Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

XỨ ĐÀNG TRONG NĂM 1621 (12)


Diễn Tuồng ở Xứ Đàng Trong qua tranh Borrow vẽ năm 1792

CHƯƠNG 12 : ĐỜI SỐNG TINH THẦN Ở ĐÀNG TRONG

Xứ Đàng Trong còn có nhiều đền chùa rất đẹp với tháp cao và lầu chuông. Mỗi địa điểm dù nhỏ bé đến đâu thì cũng có đền chùa thờ cúng thần Phật. Có những pho tượng rất lớn có vàng có bạc chứa chấp và tàng trữ ở trong. Thật không hơn không kém là một kho tàng thánh trong ngực hay trong bụng pho tượng. Không ai dám sờ mó vào trừ khi bị lâm vào cơn túng quẫn cùng cực. Một tên ăn trộm nào đó thò tay lục trong bụng tượng mà không nghĩ đến tầm quan trọng của việc phạm thánh, vì ở đây người ta vẫn quan niệm rằng làm như vậy là phạm thượng. Lại nữa họ đeo ở cổ nào là tràng hạt, chuỗi hột. Họ tổ chức rước sách, lễ lạt rất long trọng, để kính thần Phật như chúng ta thấy nơi những giáo dân sốt sắng nhất của ta. Và hơn nữa có những ông sãi có chức tương ứng với chức tu viện trưởng, giám mục và tổng giám mục cũng cầm gậy dát vàng dát bạc không khác những gậy chúng ta dùng trong Giáo hội.

Tất cả giáo phái của họ không có mục đích nào khác ngoài việc tôn thờ Thượng Đế hay ao ước vinh quang và hạnh phúc đời sau hoặc công nhận hồn bất tử hoặc quả quyết mọi sự đều chấm dứt khi thân xác chết. Tất cả lương dân phương Đông đều công nhận hai nguyên lý này. Các giáo phái đếu phát nguyên từ kinh sách của một đại triết gia và nhà siêu hình học trứ danh gọi là Thích Ca. Vị này còn có trước Aristote [1]và không thua kém ông về tài trí và tinh thông các sự thiên nhiên. Với trí óc minh mẫn, ngài suy nghĩ về thiên nhiên và sự thành lập vũ trụ. Ngài chiêm ngưỡng nguyên lý và cứu cánh vạn vật, nhưng nhất là về bản thể con người làm chủ lâu dài đại thế giới này.

Giáo thuyết ngài Thích Ca công bố được người Trung Hoa đón nhận. Họ rất mong muốn được giải thoát nên đã đón nhận giáo thuyết này và chủ trương thành mười hai giáo phái khác nhau trong đó có một giáo phái được người ta theo và sùng hơn cả và là phái chủ trương vạn vật là hư không họ gọi là Genfiu, thiền phái. Những người theo phái này có tục cùng nhau hẹn ngày về miền thôn quê để nghe một vài thượng tọa thuyết pháp về đề tài cực lạc.

Thế nhưng bây giờ phải trở lại với người xứ Đàng Trong [2], họ không đón nhận toàn bộ thứ giáo lý quá khích và phi lí chối bỏ hình thức bản thể và quy mọi sự về hư không. Khắp nơi trong nước, tất cả đều công nhận hồn là bất tử và do đó có phần thưởng đời đời cho người lành và hình phạt trường cửu cho kẻ dữ, làm cho chân lý đó mờ nhạt đi vì đầy những điều vô lý và sai lầm. Thứ nhất họ không phân biệt hồn người dữ tách rời khỏi thân xác với các thần xấu và gọi tất cả là tà ma, và cho rằng không những thần xấu mà cả hồn người dữ đều tìm cách làm hại người sống. Thứ hai là một trong những phần thưởng của hồn người đã sống lành thánh đó là chuyển [3] từ một thân này tới một thân khác tốt hơn, trọng hơn, như từ thân xác một người dân thường đến thân xác một đế vương hay quan cao cấp. Thứ ba là hồn người quá cố cần ăn uống và bồi dưỡng thân xác, do đó đôi khi trong năm họ có tục dọn cỗ bàn thịnh soạn và long trọng, con cái cúng tế cha mẹ đã khuất, chồng cúng tế vợ, bạn bè cúng tế người thân thích.

Nguyễn Khắc Xuyên

Chú thích

[1] Borri sánh Khổng Tử với Aristote, ở đây cũng coi Phật tổ như nhà hiền triết Hy Lạp đại tài Aristote
[2] Tin tưởng của người Đàng Trong về hồn
[3] Thuyết luân hồi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét