Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

NAM TIẾN





Gia Phả của các Họ Tộc là một trong những cứ liệu soi sáng lịch sử đất nước.  HỒ TRUNG TÚ có bài viết về lịch sử hình thành các Dòng Họ QUẢNG NAM. Công trình của ông phân kỳ các giai đoạn Nam tiến của dân tộc, đã chỉ ra rằng người xứ Ðàng Trong có ít nhất 50% huyết thống về dân tộc Chàm. Đúng hay sai, cần phải có thêm các nghiên cứu khác hoặc bổ túc của các nhà Sử Học. Ít nhất ở đây đã có một cái nhìn mới về lịch sử.

NAM TIẾN Ở VÙNG QUẢNG NAM
Hồ Trung Tú

Có một thực tế diễn ra dưới thời các vua Nguyễn là : Sau những năm dài chiến tranh, loạn lạc (200 năm phân tranh Trịnh-Nguyễn rồi cuộc nỗi dậy của nhà Tây Sơn, chiến tranh giữa chúa Nguyễn với Tây Sơn, Tây Sơn với những cuộc bắc tiến và với nhà Thanh), làng xóm trở lại cảnh thanh bình. Những lễ tục được phục hồi, các dòng họ cũng bắt đầu chú ý đến gốc gác, phổ hệ. Một phong trào viết gia phả nỗi lên khắp nơi, phát sinh môt sự tranh dành tộc to, họ lớn; tranh nhau tiền hiền khai canh, lập ấp. Ai cũng muốn mình là người đầu tiên đặt chân lên mảnh đất làng nầy từ 1471 nên số đông các gia phả Quảng Nam đều ghi :
Ngài (Họ) Quý Công đã theo vua Lê Thánh Tông bình Chiêm năm Hồng Ðức nhị niên định cư ở lại làng ... từ thời đó.
Nhưng số thứ tự các đời thì thường là điều không thể tùy tiện mà dựng nên được. Chính vì thế các gia phả nầy để lộ ra những mâu thuẩn khó có thể trả lời. Sau những thống kê các gia phả học đều thống nhất ở Việt Nam ta mỗi thế hệ trung bình là 23,5 năm (Phương Tây là 25 năm). Vì vậy cứ nhân số thứ tự của đời hiện nay với 23,5 năm, ta có thể tạm biết vị đệ nhất thế tổ ấy đến Quảng Nam vào năm nào. Ví dụ như gia phả họ Huỳnh (Hoàng) làng Xuân Ðài (Ðiện Bàn Quảng Nam) ghi rằng :
" Niên hiệu Hồng Ðức năm thứ 30 (thực ra là Hồng Ðức nhị niên) đánh lấy Chiêm Thành mới đặt ra Quảng Nam đạo thừa tuyên và ông Thỉ tổ của chúng ta (người tỉnh Hải Dương) di cư vào Nam từ thuở đó...lập nên cơ nghiệp lưu hạ đến nay đã hơn 10 đời."
Gia phả này viết năm Tự Ðức 34, tức 1881, lui về trước 10 đời tức là 235 năm, vậy ông Thỉ tổ dòng họ này vào Quảng nam khoảng năm 1646, cách Lê Thánh Tông bình Chiêm đến 175 năm, tức hơn 7 thế hệ! Rõ ràng họ Huỳnh làng Xuân Ðài khó có thể phản đối lập luận này. Con số 1646 của họ Huỳnh cũng là một con số khá lý thú và chúng ta sẽ trở lại con số này một lần nữa sau này.
Trước nay chúng ta thường nghĩ rằng lịch sử Nam tiến của người Việt nam trải dài suốt từ thời nhà Lý đến các vua Nguyễn; các năm 1306, 1471 chỉ là những cột mốc đánh dấu cái dòng chảy rất đều, không ngừng nghỉ của các đoàn người Nam tiến. Thực ra nếu nhìn kỹ vào từng giai đoạn ta sẽ thấy cái dòng chảy ấy không đều như ta nghĩ. Nó có những lúc dữ dội để chiếm hữu, lúc lắng lại để định hình, lúc thì nếp ăn nếp ở ngôn ngữ phong tục thiên về Chàm, lúc thì chuyển hẳn sang Việt. Ở đây chúng tôi thử đưa ra một cách phân kỳ để thử xác định mỗi giai đoạn có gì khác nhau. Dĩ nhiên sẽ có người không đồng ý, có cách phân kỳ khác, nhưng như thế cũng không hẳn là nó không cần thiết để thử một lần.
1/.  TRƯỚC 1306 - NHỮNG ẤN TƯỢNG VỀ NHAU.

Trước 1306, khi địa giới còn ở ngoài đèo Ngang, thì người Việt cũng đã nhiều lần đặt chân lên vùng đất phiá Nam Hải Vân này.
Trước thế kỷ 10 kinh đô Chiêm Thành là vùng Trà Kiệu, thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam hiện nay. Giai đoạn này về trước Chiêm Thành là một quốc gia hùng mạnh, họ nhiều lần đánh ra bắc đèo Ngang, lúc này thuộc nhà Ðường, và dĩ nhiên bắt rất nhiều tù binh người Việt mang về. Ít nhiều những tù binh này tạo được một cái nhìn quen thuộc cho những cư dân Chiêm vùng kinh thành và điều này sẽ khiến người lao động Chiêm Thành, tức những dân quê ít học, ít quan tâm đến chính trị không cảm thấy quá sợ hãi khi những đại quân Việt kéo đến sau này. Thậm chí ngay từ đầu những năm lập quốc của quốc gia Chiêm Thành, một người Giao Châu (Việt?) là Phạm Văn đã làm vua xứ này và tạo thành một vương triều thứ hai kéo dài gần 100 năm. Phạm Văn vốn người Giao Châu (lúc này thuộc Ðường) có cơ hội sang Trung Quốc học hỏi nên lúc về Lâm Ấp đã giúp vua Lâm Ấp là Phạm Dật xây dựng cung điện, làm thành trì và khi Phạm Dật chết thì Phạm Văn tự xưng lên làm vua Chiêm Thành.
Quả thực trong mắt của người Việt thì người Chiêm xa lạ, khó hiểu hơn nhiều so với người Chiêm nhìn người Việt. Ðiều này cũng dễ hiểu bởi bản sắc văn hoá của hai dân tộc, trong khi người Chăm vùng Quảng Nam nay quá đậm nét văn hoá Ấn Ðộ với những vị thần khó hiểu thì người Việt vùng Thanh- Nghệ lúc thuộc Ðường còn khá mờ nhạt nét văn hóa Trung Hoa, đời sống tâm linh khá hiền lành, đơn giản. Chính điều này sẽ khiến người Việt sau này (sau 1401) khi vào sống cạnh người Chiêm họ sẽ không gây cho người Chiêm những khó chịu, những áp lực tâm lý đến mức không thể chung sống mà phải bỏ đi.
Và khi Lê Ðại Hành (Lê Hoàn) lên ngôi rồi đem quân đánh Chiêm lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, năm 982 ông cũng đã đem quân vào đến kinh đô Chiêm Thành lúc này là Ðồng Dương (huyện Thanh Bình ngày nay) đóng quân ở đó một năm mới trở ra. Thậm chí một vị quan quản giáp của Lê Ðại Hành là Lưu Kế Tông đã trốn ở lại khi đại quân kéo về rồi tự xưng làm vua nước Chiêm Thành cai trị vùng đất miền bắc nước này. Sau cuộc thất bại này người Chiêm dời kinh đô vào Ðồ Bàn. Bao nhiêu binh lính người Việt cùng với Lưu Kế Tông ở lại sau sự kiện 982? Một năm đóng quân ở đất này chuyện gì xảy ra giữa hàng vạn binh lính và dân Chiêm bản xứ? Lưu Kế Tông làm vua có tạo ra một sự ưu đãi nào đó cho những người Việt Kiều?
Năm 1020 Lý thái Tổ cử người đi đánh Chiêm Thành nhưng chỉ đến Bố Chính, Quảng Bình ngày nay. Năm 1044 Lý Thái Tông dẫn 12 vạn quân đánh thẳng vào đến sông Thu Bồn, chém đầu vua Chiêm là Sạ Ðẩu ở đây rồi dẫn đại quân về Ðồ Bàn, cho sứ đi khắp các nơi vỗ yên, phủ dụ dân chúng Chiêm Thành. Tầng lớp thượng lưu, giáo sĩ, chính trị hẳn đã bị chú ý thu gom, trừng phạt nhưng đa số dân trong các xóm làng là đối tượng của các cuộc phủ dụ này. Năm 1069 Lý Thánh Tông phạt Chiêm lần thứ hai, bắt vua Chiêm là Chế Củ giải về Thăng Long. Chế Củ phải xin dâng ba châu Bố Chính, Ðịa Lý, Ma Linh để được tha. Biên giới Ðại Việt lúc này là Quảng Bình và một phần Quảng Trị bây giờ.
Từ đó đến 1306, tức 237 năm, không có cuộc tiến đánh nào của người Việt. Một phần do hợp tác đối phó với nhà Nguyên nên mối quan hệ Việt Chiêm khá tốt, thậm chí vua Trần Nhân tông đã vân du, một chuyến du lịch đến Chiêm Thành, lúc hữu hảo đã vui miệng , hay thực sự kính trọng vua Chiêm, hứa gả công chúa Huyền trân cho vua Chiêm là Chế Mân. Vua Chiêm dâng hai châu Ô, Lý làm sính lễ. Nhiều người cho rằng hai châu này thực ra đã thuộc về Việt. 237 năm không chiến tranh  (thực ra là có nhưng chỉ là những cuộc cướp bóc của những toán thổ phỉ, cướp biển mà người Chiêm thời nào cũng có, thâm chí ở biển Ðông và vịnh Thái Lan bây giờ cũng không thiếu)  đủ sức, đủ thời gian để người Việt lấn dần từng bước dưới sự hổ trợ của những người Việt vào trước như đã nói. Cái sự dâng hai châu Ô, Lý của Chế Mân để lấy được một người đẹp là chuyện lịch sử nhân loại ít thấy.
Tuy vậy ta vẫn có thể hiểu được hành động này qua trường hợp tương tự của Mạc Ðăng Dung khi cổ buộc dây thừng, đi chân không đến phủ phục trước mạc phủ quân Minh xin hàng và dâng các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, An Lương, La Phù. Thực ra theo "Ðại Việt Ðịa Dư Toàn Biên" thì 6 động ấy chưa bao giờ thuộc về Việt, năm Tuyên Ðức thứ 2 người các động ấy làm phản, về với Giao Chỉ. Nay nhà Mạc lấy đất của họ mà trả cho họ, đó là một động tác chính trị và nhà Minh cũng chỉ cần cái danh ấy để không phải động binh lúc này đang rất khó khăn với quân Thanh. Chế Mân hẳn biết rằng so sánh tương quan lực lượng sẽ không bao giờ giữ được Ô, Lý nữa chi bằng làm thế để tăng mối hòa hiếu may ra giữ yên được vùng đồng bằng Quảng Ngãi trở vào trù phú hơn nhiều so với vùng Thừa Thiên, Quảng Trị.

II/  1306-1402    GIAI ÐOẠN TIỀN ÐỀ
Nhưng lịch sử không như Chế Mân nghĩ, chỉ một năm sau, vụ giải thoát công chúa Huyền Trân đã khiến người Chiêm nổi giận, họ liên tục quậy phá vùng biên giới đến mức 5 năm sau ngày cưới, vua Trần Anh Tông đã thân chinh chiếm đánh Chiêm Thành. Toàn bộ Chiêm Thành trở thành một Châu của Ðại Việt. Vua nhà Nguyên phản đối nhưng vua Trần vẫn tự cho mình có quyền tông chủ đô hộ trên đất Chiêm Thành, và cũng làm nhiệm vụ là một tông chủ thật sự: năm 1313 Tiêm La lấn cướp Chiêm Thành vua Anh Tông cử người đem binh đi ứng cứu Chiêm Thành. Nửa sau thế kỷ 14 này thì Chiêm Thành phát triển cực mạnh và họ đẩy các cuộc giao chiến ra đến tận vùng sông Mã Thanh Hóa.
Không thể tìm thấy một sử liệu nào nói về chuyện người Việt đến ở vùng đất Quảng Nam nay,tức nam Hải Vân, trong suốt giai đoạn 100 năm này (1306-1402). Chỉ qua các mối quan hệ của chính quyền hai nước được sử ghi lại chúng ta ít nhiều nghĩ rằng giai đoạn này dầu sao cũng vẫn có các nhóm tù binh Việt đã có mặt nơi này, nhất là giai đoạn 30 năm dưới thời Chế Bồng Nga (1360-1390). Giai đoạn này nếu có những người Việt sinh sống ở đây thì chắc chắn mọi nếp sống, sinh hoạt của họ đều phải theo Chàm. Giai đoạn này chủ yếu là sự định hình đi vào ổn định vùng Thanh Hóa, bắc Hải Vân. Sau cái chết của Chế Bồng Nga, Chiêm Thành loạn lạc. Hồ Qúy Ly đem quân tiến đánh và chúa Chiêm là Ba Ðích Lại xin dâng Chiêm Ðộng, trọn tỉnh Quảng Nam ngày nay cho Ðại Việt. Hồ Qúy Ly bắt ép phải dâng nộp cả động Cổ Lũy, trọn tỉnh Quảng Ngãi ngày nay. Nhà Hồ chia đất ấy thành bốn châu là Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa và đặt người cai trị.
Giai đoạn này có một số sự kiện đáng chú ý nếu muốn từ đó lần ra các mối quan hệ để có thể giải thích được ít nhiều các vấn đề thiếu cứ liệu sau này:

1/ Người Chiêm Thành nào đi thì cho đi. Người ở lại thì bổ làm quan (Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư, năm 1402- SKTT 1402).
2/ Chiêu mộ người có của ở Hội An, Thuận Hóa vào khai khẩn với một chính sách rất ưu đãi nhưng vô cùng nghiêm khắc, buộc phải thích tên châu nơi đến vào cánh tay để
xem như không còn đường rút về. Năm sau cho thuyền chở vợ con đi theo nhưng giữa đường bị bão đánh chìm. Tất cả đều chết. (SKTT 1403)
3/ Người Chiêm Thành không có họ. Ai có họ là người Việt đến sau. (Việt sử xứ Ðàng Trong của Phan Khoang, trang 89. Chưa rõ Phan Khoang dẫn ở đâu)
4/ Ngoại trừ một số họ Chiêm ghi theo âm Hán đọc thành Phan, Phạm, Ðặng thì Hồ Qúy Ly còn ban cho họ Ðinh với một số người Chiêm hàng phục. (SKTT 1397)

Những sự liệu này cho thấy cái quan điểm cho rằng khi Việt đến thì ngưới Chiêm rút đi hòan toàn là không đúng. Không có chuyện chém giết đến không còn một người ở đây, thậm chí trong toàn bộ lịch sử. Ai đi thì cho đi, ai ở thì bổ làm quan. Dĩ nhiên những làng chài, làng nông nghiệp ít học là cái mà các sử quan thường cho là hạ nhân thì không bàn đến. Người Chiêm Thành không có họ, ai có họ là dân Việt mới đến sau cho thấy cái hình ảnh xã hội lúc ấy. Có nghĩa là không có vấn đề gì lớn đối với chuyện những làng Việt sống cạnh những làng Chiêm, không có mối thâm thù nào lớn giữa người Chiêm và người Việt. Thậm chí một tướng Việt là Nguyễn Rỗ cai trị người Chiêm nhưng khi nhà Hồ tan, Nguyễn Rỗ mâu thuẫn nội bộ dẫn quân và gia quyến sang Chiêm Thành, Chiêm Thành vẫn cho Rỗ làm quan to. Ðiều này nó chứng tỏ khi người Chiêm chiếm trở lại đất trước đó người Việt di dân đến họ cũng không xua đuổi những Việt Kiều này. Chiếu bình Chiêm của Lê Thánh Tông sau này có nêu lý do "đàn ông, đàn bà của ta nó bắt làm nô lệ; tù nhân, phạm nhân của ta nó hết thảy bao dung ..."  thì ta hiểu đó chỉ là một lý do, nhưng ngay cả trong trường hợp đó là sự thật đi nữa thì sự bao dung của Chiêm Thành đối với kẻ tù nhân, phạm nhân Ðại Việt vẫn cho ta thấy người Việt sống ở vùng này không đến nổi bị bài xích xua đuổi cho lắm.
Sau này,sau 1471, vua Lê Thánh Tông cũng lại có một sắc chỉ về việc xét họ tên với bọn người Chiêm. Và đến một lúc những người Chiêm không có họ ấy bắt buộc phải mang một họ nào đó là Ðinh, Lê, Lý, Trần, Phan, Nguyễn... để vào sổ hộ tịch lại là một chuyện quan trọng nữa mà chúng ta cần phải bàn đến.
(Còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét