Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

HUYỆN DIÊN KHÁNH - PHỦ ĐIỆN BÀN (QUẢNG NAM)


Năm 1306, vua Trần Anh Tông vâng mệnh Thượng Hoàng Nhân Tông gả em gái Huyền Trân công chúa cho vua Chế Mân (Tiếng Phạn : Jaya Sinhavarman III) của vương quốc Chiêm Thành để nhận lấy sính lễ là 2 châu Ô và Rí (Hán ngữ không có âm R nên châu Rí sách xưa ghi là châu Lý). Châu Ô là vùng nam Quảng Trị và Huế hiện nay, bấy giờ Đại Việt gọi là Thuận Châu, còn Châu Rí là vùng đất của một phần xứ Huế trải xuống đến sông Thu Bồn, Đại Việt gọi là Hóa Châu. Khi Giản Định đế - Trần Ngỗi khởi binh chống lại nhà Minh (năm 1408), đánh thắng vài trận lớn là nhờ vào quân binh dưới quyền của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân ở Thuận Hóa (Thuận châu và Hóa châu) theo về.

Thời nhà Hồ, đất Chiêm Động và Cổ Lũy của Chiêm Thành ở phía nam Thuận Hóa đã sáp nhập vào Đại Việt. Hồ Quý Ly chia Chiêm Động làm 2 châu Thăng và Hoa, chia Cổ Lũy làm 2 châu Tư và Nghĩa (Cổ Lũy là phần đất Quảng Ngãi ngày nay). Năm 1402 nhà Hồ lập ra Lộ Thăng Hoa quản lĩnh 4 châu Thăng Hoa Tư Nghĩa. Nhưng từ đó về sau vùng Chiêm Động Cổ Lũy - Thăng Hoa Tư Nghĩa lại là địa bàn tranh qua giành lại của 2 nước Việt Chiêm, sách sử nhà Minh cũng chen vào ghi khống các châu huyện nầy là của Minh triều.

70 năm sau, năm 1471 vua Lê Thánh Tông tiến binh xuống Nam, hạ thành Đồ Bàn (thuộc Bình Định bây giờ) bắt được Chiêm vương Trà Toàn, lấy vùng đất từ phía nam sông Thu Bồn trở vào vùng đất mới chiếm được lập ra Thừa Tuyên Quảng Nam. Địa danh Quảng Nam có là bắt đầu từ đây.

I./ QUẢNG NAM   廣 南

Khi Đinh Tiên Hoàng dựng triều đại, chia nước ra làm 10 Đạo để cai trị. Lúc Lý Thái Tổ lên ngôi đổi 10 Đạo thành 20 Lộ. Sang triều nhà Trần lấy Lộ thống trị Phủ, lấy Phủ thống trị Châu, lấy Châu thống trị Huyện. Đến năm Quang Thuận thứ 7 (1466) vua Lê Thánh Tông định bản đồ cả nước làm 12 Đạo Thừa Tuyên. Theo sách Địa Dư của Phương Đình Nguyễn Văn Siêu viết dưới triều Tự Đức thì ngoài Trung Đô phủ Phụng Thiên, 12 Thừa Tuyên nầy là : Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Thiên Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, Tuyên Quang, An Bang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Lạng Sơn. Trong đó Thuận Hóa Thừa Tuyên gồm 2 phủ là Tiên Bình và Triệu Phong. Phủ Triệu Phong thời bấy giờ có 6 huyện, 2 châu :
-  Huyện Vũ Xương (88 xã, 2 thôn, 4 động, 1 trang, 1 sách, 1 nguồn)
-  Huyện Đan Điền (60 xã, 14 thôn, 4 sách, 1 nguồn)
-  Huyện Hải Lăng (52 xã, 7 thôn, 8 sách, 2 nguồn)
-  Huyện Kim Trà (22 xã, 20 thôn, 3 nguồn)
-  Huyện Tư Vinh (69 xã, 4 sách, 1 nguồn)
-  Huyện Điện Bàn
-  Châu Thuận Bình (17 sách, 3 động)
-  Châu Sa Bôi (81 sách, 11 trang, 7 động)

Năm Hồng Đức thứ 2 (1471), khi Lê Thánh Tông lập thêm Thừa Tuyên Quảng Nam, sách Địa Dư Toàn Biên của Nguyễn văn Siêu chép 3 phủ 9 huyện của Quảng Nam là :
-  Thăng Hoa gồm 3 huyện là Lê Giang (9 xã), Hà Đông (có 8 xã) và Hy Giang (7 xã)
-  Tư Nghĩa gồm 3 huyện là Nghĩa Giang (17 xã), Bình Sơn (17 xã) và Mộ Hoa (15 xã)
-  Phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện là Bồng Sơn (7 xã), Phù Ly (8 xã) và Tuy Viễn (7 xã)

Phủ Thăng Hoa là phần đất tỉnh Quảng Nam ngày nay. Huyện Lê Giang thời đó sau là vùng Thăng Bình và Quế Sơn. Huyện Hy Giang sau là vùng Duy Xuyên. Huyện Hà Đông sau nầy là đất Tam Kỳ.

Phủ Tư Nghĩa là phần đất là tỉnh Quảng Ngãi ngày nay. Huyện Bình Sơn ở phía Bắc Quảng Ngãi. Huyện Nghĩa Giang thời đó sau là các vùng Nghĩa Hành, Tư Nghĩa. Huyện Mộ Hoa sau là các vùng Mộ Đức và Đức Phổ ở phía Nam Quảng Ngãi.

Phủ Hoài Nhơn là phần đất tỉnh Bình Định ngày nay. Huyện Bồng Sơn thời đó sau nầy là vùng Hoài Nhơn, Tam Quan ở phía Bắc Bình Định. Huyện Phù Ly sau là Phù Mỹ và Phù Cát. Huyện Tuy Viễn là địa danh các vùng sau nầy : An Nhơn, Tuy Phước, Quy Nhơn, Bình Khê (Tây Sơn bây giờ).

Như vậy Thừa Tuyên Quảng Nam thời Lê có địa giới theo bản đồ Hồng Đức đã vẽ là từ nam sông Thu Bồn cho đến núi Cù Mông, ranh giới tỉnh Bình Định và Phú Yên hiện giờ.

Đến năm 1490, Thừa Tuyên Quảng Nam được gọi là Xứ Quảng Nam, rồi đến 1509 đổi gọi là Trấn Quảng Nam. Khi Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vào Nam, năm 1602 Quảng Nam đổi gọi là Dinh (Doanh). Vào năm 1604, huyện Điện Bàn của phủ Triệu Phong thuộc Thuận Hóa được nâng lên thành Phủ, quản lĩnh 5 huyện là Tân Phúc, An Nông, Hòa Vinh, Diên Khánh và Phú Châu, cho thuộc vào Dinh Quảng Nam. Như vậy Dinh Quảng Nam thời Trịnh Nguyễn phân tranh có 4 phủ 14 huyện, địa giới trải từ nam Hải Vân cho đến Cù Mông. Còn phía nam Cù Mông là phủ Phú Yên (lập năm 1611) của Dinh Trấn Biên (lập năm 1629).

Sau khi đánh bại nhà Tây Sơn, Nguyễn Ánh lên ngôi lấy Quy Nhơn là Hoài Nhơn cũ lập ra Dinh Bình Định, lấy Hòa Nghĩa là Tư Nghĩa cũ lập ra Dinh Quảng Nghĩa. Dinh Quảng Nam cương vực còn lại chỉ là vùng Thăng Hoa và Điện Bàn. Năm Gia Long thứ 5 (năm 1806) Quảng Nam được gọi là Trực Lệ Quảng Nam Dinh, trực thuộc Kinh sư. Đến năm Minh Mệnh thứ 8 (năm 1827) đổi gọi là Trấn Quảng Nam. Mấy năm sau, năm 1832 cả nước chia lại hạt, vùng Thăng Điện nầy được gọi là Tỉnh Quảng Nam.

Tỉnh Quảng Nam thời Tự Đức có 2 Phủ là Phủ Điện Bàn (gồm 3 huyện là Diên Phúc, Duy Xuyên, Hòa Vinh) và Phủ Thăng Bình (gồm 3 huyện là Lễ Dương, Hà Đông, Quế Sơn).

Năm Thành Thái thứ 18 (1906), huyện Hà Đông được nâng lên thành phủ, sau đổi gọi là phủ Tam Kỳ. Đến năm 1920 lấy một số xã phía Tây Tam Kỳ cùng với Trà My lập ra huyện Tiên Phước lĩnh 4 tổng : Đông Việt (19 xã), Tiên Giang (26 xã), Vinh Quí (20 xã), và Phước Giang (26 xã).

Quảng Nam mang ý nghĩa là Vùng đất rộng lớn ở phía Nam. Với lịch sử mở nước, Thuận Hóa và Quảng Nam là vùng đất mà Chúa Nguyễn Hoàng khi vào nam đã ghi khắc trong tâm đây chính là nơi vạn đại dung thân, nơi cho cháu con nương náu nghìn đời.

II./ PHỦ ĐIỆN BÀN     奠 盤

Địa danh Điện Bàn xuất hiện lần đầu tiên trong Dư Địa Chí của Ức Trai Nguyễn Trãi, là tên của một huyện cực nam Đại Việt thời Lê thuộc phủ Triệu Phong - lộ Thuận Hóa. Theo Ô châu Cận Lục, sách do Dương Văn An nhuận sắc vào năm 1553 thì huyện Điện Bàn lúc đó ở phía nam Hóa châu có 66 xã là :

Đức Ký, Nông Sơn, Bất Nhị, Đông Bàn, Hoa Thử, Đa Thử, Kỳ Ba, Giáng La, Cẩm Đăng, Điền Kha, Lỗi Sơn, Thạch Phố, Tử Sa, Giáo Ái, Bồn Khúc, Lê Sơn, Gia Cốc, Bàng Trạch, Ái Đái, Phiếm Ái, Kim Nê, Yến Nê, Túy Loan, Kim Toại, Diêm Sơn, Quảng Hóa, Thị Phụ, Hoa Hồ, Liên Trì, Mại Giảng, Lai Nghi, Phong Hồ, Giản Đông, Minh Châu, Kim Sa, Bình Sa, Bích Trâm, Hà Khúc, Lôi Trạch, Mông Lãnh, Mông Vân, Địch Khang, Thọ Khanh, Phú Khang, Chiêm Sơn, Trà Đình, Vân Quật, Thi Lai, Lang Chân, Mạc Xuyên, Hoài Phô, Cẩm Phô, Bàn Cố, Kim Lữ, Nhân Triêm, Uất Lũy, Xuyên Đồ, Cẩm Lệ, Cúc Lũy, Lỗ Giáng, Thạc Giản, Vân Dương, Kim Quýt, Hóa Khuê, Kim Khuê, Đại Đái.

Nhiều tên làng còn lưu lại đến ngày nay cho biết Điện Bàn thời đó không những bao trùm cả Thành phố Đà Nẵng, Hội An, các huyện Điện Bàn, Đại Lộc bây giờ mà còn có rải rác các làng ở Quế Sơn, Duy Xuyên, chung quanh nhánh sông Bà Rén của Thu Bồn.

Khi Điện Bàn tách khỏi phủ Triệu Phong nhập vào Quảng Nam năm 1604, Điện Bàn bấy giờ được nâng lên thành Phủ, lĩnh 5 huyện là Tân Phúc, An Nông, Hòa Vinh, Diên Khánh và Phú Châu, không rõ bấy giờ các huyện nầy quán lĩnh các làng xã nào. Khi Lê Quý Đôn vào Thuận Hóa, năm 1776 ông viết tập Phủ Biên Tạp Lục cho thấy các huyện của Điện Bàn lúc nầy bao gồm các Tổng, Xã :

-  Huyện Hòa Vinh (Vang) có 3 Tổng là Lệ Sơn (có 21 xã), Hà Khúc (có 20 xã 4 giáp), Lỗ Giáng (có 10 xã 1 ty)
-  Huyện Diên Khánh có 2 Tổng là Uất Lũy (có 14 xã 5 giáp 5 phường) và Mông Lĩnh (có 27 xã 5 thôn 1 ty 5 phường 3 man)
-  Huyện An Nông có 2 Tổng là An Sơn (có 20 xã 1 thôn 3 phường) và Phiếm Ái (có 14 xã 5 thôn 1 ty 4 phường 1 man)
-  Huyện Tân Phúc có 3 Tổng là Phước Sơn (có 18 xã 2 phường), Hòa Mỹ (có 18 xã 1 ty 1 tộc) và Phước Long (có 35 xã)
-  Huyện Phú Châu có 2 Tổng là Tổng Thượng (có 46 châu 12 phường) và Tổng Đại (có 38 châu 3 phường)

Năm 1553, thời Ô châu Cận Lục thì Điện Bàn chỉ có 66 xã, đến năm 1776 thời Phủ Biên Tạp Lục thì Điện Bàn có tới 197 xã và 317 địa điểm định cư thuộc các xã này (19 thôn, 7 giáp, 205 phường và 86 châu)

Khi đã đánh bại nhà Tây Sơn, năm 1803 vua Gia Long thu hẹp Dinh Quảng Nam chỉ còn 2 phủ là Điện Bàn và Thăng Hoa. Năm 1822, trong phủ Điện Bàn, vua Minh Mệnh cho sáp nhập Huyện Phú Châu vào Huyện Diên Khánh, đổi tên Diên Khánh thành Huyện Diên Phúc, gồm 7 tổng là An Lưu Hạ, An Nhơn Trung, An Thái Thượng, Đa Hoà Trung, Hạ Nông Trung, Phú Chiêm (Triêm) Hạ, Thanh Quýt Trung và 1 thuộc là Phú Châu, tất cả 222 xã.

Theo Đại Việt Địa Dư Toàn Biên, vào năm Minh Mệnh thứ 17 (1836), trích lấy một phần huyện Duy Xuyên của phủ Thăng Hoa cho thuộc vào phủ Điện Bàn. Đến thời Tự Đức, Tỉnh Quảng Nam có 2 phủ là Điện Bàn và Thăng Bình. Phủ Điện Bàn lĩnh 3 huyện :

-  Diên Phúc (có 10 tổng, 256 xã, thôn)
-  Duy Xuyên (có 9 tổng, 189 xã, thôn, phường, châu, ấp)
-  Hòa Vinh (có 7 tổng, 158 xã, thôn, phường, ấp, giáp)

Huyện Phú Châu của thời Nguyễn Hoàng được sát nhập vào Diên Khánh năm 1822. Chưa rõ huyện Tân Phúc thời ấy biến mất tên gọi, sát nhập với Hòa Vinh vào lúc nào. Nhưng qua địa danh các làng xã của Điện Bàn như chùa Long Thủ trước thuộc làng Nại Hiên, huyện Tân Phúc thì nay chính là chùa An Long ở phường Bình Hiên quận Hải Châu - Đà Nẵng.

Đến niên hiệu Thành Thái thứ 11, tháng Chạp năm Kỷ Hợi, nhằm tháng 1.1900 nhà vua đã ra chỉ dụ tách một vùng đất phía Tây của huyện Hòa Vinh (Hòa Vang) để thành lập thêm huyện Đại Lộc với 5 tổng : Đại An, Mỹ Hòa, Đức Hòa, An Phước và Phú Khê cho thuộc vào phủ Điện Bàn.

Định danh Phủ Điện Bàn xuất hiện vào năm 1604. Đến năm 1946 đơn vị hành chánh Phủ không còn sử dụng nữa. Điện Bàn ngày nay xem ra gần như là cương vực của huyện Diên Phúc thuộc phủ Điện Bàn thời nhà Nguyễn.

III./ HUYỆN DIÊN KHÁNH    延  慶

Địa danh Huyện Diên Khánh xuất hiện vào năm 1604, lúc mà Chúa Nguyễn Hoàng cho huyện Điện Bàn của Thuận Hóa thăng làm Phủ cho thuộc vào Quảng Nam, thống lĩnh 5 huyện là Tân Phúc, An Nông, Hòa Vinh, Diên Khánh và Phú Châu. Mãi đến năm 1776, qua Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn mới biết được huyện Diên Khánh lúc ấy gồm 2 tổng là Uất Lũy và Mông Lĩnh.

Theo Lê Quý Đôn Toàn Tập, Tập I - Viện Sử Học, nxb Khoa Học Xã Hội - 1977 thì lúc ấy :

1./ Tổng Uất Lũy có 14 xã 5 giáp 5 phường gồm :
Uất Lũy, Cẩm Lâu, Mỹ Xuyên Đông, Mỹ Xuyên Tây, Bình An, Bàn Thạch, Câu Lâu, Hoa Phố, Khúc Lũy, Gia Tĩnh, Lang Xuyến, Phiên Lĩnh, Thạch Khôi, Bàn Thạch, Phiên Lĩnh Thị, Lợi An, Yên Mỹ, Cẩm Bồ, Phú Triêm Nam giáp, Đông An

2./  Tổng Mông Lĩnh có 24 Xã 5 Thôn 1 Ty 5 Phường 3 Man gồm :
Mông Lĩnh, Mông Nghệ, An Lạc, An Khang, Trà Đình, Địch Khang, Liễu Trì, Phú Trạch, Phú Khang, Tiên Đóa, Tuân Nghĩa, Cẩm Lâu, Mậu Hòa, Vân Quật, Thanh Ly, Tuân Dưỡng, Thi Lại, Kế Xuyên, Tiên Đóa Bến Ngòi, Phú An, Xuân An, Chiêm Sơn, Tiên Đóa Diên Phúc, Tiên Đóa Diên An, Giáo Phường, Trà Đóa, Cẩm An, Đặng Lương, Vân Đóa, Lạc Câu, Tân Mỹ, Phước An Đông, Phước An Tây, Dương Bi, Vĩnh Phước, Tân An, Tây An, Vạn Lộc man, Phú Quý man, Tân An man

Nguyên tắc thành lập đơn vị hành chánh Tổng (đơn vị dưới huyện, trên xã) ngày xưa, bao giờ cũng có một xã trùng với tên của tổng, và tên các xã trong một tổng không thể trùng nhau. Không rõ bản dịch có chuẩn để dùng tra cứu không khi ở đây, trong Tổng Uất Lũy lại có 2 tên xã đều cùng là Bàn Thạch.

Xét lại một số tên làng xã còn lưu lại đến ngày nay có thể hình dung được phần nào địa giới của huyện Diên Khánh thời ấy :

1./ Tổng Uất Lũy :
-  Hoa Phô nguyên trong Ô Châu Cận Lục là Hoài Phô, đến thời Minh Mệnh đổi gọi là Sơn Phô, nay thuộc Hội An
-  Đông An đến thời Gia Long thuộc Tổng Phú Chiêm Hạ, sau là xã Đông Giáp thuộc tổng Phú Khương, nay là thôn Đông Khương xã Điện Phương. Phú Triêm nam giáp nay là Phú Triêm, Câu Lâu là địa danh nay có cây cầu Câu Lâu bắt qua sông Thu Bồn cũng thuộc Điện Phương, huyện Điện Bàn.
-  Uất Lũy nay thuộc TT Vĩnh Điện, Khúc Lũy thuộc xã Điện Minh huyện Điện Bàn
-  Cẩm Lâu nay là Cẩm Lâu (Lậu) thuộc xã Điện Phong huyện Điện Bàn
-  Mỹ Xuyên Đông và Mỹ Xuyên Tây nay thuộc TT Nam Phước huyện Duy Xuyên
-  Bàn Thạch nay có làng chiếu thuộc xã Duy Trinh huyện Duy Xuyên…

2./ Tổng Mông Lĩnh :
-  Mông Lĩnh nay thuộc xã Quế Xuân, Trà Đình nay thuộc xã Quế Phú huyện Quế Sơn.
-  Vân Quật nay thuộc xã Duy Thành, Mậu Hòa nay thuộc xã Duy Trung, Chiêm Sơn nay thuộc xã Duy Trinh huyện Duy Xuyên. Có làng Thi Lai cũng thuộc xã Duy Trinh đối diện với làng Thi Lai ở bờ bắc sông Thu Bồn thuộc xã Điện Phương.
-  Tiên Đóa nay là Tiên Đỏa thuộc xã Bình Sa, Liễu Trì nay thuộc xã Bình Nguyên, Tuân Nghĩa nay thuộc xã Bình Tú huyện Thăng Bình…

Năm 1822 tên huyện Diên Khánh phủ Điện Bàn đổi gọi là Diên Phúc. Khoảng bấy giờ phía trong cõi Thạch Bi có phủ Diên Ninh được lấy tên là Phủ Diên Khánh, hiện nay là huyện Diên Khánh của Tỉnh Khánh Hòa.







3 nhận xét:

  1. Bàn Thạch nay có làng chiếu thuộc xã Duy Vinh huyện Duy Xuyên… chứ không phải Duy Trinh

    Trả lờiXóa
  2. Làng Đông Giáp thuộc tổng Phú Khương chính là làng Phú Bông ngày nay thuộc xã Điện Phong chứ không phải xã Điện Phương

    Trả lờiXóa