Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2013

BÌNH ĐỊNH - NHỮNG NGÔI TRƯỜNG NGÀY CŨ (3)


Từ năm 1955, sĩ số càng ngày càng tăng, các trường công lập không đủ sức dung nạp. Đầu thập niên 1960, số học sinh thi vào đệ thất trường công lập, trúng tuyển khoảng 30%. Mặc dù Bộ Giáo Dục cố gắng phát triển hệ thống trung học công lập đến các quận, thị trấn và cả thị tứ; nhưng vẫn không bắt kịp với đà học sinh gia tăng. Đến đầu thập niên 1970, các trường công lập cũng chỉ thu nhận được 60% tổng số học sinh muốn vào lớp sáu [1]. Vì thế, những mô hình trường trại khác, cũng được thiết lập song hành với trung học công lập, hòng đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục.

Với tỉnh Bình Định, trước năm 1975, ngoài hệ thống Trung Học Công Lập, ở Qui Nhơn còn có các loại trường Trung Học Tư Thục, Trung Học Nghĩa Thục, Trung Học Văn Hóa Quân Đội phát triển mạnh. Và ở các quận, lại có mô hình Trung Học Bán Công [2], Trung Học Tỉnh Hạt [3], Trung Học Tư Thục, song hành với hệ thống Trung Học Công Lập.

Dù có nhiều loại trường cùng phát triển, nhưng các học hiệu cần theo đúng chương trình giảng dạy của Bộ Giáo Dục, nhằm ý hướng học sinh đều có chung một trình độ như trường công lập. Vì khi thi tốt nghiệp các cấp phổ thông, không phân biệt thí sinh của loại trường nào. Tất cả bài thi đều được Hội đồng Giám khảo rọc phách [4], chấm bài theo mẫu thang điểm chung.

Ngoại trừ trường Trung Học Tăng Bạt Hổ ở Bồng Sơn quận Hoài Nhơn thành lập năm 1955, các trường trung học ở các quận khác phải đến đầu thập niên 1960 mới hình thành.

 
QUẬN TUY PHƯỚC : 7 TRƯỜNG

01 - Trung Học Tuy Phước:

Nguyên khuôn viên trường là ruộng sâu được lấp đất cao thành vườn, nằm bên lề phía bắc Quốc lộ 1 (cũ), cách Quận Đường Tuy Phước chừng 200 mét về hướng Đông Nam.

Trung Học Tuy Phước là trường tỉnh hạt, xây dựng khoảng đầu năm 1968, ban đầu chỉ có 3 phòng, nằm dọc phía Tây khuôn viên trường, ngó xuống cầu Trường Úc, dùng làm lớp học và văn phòng, kinh phí do Tòa Tỉnh Bình Định đài thọ [5]. Trường khai giảng niên khóa 1968 - 1969, mở 3 lớp Đệ thất.

Sau đó, Hội Phụ Huynh đảm nhận xây dãy lớp chính, lầu đúc, ở phía Bắc, nằm ngang trải dài, để lộ một sân rộng, ngó ra Quốc lộ 1; và lúc ấy, hai dãy phòng nối thành hình chữ L. Tiếp nữa, Hội đã xây xong nền móng xi măng cốt sắt cho dãy phòng phía Đông, đối diện và cách với 3 phòng xây đầu tiên bởi chiều dài sân trường.

Trung Học Tuy Phước có thể coi như trường Trung Học Tỉnh Hạt kiểu mẫu của Bình Định. Nhờ Hội Phụ Huynh vững mạnh và năng nổ, gồm các ông: Cao Hảo (Hội trưởng), Cao Xuân Nhàn (Hội phó), ông Bảng (quên họ, Thư ký), Mỹ Dung (Thủ quỹ), Bùi Tố (Ủy viên kiến thiết)..., đã khéo vận động phụ huynh học sinh đóng góp tiền bạc để xây cất phòng ốc kịp thời cho nhu cầu phát triển giáo dục tại địa phương. Tính đến cuối tháng 3 - 1975, Trường đã xây dựng được 18 phòng học [6]. Nếu dãy phòng phía Đông hoàn tất, số phòng sẽ tăng lên rất nhiều và ngôi trường thành hình chữ U, đáy rộng, trông rất bề thế và hoành lệ.

Trong 7 niên khóa, từ 1968 - 1975, song song với việc phát triển phòng ốc, Trường mở dần từ lớp 6 đến lớp 12.

Tính đến 1-4-1975, Trường có khoảng dưới 40 lớp, ước chừng 2000 học sinh [7]. Trong đó, 10 lớp Sáu, 3 lớp Mười Hai (1A + 1B + 1C). Đây là lớp 12 đầu tiên của Trường, chưa kịp thi lấy bằng Tú tài phổ thông, tức Tú tài toàn phần, nên không rõ tỷ số thí sinh trúng tuyển.

Trường có Ban Giám Đốc đầy đủ: Hiệu trưởng Dương Lễ, Giám học Nguyễn Văn Hiệu, Phụ tá Giám học Tạ Chương Ánh, Tổng Giám thị đầu tiên là Trương Trọng Toại (mất năm 1972), Đặng Văn Hạnh thay thế, Phụ tá Tổng Giám thị Ngô Thanh Nhượng; với một Ban Giáo Sư gồm 72 người [8].

02 - Trung Học Bồ Đề Nguyên Thiều:

Khoảng năm 1960, Trường được xây cất tại chân núi Tháp Thị Thiện (Bánh Ít) thuộc ấp Đại Lễ (Phước Hiệp), trên khu đất do ông Bùi Hàng, Chủ tịch xã Phước Hiệp, cung cấp cho Tu Viện Nguyên Thiều để thành lập trường. Vì thế, Trường được mang tên Trung Học Bồ Đề Nguyên Thiều. Khuôn viên trường, ở vào địa thế khoáng đãng và yên tĩnh, nằm sát cạnh chùa Nguyên Thiều, lưng dựa vào Núi Tháp triền dốc thoai thoải, mặt tiền quay về hướng đông, nhìn xuống cánh đồng bạt ngàn của xã Phước Hiệp.

Thế nhưng, khoảng cuối năm 1964, chiến sự lan tràn, tình hình xã Phước Hiệp trở nên mất an ninh, Trung Học Bồ Đề Nguyên Thiều phải dời về Vân Hội, cách bến xe Ngã Ba Diêu Trì chừng 200 mét về hướng tây nam. Khuôn viên trường mới không rộng lắm, mặt trước giáp đường Liên tỉnh lộ 6 (nay là Tỉnh lộ 638) đi Vân Canh, mặt sau giáp sông Hà Thanh. Cơ sở trường có 8 phòng học, gồm một dãy nhà do Sư Đoàn Mãnh Hổ của Đại Hàn xây dựng biếu tặng, một dãy nhà hình chữ L do trường xây cất, sân trường nằm giữa những dãy nhà.

Niên khóa 1967 - 1968, trường Trung Học Tư Thục Bồ Đề Nguyên Thiều có 3 Thất, 3 Lục, 2 Ngũ, 1 Tứ và phát triển dần. Đầu thập niên 1970, mở các lớp Đệ Nhị cấp, có khoảng trên 12 lớp (không nhớ rõ), từ lớp Sáu đến lớp Mười hai [9], với chừng 800 học sinh. Hiệu trưởng là Trần Đình Phô, Giám học Trần Bùi Thao, Tổng Giám thị Võ Hy.

03 - Trung Học Diêu Trì:

Nhằm ý hướng của Bộ Quốc Gia Giáo Dục phát triển trường trung học không những ở quận lỵ, thị tứ, mà còn đến các xã đông dân. Vì thế, năm 1973, trường Trung Học Tỉnh Hạt Diêu Trì, xã Phước Long, ra đời. Cơ sở trường tọa lạc trên một khoảnh đất rộng, nguyên là ruộng sâu đuợc đổ đất nâng cao, mặt trước là hướng đông, ngó ra Quốc lộ 1 (đường mới), mặt sau giáp với địa phận ga Diêu Trì. Đầu tiên xây dựng 4 phòng đúc bê tông, tuy nhiên đang thi công, chưa sử dụng được.

Niên khóa 1973 - 1974, Trung Học Tỉnh Hạt Diêu Trì mở 2 lớp Sáu, phải dạy tạm ở trường Tiểu Học Diêu Trì, nằm bên đường lên ga xe lửa và đối diện với chợ Cây Da. Thầy Lâm Phú vừa làm Hiệu trưởng trường Tiểu học, kiêm nhiệm chức Quản đốc các lớp trung học.

Niên khóa 1974 - 1975 phát triển thành 5 lớp, gồm: lớp 6A, 6B, 6C, 7A, 7B; vẫn còn dạy tạm ở trường Tiểu Học Diêu Trì. Định niên khóa sau, các lớp trung học sẽ dời về trường mới, Lâm Phú vẫn làm Hiệu trưởng. Trường dự trù phát triển đến lớp 9 để trở thành trường Trung Học Tỉnh Hạt Đệ Nhất Cấp Diêu Trì. Tính đến ngày 20-2-1975, trường có 7 Giáo sư, gồm: 3 người chính ngạch, 1 tư nhân dạy giờ và 3 Giáo viên Tiểu học có Tú tài 2 dạy giờ phụ.

04 - Trung Học Phú Tài:

Ngôi trường nằm bên đường Quốc lộ 1, tại thị trấn Phú Tài, xã Phước Thạnh; mặt tiền quay về hướng nam, ngó vô đèo Cù Mông. Khuôn viên trường, mặt hông phía đông giáp Quốc lộ 1, mặt hông phía tây ngó vào núi. Cũng như trường ở Diêu Trì, Trung Học Phú Tài ra đời trong thời kỳ Trung học Tỉnh hạt về tới thị tứ và các xã đông dân, nhưng vì thiếu thông tin, nên không rõ trường này thuộc dạng công lập bình thường hay tỉnh hạt. Chỉ được biết, tính đến niên khóa 1974 - 1975, Trung Học Phú Tài chưa có lớp 9, thầy Đài (không nhớ họ) là vị Hiệu trưởng đầu tiên, cũng là cuối cùng của Trường, trong thời Việt Nam Cộng Hòa.

05 - Trung Học Bồ Đề Hương Quang:

Hệ thống Tư Thục Bồ Đề của Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất có mặt hầu hết ở các nơi đông dân. Ngay tại quận Tuy Phước, có đến 2 trường Trung học, cách nhau không đầy 5 cây số, trường nào cũng đông đúc học sinh.

Trường Trung Học Bồ Đề Hương Quang tọa lạc trên lô đất nguyên là ruộng sâu được lấp cạn, nằm sát Quốc lộ 1 (cũ), cách trường Trung Học Tuy Phước chừng 200 mét về hướng đông nam, và gần cầu Trường Úc. Cơ sở trường là dãy nhà xây, dọc theo chiều sâu của lô đất, gian trước làm văn phòng, các gian kế tiếp dùng cho phòng học.

Đây là trường tư thục Đệ Nhất cấp, Hiệu trưởng là Mang Đức Hổ. Niên khóa 1974 - 1975, Trường có 6 lớp [10], gồm 2 lớp Sáu, 2 lớp Bảy, 1 lớp Tám, 1 lớp Chín, với chừng 350 học sinh.

06 - Trung Học Nam Hòa:

Trường tọa lạc trên khoảnh đất của hảng dệt Xi- ta (cũ), sát chợ Trường Thuế, thuộc ấp Hữu Thành, xã Phước Hòa. Trung Học Nam Hòa thành lập năm 1959 là trường tư thục Đệ Nhất cấp, Hiệu trưởng Lê Tú Oanh. Niên khóa 1959 - 1960, Trường có 2 lớp Đệ thất, 2 lớp Đệ lục, 1 lớp Đệ Ngũ. Niên khóa sau tăng 1 lớp Đệ ngũ, mở thêm 1 lớp Đệ tứ [11]. Trường hoạt động trong 6 niên khóa, đến năm 1965 thì chấm dứt vì chiến sự lan tràn, xã Phước Hòa mất an ninh.

07 - Trung Học Huỳnh Thị Lưu:

Trường tư Đệ Nhất cấp tại ấp Tùng Giản, gần chợ Gò Bồi xã Phước Hòa, khai giảng 1960, bế giảng 1965, cũng vì lý do an ninh. Mới đầu có 2 lớp Đệ thất, 2 lớp Đệ lục, 1 lớp Đệ ngũ, niên khóa sau có thêm lớp Đệ tứ.


QUẬN AN NHƠN : 7 TRƯỜNG

08 - Trung Học Đào Duy Từ:


Nguyên là trường Trung Học Công Lập An Nhơn, thành lập năm 1961, tại thị trấn Bình Định. Hiệu trưởng Trung Học Bán Công kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng Công Lập. Các lớp Công Lập mượn phòng học của Trường Bán Công, nhưng Ban Giảng huấn riêng. Đôi khi Trường Bán Công kẹt phòng, một số giờ Công Lập phải dạy tạm ở trụ sở Hiệp Hội Nông Dân, đối diện với Trung Học Bán Công.

- Niên khóa 1961 - 1962, mở 1 lớp Đệ thất, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Độ.
- Niên khóa 1962 - 1963, mở 3 lớp (2 Thất, 1 Lục), Hiệu trưởng Phạm Ngọc Bích.
- Niên khóa 1963 - 1964, mở 5 lớp (2 Thất, 2 Lục, 1 Ngũ), Hiệu trưởng Trần Quốc Sủng.
- Niên khóa 1964 - 1965, mở 7 lớp (2 Thất, 2 Lục, 2 Ngũ, 1 Tứ), Hiệu trưởng Lê Nhữ Tri.

Một số lớp, học ở dãy nhà trong khu đất đối diện với Quận Đường, số còn lại vẫn dạy ở Trường Bán Công.

- Niên khóa 1965 - 1966, mở 8 lớp (2 Thất, 2 Lục, 2 Ngũ, 2 Tứ). Từ niên khóa này, Trung Học Công Lập tách khỏi Trường Bán Công. Thầy Lê Nhữ Tri vẫn làm Hiệu trưởng Trường Công Lập, và Trung Học Bán Công có Hiệu trưởng khác.

Trường Công Lập dời về địa điểm mới là dãy nhà xây, lợp tôn (tôle) dùng làm 3 lớp học và 1 văn phòng. Khuôn viên trường rất rộng, vuông vức, gần Cửa Tây Thành Bình Định, nằm đối diện với Trường Tiểu Học và Sân Vận Động An Nhơn. Công việc đầu tiên, thầy trò phải dùng một buổi học chiều, làm công tác dọn dẹp, lấp các chỗ trũng và giếng lạn trong khuôn viên trường.

- Từ niên khóa 1966 - 1967, Trường phát triển nhanh, số phòng không đủ, hai lớp Đệ tứ vẫn còn dạy ở Trường Bán Công. Sau đó, Bộ Giáo Dục cho xây hai phòng đúc, nằm sát phía Tây khuôn viên trường, đối diện với dãy phòng phía Đông qua một sân rộng thênh thang. Trong họa đồ xây cất, phía Tây cũng xây 4 phòng để cân xứng với phía Đông, nhưng góc Tây Bắc gặp nhà dân lấn chiếm chưa thương lượng được.

- Niên khóa 1970 - 1971, Trường có 17 lớp gồm: 6/ Sáu, 5/ Bảy, 3/ Tám, 3/ Chín. Bộ Giáo Dục cử thầy Đào Đức Chương giữ chức Tổng Giám Thị. Thầy Lê Nhữ Tri vẫn làm Hiệu trưởng. Lúc này, đang xây cất dãy phòng phía Nam, là dãy lớp chính, cũng bằng vật liệu nặng bê tông cốt sắt [12], viền ba mặt sân trường thành hình chữ U.

- Niên khóa 1971 - 1972, Trường tăng 25 lớp vì mở đến 8 lớp Sáu và 3 lớp Mười, gồm: 8/6, 6/7, 5/8, 3/9, 3/10 (2A+ 1B).

Kỳ thi vào lớp 6, do điều kiện phòng ốc, Trường định mở 6 lớp Sáu như năm trước. Nhưng theo bảng kê điểm của thí sinh, phần lớn con em của binh sĩ Sư Đoàn 22 chỉ đỗ ở hạng dự khuyết, khó có cơ hội vào học. Ông Hiệu trưởng Trường Tiểu Học Quân Đội cam kết, nếu Trung Học Công Lập An Nhơn lấy thêm 2 lớp Sáu nữa để tất cả thí sinh đỗ dự khuyết của binh sĩ được vào trường công, họ sẽ lo việc đổ đất nâng cao sân trường.

Nhưng điều quan trọng, là phải có ngân sách cho việc mở thêm 2 lớp sáu. Ngay ngày hôm sau, nhà trường cử thầy Đào Đức Chương mang Công Vụ Lệnh, vào Nha Trung Học ở số 7 đường Nguyễn Bỉnh Khiêm Sài Gòn, yết kiến ông Giám Đốc Đàm Xuân Thiều, trình bày sự việc, được sự chấp thuận của Nha Trung Học và cho xúc tiến xây tầng lầu dãy phòng phía nam.

Trường chính thức có thêm 2 lớp Sáu. Đoàn xe công binh của Sư Đoàn 22 nối nhau, đổ đất suốt mấy ngày liền, và dùng cơ giới san bằng phẳng. Từ đó, sân trường trở nên cao ráo, thầy trò thoát cảnh lội nước khi trời mưa lớn.

Cũng từ niên khóa này, Trung Học Công Lập An Nhơn được phép mở các lớp Đệ Nhị cấp, nên bắt đầu có Giám học và Bộ Giáo Dục cử thầy Hồ Sĩ Phùng giữ chức Giám học của trường.

- Niên khóa 1972 - 1973, Trường tăng 33 lớp, trong đó có 6 lớp Đệ Nhị cấp. Hiệu trưởng Lê Nhữ Tri xin chuyển về Trung Học Cường Để Qui Nhơn. Ngày 2-12-1972, Bộ Giáo Dục ký Sự Vụ lệnh số 3720- GD/NV/2P/SVL, và hợp thức hóa tình trạng hành chánh bằng Nghị định cử thầy Hồ Sĩ Phùng làm Hiệu trưởng, thầy Đào Đức Chương giữ chức Giám học [13], thầy Đỗ Hơn lãnh chức Tổng Giám thị. Từ niên khóa này, Trường được Bộ Giáo Dục cho đổi tên thành Trung Học Công Lập Đệ Nhị Cấp Đào Duy Từ, thường gọi tắt là Trung Học Đào Duy Từ.
- Niên khóa 1973 - 1974, Trường có 12/6, 8/7, 8/8, 6/9, 5/10 (2A+ 2B+ 1C), 3/11 (1A+2B), 3/12 (2A+1B). Với 45 lớp, trong đó 11 lớp Đệ Nhị cấp và đủ 3 ban ABC, Trường được Bộ Giáo Dục cung cấp một Ban Giám đốc đầy đủ (5 người), ngoài 3 người cũ, còn có thêm thầy Hồ Sĩ Nhơn giữ chức Phụ tá Giám học, và thầy Nguyễn Văn Nhung làm Phụ tá Tổng Giám thị. Trong niên khóa này, dãy nhà đúc phía bắc, hai bên cổng vào, tiến hành xây cất.

Theo Sự Vụ Lệnh số 3614/SHC/BD/NV/SVL ký ngày 24-12-1973 của Chánh Sự Vụ Sở Học Chánh Bình Định-Qui Nhơn (hiện còn lưu giữ), niên khóa 1973 - 1974 trường Trung Học Đào Duy Từ có 53 giáo sư dạy thêm giờ phụ. Như vậy, trên thực tế số giáo sư của Trường phải nhiều hơn gấp một lần rưỡi, vì nhiều vị đã có giờ ở trường tư, nên chỉ dạy đúng số giờ quy định (mỗi tuần 16 giờ cho Đệ Nhị cấp hay 18 giờ cho Đệ Nhất cấp), không nhận dạy giờ phụ.

- Niên khóa 1974 - 1975, Trường phát triển 56 lớp: 14/6, 12/7, 8/8, 8/9, 6/10 (2A+ 3B+ 1C), 5/11 (2A+ 2B+ 1C), 3/12 (1A+ 2B). Dự trù niên khóa tới, Trường không mở lớp Sáu, như vậy, các lớp Đệ Nhất cấp (lớp 6, 7, 8, 9) sau 4 niên khóa sẽ không còn nữa. Thay vào đó, Trường phát triển nhanh các lớp Đệ Nhị cấp, nhất là mở thêm nhiều lớp Mười hai [14]. Tính đến niên khóa 1974 - 1975, Trung Học Đào Duy Từ lớn hàng thứ hai toàn tỉnh (56 lớp), chỉ sau Trung Học Cường Để (65 lớp).

Tính đến 1975, trường có 5 dãy phòng, gồm 2 dãy lầu [15] và 2 dãy nhà trệt nằm dọc theo 4 cạnh khuôn viên trường, và 1 dãy nhà tôn (3 phòng) được Quân đội hiến tặng khoảng năm 1972, nằm phía sau và thẳng góc với dãy phòng phía Nam.

09 - Trung Học Bán Công An Nhơn:

Khoảng năm 1958, dân chúng toàn quận An Nhơn đóng góp xây dựng trường Trung Học Bán Công. Khởi công xây dựng vào đầu năm 1959, hoàn thành với kinh phí khoảng 1.300.000 đồng [16].

Tòa nhà được kiến trúc bằng vật liệu nặng, lầu 1 tầng, lợp ngói, gồm 8 phòng học, hai đầu đều có phòng vệ sinh, mỗi tầng có hành lang rộng nối các phòng. Trường quay mặt về hướng nam, nằm giữa khoảnh đất vuông vức, rộng độ 2000 m², sát cạnh phía Tây của Quận Đường An Nhơn. Và bắt đầu hoạt động từ niên khoá 1959- 1960, được hợp thức hóa do Nghị định số 1184-GD/ NV/ NĐ ký ngày 27-7-1960, bổ túc bởi giấy phép số 381-GD/ NV/ 5 ký ngày 21- 5- 1962 của Bộ Giáo Dục [17].

Nhằm giúp đỡ cho những người hiếu học nhưng không có cơ hội vào trường Công lập, Trung Học Bán Công thu nhận học sinh từ lớp Đệ thất đến Đệ nhị. Muốn nhập học phải nộp hồ sơ cá nhân (đơn xin, giấy khai sinh, học bạ hay chứng chỉ học trình) và đóng học phí vào mỗi đầu tháng. Tuy vậy, học phí có phần nhẹ hơn giá biểu ở trường tư. Đối với học sinh nghèo không nơi nương tựa, có chăm chỉ và hạnh kiểm tốt được cấp học bỗng, hoặc miễn học phí. Ngoài ra, tu sĩ các tôn giáo vào học cũng được miễn phí.

Từ 1959 đến 1975, trong 16 niên khóa, Trường trải qua 10 đời Hiệu trưởng: Đầu tiên là thầy Bùi Văn Lăng, một nhà giáo lão thành, tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội và trứ tác nhiều tác phẩm văn học có giá trị. Khi Thầy qua đời, từ đấy trường Trung Học Cường Để cử giáo sư lên kế nhiệm chức vụ này, lần lượt có các thầy: Dương Văn Lộc, Nguyễn Văn Độ (1961 - 1962), Phạm Ngọc Bích (1962 - 1963), Trần Quốc Sủng (1963 - 1964), Lê Nhữ Tri (1964 - 1965), Nguyễn Kim Ba (1965 - 1967), Trần Thúc Bửu (1967 - 1968), Trần Quốc Sủng (1968 - 1973), Lê Văn Dung (1973 - 1975). Các niên khóa từ năm 1961 đến 1965, các vị Hiệu trưởng Trung Học Bán Công kiêm nhiệm cả chức Hiệu trưởng Trung Học Công Lập An Nhơn. Từ niên khóa 1965 - 1966, hai trường tách ra, Trung Học Cường Để cử thầy Nguyễn Kim Ba làm Hiệu trưởng Trường Bán Công, thầy Lê Nhữ Tri vẫn giữ Hiệu trưởng Trường Công Lập [18].

Thành phần Giáo sư Trung Học Bán Công An Nhơn là sự góp nhặt chọn lọc. Ban Giảng huấn của Trường, hầu hết là các vị giáo sư chính thức của các trường công lập trong tỉnh như Trung Học Cường Để (Qui Nhơn), Trung Học Đào Duy Từ (trước là Trung Học Công Lập An Nhơn), Trung Học Tăng Bạt Hổ (Bồng Sơn sau là Qui Nhơn), và Trung Học Quang Trung (Bình Khê); được mời đến dạy giờ.

Niên khóa 1969 - 1970, trường có 13 lớp: 3 Đệ thất, 2 Đệ lục, 2 Đệ ngũ, 2 Đệ tứ, 2 Đệ tam và 2 Đệ nhị [19]. Từ niên khóa 1972 - 1973, mở thêm lớp 12, vì bỏ thi Tú tài phần 1; học sinh lớp 11 cuối niên học đủ điểm trung bình đương nhiên lên lớp 12.

Cũng năm 1970, trường cất thêm khu nhà văn phòng, nằm phía Tây của sân trường, mặt ngó qua hông của Quận Đường. Ngôi nhà gồm ba gian: căn ngoài (phía nam và sát đường) là phòng học vụ, căn giữa làm phòng Giáo sư, căn trong (phía bắc) dành riêng cho Hiệu trưởng và Giám học. Sau năm 1970, trường có chức Giám học và thầy Nguyễn Mạo giữ chức vụ này cho đến năm 1975.

10 - Trung Học Giuse An Nhơn:


Từ cầu Tân An theo Quốc lộ 1 vào thị trấn Bình Định, qua bến xe hơi, gặp tiệm buôn Thắng Thuận và thấy rạp hát Thanh Châu là rẽ trái. Theo con đường đất rộng, qua Cửa Đông, bên tay mặt là hướng bắc có khu công sở, lần lượt gặp Chi Cảnh Sát, Chi Thông Tin (đối diện với Chi Y Tế ), Quận Đường, Trung Học Bán Công, trường Tiểu Học Quận (đối diện với Trung Học Đào Duy Từ), rồi đến sân Vận Động. Tiếp nữa, qua Cửa Tây, rẽ mặt, theo đường liên quận Phước Hòa – Nhơn Khánh – Bình Nghi, nhưng chỉ đi chừng non một cây số, gặp Trung Học Guise An Nhơn, là trường tư Đệ Nhị cấp. Hiệu trưởng là Sư huynh Clément, Giám học Éma. Cơ sở trường là những dãy nhà đúc thuộc khu nhà thờ Kim Châu, trước 1975 thuộc xã Nhơn Hưng.

11 - Trung Học Phạm Đăng Hưng:

Trường Công lập Đệ Nhất cấp tại thôn Bàng Châu xã Đập Đá, thành lập năm 1969 với tên gọi trường Trung Học Đập Đá. Khoảng niên khóa 1972 - 1973, Trường cải danh Trung Học Phạm Đăng Hưng. Cơ sở trường là dãy nhà 2 tầng, cất thành chữ L với 15 phòng, gồm 5 phòng cũ và 10 phòng mới. Ban đầu trường chỉ có Hiệu trưởng là Võ Bá Tôn, khi phát triển đủ số lớp quy định, trường có thêm Tổng Giám thị là Huỳnh Thưởng, sau nữa có cả Phụ tá Tổng Giám thị là Võ Bá Hà.

Niên khóa 1969 - 1970, trường chỉ có 2 lớp Đệ thất. Niên khóa 1970 - 1971, phát triển thành 4 lớp Sáu và 2 lớp Bảy. Niên khóa 1971 - 1972, tăng lên 10 lớp. Niên khóa 1972 - 1973, trường có 16 lớp, gồm: 6/6, 4/7, 4/8, 2/9. Niên khóa 1973 - 1974, trường có 20 lớp. Và niên khóa 1974 - 1975, trường tăng lên 22 lớp, thu nhận gần 1200 học sinh, gồm: 6/6, 6/7, 6/8, 4/9.

12 - Trung Học Bồ Đề An Nhơn:

Trường tư thục Đệ Nhất cấp tại cửa Đông thành Bình Định (cũ), tọa lạc trên mô đất cao, ngó xuống con đường rẽ từ Quốc Lộ 1 dẫn vào Quận Đường An Nhơn. Hiệu trưởng là Bùi Chí Đống.

13 - Trung Học Tư Thục Tân Phong ở Đập Đá:

Trường thành lập năm 1963, có 6 phòng xây, lợp ngói, tọa lạc trên khoảnh đất gần trường Tiểu Học Đập Đá. Ông Nguyễn Hữu Thời vừa là sáng lập trường Tân Phong, vừa là Hiệu trưởng. Niên khóa 1963 - 1964 có 2 lớp Đệ thất, 1 lớp Đệ lục và 1 lớp Đệ ngũ. Niên khóa 1964 - 1965, trường phát triển thành 7 lớp, gồm: 3 Thất, 2 Lục, 1 Ngũ, 1 Tứ. Năm 1965, chiến sự lan tràn, Trường giải tán để làm nơi tiếp cư cho đồng bào các xã ở vùng Đông Bắc quận An Nhơn như Nhơn Hạnh, Nhơn Phong, Nhơn An đổ về.

14 - Trung Học Bồ Đề Đập Đá:

Cơ sở trường là dãy nhà lợp ngói có 6 phòng học nằm trước sân vận động Đập Đá, gần Chi Hội Phật Giáo, tại thôn Phương Danh, do Thượng tọa Thích Đổng Quán sáng lập năm 1964 và mời thầy Trần Quang Khảo làm Hiệu trưởng.

Niên khóa đầu, 1964 - 1965, trường Trung Học Bồ Đề Đập Đá mở 6 lớp, gồm 2 lớp Đệ thất, 2 lớp Đệ lục, 1 lớp Đệ ngũ, 1 lớp Đệ tứ. Niên khóa sau, trường phát triển 8 lớp gồm 2 Thất, 2 lục, 2 Ngũ, 1 Tứ, 1 lớp Đệ tam và hoạt động đến niên khóa 1974 - 1975 mới dứt.

Đào Đức Chương
(Còn tiếp)

GHI CHÚ
[*] Bài này đăng trong tập "Ngày Đó Chúng Mình" là Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học năm 2011. Tòa Soạn của Đặc San viết lời giáo đầu như sau:
"LTS: Đặc san CĐ – NTH 2011 đã rất vinh hạnh giới thiệu bài viết: 'Qui Nhơn, Những Ngôi Trường Ngày Cũ' của Thầy Đào Đức Chương. Đây là phần giới thiệu 20 ngôi trường Trung Học tọa lạc tại thị xã Qui Nhơn trong tổng số 49 ngôi trường Trung Học của toàn tỉnh Bình Định tính đến tháng 4 năm 1975.
ĐS CĐ NTH 2011 xin tiếp tục giới thiệu 29 ngôi trường Trung Học còn lại của quê hương Bình Định ngày nào và giống như năm rồi, chúng tôi lại xin phép chọn cho bài viết một tên gọi nhẹ nhàng, mang tính văn nghệ một chút cho phù hợp với tiểu mục chung 'Phố Nhỏ, Trường Xưa Thầy Bạn Cũ'. Khi tác phẩm được giới thiệu hoàn chỉnh, đương nhiên nó sẽ mang đề tựa chính thức, chung cho cả hai bài viết, thích hợp với một công trình biên khảo: 'Các Trường Trung Học Tỉnh Bình Định'. Kính mong tác giả thông cảm. Xin cảm ơn.
ĐS CĐ – NTH." (Sách đã dẫn, trang 64)
Chúng tôi vẫn giữ tên đầu đề "Bình Định, Những Ngôi Trường Trong Trí Nhớ", làm đề tựa Phần II cho tác phẩm "Các Trường Trung Học Tỉnh Bình Định", như là một kỷ niệm 2011 với Tòa Soạn Đặc San Cường Để & Nữ Trung Học.
[1] Nguyễn Thanh Liêm; Tổng Quát Về Giáo Dục Ở Miền Nam Tự Do; "Giáo Dục Ở Miền Nam Tự Do Trước 1975", Nhiều tác giả (Santa Ana, Lê Văn Duyệt Foundation ấn hành và xuất bản), 2006; trang 6.
[2] Trung Học Bán Công là loại trường phần lớn do dân chúng trong vùng đóng góp tiền để xây cất cơ sở, nếu thiếu một ít, tỉnh sẽ cung cấp. Về nhân sự, Hiệu trưởng trường Trung Học Bán Công là một giáo sư trường công lập, được Sở Học chánh hay Hiệu trưởng Trung học trường tỉnh bổ nhiệm, bằng một Sự vụ lệnh và Tỉnh trưởng sở tại duyệt khán. Ban giảng huấn do Hiệu Trưởng Bán Công mời: Nếu là giáo sư tư nhân thì phải làm đơn xin tỉnh bổ nhiệm. Nếu là giáo sư chánh ngạch hay khế ước, ngoài số giờ quy định ở trường công lập, có thể xin dạy giờ tại Bán Công. Học sinh chỉ cần làm đơn xin nhập học, kèm theo giấy hộ tịch và chứng chỉ học trình, phải đóng học phí vào đầu tháng, nhưng giá tiền ít hơn trường tư. Lương giáo chức được tính theo số giờ dạy trong thời khóa biểu và trả vào mỗi cuối tháng. Số tiền chi thu của trường, hàng tháng phải lập tờ trình báo cho tỉnh, quận và Sở Học chánh hoặc Ty Giáo dục biết, không ai được chi tiêu vào việc riêng.
[3] Trung Học Tỉnh Hạt là mẫu trường công, được thành lập theo công thức: chính quyền tỉnh và phụ huynh học sinh đảm nhận việc xây cất trường sở, Bộ Giáo dục lo việc bổ nhiệm giáo chức và nhân viên. Số lớp của trường phát triển tùy theo khả năng xây cất phòng ốc của địa phương, Bộ Giáo dục cũng theo đó mà cung cấp nhân sự và đài thọ lương bỗng. Học sinh muốn vào lớp 6, phải qua kỳ thi tuyển, như các trường công lập bình thường và quyền lợi ngang nhau.
[4] Phách là phần giấy ở đầu mỗi bài thi, in mẫu ghi lý lịch của thí sinh (họ và tên, ngày sinh, nơi sinh, số báo danh). Chủ khảo ghi mật mã vào phách và trên bài thi, rọc phách trước khi trao bài cho các Giám khảo 1 chấm, rồi Giám khảo 2 chấm lại lần nữa, lấy điểm trung bình cọng. Xong, căn cứ vào mật mã, ráp phách lại, biết tên mà ghi vào bảng kê điểm của thí sinh.
[5] Theo Hiệu trưởng Dương Lễ, kinh phí xây dựng Trung Học Tuy Phước do tỉnh đại thọ. Theo Giám học Đặng Văn Hiệu, tiền xây cất trường hoàn toàn do Hội Phụ huynh lo liệu. Vào mỗi dịp nghỉ hè, Hội Phụ huynh họp với Ban Giám đốc (sau 1975 gọi là Ban Giám hiệu) của trường, lên kế hoạch xây cất thêm 2 phòng, phù hợp với sự gia tăng 3 lớp cho mỗi niên khóa. Hai ý kiến khác biệt đó, có thể hiểu rằng: 3 phòng học đầu tiên do ngân sách tỉnh đài thọ (Lúc đó, trường chỉ có Hiệu trưởng, chưa có các lớp Đệ Nhị cấp nên không có Giám học. Bởi vậy, Đặng Văn Hiệu không rõ sự việc thuở ban đầu). Về sau, việc trường ốc hoàn toàn do Hội Phụ huynh đảm nhận.
[6, 8] Số phòng và số giáo sư của trường, chép theo lời Giám học Đặng Văn Hiệu, qua điện đàm ngày10-3-2011.
[7] Nếu căn cứ vào thành phần Ban Giám đốc (đủ 5 người), với 72 giáo sư và có đến 10 lớp Sáu, 3 lớp Mười hai (1974 - 1975), có thể phỏng tính tổng số lớp và sĩ số toàn trường.
[9,11] Đầu năm 1970, cải tổ Giáo Dục, vẫn giữ hệ 12 năm, nhưng thay đổi danh xưng các lớp từ Tiểu học đến hết Trung học, nay được gọi là:
- Tiểu học: Lớp 1 (Năm), Lớp 2 (Tư), Lớp 3 (Ba), Lớp 4 (Nhì), Lớp 5 (Nhất).
- Trung học Đệ Nhất cấp: Lớp 6 (Đệ thất), Lớp 7 (Đệ lục), Lớp 8 (Đệ ngũ), Lớp 9 (Đệ tứ).
- Trung học Đệ Nhị cấp: Lớp 10 (Đệ tam), Lớp 11 (Đệ nhị), Lớp 12 (Đệ nhất).
[10] Không nhớ rõ tổng số lớp, nhưng biết chắc Trường đã mở đến lớp Chín, vì tác giả của bài này có dạy giờ ở đó.
[12] Niên khóa 1970 - 1971 dãy phòng này chỉ xây tầng trệt, nhưng trong thiết kế dự trù sẽ có tầng lầu.
[13] Theo Nghị định số 468- GD/NV/2P/NĐ, Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục Ngô Khắc Tỉnh ký ngày 21-2-1973.
[14] Khoảng tháng 2 năm 1975, Ty Giáo Dục tỉnh Bình Định mở cuộc họp, mời các vị Hiệu trưởng của những Trường Trung Học liên hệ, bàn việc niên khóa tới toàn bộ lớp 12 của hai trường Trung Học Phù Cát và Trung Học Phù Mỹ sẽ chuyển vào học tại Trung Học Đào Duy Từ Bình Định. Cuối cùng, Phó Ty trưởng Phan Bá Trác đề nghị thêm, trên nguyên tắc là học sinh lớp 12 của 2 trường trên phải chuyển đến Trường Đào Duy Từ, nhưng nếu ai có thân nhân ở Qui Nhơn, có thể xin chuyển về Trung Học Cường Để hay Nữ Trung Học cũng được. Đây là lần họp cuối cùng giữa Ty Giáo Dục và các Hiệu trưởng Trung học liên hệ, bàn việc chuyển trường cho học sinh lớp 12. Sự kiện lịch sử này, anh Phan Bá Trác (hiện ở Dallas, Texas) cung cấp, và Hồ Sĩ Phùng (hiện ở Sài Gòn) là cựu Hiệu trưởng Trường Đào Duy Từ xác nhận có.
[15] Hai dãy lầu, trên thực tế, dãy lầu phía nam đã hoàn tất, còn dãy lầu phía bắc (nằm hai bên cổng trường), tầng trệt đã xây xong và đưa vào sử dụng, còn tầng lầu dự trù niên khóa 1975- 1976 sẽ xây tiếp.
[16, 17] V.L. (là tên tác giả viết tắt); Vài Nét Về Bán Công An Nhơn; "Đặc San Xuân Canh Tuất" (Trung Học Bán Công An Nhơn), 1970; trang 6- 7.
[18] Không có tài liệu, chỉ viết theo trí nhớ, có thể không chính xác về con số.
[19] V.L.; Vài Nét Về Bán Công An Nhơn; trang 7.


1 nhận xét:

  1. Một tư liệu tuyệt vời!

    Phần I tui đã biết từ gần 3 năm nay, sợ mất tui đã phải copy về lưu trữ ở đây và thấp thỏm theo dõi chờ phần II.

    Không ngờ phần II này lại có thêm vài tư liệu của Đỗ Kinh Thi và quangtrungbinhkhe.blogspot.

    Vô cùng cảm ơn và hết sức cảm kích trước trước tấm lòng và công phu của Thầy Đào Đức Chương, trong thời gian ngót 10 năm trời để hoàn thành thiên tư liệu này.

    Trả lờiXóa