Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2013

BÌNH ĐỊNH - NHỮNG NGÔI TRƯỜNG NGÀY CŨ

Trung Học Cường Đễ Quy Nhơn

Theo Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học Qui Nhơn, Thầy Đào Đức Chương có bài biên khảo "Các Trường Trung Học Tỉnh Bình Định - tính đến ngày 01-4-1975”, giới thiệu về 49 ngôi trường trong cả tỉnh. Giống như bài đã được đăng trên Đặc San, trang cuongde.org cũng đăng bài biên khảo nầy kỳ thứ nhất ngày 12.08.2010 có 20 trường với tiêu đề QUI NHƠN - NHỮNG NGÔI TRƯỜNG NGÀY CŨ, kỳ thứ hai ngày 07.01.2013 có 29 trường với tiêu đề BÌNH ĐỊNH - NHỮNG NGÔI TRƯỜNG TRONG TRÍ NHỚ

Nay xin phép Thầy Đào Đức Chương cũng như anh chị em Trung Học Cường Đễ và Nữ Trung Học Quy Nhơn cho được đăng lại bài biên khảo nầy dưới đề tựa BÌNH ĐỊNH - NHỮNG NGÔI TRƯỜNG NGÀY CŨ để hệ thống lại trường lớp Trung Học ở tỉnh Bình Định tính đến ngày 01-04-1975



Tỉnh Bình Định trong quá khứ đã đổi tên nhiều lần, bắt đầu từ năm 1471, Lê Thánh Tông, niên hiệu Hồng Đức thứ 2, đặt phủ Hoài Nhơn. Năm 1602, đời Lê Kính Tông, niên hiệu Hoằng Định thứ 2; chúa Nguyễn Hoàng đổi là phủ Qui Nhơn (Đại Nam Nhất Thống Chí ghi năm1604). Năm 1651, đời Lê Thần Tông, niên hiệu Khánh Đức thứ 3; chúa Nguyễn Phúc Tần cải danh là phủ Qui Ninh. Năm 1742, đời Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 3; chúa Nguyễn Phúc Khoát lấy lại tên cũ là phủ Qui Nhơn. Năm 1799, đời Nguyễn Quang Toản, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 7; Nguyễn Phúc Ánh cải đổi thành Bình Định, năm 1801 gọi là dinh Bình Định. Năm 1808, Nguyễn Thế Tổ, niên hiệu Gia Long thứ 7, đặt là trấn Bình Định. Và từ năm 1832, Nguyễn Thánh Tổ, niên hiệu Minh Mạng thứ 13, đổi ra tỉnh Bình Định cho đến ngày nay.

Theo bản đồ địa chánh và tài liệu thống kê [1] tính đến tháng 12 năm 1970, diện tích toàn tỉnh Bình Định là 9.024 km², với dân số 732.212 người, được phân bố như sau:

1/ Thị xã Qui Nhơn rộng 94,9 km², có 177.519 người.

2/ Quận Tuy Phước (tính cả nha Vân Canh) rộng 1.206 km², có 144.781 người, gồm các xã: Phước An, Phước Châu, Phước Hiệp, Phước Hòa, Phước Long, Phước Lộc, Phước Lý, Phước Nghĩa, Phước Quang, Phước Sơn, Phước Thành, Phước Thạnh, Phước Thắng, Phước Thuận, Canh Giao, Canh Hà, Canh Hưng, Canh Lãnh, Canh Lồ, Canh Phong, Canh Sơn, Canh Thành, Canh Thịnh, Canh Thông. Tổng cộng 24 xã, trong đó có 14 xã được kiểm kê dân số.

3/ Quận An Nhơn rộng 259,3 km², có 117.628 người, gồm các xã: Đập Đá, Nhơn An, Nhơn Hạnh, Nhơn Hậu, Nhơn Hòa, Nhơn Hưng, Nhơn Khánh, Nhơn Lộc, Nhơn Mỹ, Nhơn Phong, Nhơn Phúc, Nhơn Thành, Nhơn Thọ, Phước Hưng (nguyên thuộc quận Tuy Phước). Tổng cộng 14 xã, trong đó có 13 xã được kiểm kê dân số.

4/ Quận Phù Cát rộng 599,5 km², có 92.921 người, gồm các xã Cát Chánh, Cát Hanh, Cát Hiệp, Cát Khánh, Cát Minh, Cát Nhơn, Cát Sơn, Cát Tài, Cát Thắng, Cát Trinh, Cát Tường. Tổng cộng 11 xã, trong đó có 9 xã được kiểm kê dân số.

5/ Quận Phù Mỹ rộng 550,5 km², có 91.709 người, gồm 15 xã: Mỹ An, Mỹ Cát, Mỹ Chánh, Mỹ Đức, Mỹ Hiệp, Mỹ Hòa, Mỹ Lộc, Mỹ Lợi, Mỹ Phong, Mỹ Quang, Mỹ Tài, Mỹ Thành, Mỹ Thắng, Mỹ Thọ, Mỹ Trinh. Tổng cộng 15 xã và đều được kiểm kê dân số.

6/ Quận Bình Khê (tính cả nha Vĩnh Thạnh) rộng 1.334,9 km², có 73.770 người, gồm các xã Bình An, Bình Giang, Bình Hòa, Bình Nghi, Bình Phú, Bình Tân, Bình Thành, Bình Thuận, Bình Tường, Phùng Thiện, Vĩnh Châu, Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hưng, Vĩnh Kim, Vĩnh Lâm, Vĩnh Nghĩa, Vĩnh Quang, Vĩnh Tường. Tổng cộng 20 xã, trong đó có 11 xã được kiểm kê dân số.

7/ Quận Hoài Nhơn (tính cả nha An Lão) rộng 872,7 km², có 93.890 người, gồm thị trấn Bồng Sơn và các xã: Hoài Đức, Hoài Hương, Hoài Mỹ, Hoài Tân, Hoài Xuân, An Bình, An Bửu, An Cư, An Dân, An Đồng, An Hảo, An Hậu, An Hòa, An Lạc, An Mỹ, An Ninh, An Nghĩa, An Phú, An Quý, An Sơn, An Tân, An Thạch, An Toàn, An Thành, An Tường. Tổng cộng 26 xã, trong đó 7 xã được kiểm kê dân số.

8/ Quận Hoài Ân rộng 648,2 km², có 32.794 người, gồm các xã Ân Đức, Ân Hữu, Ân Nghĩa, Ân Phong, Ân Thạnh, Ân Tín, Ân Tường, Vĩnh Danh, Vĩnh Điền, Vĩnh Định, Vĩnh Hoàng, Vĩnh Hữu, Vĩnh Ngãi, Vĩnh Nhàn, Vĩnh Nhơn. Tổng cộng 15 xã, trong đó có 5 xã được kiểm kê dân số.

9/ Quận An Túc rộng 3.332,3 km², có 35.515 người, gồm các xã An Định, An Khê, An Sơn, Bà Ba, Bà La, Bà Nâm, Cà Chang, Cửu An, Cửu Tú, Kan Nack, Sa Lam, Khói, Klom, Krong Kroi, Krong Kotu, Kon Nghe, Lúc Cúc, Sro, Srơn, Song An, Song Tân, Ta Mộc, Tài, Tân Cư, Tân Tạo An Dân, Thang, Trung Nhang, Tư Lương, Xu. Tổng cộng 29 xã, trong đó có 7 xã được kiểm kê dân số.

10/ Nha Tam Quan rộng 220,6 km², có 73.747 người, gồm các xã Đức Hựu, Hoài Châu, Hoài Hảo, Hoài Sơn, Hoài Thanh, Tam Quan. Tổng cộng 6 xã và đều được kiểm kê dân số.

Vậy tỉnh Bình Định trước năm 1975 có 1 thị xã, 8 quận và 4 nha, gồm 160 xã trong đó có 87 xã (chiếm tỷ lệ 54,37%) được kiểm kê dân số và có đến 73 xã (chiếm tỷ lệ 45,62%) vì mất an ninh không tiến hành kiểm kê dân số được. Mặc dù có đến gần nửa số xã trong tỉnh bị ảnh hưởng chiến tranh không mở được trường học, thế nhưng với tinh thần hiếu học của tỉnh nhà, tính đến niên khóa 1974 - 1975, Bình Định có 49 trường trung học (không kể trường tiểu học), và phân phối như sau:

THỊ XÃ QUI NHƠN : 20 TRƯỜNG

01 - Trường Sư Phạm Qui Nhơn:

Trường Cao đẳng công lập được thành lập bởi Quyết định số 701- GD/PC/NĐ ký ngày 10- 5- 1962 của Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa. Trường Sư phạm được xây cất trên thửa đất rộng ở Khu Sáu, mặt tiền ngó ra biển và giáp đường Nguyễn Huệ. Theo Trần Đình Thái, Ai Có Về Qui Nhơn [2], đồ án với kinh phí 20 triệu, xây cất trong 18 tháng mới xong và khánh thành ngày 3 tháng 10 năm 1962. Cơ sở gồm hai dãy lầu với đầy đủ phòng học, giảng đường, thư viện, phòng âm nhạc, câu lạc bộ, trung tâm y tế và chỗ ở cho một số viên chức nhà trường.

Tháng 12 năm 1967, trường xây cất thêm khu nội trú với kinh phí 737.761 Mỹ Kim và 11.320.754 đồng Việt Nam, gồm hai dãy lầu 3 tầng, một cho nam giáo sinh và một cho nữ giáo sinh, cách biệt nhau. Niên khóa 1969- 1970, khu nội trú này có 392 nam và 312 nữ. Mỗi khu nội trú có 1 văn phòng, 1 phòng tiếp khách rộng rãi, 1 phòng phát thuốc, 1 nhà giặt, 1 nhà ủi quần áo, 7 khu nhà tắm và vệ sinh, 6 đơn vị cư trú cho Quản đốc và Giám thị, khu công viên và sân chơi cho giáo sinh.

Ban đầu, trường thu nhận giáo sinh các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị đến Phan Thiết. Từ niên khóa 1972- 1973 trường chỉ thu nhận giáo sinh 5 tỉnh gồm Quảng Tín, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Phú Bổn. Và niên khóa này, trường có khoảng gần 1000 giáo sinh, tính cả học viên năm thứ nhất với năm thứ hai.

Trường Sư Phạm Quy Nhơn (Ảnh mới)

Khóa học trong hai năm, tốt nghiệp với ngạch Giáo Học Bổ Túc. Chương trình giáo khoa năm thứ nhất gồm các môn chuyên nghiệp như: Sư phạm lý thuyết, Sư phạm chuyên biệt, Giáo dục cộng đồng, Tâm lý giáo dục, Luân lý chức nghiệp, Giáo dục y tế (Y tế học đường), Hoạt động thanh niên, Dụng cụ giáo khoa, Canh nông, Thủ công, Thể dục và Âm nhạc. Ngoài ra, còn các môn nâng cao trình độ học vấn như: Quốc văn, Sinh ngữ, Toán học ứng dụng, Hội họa. Năm thứ hai, chương trình giáo khoa gồm các môn: Sư phạm thực hành, Quản trị và Thanh tra học đuờng, Giao tế xã hội, Kinh tế chính trị, Giáo dục cộng đồng, Các vấn đề giáo dục, Thể dục thể thao, Hoạt động thanh niên, Giáo dục phụ nữ (cho giáo sinh nữ), ngành mộc (cho nam giáo sinh). Ngoài ra cũng học môn Quốc văn, Sinh ngữ, Âm nhạc, Hội họa để trau dồi trình độ văn hóa.

Từ năm 1962 đến 1975, trường Sư Phạm Qui Nhơn trải qua ba đời Hiệu trưởng, đầu tiên là Đinh Thành Chương, kế nhiệm Nguyễn Trọng Lương và vị Hiệu trưởng sau cùng là Trần Văn Mẫn. Trường cũng có vị Giám học, đầu tiên là Trần Văn Mẫn (lên làm Hiệu trưởng), kế tiếp là Lê Minh Tâm, sau cùng là Võ Sum, với Phụ tá Giám học là Dương Quang Phùng cho đến tháng 3 năm 1975.

02 - Trường Sư Phạm Thực Hành:

Trường được xây cất tại Khu 6, với kinh phí 500.000 đồng, bắt đầu hoạt động từ niên khóa 1965- 1966, Lương Thế Kiệt làm Hiệu trưởng từ đầu đến năm 1975. Đây là trường tiểu học kiểu mẫu dành cho giáo sinh trường Sư Phạm thực tập. Niên khóa 1972 - 1973 trường có 12 lớp với 480 học sinh. Như vậy, trường Sư Phạm Thực Hành vừa dạy học sinh tiểu học, vừa đào tạo giáo sinh. Ngoài ra, hằng năm trong ba tháng hè, trường này còn dùng để tu nghiệp giáo viên từ các nơi gửi về, và nghiệp vụ này cũng do trường Sư Phạm đảm trách.

Tóm lại, tuy trường thu nhận học sinh cấp 1 và giảng dạy chương trình tiểu học, nhưng mục đích chính là dành cho giáo sinh thực tập và luyện tay nghề. Vì vậy, cũng được coi là trường Cao đẳng, đào tạo thầy giáo ngạch Giáo Học Bổ Túc.

03 - Trung Học Cường Để:

Trường công lập được thành lập từ năm 1955, niên khóa 1955- 1956 Trung Học Cường Để có 401 học sinh với 8 lớp, gồm 3 Đệ thất, 2 Đệ lục, 2 Đệ ngũ và 1 Đệ tứ (từ niên khóa 1970 - 1971 gọi là lớp 6, 7, 8, 9). Cơ sở trường nằm trên nền cũ của trường Collège de Qui Nhơn ở đường Võ Tánh. Mới đầu trường chỉ có dãy nhà tôn gồm 3 phòng và bên kia sân chơi là dãy nhà tranh cũng 3 phòng nằm đối diện, nơi đây dùng làm lớp học và văn phòng. Niên khóa 1956 - 1957, trường cất thêm một dãy nhà trệt lợp ngói, gồm 5 phòng, thành mô hình chữ U đáy rộng và rời.

Dãy phía tây Trung Học Cường Đễ Quy Nhơn (Ảnh mới)

Niên khóa 1958 - 1959, trường mở lớp Đệ tam [4] và dời dần các lớp về địa điểm mới, ở số 9 đường Cường Để. Và đến niên khóa 1964- 1965, trường cũ ở đường Võ Tánh được bàn giao cho trường Tiểu Học Nguyễn Huệ. Tại cơ sở mới, trường Trung Học Cường Để có trên 30 phòng học và 1 phòng thí nghiệm, có khu hành chánh dành cho Ban Giám đốc, Ban Giảng huấn, Ban Nhân viên văn phòng làm việc, và một Đại Thính đường chứa cả ngàn người, ở cuối sân trường, sát với hàng rào phi trường Qui Nhơn. Hội trường này do Sư đoàn Mãnh Hổ của Quân Đội Đại Hàn xây cất và biếu tặng cho trường vào năm 1965. Theo số liệu thống kê của Trần Đình Thái chép năm 1973, niên khóa 1972 - 1973 trường Cường Để có 3.227 học sinh. Cũng trong niên khóa này trường lập thư viện và GS Châu Văn Thuận giữ chức Quản thủ thư viện.

Tính đến năm 1975, Trung Học Cường Để hoạt động tròn 20 niên khóa, đây là trường Đệ Nhị cấp lớn nhất của tỉnh nhà, có 65 lớp, với chừng 3300 học sinh, và lớp 12 (lớp Đệ nhất cũ) mở đủ các ban A, B, C. Trường đã trải qua 6 đời Hiệu trưởng: Thái Vĩnh Thung (Quyền Hiệu trưởng, 1955), Đinh Thành Chương (1955 - 1959), Tôn Thất Ngạc (1959 - 1965) , Trương Ân (1965 - 1971), Nguyễn Mộng Giác (1971 - 1973), Nguyễn Phụ Chính (1973 - 1975). Trường cũng có 4 đời Giám học: Nguyễn Đình Nhàn (1965 - 1968), Nguyễn Mộng Giác (1968 - 1971), Nguyễn Phụ Chính (1971 - 1973), Nguyễn Minh Đức (1973 - 1975). Và 3 đời Tổng Giám thị: Lương Thanh Danh (1959 - 1965), Võ Ái Ngự (1965 - 1968), Phạm Ngọc Bích (1968 - 1975).

Thành phần Ban Giám đốc sau cùng gồm: Nguyễn Phụ Chính, Hiệu trưởng; Nguyễn Minh Đức, Giám học; Võ Thăng (tiền nhiệm là Nguyễn Phúc), Phụ tá Giám học; Phạm Ngọc Bích, Tổng Giám thị; Nguyễn Hữu Vui (tiền nhiệm là Nguyễn Văn Sở), Phụ tá Tổng Giám thị.

04 - Nữ Trung Học Qui Nhơn:

Nguyên cơ sở này là Tư Thục Tân Bình, nằm trên đường Nguyễn Huệ, mặt tiền nhìn ra biển. Cuối năm 1963, trường này trở thành công lập, đổi tên là Nữ Trung Học Qui Nhơn, hợp thức hóa bằng Nghị định số 2214-GD/PC/NĐ ký ngày 4 tháng 12 năm 1964 của Bộ Quốc Gia Giáo Dục, và khai giảng niên khóa 1964 - 1965. Ban đầu, trường chỉ có các lớp Trung học Đệ Nhất cấp và được phát triển thành Đệ Nhị cấp. Niên khóa 1972 - 1973, trường sở phát triển tới 18 phòng học, với số sĩ số là 2.559 người, trong đó có 1.892 nữ sinh Đệ Nhất cấp và 667 nữ sinh Đệ Nhị cấp [5]. Cũng trong niên khóa này, trường mở lớp 10 ban C [6], nên không còn chuyển học sinh ban này vào học trường Cường Để nữa.

Trường Nữ Trung Học Quy Nhơn

Nữ Trung Học Qui Nhơn là trường Công lập Đệ Nhị cấp có lớp 12 và trải qua ba vị Hiệu trưởng: đầu tiên Trần Thị Gia, rồi đến Vương Thúy Nga, sau là Lê Thị Cúc với thành phần Ban Giám đốc gồm: Giám học Tôn Nữ Thanh Tùng, Phụ tá Giám học Nguyễn Túc, Tổng Giám thị Nguyễn Thị Cam Vũ, Phụ tá Tổng Giám thị (không rõ). Đây là trường Nữ Trung Học Đồng Khánh (Huế) của Bình Định. Tính đến năm 1975, trường này lớn hàng thứ ba trong tỉnh, sau Trung Học Cường Để Qui Nhơn (65 lớp) và Trung Học Đào Duy Từ An Nhơn, Bình Định (56 lớp).

05 - Trung Học Kỹ Thuật Qui Nhơn:

Trường được thành lập bởi Nghị định số 954 - GD/PC/NĐ ký ngày 7 tháng 6 năm 1962 của Bộ Quốc Gia Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa, được khởi cất vào tháng 12 năm 1960 và khánh thành ngày 3 tháng 10 năm 1962. Trường có diện tích xây cất là 4630 m² [7] gồm: Khu Giảng dạy giáo khoa là dãy nhà lầu hai tầng, khu Thực tập là dãy nhà trệt dùng làm kho và cơ xưởng, khu phòng Thí nghiệm và Thư viện, khu Văn phòng, khu nhà ở cho nhân viên với hai biệt thự dành cho Hiệu trưởng và Cố vấn. Các khu nhà này được nối kết với nhau bằng những hành lang rộng. Và toàn bộ cơ sở tọa lạc trong khuôn viên rộng 5 ha² (mẫu tây) ở Khu Sáu, đường Nguyễn Huệ, mặt tiền nhìn ra biển.

Khu Cơ Xưởng Trung Học Kỷ Thuật Quy Nhơn

Niên khóa 1966 - 1967 được Bộ Quốc Gia Giáo Dục cho phép nâng lên thành trường Đệ Nhị cấp và hợp thức hóa bằng Nghị định số 1673- GD/PC/NĐ ngày 22 - 7- 1967. Những niên khóa đầu, trường Kỹ Thuật mở thi tuyển học sinh vào lớp Đệ thất. Về sau, trường nhận thấy hai lớp Đệ thất và Đệ lục, tuổi các em còn nhỏ, không thể thực tập ở các xưởng máy, nên chỉ thi tuyển học sinh lớp Đệ ngũ. Chương trình dạy 2 năm (lớp Đệ ngũ và Đệ tứ) cho bậc Đệ Nhất cấp và 3 năm (lớp Đệ tam, Đệ nhị, Đệ nhất) cho bậc Đệ Nhị cấp, nhằm đào tạo học sinh tốt nghiệp Tú tài Kỹ thuật, chuẩn bị vào Đại học Kỹ Thuật Phú Thọ. Trường còn mở chương trình Kỹ thuật Chuyên nghiệp, cũng học trong 5 năm, đào tạo chuyên viên. Ngoài các môn học chính về Kỹ thuật và Khoa học toán, trường còn dạy một số môn về Văn hóa.

Các đời hiệu trưởng, từ năm 1962 - 1964, Hiệu trưởng Khúc Xuân Mai, Tổng Giám thị là Bùi Thường.

Từ năm 1964 - 1966, Hiệu trưởng Nguyễn Thụy Ái, Giám học Vũ ngọc Hoán, Tổng Giám thị Bùi Thường.

Từ tháng 6 năm 1966 đến tháng 4 năm 1970, Hiệu trưởng Vũ Hữu Nho, Giám học Trần Hưng Bá, Phụ tá Giám học Vũ Ngọc Hoán, Tổng Giám thị Bùi Thường. Tổng Giám xưởng Lê Công Bôn coi tổng quát khu nhà kho và xưởng máy. Mỗi xưởng có một giáo sư phụ trách, gồm: Xưởng ô tô Nguyễn Oanh, Xưởng điện Tôn Thất Xứng, Xưởng kỹ nghệ sắt Nguyễn Cao Anh, Xưởng mộc (không nhớ), Xưởng máy dụng cụ (tiện) Huỳnh Thanh Nung.

Năm 1970 - 1975, Hiệu trưởng Nguyễn Bích, thành phần Ban Giám đốc vẫn như cũ, ngoại trừ chức Tổng Giám thị là Võ Đen thay cho Bùi Thường.

06 - Trung Tiểu Học Bồ Đề Qui Nhơn:

Trung Tiểu Học Bồ Đề Qui Nhơn là trường của Giáo Hội Phật Giáo tỉnh Bình Định, được thành lập năm 1957 có 6 phòng học, nằm bên hông chùa Long Khánh (trụ sở Tỉnh Hội Phật Giáo Bình Định). Nhu cầu học sinh càng ngày càng đông, năm 1968, trường dời ra khu Văn Hóa Xã Hội tại góc đường Ngô Quyền và Tăng Bạt Hổ, đối diện chùa Long Khánh. Cơ sở mới là dãy lầu ba tầng có 34 phòng học, mở từ lớp 1 đến lớp 12, với sĩ số 2060 học sinh trung học, 560 học sinh tiểu học.

Trung Tiểu Học Bồ Đề Quy Nhơn

Nếu chỉ tính riêng các trường tư trong tỉnh nhà, đây là trường Trung học tư thục Đệ Nhị cấp lớn nhất của Bình Định. Vị Hiệu trưởng cuối cùng là Bùi Văn Thân, Giám học Nguyễn Dần [8], Tổng Giám thị (không rõ).

Đào Đức Chương
(còn tiếp)


GHI CHÚ

[1] Nguyễn Đình Đầu, Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn – Bình Định, tập I (Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1996), trang 131- 136.

[2] Trần Đình Thái, Ai Có Về Qui Nhơn (Sài Gòn, Tủ Sách Đẹp Quê Hương xb., 1973), trang 55- 57.

[3] Ảnh các trường trung học ở Qui Nhơn đăng trong bài này (trừ hình 5), do Hội Liên Trường cung cấp. Hội này, do một số cựu Giáo sư và cựu Học sinh thuộc các trường Trung Học ở Qui Nhơn thành lập, tại Thủ Đô Người Việt Tị Nạn: Little SaiGon, quận Cam.

[4] Từ niên khóa 1957- 1958, học sinh lớp Đệ tứ đủ điểm trung bình toàn niên, nhưng thi lấy bằng Trung học Đệ Nhất cấp không đỗ, vẫn được lên lớp Đệ tam. Và từ niên khóa 1967- 1968, Bộ Quốc Gia Giáo Dục quyết định bỏ thi Trung học Đệ Nhất cấp, nhưng vẫn còn duy trì thi Tú tài bán phần.

[5] Trần Đình Thái, sách đã dẫn, trang 59.

[6] Từ niên khóa 1970 - 1971, Bộ Quốc Gia Giáo Dục cải tổ, đổi danh xưng các lớp. Bậc tiểu học, tên cũ là: lớp năm, tư, ba, nhì, nhất nay gọi là lớp 1, 2, 3, 4, 5. Bậc trung học đệ nhất cấp, tên cũ là: đệ thất, đệ lục, đệ ngũ, đệ tứ; nay gọi là lớp 6, 7, 8, 9. Bậc trung học đệ nhị cấp, tên cũ là: đệ tam, đệ nhị, đệ nhất; nay gọi là lớp 10, 11, 12.
Cũng từ niên khóa này, bỏ kỳ thi Tú tài I (tức Tú tài bán phần), học sinh lớp 11 nếu cuối niên học đủ điểm trung bình, được lên lớp 12. Và cuối niên học lớp 12, thi lấy bằng Tú tài (tức Tú tài II, hayTú tài toàn phần cũ). Vậy suốt trong 12 năm, học sinh chỉ trải qua 2 kỳ khảo hạch: Thi vào lớp 6 để được học trường công lập, khỏi đóng học phí hàng tháng. Thi tốt nghiệp để lấy bằng Tú tài.

[7] Trần Đình Thái, sách đã dẫn, trang 58.

[8] Từ ngày GS Nguyễn Dần được Bộ Quốc Gia Giáo Dục cho vào chính ngạch, trên giấy tờ không thể đứng tên làm Giám học cho một trường tư được nữa, nhưng thực tế vẫn còn đảm nhận chức năng này cho trường Trung Học Bồ Đề Qui Nhơn.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

- NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU; Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn – Bình Định, tập I; Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1996.
- TRẦN ĐÌNH THÁI; Ai Có Về Qui Nhơn; Sài Gòn, Tủ Sách Đẹp Quê Hương xuất bản, 1973.
- QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN; Đại Nam Nhất Thống Chí, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, tập 3 (tỉnh Bình Định); Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1971.

- PHỎNG VẤN QUA ĐIỆN THOẠI:

Ngày 14-11-2004, phỏng vấn các ông: Nguyễn Công Lượng, cựu Phó Quận trưởng Hoài Nhơn, hiện ở Huntington Beach, California (CA); Lê Văn Ba, cựu Chủ tịch Tỉnh Thị Hội Giáo Giới Bình Định, hiện ở Westminster CA ; Vũ Hữu Nho, cựu Hiệu trưởng Trung Học Kỹ Thuật Qui Nhơn, hiện ở Houston, Texas (TX); Võ Đen, cựu Tổng Giám thị Trung Học Kỹ Thuật, hiện ở Dorchester, Massachusetts (MA).

Ngày 19-11-2004, phỏng vấn ông Huỳnh Hữu Dụng, cựu Ty Trưởng Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên tỉnh Bình Định, hiện ở San Jose, California (CA).

Ngày 29-11-2004, phỏng vấn bà Nguyễn Thị Phong, cựu Giám học Trung Học Tây Sơn Qui Nhơn hiện ở San Jose, California (CA).

Ngày 15-4-2005, phỏng vấn ông Lê Đại Đồng, cựu Giáo sư kiêm Trưởng ban Thể thao trường Trung Học Cường Để, hiện ở Houston, Texas (TX).

Ngày 30-6-2007, phỏng vấn ông Trần Minh Lợi cựu Giáo sư trường Trung Học Viên Giác, hiện ở San Jose, California (CA).

Ngày 6-11-2007, phỏng vấn ông Du Sơn Lãng Tử cựu học sinh Trung Học Sùng Nhơn, hiện ở San Rafael, California (CA).

Ngày 16-5-2009, phỏng vấn ông Ngô Đình Phùng, cựu Hiệu trưởng Trung Học Lê Lợi, hiện ở Augusta, Georgia (GA).

Ngày 22-4-2010, Email của Nguyễn Mạnh Dạn, nguyên Hiệu trưởng trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội Lê Lợi, hiện ở Houston, Texas (TX).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét