Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010

ĐỊA DANH (2)

NƠI GỞI GẮM ƯỚC MƠ CỦA CƯ DÂN VIỆT
                                    Lụa Phú Phong nên duyên nên nợ
                                   Nón Gò găng khắp chợ mến thương

Trong khuôn khổ hạn hẹp của một trang blog cũng như hạn chế của cứ liệu, không nên đặt tham vọng nghiên cứu với một đề tài mênh mông như trên. Gói gọn hơn thì lấy các địa danh thôn xã của Tây Sơn - Bình Khê đối chiếu với đề tài, tạm xem như một vài nét phác thảo để cùng chia sẻ, bổ sung.
Sau khi áp dụng chính sách quân điền tại Bình Định năm 1839, Tổng Thời Hòa của Tuy Viễn có 46 thôn. Một số tên cũ của các thôn được đổi mới như Kiên Thành đổi làm Phú Lạc thôn, Kiên Hòa chánh hộ ấp đổi làm Trà Sơn thôn …, (Tổng Thời Đôn có Phú An khách hộ ấp đổi làm Phú Phong thôn, Triều Nghi khách hộ ấp đổi làm Lai Nghi thôn …)
Danh sách các thôn của Tổng Thời Hòa :
An Chánh             Mỹ An   
An Dõng              Mỹ Đức
An Vinh               Mỹ Thạch
Bảo Đức              Mỹ Thuận
Dõng Hòa            Nhơn Thuận
Đại An                 Phú Hòa
Đại Bình              Phú Lạc
Định Chiêu         Tả Giang
Hạnh Thôn          Tân Đức
Hội Vân              Tân Nghi
Hưng Long         Thời Hòa
Hữu Giang          Thời Ngãi
Kiên An              Thuận Nghĩa
Kiên chí              Thuận Yên
Kiên Đức            Thượng Giang
Kiên Hạnh          Tiên An
Kiên Hòa            Tiên Hóa                   
Kiên Long          Trà Sơn
Kiên Mỹ             Trinh Tường
Kiên Ngãi           Trường Định
Kiên Nhứt          Vân Tường
Kiên Thạnh         Vĩnh Lộc
Kiên Truyền       Vĩnh Thịnh

Một số thôn ở trên nay đã thuộc huyện An Nhơn như Đại An, Đại Bình, Tân Đức, Tân Nghi …, nhưng một số thôn khác của Thời Đôn tổng nay lại thuộc huyện Tây Sơn như Lai Nghi, Xuân Hòa, Phú Phong … Duyệt qua danh sách các thôn có thể thấy người Bình Định :
1.      Mơ ước có cuộc sống thanh bình, ổn định
Thể hiện qua các địa danh như Bình Khê, Trường Định, An Chánh, An Dõng, Dõng Hòa, Tiên An …. Đặc biệt hiện nay ở xã Tây Thuận có tên các địa danh ghép lại được ý nghĩa “An hòa thái bình thạnh trị” (Tiên An, Tiên Hòa, Tiên Thái, Tiên Bình, Tiên Thạnh, Tiên Trị)
2.      Mong có cuộc sống no đủ, an vui, tốt đẹp, phấn đấu vươn lên
Thể hiện qua các địa danh như Phú Lạc, Phú Phong, Kiên Thạnh, Hạnh Lâm, Vĩnh Lộc, Vĩnh Thạnh, Mỹ Đức, Mỹ Yên, Kiên Mỹ, Vân Tường, Phú Lược, Phú Văn … Riêng địa danh Phú Văn, Phú Lược thể hiện được ý chí người Bình Khê không cho đất Tây Sơn là đất võ biền, mong muốn của người Bình Khê là đất phải có người văn võ toàn tài, gồm đủ Lục thao Tam lược.
3.      Nhắc nhở sống phải có đạo lý, nghĩa tình đầy đặn
Thể hiện qua các địa danh như Thuận Nghĩa, Nhơn Thuận, Kiên Ngãi, Kiên Long, Thuận Hạnh, Hiếu (Háo) Đức, Hiếu (Háo) Nghĩa … Huyện Bình Khê ngày xưa được mệnh danh là Huyện thất thuận, không phải hiểu theo nghĩa là huyện mất hòa thuận, mà hiểu Bình Khê có 7 làng mang tên Thuận là Thuận Nhất, Thuận Truyền, Thuận Hạnh, Thuận Ninh, Thuận An, Thuận Hòa, Thuận Nghĩa.
4.      Nhắc nhở sống phải nhớ cội nhớ nguồn
Thể hiện qua các địa danh như Trinh Tường, Đồng Lẫm, Đồng Hào, Đồng Trại … Trước đây có ý kiến cho rằng địa danh Tả Giang và Hữu Giang các cụ ngày xưa đã đặt sai tên. Đây là tên của 2 thôn nằm ở 2 bên bờ sông Côn thuộc Xã Tây Giang hiện nay, Hữu Giang phía tả ngạn còn Tả Giang ở hữu ngạn. Ở bờ tả các cụ đặt tên Hữu, còn ở bờ hữu đặt tên Tả !?
Không cần xét đến cách đặt “Kỳ” của triều đình Huế lúc đó gọi Hữu kỳ chỉ cho vùng Hà Tĩnh đến Thanh Hoa (Hóa), gọi Tả kỳ chỉ cho vùng từ Bình Định đến Bình Thuận. Cũng không xét đến nguồn gốc tên cũ đã có trước kia gọi Tả Giang là Tả Chi Nhất khách hộ ấp, Hữu Giang là Tả Chi Nhị khách hộ ấp. Xét đến thời khai hoang lập ấp xa hơn, lưu dân mở đất lên nguồn, đứng ở vị trí hôm nay nhìn về nguồn mà đặt tên cho một vùng đất thì cách đặt tên như vậy không phải là không có ý nghĩa.
Đại Nam Nhất Thống chí triều Nguyễn chép rằng “người Bình Định tính tình trầm mặc, trung hậu, nho nhã, nhưng gan dạ, thích làm việc nghĩa. Đồ dùng, trang phục mộc mạc, giản dị, không thích văn hoa” … Ngay từ bản chất đã có của người Bình Định, Bình Khê, Tây Sơn mà việc gọi tên cho một vùng đất đôi lúc cũng thể hiện cái mộc mạc, giản dị. Nhiều tên gọi mộc mạc khác như Đập Đá, Gò Chàm, Gò Quánh, Quán năm mươi … đến ngày nay vẫn còn sử dụng,  mọi người vẫn thích gọi bằng tên mộc mạc hơn là gọi “tên chữ”. Nhiều tên gọi, nhiều ý nghĩa về tên gọi khác vẫn còn đó trong dân gian đang cần mọi người khám phá.
Nhìn về xưa để viết, để khám phá, đứng từ đâu mà nhìn.
Nhớ đến câu “ Trông về trước chẳng thấy người xưa đâu, Nhìn về sau không thấy người nào đến ” (Tiền bất kiến cổ nhân, Hậu bất kiến lai giảTrần Tử Ngang) đúng là trời đất, tâm hồn con người vô cùng vô tận. Cũng vì vậy mà trang blog nầy dùng tiêu đề Bình Khê, lấy từ tên một vùng đất xưa của địa phương nơi mình cắt rốn chôn nhau, chưa muốn dùng tên Tây Sơn là tên gọi mà hiện nay ai cũng biết, ai cũng muốn lấy đó để tự hào. Vô cùng vô tận, mộc mạc giản đơn … chỉ từ một chữ Tâm.

1 nhận xét:

  1. Hoan hô Phan Trường Nghị!
    Cố gắng để hình thành cho được 1 cái "Bình Khê Địa chí" nhé!
    Cá nhân mình vẫn rất thích địa danh "huyện Bình Khê" hơn "huyện Tây Sơn". "Tây Sơn" là một địa danh chỉ cho cả 1 vùng, nó gắn với lịch sử 1 cuộc khởi nghĩa nông dân, gần như của cả 1 dân tộc. Không chỉ hạn hẹp ở 1 huyện, 1 tỉnh. Nếu lấy nơi khởi nguồn làm mốc dấu thì ta cũng có thể lấy, nếu hẹp thì xã, thôn, rộng thì tỉnh, cũng được chứ?!
    Lịch sử đã chứng minh, sự cục bộ, bản vị, thể hiện qua việc định danh "tỉnh Nguyễn Huệ" hay "tỉnh Tăng Bạt Hổ" là những sai lầm rất chi tai hại rồi đấy sao?
    "Lụa Phú Phong", cũng như nghề tằm tang của cư dân vùng Bình Khê, bây giờ chắc ít người còn biết đến! Gia đình mình ngày xưa, cho đến thời Ba Má mình, vẫn còn biết việc trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ....đấy!

    Trả lờiXóa