Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Bảy, 12 tháng 1, 2013

VỀ QUÊ ĂN CƯỚI


Cậu mợ về dự đám của con, về sơm sớm nghen cậu ! Con khỉ, hết má nó giờ tới nó năn nỉ, điện thoại, tin nhắn búa xua. Làm như mình bận bịu công việc tới mức chẳng thu vén được nhiều thời gian để về dự ngày cháu nó lên xe hoa. Trời ạ ! Con gái như hũ mắm treo đầu giường, trông cho mấy đứa nó có đôi có cặp là mừng húm, không về vui với cháu sao đành. Tết nhất, giỗ chạp, cưới hỏi … là cơ hội, là điều kiện bắt buộc phải gói gọn công việc để về với quê hương. Trong tâm khảm của người xa xứ, hai tiếng quê hương không chỉ là một địa danh nơi mình chôn nhau cắt rún, nó là nỗi nhớ, là niềm vui khi được về sum họp với gia đình, với người thân, láng giềng, bạn cũ …

Về quê ăn cưới. Mùa cưới ở quê nay đúng như mùa hội. Nam thanh nữ tú chốn quê bây giờ phần nhiều rời làng đi học, đi tìm việc, lăn lộn mưu sinh nơi phố thị. Gặp nhau, cưới nhau, tổ chức đám ở quê, rồi cũng phải tổ chức đám ở trên phố, nơi có đông bạn bè, đồng nghiệp của cả hai bên. Thế là hơi hướng tổ chức đám ở thành phố lâu nay, nay mang luôn về tổ chức ở quê nhà. Ăn cưới ở quê bây giờ, nhà thường thường bậc trung cũng phải tới hai, ba trăm thực khách, không gọi là ngày hội sao được. May mà hình như khắp nơi đã nhanh nhạy mở ra nhà hàng tổ chức tiệc cưới, mở ra những điểm cho thuê rạp, chén bát, bàn ghế để phục vụ cho ngày hội ở quê nầy.

Ăn cưới ở quê, vui ! Vui vì hầu như ở làng quê bây giờ đám cưới nào cũng phải có dàn nhạc. Mà phải là dàn nhạc sống nữa kìa. Một dàn nhạc đúng điệu dành cho mấy ông bà sồn sồn, vì sấp trẻ phần nhiều giờ đã bận bịu túi bụi ở trên thành, trên phố. Theo đấy, việc tổ chức tiếp đãi khách cũng phải gộp một lúc dù phải mời bao nhiêu là khách. Khách đến cũng mong được đến một lúc. Khách các nơi, khách là bà con lối xóm, gặp nhau cùng một lúc để có cơ hội mà xem người, trông ta. Có “thực khách” xăm xắp tuổi 70, ngồi khép nép giữ gìn nếp đầm, sống áo cho khỏi nhăn, ăn chẳng dám ăn, miệng luôn ngậm lát chanh giữ giọng để … chờ tới lượt mình lên hát giúp vui !? Quần là, áo lượt, cũng như nỗi khát khao được thể hiện mình giữa đám đông của làng quê hình như không chỉ có ở mỗi một địa phương. Có chút gì đấy để ngẫm ngẫm, nhẩm nhẩm thầm so sánh nó với vũ hội đồng quê ở phương Tây thấy trên phim ảnh. Mấy ông xa xứ về quê, trong tiệc gặp được bà con, bè bạn, mà ngày mai ngày mốt đã phải hối hả lên xe về thành phố, giữa tiếng nhạc xập xình volume mở hết cỡ, muốn nói gì với nhau thì chỉ có nước hét vào tai nhau. Cái không khí ngồi chuyện trò, thăm hỏi giữa tiếng vĩ cầm, tiếng nhạc êm dịu không có, mà nếu có cũng bị chìm khuất dưới những tràng hô Dzô Dzô ! dzô trăm phần trăm … cũng đang tăng volume hết cỡ.

Ăn cưới ở quê, vui ! Nhưng nghĩ cũng tội cho mấy cụ già. Các cụ mình bây giờ đâu phải là người cổ hũ, bảo thủ. Lễ nghĩa có từ xưa, diễn đạt cung cách sống chuẩn mực của thời xưa. Nhưng những nghi thức của lễ nghĩa đều do con người đặt ra, cung cách sống bây giờ như thế nào thì cũng chính con người phải có cái nhìn, có cách thực hiện chuẩn mực theo cuộc sống bây giờ. Ngày nay các cụ cũng đã gói gọn nghi thức lễ nghĩa. Hầu như bây giờ ai đâu còn đòi hỏi, còn nhắc đến cưới hỏi phải thực hiện đủ cả 6 lễ như ngày xưa. Thích nghi với cuộc sống, các cụ đã lấy sự thuận tiện, tiết kiệm để mà bảo ban, sắp xếp cho ngày vui của con cháu. Nhưng khổ nỗi nghi thức lễ nghĩa bây giờ có lẽ đã nằm trong tay của mấy ông thợ chụp ảnh, quay video. Ngày xưa, bên cạnh ông chủ hôn còn có ông chủ lễ lo sắp xếp trình tự nghi thức khi đến với họ hàng nhà bên ấy. Tùy theo gia phong, tập tục của mỗi địa phương mà ông chủ lễ có trình tự nghi thức phù hợp. Bây giờ những nghi thức nầy đã lập trình lại kiểu tùy hứng, sắp xếp theo hình ảnh phải chụp của mấy ông thợ chụp hình trẻ tuổi. Có cụ tức anh ách, nhưng cũng đành im lặng chiều theo, để ngày vui, vui hết cả làng. Nếu mấy cậu chụp hình, mấy cậu quay video ở làng quê mà biết xưa, biết nay, biết nề nếp của mỗi gia tộc để có sự trao đổi, có cách săn ảnh cứng tay nghề thì mấy cụ vui biết mấy.

Về quê ăn cưới. Lần về quê nầy dự tới 3 đám cưới cách nhau chẳng bấy nhiêu ngày. Cả tuần lễ phải sắp xếp cho đám của cháu nó. Ngày ba của cháu ra đi, ba cháu nó đã gắng chịu đựng sự hành hạ đau đớn của căn bệnh quái ác, đã gắng đợi chờ mấy anh chị em vợ, bạn rể ở xa về gặp mặt đông đủ hết mới nhắm mắt xuôi tay. Ngày vui của cháu, không có ba nó, phải về trước ít ngày để cáng đáng mọi việc. Bù đầu, nhưng lại có được nhiều niềm vui hơn là mệt. Rồi lại vui được thêm có dịp dự cưới, đến chúc mừng bạn học ngày xưa của mình giờ lên chức “cha thiên hạ”. Mùa cưới là mùa mà nhiều người được con của thiên hạ gọi mình bằng ba - bằng bố - bằng cha !

Về quê ăn cưới. Vui sao bạn bè cũ lại được gặp nhau, sau tiệc cưới lại xúm nhau cùng đến thăm nhà. Đến thăm nhà bạn, cùng nhau ngồi bệt ngoài hè kể cho nhau những chuyện ngày xửa ngày xưa. Đến thăm nhà bạn, dù hương vị của tiệc cưới mới rồi vẫn còn no nê, tự ra sau xúm tìm hái vài trái ớt bay, tự lục tìm bánh tráng đem nhúng. Ngồi nhấm từng miếng bánh, nhìn những khuôn mặt rạng rỡ của bạn bè, nghe lại giọng cười, câu nói …, như thấy lại cả vườn trái ngày xưa sau nhà bạn, thấy lại cả bầy học trò hồi nhỏ ngồi vây quanh bên vỉ bánh mới tráng với chén mắm ớt cay …

Về quê ăn cưới. Về quê ăn Tết. Về tìm lại những ấm cúng của sum họp, về tìm lại những kỷ niệm êm ái của ngày xưa …

HoaiAn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét