Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2013

BÌNH ĐỊNH - NHỮNG NGÔI TRƯỜNG NGÀY CŨ (2)


07 - Trung Học Vi Nhân:

Trường Trung học tư thục Đệ Nhị cấp của Công Giáo. Nguyên năm 1963, các Sư huynh dòng La San thuê Chủng Viện địa phận Qui Nhơn để mở trường Trung Học La San. Đến năm 1972 mãn hợp đồng thuê mướn, trường này dời vào Nha Trang.

Trước tình trạng học sinh La San ở Qui Nhơn bỗng dưng không có chỗ học hành, Đức Giám mục Qui Nhơn đã giao cho Linh mục Giám đốc Giáo dục Công Giáo thành lập Trung Học Vi Nhân, ngay trên cơ sở mà La San đã mãn hợp đồng thuê mướn của Chủng Viện. Trường khai giảng niên học 1972 - 1973 vào ngày 15 tháng 8 năm 1972, thu nhận 1.700 học sinh nam nữ từ lớp Sáu đến lớp Mười một, chia thành 23 lớp. Trường được điều hành bởi Linh mục Huỳnh Kim Lăng làm Hiệu trưởng và một số Linh mục, tu sĩ của địa phận Qui Nhơn phụ tá, với một Ban Giảng huấn có trên 50 giáo sư [9].



Xưa kia là Trường Trung Học Vi Nhân (La San) Qui Nhơn

Khuôn viên của trường Trung Học Vi Nhân rộng 4 ha² (mẫu tây), cơ sở gồm khu nhà lầu ba tầng có một dãy dài 30 mét, dãy kia dài 27 mét 50, khu nhà trệt với 4 phòng và một nhà chơi. Ngoài ra, còn có một sân bóng tròn, hai sân bóng rổ và 4 sân bóng chuyền.

08 - Trung Tiểu Học Nghĩa Thục Tự Lực Qui Nhơn:

Trường tư thục Đệ Nhất cấp do ông Võ Trấp sáng lập và góp nhiều công sức, Hiệu trưởng là Mang Tấn Sĩ.

Cơ sở của trường nằm trong khuôn viên của Trung Tâm Huấn Luyện Nhân Dân Tự Vệ ở Gành Ráng. Niên khóa đầu, 1970 - 1971, trường mở 6 lớp ở bậc tiểu học, từ Mẫu giáo đến lớp Năm và có sắm hai xe đưa rước học sinh miễn phí. Từ niên khóa 1972 - 1973 mở thêm lớp 6, và phát triển thành trường Trung học Đệ Nhất cấp.

Đây là trường nghĩa thục đầu tiên của tỉnh Bình Định, con em của những gia đình tử sĩ, cô nhi quả phụ, hoặc Nhân dân tự vệ nghèo vào học được miễn phí hoàn toàn. Đối với học sinh gia đình khá giả, cũng chỉ thu 1/3 học phí, để thù lao cho 6 giáo viên.

09 - Trung Tiểu Học Trinh Vương:

Trường tư thục Đệ Nhị cấp của Công Giáo, Hiệu trưởng là Soeur Lê Thị Phi Hường. Đây là trường nữ trung học thứ hai của tỉnh nhà.

Trường được thành lập vào năm 1958, bởi Đức Cha Phê - rô Phạm Ngọc Chi, lúc ấy là Giám mục địa phận Qui Nhơn, và giao cho các Nữ tu dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn điều hành.

Cơ sở của trường là những dãy lầu ba tầng được xây cất năm 1957 đến 1958. Ngoài các phòng học còn có khu Kỹ thuật, khu Ký nhi viện, Ký lưu trú và khu Vườn trẻ. Khuôn viên trường rộng gần 2 mẫu tây, chung quanh có tường cao, nằm ở góc đường Gia Long và Hàn Thuyên.

Trường Trinh Vương ngày xưa, bên cạnh Nhà Thờ nhọn

Theo Trần Đình Thái [10], niên khóa 1958 - 1959 trường có 4 lớp tiểu học và 4 lớp trung học, với gần 400 học sinh. Niên khóa 1972 - 1973, trường phát triển đến 33 lớp tiểu học và 20 lớp trung học, trở thành Đệ Nhị cấp, và ở bậc trung học từ lớp 6 đến lớp 12 trường chỉ thu nhận nữ sinh.

10 - Trung Học Tây Sơn:

Trường tư thục Đệ Nhị cấp, Hiệu trưởng Trương Vĩnh Nghi (công chức hồi hưu), Giám học Nguyễn Thị Phong, Tổng Giám thị ... Long (không nhớ họ), thư ký trưởng Nguyễn Ngọc Liễn, thư ký Nguyễn Thị Giăng (hai người sau đều có cổ phần).

Trường thành lập khoảng năm 1965, vốn đầu tư gồm 20 cổ phần, ông Nguyễn Châu là sáng lập viên, bỏ vốn nhiều nhất với 5 cổ phần, được bầu làm làm Giám đốc điều hành, còn 15 cổ phần chia đều cho bà con và bạn bè.

Trường Tây Sơn tọa lạc trên đường Gia Long nối dài (nay là đường Trần Hưng Đạo), thuộc Khu 4 Qui Nhơn, gần kho xăng Ông Tề, mặt trước ngó ra núi Bà Hỏa, sau lưng là đầm Thị Nại. Cơ sở trường xây theo hình chữ T, gồm một dãy lầu hai tầng có 8 phòng học, một dãy nhà trệt có 2 lớp học, văn phòng nằm giữa ba sân chơi, và quanh rào là những hàng dừa xiêm rợp bóng.


Niên khóa 1965 - 1966, trường mở 2 lớp Sáu, năm sau tăng 3 lớp Sáu và 2 lớp Bảy. Niên khóa 1971 - 1972 trường mở lớp 10, niên khóa 1973 - 1974 có lớp 12, và lúc bấy giờ Nguyễn Thị Phong làm Giám học. Niên khóa 1974 - 1975, trường phát triển 18 lớp.

11 - Trung Học Nhân Thảo:

Trường tư thục Đệ Nhị cấp, GS Đinh Thành Chương đứng tên làm Hiệu trưởng.

Trường Nhân Thảo hoạt động từ năm 1960, niên khóa đầu 1960 - 1961 dùng tạm cơ sở tại căn lầu ở góc đường Võ Tánh và Hai Bà Trưng. Niên khóa sau, trường dời về khu nhà số 2, đường Trần Cao Vân, và cũng chỉ mở các lớp Đệ Nhất cấp.

Niên khóa 1963 - 1964, trường được cấp giấy phép mở Đệ Nhị cấp, mang số 3337- GD/HV/4 ký ngày 13 tháng 8 năm 1963. Nhưng rồi trường bị đóng cửa các lớp Đệ Nhị cấp một thời gian [11], sau được phép hoạt động lại.

Xưa kia là Trung Học Nhân Thảo

Niên khóa 1972 - 1973, trường phát triển đến 1000 học sinh, mở từ lớp Sáu đến lớp Mười hai có cả ban A và B.

12 - Quang Trung Nghĩa Thục:

Trường tư thục Đệ Nhị cấp, Giám đốc sáng lập Lê Văn Ba, Hiệu trưởng Đặng Đức Thông, Giám học Nguyễn Thị Xuân Lan (kể từ niên khóa 1973 - 1974), Tổng Giám thị Nguyễn Cẩm Nhung, Thư ký văn phòng Nguyễn Văn Tại.

Năm 1972, Chủ tịch Tỉnh Thị Hội Giáo Giới Bình Định là GS Lê Văn Ba thương lượng với Thiếu tá Trưởng khu Gia Binh (tên là Bính, không nhớ rõ) đang điều hành trường Văn Hóa Quân Đội, xin dãy nhà 4 phòng học có sẵn bàn ghế và tiện nghi nằm trong trại Gia Binh ở Khu Sáu, để thành lập trường Quang Trung Nghĩa thục.

Niên khóa đầu, 1972 - 1973, Quang Trung Nghĩa Thục mở 2 lớp Sáu, 2 lớp Bảy, 1 lớp Tám và 1 lớp Chín, thu nhận 400 học sinh, học miễn phí. Ban giảng huấn phần lớn là hội viên của hội Giáo Giới Bình Định, ghi danh tình nguyện dạy không lương, gồm 45 vị trực tiếp dạy và 25 vị dự khuyết. Các môn dạy đầy đủ như một trường công lập vì có cả môn Hội họa và Nữ công gia chánh; đặc biệt trường còn dạy môn Dân tộc học và Võ thuật.

Năm sau, Tỉnh Thị Hội Giáo Giới vận động phụ huynh học sinh cùng Mạnh Thường Quân đóng góp xây thêm hai phòng học nữa, hội cũng nhờ Liên Đoàn 6 Công Binh của Đại tá Lưu Văn Dũng giúp nhân công và vật liệu. Hai phòng mới bằng gạch, lợp tôn, tiếp nối với dãy nhà cũ thành hình chữ U. Số học sinh tăng lên thành 8 lớp và có mở lớp 10. Niên khóa 1974 - 1975, trường có 11 lớp gồm: 3 lớp Sáu, 2 lớp Bảy, 2 lớp Tám, 2 lớp Chín, 1 lớp Mười và 1 lớp Mười một.

Quang Trung Nghĩa Thục là trường tư nhưng không thu học phí, cũng không có tài trợ của Bộ Giáo Dục nhưng vẫn sinh hoạt được là nhờ trường có thành lập ban bảo trợ hùng hậu, vị Chủ tịch là ông Ngô Khuôn (thân phụ của Trung tướng Ngô Du) nên hội hoạt động rất mạnh.

13 - Trung Học Viên Giác:

Nguyên là trường tư thục tiểu học trong khuôn viên chùa Viên Giác của thầy Huyền Ấn ở Khu 6. Bắt đầu niên khóa 1970 - 1971, trường mở 1 lớp 6, Hiệu trưởng là GS Hoàng Kim Long. Niên khóa 1971 - 1972, trường phát triển với 2 lớp Sáu và 1 lớp Bảy. Niên khóa 1972 - 1973, có 5 lớp trung học gồm 1 lớp Tám, 2 lớp Bảy và 2 lớp Sáu. Niên khóa 1973 - 1974 có lớp Chín, và cứ thế, số lớp tăng dần cho đến cuối tháng 3 năm 1975 thì chấm dứt.


14 - Trung Học VHQÐ Lê Lợi:

Ngoài trường Văn Hóa Quân Đội ở Sài Gòn đã hoạt động từ lâu, năm 1970, Cục Xã Hội thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị thành lập thêm 9 trường nữa trên toàn quốc Việt Nam Cộng Hòa, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em binh sĩ. Vì thế, trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội Lê Lợi Qui Nhơn ở Khu Sáu, gần Gềnh Ráng, phía sau trường Trung Học Kỹ Thuật, ra đời trong dịp này. Trường do Tiểu Đoàn 12 Công Vụ thuộc Bộ Chỉ Huy 2 Tiếp Vận tổ chức và điều hành. Hiệu trưởng đầu tiên là Chuẩn úy Nguyễn Mạnh Dạn, và do Cục Xã Hội Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị quản lý; nhưng việc giảng dạy hoàn toàn theo đúng với chương trình của Bộ Quốc Gia Giáo Dục ấn định.

Năm 1971, do nhu cầu cải tổ của quân lực, Tiểu Đoàn 12 Công Vụ giải thể. Trường Văn Hóa Quân Đội Lê Lợi được bàn giao cho Tiểu Khu Bình Định. Trường được cải danh là Trung Tiểu Học Quân Đội Lê Lợi, do Thiếu úy Văn Công Hạ làm Hiệu trưởng, quản nhiệm cả hai cơ sở Tiểu học và Trung học Đệ Nhất cấp.

Niên khóa 1972 - 1973, trường phát triển đến lớp Chín. Mùa hè năm 1973, Quân đội trao 4 lớp bậc trung học (1 Sáu, 1 Bảy, 1 Tám, 1 Chín) và một dãy nhà gồm 5 phòng cho Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Cơ sở này mang tên mới là trường Trung Học Lê Lợi.

Niên khóa 1973 - 1974, Ngô Đình Phùng được cử làm Hiệu trưởng của trường này, và phát triển thêm 1 lớp Sáu nữa. Giáo sư cơ hữu có Ngô Đình Phùng, Nguyễn Thanh, Nguyễn Tư... và nhiều Giáo sư các trường khác đến dạy giờ, ngoài ra có Đại úy Phan Ngô cộng tác với trường.

Niên khóa 1974 - 1975, trường có 2 lớp Sáu, 2 lớp Bảy, 1 lớp Tám và 1 lớp Chín nên phải xây thêm 2 phòng học lợp ngói, tiếp nối với 5 phòng cũ thành hình chữ L, giữa sân là trụ cờ cũng khánh thành một lượt với phòng ốc.

Đầu năm 1975, trường được Bộ Giáo Dục đổi danh xưng một lần nữa là Trung Học Lam Sơn, nhận được Quyết định chưa được bao lâu thì ngày 01.4.1975 Qui Nhơn thất thủ và trường cũng bị xóa tên.

15 - Trung Học Đống Đa:

Tiền thân là trường Tiểu Học Phan Đình Phùng, Hiệu trưởng Nguyễn Tuấn Đức. Trường được Bộ Giáo Dục cho mở lớp 6 và cứ thế phát triển dần, Nguyễn Tuấn Đức vẫn làm Hiệu trưởng. Khi Nguyễn Tuấn Đức mất, Nguyễn An Phong lên thay, sau là Huỳnh Kim Phát.

16 - Trung Học Đặng Đức Siêu:

Trường tư thục Đệ Nhất cấp.

17 - Trung Học Phước Hậu:

Nguyên là Trường Tiểu Học Phước Hậu tọa lạc trên khoảnh đất rộng rãi, sát nách với Chợ Dinh, ngó ra Quốc lộ 1, tại ngã ba nối với xa lộ mới. Khoảng năm 1972, trường được nâng lên thành trường Công lập Đệ Nhất cấp, và Hiệu trưởng là Lê Đình Cự.

18 - Trung Tiểu Học Sùng Nhơn:

Trường tư thục Sùng Nhơn của người Hoa, dạy song ngữ, tiếng Tàu và Việt. Ban đầu chỉ mở dạy bậc tiểu học, sau phát triển thành trường Trung học Đệ Nhất cấp.

Nguyên là ngôi Đình của người Hoa Kiều, nằm trên đường Bạch Đằng, ngó ra đầm Thị Nại, xây dựng từ thới Pháp thuộc, thờ Thánh Quan Công. Cơ sở kiến trúc xưa, tường xây gạch, lợp ngói âm dương, mái cong, có nhiều hình điêu khắc và chạm trổ trên các cửa lớn và nhỏ.

Khi thành lập trường Sùng Nhơn, cơ sở này được tu bổ và sửa chữa thành những lớp học. Trường có khoảng mười phòng, xếp thành hai dãy song song, giữa là chánh điện thờ Quan Thánh, dùng làm phòng hiệu trưởng và văn phòng. Sân trường rộng, tráng xi măng, dùng trong các buổi chào cờ, tiếp đến là sân bóng rổ. Trước trường có hai cây bàng lớn, tàng cây che mát cả sân chơi, và những hàng phượng vĩ đỏ rực mùa hè. Cổng chính nằm trên đường Bạch Đằng. Trường còn hai cổng phụ, ở hai bên hông, trổ ra hai đường ngang song song và nối đường Gia Long với Bạch Đằng.

Vì trường song ngữ nên có hai nhóm thầy giáo: Ban tiếng Việt, dạy đúng theo chương trình của Bộ Quốc Gia Giáo Dục VNCH. Về tiếng Hoa, dạy theo trình độ của các trường Tàu Chợ Lớn, được qui định bởi chương trình ở Đài Loan. Do đó, các học sinh phải theo học mỗi ngày 7 hay 8 giờ, suốt từ thứ hai đến thứ bảy.

Xưa là Trường Sùng Nhơn

Khoảng năm 1960, Ban Hiệu trưởng, bên Hoa ngữ, có ông Vương Nhật Phi người gốc Đài Loan, không biết tiếng Việt. Bên Việt ngữ, có thầy Lâm Du Hòa đảm nhiệm chức Hiệu trưởng, vừa điều hành giấy tờ hành chánh. Thành phần Giáo sư khoảng 20 vị, gồm người địa phương và một số chuyển từ Chợ Lớn. Vì là trường tư và dạy song ngữ, phải thuê mướn giáo sư từ xa đến, giá thành cao, nên học phí rất đắt so với các trường tư thục Việt đương thời. Nhờ có nhiều Mạnh Thường Quân, con em người Hoa những gia đình nghèo được xét trợ cấp, nên có thể theo học.

19 - Trung Học Triều Thuận:

Trường tư thục Đệ Nhất cấp của người Hoa, chưa có lớp 9.

20 - Trung Học Tăng Bạt Hổ ở Qui Nhơn:

Năm 1955, Chính Quyền Quốc Gia tiếp thu tỉnh Bình Định. Ngay trong niên khóa đầu tiên 1955- 1956, Bộ Giáo Dục cấp tốc xây dựng trường ốc và mở tại tỉnh nhà hai trường Trung học Đệ Nhất cấp, đáp ứng nhu cầu số đông học sinh bị dở dang học hành trong nhiều năm vì chiến tranh. Bắc Bình Định có trường Tăng Bạt Hổ ở Bồng Sơn, phía Nam là trường Cường Để ở Qui Nhơn.

Song song với Trường Cường Để, trường Tăng Bạt Hổ cũng mở lớp Đệ tam vào niên khóa1958 - 1959. Từ năm 1962, trường này có nghị định chuyển thành Trung học Đệ Nhị cấp, và đứng hàng thứ hai các trường trung học trong tỉnh.

Nhưng vào tháng 3 năm 1972, đồng bào ba quận Bắc Bình Định di tản chiến thuật, vào trại tiếp cư ở Phú Tài và Qui Nhơn, trường Tăng Bạt Hổ phải đóng cửa. Lúc ấy, ông Nguyễn Công Lượng (người địa phương) đang là Phó Quận trưởng Hoài Nhơn, vận động cho trường tái hoạt động ở Qui Nhơn, để số học sinh tản cư được tiếp tục học hành. Về mặt giấy tờ, nhà trường gửi văn thư xin Bộ Quốc Gia Giáo Dục cho phép dời địa điểm. Mặt khác, Nguyễn Công Lượng vào Sài Gòn yết kiến ông Ngô Khắc Tĩnh, Bộ Trưởng Giáo Dục, xin được giấy phép tái hoạt động tại Trung Tâm Sinh Hoạt Giáo Giới (nguyên là Ký Túc Xá Học Sinh), số 18 đường Nguyễn Huệ ở Qui Nhơn. Cơ sở này, nguyên của Tỉnh Thị Hội Giáo Giới Bình Định nhường lại, và nhờ có Liên Đoàn 6 Công Binh tình nguyện sửa chữa thành một trường học. Mọi việc tiến hành tốt đẹp, trường kịp khai giảng niên khóa 1972 - 1973, vào ngày 26 - 10- 1972 .

Từ ngày trường Tăng Bạt Hổ dời vào Qui Nhơn, sĩ số chỉ còn hơn một nửa, số lớp cũng bớt lại, không còn giữ vị trí thứ hai các trường lớn của tỉnh. Tuy vậy, Ban Giáo sư vẫn nguyên vẹn nên việc giảng dạy rất tốt, và tồn tại 3 niên khóa, qua các đời Hiệu trưởng sau đây:

-  Năm 1972, Lê Ninh Hậu, Xứ lý thường vụ Hiệu trưởng trong thời gian ngắn.
-  Niên khóa 1972 - 1973, Hiệu trưởng Lê Văn Minh, Tổng Giám thị Nguyễn Hữu Hồng.
-  Năm 1973, Đào Văn A tạm thời Xử lý thường vụ.
- Từ 1973 - 1975, Hiệu trưởng Hồ Sĩ Duy, Giám học Nguyễn Ngọc Trân, Phụ tá Giám học Nguyễn Cao Trợ, Tổng Giám thị Nguyễn Hữu Hồng, Phụ tá Tổng Giám thị Ngô Văn Lâu.

Qui Nhơn, lúc bấy giờ chưa mở rộng để nâng lên cấp thành phố mà đã có 19 trường trung học định cư vĩnh viễn và 1 trường tạm trú, đó là trường Trung Học Tăng Bạt Hổ di tản từ quận Hoài Nhơn và tái hoạt động tại Qui Nhơn. Trong 20 trường trung học ở Qui Nhơn, gồm có 2 trường Cao đẳng, 10 trường Đệ Nhị cấp và 8 trường Đệ Nhất cấp.

Xưa là Trường Tăng Bạt Hổ

Trước tháng tư năm 1975, Qui Nhơn chỉ là một thị xã, mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh, nhưng vẫn có đến 20 trường trung học đang hoạt động và trên đà phát triển. Hơn thế nữa, Qui Nhơn chuẩn bị mở trường Đại Học vào niên khóa 1977 - 1978. Bộ Giáo Dục dự định đề cử Giáo sư Lê Bảo Xuyến (phu nhân của GS Lê Văn, người quận Phù Mỹ), làm Viện trưởng. Niên khóa đầu, mở Văn Khoa rồi đến Luật khoa, Sư phạm và Khoa học. Đủ chứng tỏ dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, nền Quốc Gia Giáo Dục rất thịnh hành.

Đào Đức Chương
(Còn tiếp)



GHI CHÚ

[9,10,11] Trần Đình Thái, sách đã dẫn, trang 60, 62, 59.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

- NGUYỄN ĐÌNH ĐẦU; Nghiên Cứu Địa Bạ Triều Nguyễn – Bình Định, tập I; Sài Gòn, nxb TP/HCM, 1996.
- TRẦN ĐÌNH THÁI; Ai Có Về Qui Nhơn; Sài Gòn, Tủ Sách Đẹp Quê Hương xuất bản, 1973.
- QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN; Đại Nam Nhất Thống Chí, Phạm Trọng Điềm dịch, Đào Duy Anh hiệu đính, tập 3 (tỉnh Bình Định); Hà Nội, nxb Khoa Học Xã Hội, 1971.

- PHỎNG VẤN QUA ĐIỆN THOẠI:

Ngày 14-11-2004, phỏng vấn các ông: Nguyễn Công Lượng, cựu Phó Quận trưởng Hoài Nhơn, hiện ở Huntington Beach, California (CA); Lê Văn Ba, cựu Chủ tịch Tỉnh Thị Hội Giáo Giới Bình Định, hiện ở Westminster CA ; Vũ Hữu Nho, cựu Hiệu trưởng Trung Học Kỹ Thuật Qui Nhơn, hiện ở Houston, Texas (TX); Võ Đen, cựu Tổng Giám thị Trung Học Kỹ Thuật, hiện ở Dorchester, Massachusetts (MA).

Ngày 19-11-2004, phỏng vấn ông Huỳnh Hữu Dụng, cựu Ty Trưởng Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên tỉnh Bình Định, hiện ở San Jose, California (CA).

Ngày 29-11-2004, phỏng vấn bà Nguyễn Thị Phong, cựu Giám học Trung Học Tây Sơn Qui Nhơn hiện ở San Jose, California (CA).

Ngày 15-4-2005, phỏng vấn ông Lê Đại Đồng, cựu Giáo sư kiêm Trưởng ban Thể thao trường Trung Học Cường Để, hiện ở Houston, Texas (TX).

Ngày 30-6-2007, phỏng vấn ông Trần Minh Lợi cựu Giáo sư trường Trung Học Viên Giác, hiện ở San Jose, California (CA).

Ngày 6-11-2007, phỏng vấn ông Du Sơn Lãng Tử cựu học sinh Trung Học Sùng Nhơn, hiện ở San Rafael, California (CA).

Ngày 16-5-2009, phỏng vấn ông Ngô Đình Phùng, cựu Hiệu trưởng Trung Học Lê Lợi, hiện ở Augusta, Georgia (GA).

Ngày 22-4-2010, Email của Nguyễn Mạnh Dạn, nguyên Hiệu trưởng trường Trung Học Văn Hóa Quân Đội Lê Lợi, hiện ở Houston, Texas (TX).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét