Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

XỨ ĐÀNG TRONG NĂM 1621 (8)


Cảng Đà Nẵng - Xứ Đàng Trong ngày xưa

CHƯƠNG 8 : VỀ THƯƠNG MẠI VÀ CÁC HẢI CẢNG Ở XỨ ĐÀNG TRONG

Xứ Đàng Trong có rất nhiều thứ thuận lợi cho sinh hoạt con người như chúng tôi đã nói trước đây. Vì thế mà dân xứ này không ưa và không có khuynh hướng đi đến các nơi khác để buôn bán, cũng như không bao giờ ra khơi quá xa đến độ không còn trông thấy bờ biển và lãnh thổ của tổ quốc yêu quý của họ [1], mặc dầu họ dễ dàng cho người ngoại quốc vào hải cảng của họ và họ thích thú thấy người ta tới buôn bán trong lãnh thổ của họ, không những từ những nước và tỉnh lân cận mà từ cả những xứ rất xa. Về vấn đề này, họ không cần phải dùng những mánh lới gì lớn, người ngoại quốc đủ bị quyến rũ bởi đất đai phì nhiêu và thèm muốn những của cải tràn đầy trong xứ họ. Không những người xứ Đàng Ngoài, xứ Campuchia và Phúc Kiến và mấy xứ lân cận đến buôn bán, mà mỗi ngày người ta còn thấy các thương gia đến từ những miền đất xa xôi như Trung Quốc, Macao, Nhật Bản, Manila và Malacca. Tất cả đều đem bạc tới xứ Đàng Trong để đem hàng hóa xứ này về. Thực ra không phải là mua hàng hóa mà là trao đổi với cùng một thứ bạc kể như hàng hóa, lúc cao lúc hạ tuỳ theo có nhiều hay có ít bạc, tuỳ theo có nhiều hay ít tơ lụa và những mặt hàng khác.


Tiền dùng để mua mọi thứ là thứ tiền bằng đồng và tất cả đều có giá trị bằng gần một đồng “double” và năm xu của đồng này thì bằng một “êcu”. Đồng tiền này rất tròn, có khắc con dấu và biểu hiệu nhà vua. Mỗi đồng đều có lỗ ở giữa để xâu thành từng nghìn đồng, mỗi chuỗi hay mỗi dây giá bằng hai “êcu”.

Người Tàu và người Nhật là những người làm thương mại chính yếu ở xứ Đàng Trong tại một chợ phiên họp hàng năm ở một hải cảng và kéo dài tới chừng bốn tháng. Người Nhật chở trên thuyền của họ giá trị bằng bốn hay năm triệu bạc, còn người Tàu chở trong tàu họ gọi là “somes” [2], rất nhiều thứ lụa mịn và nhiều hàng hóa khác của xứ họ. Chúa thu được lợi nhuận lớn trong việc buôn bán này bằng thuế hàng hóa và thuế hải khẩu ngài đặt ra và cả nước đều kiểm tra được rất nhiều mối lợi không thể tả hết. Vì người Đàng Trong không có đồ kỹ nghệ và thủ công nào, không biết kỹ thuật cơ giới, vì đất đai phì nhiêu và thổ sản dồi dào nên họ ăn không ngồi rồi, và mặt khác họ dễ dàng chuộc những của lạ từ các nơi khác đưa tới, nên họ rất hám và chạy theo mua cho bằng được với bất cứ giá nào. Họ không biết tiết kiệm tiền khi sắm những thứ thực ra chẳng đáng giá bao nhiêu, tỉ như bàn chải, kim khâu, vòng tay, hoa tai bằng thuỷ tinh và những hàng lặt vặt. Tôi nhớ có một người Bồ đem từ Macao tới Đàng Trong một lọ đầy kim khâu, tất cả chỉ giá hơn ba mươi “ducat”, nhưng đã được lời tới hơn một ngàn, vì ông ta bán mỗi chiếc một đồng “rêal” ở xứ Đàng Trong, trong khi ở Macao ông ta mua không tới một “double”. Sau cùng họ tranh nhau mua tất cả những gì họ thấy miễn đó là đồ mới lạ và từ xa tới, họ tiêu tiền một cách dễ dàng. Họ ham chuộng tất cả các mặt hàng mũ nón, mũ bonnet, thắt lưng, áo sơ mi và tất cả các loại áo của chúng ta vì rất khác các đồ vật của họ. Nhưng họ thích san hô nhất.

Còn về hải cảng thì thật là lạ lùng, chỉ trong khoảng hơn một trăm dặm một chút mà người ta đếm được hơn sáu mươi cảng, tất cả đều rất thuận tiện để cập bến và lên đất liền. Là vì ở ven bờ có rất nhiều nhánh biển lớn. Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng chính là hải cảng thuộc tỉnh Quảng Nam [3]. Người ta cập bến bằng hai cửa biển: một gọi là Turon (Đà Nẵng) và một gọi là Pulluciambello (Hội An). Các cửa biển cách nhau chừng ba hay bốn dặm, kế đó biển chia thành hai nhánh đi sâu vào đất liền chừng bảy hay tám dặm, làm thành như hai co sông luôn tách rời nhau để rồi cuối cùng gặp nhau và đổ vào một con sông lớn. Tàu bè từ hai phía tới cũng đi vào con sông này[4].

Chúa Đàng Trong xưa kia cho người Nhật, người Tàu chọn một địa điểm và nơi thuận tiện để lập một thành phố cho tiện việc buôn bán như chúng tôi đã nói. Thành phố này gọi là Faifo (Hội An), một thành phố lớn đến độ người ta có thể nói được là có hai thành phố, một phố người Tàu và một phố người Nhật. Mỗi phố có khu vực riêng, có quan cai trị riêng, và sống theo tập tục riêng. Người Tàu có luật lệ và phong tục của người Tàu và người Nhật cũng vậy.

Hơn nữa, chúa Đàng Trong không đóng cửa trước một quốc gia nào, ngài để cho tự do và mở cửa cho tất cả người ngoại quốc, người Hà Lan cũng tới như những người khác, cùng với tàu chở rất nhiều hàng hóa của họ. Vì thế người Bồ ở Macao mới có ý định sai một sứ giả tới chúa để nhân danh mọi người khẩn khoản chúa trục xuất người Hà Lan là địch thù của họ. Để làm việc này, họ dùng một thuyền trưởng tên là Ferdinand de Costa. Ông này đã thành công, dĩ nhiên với nhiều khó khăn. Ông đã làm cho chúa ra sắc lệnh cấm người Hà Lan tới gần lãnh thổ ngài, nếu không nghe thì nguy tới tính mạng. Nhưng vì người Bồ ở Macao sợ sắc lệnh đó không được tuân thủ nghiêm chỉnh, nên họ lại sai một phái đoàn mới tới Đàng Trong, để nắm chắc lệnh cấm đó. Họ cũng căn dặn đoàn đại biểu phải làm cho chúa hiểu là, vì ích lợi của ngài và nếu ngài không cẩn thận thì e rằng, với thời gian người Hà Lan vốn rất khéo léo và rất quỷ quyệt, sẽ dám xâm chiếm một phần xứ Đàng Trong như chúng đã làm ở mấy nơi trong nước An Độ. Nhưng có mấy người am hiểu tình hình xứ này bàn là không nên nói thế với chúa, nhưng cách thế đích thực phải dùng là cho phép người Hà Lan tới buôn bán trong xứ và mời cả nước Hà Lan tới nữa. Phương châm của người Đàng Trong là không bao giờ tỏ ra sợ một nước nào trên thế giới. Thật là hoàn toàn trái ngược với vua Trung Hoa, ông này sợ tất cả, đóng cửa không cho người ngoại quốc vào và không cho phép buôn bán trong nước ông. Các sứ giả phải nại nhiều lý do mới được như ý sở cầu.

Chúa Đàng Trong tỏ ra thích để cho người Bồ đến buôn bán ở nước ngài một cách lạ lùng. Và đã mấy lần ngài cho họ ba hay bốn địa điểm ở nơi phì nhiêu nhất và phong phú nhất trong vùng hải cảng Đà Nẵng, để họ xây cất một thành phố, với tất cả những gì cần thiết, cũng như người Tàu và người Nhật đã làm. Và tôi mạn phép nói lên cảm tưởng về việc này với hoàng đế công giáo [5], tôi xin nói rằng ngài nên ra lệnh cho người Bồ nhận lời đề nghị rất lịch thiệp chúa Đàng Trong đã đưa ra và sớm xây cất ở đó một thành phố tốt đẹp, làm nơi an toàn và cư trú, lại dùng để nhanh chóng bảo vệ hết các thuyền tàu đi Trung Quốc. Cũng có thể giữ một hạm đội sẵn sàng chống lại người Hà Lan. Họ đi Tàu hay đi Nhật, dù muốn dù không, họ bó buộc phải qua giữa eo biển nằm trong bờ biển xứ này thuộc về các hoàng tử trấn thủ Phú Yên và Quy Nhơn với những quần đảo Chàm.

Đó là một ít điều tôi tưởng là nên tường thuật một cách chính xác về tình hình vật chất ở xứ Đàng Trong, theo sự hiểu biết của tôi, trong thời gian mấy năm tôi ở đó [6] như sẽ biết nhiều hơn trong phần thứ hai của bản tường trình này.

Nguyễn Khắc Xuyên

Chú thích

[1] Trong Lịch sử Đàng Ngoài, De Rhodes nói rõ hơn tại sao người Việt Nam không thành thạo ngành hàng hải, mặc dầu có nhiều bờ biển và nhiều hải cảng tốt, xem sd.ch.16, phần 1.
[2] Thuyền mành hay thuyền tam bản?
[3] Hội An
[4] Hội An ở phía bắc sông Thu Bồn, gần cửa sông Cửa Đại. Hàng từ sông Thu Bồn, sông Vĩnh Điện, sông Trường Giang chuyển đến cũng dễ dàng.
[5] Các vua Bồ, Tây, Pháp thời đó thường xưng mình là các vua hay hoàng đế công giáo (les rois catholiques).
[6] Tức từ 1618 tới 1622

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét