệt được để huỷ không còn bộ sử nào viết về nhà Tây Sơn một cách trung thực.
Từ ngày đọc thông thạo chữ quốc ngữ cho đến nay dưới 60 năm. Tôi thấy được và nghe nói đến một số sử chữ Hán “Quốc cấm” viết về Tây Sơn:

    1. Tây Sơn Dã Sử
    2. Tây Sơn Liệt Truyện
    3. Tây Sơn Thư Hùng Truyện
    4. Tây Sơn Nhân Vật Chí
    5. Hoài Nam Cố Sự
    6. Tây Sơn Bí Lục
    7. Tây Sơn Thuỷ Mạt Ký
    8. Tây Sơn Ngụy Triều Ngoại Sử
    9. Tây Sơn Văn Thần Liệt Truyện
  10. Cân Quắc Anh Hùng
  11. Tây Sơn Danh Tướng Chinh Nam
  12. Tây Sơn Lương Tướng Ngoại Truyện
Những quyển sử này trong thời phong kiến thực dân, được các sĩ phu yêu nước lén lút chuyền tay nhau mà đọc.
+ Hai quyển Tây Sơn Dã Sử và Tây Sơn Liệt Truyện, không biết của ai và soạn thời nào. Từ đường họ Quách của chúng ở thôn Thuận Nghĩa huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định (huyện Tây Sơn hiện nay) tàng trữ.
Khoảng thập niên 1920, nhân sách trong nhà bị ướt, người thừa tự là ông Quách Lý Đạo (tục gọi là Hương Lý) đem sách ra phơi nơi sân sau. Thình lình một người bạn quen thường tới lui chơi là MV ghé chơi. Chợt nhìn thấy hai quyển sử Tây Sơn, mừng quá xin chủ nhân cho mượn ít hôm.
Vốn là sách cấm lại là gia bảo nên ông Quách Lý Đạo (tôi gọi là bác) không cho. Ông ta giận dữ nói:
- Đồ hung của dữ đó, quý báu gì mà sợ mất. Nói rồi bỏ về.
Hai hôm sau. Trước ngõ từ đường họ Quách có tiếng trống gõ tum tum rồi một tên lính lệ cầm hèo tua chạy vào nhà gọi bác tôi ra cho quan biểu. Bác tôi hối hả mặc áo dài khăn đen ra ngõ hầu quan. Viên tri huyện Bình Khê lúc đó là Hoàng Yến. Hoàng Yến ngồi trên lưng ngựa dõng dạc nói một cách đầy hách dịch:
- Nhà chú có hai quyển sử về Tây Sơn, cho tôi mượn xem ít hôm.
Nghe truyền bác tôi chết điếng người. Hắn liền thét:
- Có cho mượn hay không nói cho biết! sao đứng trơ mặt ra đó! Bay đâu?
Rụng rời tứ chi, không còn hồn vía. Bác tôi như một cái máy tự động vào lấy hai quyển sử ra, hai tay run rẩy dâng lên viên tri huyện mà lòng rối bời bời.
Hoàng Yến lấy sách rồi phi ngựa đi không nói một tiếng. Bác tôi đứng sững trông theo. Sau đó, bác tôi cho mời anh em trong họ đến, ông thân tôi nói:
- Ông viên ngoại họ Vương vì thằng bán tơ mà phải bán con. “Lạ gì cái thói sai nha, làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”
Họ Quách có tiếng giàu nhất ở Bình Khê, nhưng chỉ giàu về ruộng lúa chớ không giàu về tiền. Để có tiền thì phải bán ruộng, bác tôi phải bán 3 mẫu ruộng rộc và nhờ ông lại mục Lê Bá Vương lo chạy giùm mới được yên thân.
+ Quyển Tây Sơn Thư Hùng Ký, do anh em ông Nguyễn Văn Huân, Nguyễn Văn Danh, hai văn thần nhà Tây Sơn chép soạn vào thời Cảnh Thịnh (1792-1802).
Gia đình cụ Tú Trần Mỹ Du - hiệu Long Đàm - ở thôn Long Phụng, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi có giữ được một quyển. Cụ Tú mất, sách vở giao cho người cháu nội là Trần Bá Ngoạn. Trong số sách ông soạn có hai quyển Tây Sơn Hùng Ký và Bạch Vân Am Thi do cụ Tú trích dịch mà nhà họ Trần coi là gia bảo. Nhưng thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954) sách bị thất lạc hết. Sau ngày thống nhất đất nước (1976-1980) người em ông Ngoạn là Trần Thúc Lâm chỉ tìm lại được quyển Bạch Vân Am Thi trích dịch của cụ Tú. Riêng cuốn Tây Sơn Thư Hùng Ký chắc không đến nỗi vô mệnh, còn “nương náu” trong kho tàng của người khảo cổ Nghĩa Bình – Phú Khánh.
…Tây Sơn Nhân Vật Chí do Đinh Sĩ An - người Thủ Thiên, huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định (nay là huyện Tây Sơn) soạn. Ông Đinh Sĩ An đậu khoa Minh Kinh triều Quang Trung, làm quan lại bộ Lễ cho đến đầu Cảnh Thịnh. Bùi Đắc Tuyên người Xuân Hoà vốn đồng huyện cùng họ Đinh cũng làm quan trong một bộ. Khi vua Cảnh Thịnh lên ngôi, vì họ Bùi là cậu ruột vua nên được nhảy lên làm Tể tướng. Họ Đinh có bài thơ Nôm “Hoà mần thăng hoà thượng”, có câu kết rằng:
Tương chao mặn lạt cùng chung thực
Lủi thủi riêng mình quét lá đa.
Bùi Đắc Tuyên biết là thơ châm biếm mình bèn cách chức họ Đinh đuổi về quê hương.
Về quê hương Sĩ An cùng Ngô Diệu Diệm, Phan Bỉnh Vân lập một thi xã mệnh danh là Song Hoài Thi Xã, nhóm họp các thi nhân xa gần đến bàn luận thơ văn và xướng hoạ làm vui. Chính trong lúc này ông soạn Tây Sơn Nhân Vật Chí.
Thầy Tú Lâm Thúc Mậu ở Nhơn Nghĩa, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định có quyển nầy. Để tránh mối nguy văn tự, thầy Tú cất quyển sử, mãi đến thời kháng chiến chống Pháp, ông Hương bổn Nguyễn Dật ở thôn Phú Thọ, xã Bình Phú, huyện Bình Khê (Tây Sơn ) mới hỏi mượn được. Song lúc bấy giờ là thời đả Phong diệt Thực nên sách chữ Hán của phong kiến vẫn bị cấm. Do đó, Tây Sơn Nhân Vật Chí vẫn phải bị coi trộm, xem lén.
Thầy Tú và ông Hương nay đã thành người thiên cổ rồi, quyển Tây Sơn Nhân Vật Chí có còn nơi cõi dương chăng? Có lẽ còn. Vì con cháu của hai nhà một số có học.
+ Hoài Nam Cố Sự ghi chép lịch sử Nam Bộ trong giai đoạn nhà Tây Sơn làm chủ cho đến lúc Nguyễn Ánh đánh chiếm. Soạn giả là Trương Văn Đa con của Trương Văn Hiến và là rể vua Thái Đức.
Trương Văn Đa đã từng làm trấn thủ đất Gia Định, sau trận đánh dẹp quân Xiêm La ở Rạch Gầm, Trương Văn Đa về Quy Nhơn giữ cửa Thị Nại, được ít lâu bị bịnh về an dưỡng tại An Thái. Chính lúc đó họ Trương soạn quyển Hoài Nam Cố Sự. Một người Việt gốc Hoa tên là Diệp Trường Phát, giỏi võ, chữ Hán thông, văn Nôm rành, tục gọi là chú Tàu Sáu, thuộc sử Việt Nam hơn cả người Việt chính thống, lại kể những trận đánh giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh ở Nam Bộ một cách đầy đủ, chi tiết và có thứ lớp như người trong cuộc. Các sĩ phu An Nhơn và Bình Khê cho rằng: Chú Diệp có quyển sách Hoài Nam Cố Sự, nhưng chú luôn luôn bảo: Ai cất giữ làm gì sách quốc cấm. Tôi chỉ nghe ông bà kể lại đó thôi. Chú Diệp đã qua đời, và người con đã xuất cảnh năm 1979. Quyển Hoài Nam Cố Sự không biết hiện nằm trong tay ai?
Năm quyển sử kể trên viết trong thời Tây Sơn do những sĩ danh nổi tiếng là nhân chính soạn nên được giới sĩ phu yêu nước đời sau quý trọng giữ gìn. Cũng rất được bảo trọng với những quyển sử Tây Sơn do những hậu nho có tâm huyết, có chí khí biên soạn dưới triều Nguyễn.
+Tây Sơn Bí Lục của Trương Đăng Quế, người Sơn tịnh, tỉnh Quảng Nghĩa, soạn dưới triều Minh Mạng (1820-1840).
Quyển này ghi tên tất cả những tướng võ quan văn của nhà Tây Sơn cùng con cháu còn sống sót. Sách soạn theo lịnh của nhà Vua, với mục đích tìm giết cho tuyệt giống “ anh tuấn Tây Sơn”. Song họ Trương soạn rồi chỉ dâng lên vua lý lịch đầy đủ của kẻ đã khuất, còn lý lịch của người còn sống sót thì cất giấu đi.
Theo ông bạn Trương Quang Bân, người Quảng Nghĩa lập cư tại Xóm Cồn Nha Trang cho biết rằng: Quyển Tây Sơn Bí Lục và quyển gia phả họ Trương do phái chính họ Trương gìn giữ, còn hay mất ông không được rõ.
+ Quyển Tây Sơn Thuỷ Mạt ký do Hoàng Giáp Đào Nguyên Phổ, tỉnh Thái Bình biên soạn vào đời Thành Thái (1809-1907). Tập này nhà họ Huỳnh ở thôn Trường Vân, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đã cất giữ mấy đời. Khoảng thập niên 1960 Huỳnh Ngọc Châu đem cho Hồ Hữu Tường mượn. Nay Huỳnh Ngọc Châu và Hồ Hữu Tường đều đã mất cả rồi, không biết sách hiện lọt vào tay ai!
Khoảng cuối thập niên sáu mươi đầu thập niên bảy mươi, ông Nguyễn Trần Huân ở Pháp cho tôi biết rằng ông ấy có đến 3 bộ sử thi Tây Sơn: Tây Sơn Ngoại Sử, Tây Sơn Liệt Truyện và Tây Sơn Thuỷ Mạt Ký và hứa sẽ chụp micro film cả 3 quyển gởi tặng tôi, song từ năm 1975 đến nay mất liên lạc nên lời hứa không thực hiện được. Hôm tháng 5-1988 ông Vũ Ngọc Liễn một cán bộ văn hoá tỉnh Nghĩa Bình cho biết rằng có thấy nơi nhà ông Mạc Như Tòng ở Quy Nhơn một bản sao quyển Tây Sơn của Đào Nguyên Phổ song nhan đề là “Tây Sơn Thuỷ Mạt Khảo”
+ Tây Sơn Nguỵ Triều Ngoại Sử của cụ Tú Nguyễn Khuê ở thôn Vân Sơn, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định soạn dưới triều Thành Thái. Tuy soạn giả gọi Tây Sơn là nguỵ triều song sự kiện lịch sử lại dựa theo các quyển sử bí mật nhiều hơn là sử do nhà Nguyễn viết nên sự thật không bị bóp méo, không bị đổi trắng thay đen. Tây Sơn Nguỵ Triều Ngoại Sử cụ Tú biên soạn khoảng đầu triều Thành Thái. Quan niệm lệch lạc về chính thống và nguỵ vị của cụ Tú đã được hai người con là Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì cải chính trong các cuốn sử hai ông soạn vào cuối đời Thành Thái.
+ Cân Quắc Anh Hùng và Tây Sơn Văn Thần Truyện của ông Nguyễn Bá Huân.
+ Tây Sơn Danh Tướng Chinh Nam và Tây Sơn Lương Tướng Ngoại Truyện của Nguyễn Trọng Trì.
Những quyển sử của nhà họ Nguyễn thôn Vân Sơn đều nằm trong tủ sách gia đình cụ Nguyễn Trọng Trì. Trước khi mất cụ Nguyễn giao các bộ sử ấy cùng các sách quý và hơn trăm bổn tuồng hát bội có danh kim cổ mà cụ sưu tầm và hiệu đính cho người con gái là bà Đào Doãn Mại , tục gọi là bà Tú Năm ở thôn Phú Mỹ, xã Bình Phú, huyện Bình Khê- Bình Định cất giữ. Thời kháng chiến chống Pháp (1945-1954) ở Bình Khê thường bị giặc khủng bố, đồng bào không ở yên một chỗ. Bà Tú Năm không thể mang bộ sách vở của tiền nhân theo mỗi lần tản cư, bèn đem xuống Vân Sơn giao cho người em trai cùng cha khác mẹ là Tám Chu cất giữ. Thời gian qua thời thế đổi mới, không còn ai để ý đến mớ sách chữ Hán cũ đã trở thành vô dụng đối với thời nhân. Nên không mấy ai quan tâm đến sự mất còn, còn mất ...  ...  ...
Nha Trang, tiết Đoan Ngọ, năm Mậu Thìn – 1988
Quách Tấn
 ...  ...  ...
Mớ sách chữ Hán cũ đã trở thành vô dụng đối với thời nhân, không mấy ai quan tâm đến sự mất còn, còn mất. Nhưng giờ đây sử sách đã tô son, giờ đây vẫn còn đó hình tượng ba anh em Nhà Tây Sơn cùng một triều đại tuy ngắn ngủi nhưng oai hùng sống mãi trong lòng người Việt Nam. Ngày 16/11 Âm lịch sắp đến đây, người dân Bình Khê - Tây Sơn vẫn như mọi năm giỗ tự ba anh em Tây Sơn cùng chư tướng ở Điện thờ mà trước đây là Đình làng Kiên Mỹ cũ, trước xa kia là nền nhà cũ của song thân Nhạc, Huệ, Lữ. Ngọn lửa Tần tuy tàn bạo khốc liệt song vẫn không đốt hết Ngũ kinh, Tứ thơ, cùng những giai tác của Bách gia, Chư Tử …


4 nhận xét:

  1. Sử chép thẳng ngay cho thế cuộc,
    Thế mà trang sử cũng lao đao

    Trả lờiXóa
  2. Sử chép thẳng ngay cho thế cuộc
    Thế mà trang sử cũng lao đao
    May là cây cỏ mang hồn nước
    Còn đó nghìn năm hé nụ đào

    Kính

    Trả lờiXóa
  3. Chú ơi chú có cuốn nào trong những cuốn trên không cho con mượn xem với chú hoangtnha@gmail.com

    Trả lờiXóa
  4. Nhận xét này đã bị tác giả xóa.

    Trả lờiXóa