Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Bảy, 8 tháng 10, 2011

MỘT CÂY SỐ ĐI CHÂN

NHỮNG NGÀY CÒN ĐI HỌC


Lăng Mai Xuân Thưởng

      Một cây số đi chân
      Là hư là hư lá hứ …
      Hai cây số đi chân
      Ối a !  là vui quá chừng …



Bài hát trên, những năm xa xưa đó, bọn học trò nhỏ chúng tôi chỉ hát mà không được chơi. Các anh chị lớp Ba, lớp Nhì, lớp Nhất  (lớp ba, bốn, năm bây giờ)  được diễm phúc vừa hát vừa chơi. Chơi mà học, Học mà chơi. Chơi mà đi xa cả sáu, bảy cây số không có phần cho bọn học trò lớp Năm, lớp Tư  (lớp một, lớp hai)  hỉ mũi chưa sạch chúng tôi.

Những năm đầu thập niên 60 thế kỷ trước, các Thầy của Trường Tiểu Học Bình Giang đa phần ở Phú Phong lên giảng dạy. Cô giáo duy nhất dạy lớp Năm là cô Hồ Thị Bích Nga, người ở địa phương. Các Thầy Phan Hoàng, Nguyễn Đốc, Đặng Văn Đại, Trần Văn Hớn … ngày ấy đến trường bằng xe đạp, phải đi hơn mười cây số với đường sá có lúc bị hầm hào xẻ ngang xẻ dọc, mấp mô mìn bẩy thời “phá đường”. Dạy học thời chiến tranh, bom đạn, đúng là hiểm nguy, vất vả trăm bề. Nhưng lúc đó bọn chúng tôi nào thấy khó nhọc, vất vả của Thầy Cô, chúng tôi chỉ biết cặm cụi nắn nót từng chữ trong giờ học, hê hả cười theo chuyện kể, hồn nhiên nô đùa với trò chơi dưới sự dẫn dắt của Thầy Cô.

Đến bây giờ tôi viết vẽ vẫn chưa ra làm sao cả, nhưng hồi đó lại khoái môn Học Vẽ vô cùng. Thời lớp Năm học vẽ chỉ là tập đồ, tập nối các điểm in sẵn trong sách là ra hình con gà, con thỏ … Khoái là khi về nhà khoe với Ba Mẹ đã phân biệt được thế nào là con ngỗng cái cổ cao cao, thế nào là con vịt thấp lè tè, đi lạch bạch. Khoái là được Ba Mẹ khen giỏi. Nhưng khoái hơn nữa là được Cô Giáo xoa đầu tưởng thưởng. Có một lần phần thưởng là hình vẽ Phù Đỗng Thiên Vương tôi mang đến trường được Cô cho treo trên vách chỗ Đội của tôi, Đội Phù Đỗng.

Thật ra cũng chẳng phải tưởng thưởng gì, thật ra hình vẽ nào phải của tôi. Chả là lớp anh tôi lúc đó có bốn Đội, Đội Lý Thường Kiệt, Đội Trần Hưng Đạo, Đội Lê Lợi, Đội Quang Trung. Anh về nhà hý hoáy vẽ ảnh Quang Trung, ảnh của Đội anh. Thằng em đòi cho được có cái hình Phù Đỗng vung cây tre ngà trên ngựa là anh tôi phải cặm cụi vẽ đi tô lại mấy đêm liền. Hình vẽ tô màu nước, chắc là không có cái thần của sắc diện một đứa bé sáu tuổi đánh giặc, nhưng chắc chắn là có nét vẽ hồn nhiên của tuổi học trò chỉ hơn tuổi Phù Đỗng chẳng là bao. Cô Nga cười  “Hình vẽ khéo đấy”  là cho treo liền lên vách. Không hiểu sao lúc nầy Cô không hỏi là  “Ai vẽ”. Nếu cô hỏi thì hồi ấy không rõ tôi dám nhận vơ vào mình hay chăng.

Học mà chơi, Chơi mà học, mấy Thầy Cô ngày xưa sao mà đầy cẩn trọng đến từng chi tiết nhỏ rèn luyện tâm tính học trò.

Ngày xưa sân chơi của Trường không bề thế như bây giờ. Giờ ra chơi, trên hè ciment mấy đứa gái tập đếm với trò đánh nẻ chuyền một, chuyền hai. Dưới sân trước mỗi lớp học, mấy đứa trai chúng tôi chơi bắn bi, đánh đáo, mấy anh chị lớn hơn nhảy dây, đánh bóng chuyền, nhảy búp sen … Năm Thầy Quán về làm Hiệu Trưởng, sân chơi của Trường có thêm được hố nhảy cao, nhảy dài. Dài hơn nữa, sân chơi kéo thêm sáu, bảy cây số xuống tận Lăng Mai Xuân Thưởng vừa mới xây dưới Núi Ngang Bình Tường. Tiếc là bọn lớp nhỏ chúng tôi không thể đi chơi để mà học, chỉ biết hát đùa theo mấy anh chị lớp lớn :

Một cây số đi chân
Là hư là hư lá hứ …
Hai cây số đi chân
Ối a !  là vui quá chừng …
Ba cây số đi chân
Là hư là hư lá hứ …
Bốn cây số đi chân
Ối cha !  nó hư đôi giày …

Năm cây số đi chân
Là hư là hư lá hứ …
Sáu cây số đi chân
Ối cha !  nó đau cặp giò …


“Một cây số đi chân … Sáu cây số đi chân …”  Anh tôi về kể lại chuyện cắm trại dưới Lăng Mai Xuân Thưởng, chuyện Anh Hùng kháng Pháp họ Mai, chuyện mấy anh lớp Nhất được chơi trò trốn tìm …

Trò Cút bắt, Trốn tìm với bọn nhỏ chúng tôi lúc đó ai mà không thích. Được chơi chia phe phía Pháp, phía Nghĩa quân Cần Vương, một phe đi trốn, một phe đi tìm giữa vườn xoài bạt ngàn ngút mắt thì thú biết chừng nào. Hồi ấy tôi ao ước giá mà mình vươn vai như Phù Đỗng, chỉ cần lớn thêm vài tuổi để được vừa đi vừa hát  “Một cây số đi chân … Là hư là hư lá hứ …”, để được cùng với các anh lớp Nhất : Bửu Kim, anh Cang … đi trốn thì đố cho phe bọn Pháp tìm ra. Chỉ khi nào bọn ác nhân bắt mẹ già, đòi chém dân làng uy hiếp, mới chịu ra đoạn đầu như anh hùng Họ Mai của quê hương Phú Lạc, Bình Khê.

“Một cây số đi chân … Hai cây số đi chân …”  những bước chân nhỏ bé, chậm rãi nhưng vững chãi vừa đi, vừa chơi, vừa học. Nhưng có lẽ những trò chơi xưa đó bây giờ đã lạc hậu, quê mùa !?  Có lẽ những chuyến cắm trại điền dã đã đi vào quên lãng theo nhịp học hiện đại không cần đầu tư công sức nhiều cho môn học Sử !? Có lẽ nhịp sống thời mới đã làm cho con người quay cuồng với bôn ba, bươi chải nên người ta dễ quên từng bước, từng bước chập chững được Mẹ Cha dìu đi, dễ quên từng bước chân, từng cây số, từng cây số được Thầy Cô dẫn dắt !?

Không thể nào quên tâm huyết của Thầy Cô. Nhưng có được mấy ai nhắc lại chuyện buồn vui cùng Thầy Cô ngày xưa khi ngồi lại với nhau. Ngày 20 tháng 11, người ta hô hào nhiều, người ta thấy đầy đường học sinh đi thăm Thầy Cô, nhưng chắc là có không nhiều các Thầy Cô đang đứng trên bục giảng đủ điều kiện đi thăm Thầy Cô ngày cũ. Thầy Cô ngày cũ nhà chỉ cách một, hai cây số, nhưng chắc là cũng không nhiều lắm quan chức đủ tâm ý đi thăm Thầy bằng những bước chân của đứa học trò.

“Một cây số đi chân … Hai cây số đi chân …”  Trên đường đời bon chen, có mấy ai vừa đi vừa nhớ chuyện ngày xưa, những ngày còn đi học !?


2 nhận xét:

  1. Hồi ức ngày xưa nhưng chất đầy chuyện ngày nay.
    Ngày nay có ai thích Học Sử !?
    Muốn học chắc học cũng chẳng vô !?

    Trả lờiXóa
  2. Trương Nghị với hồi ức thật đáng kinh ngạc về trí nhớ, thời gian xấp xỉ 50 năm rồi chưa bộ!!! Một ai đó sẽ đặt ra câu hỏi tại sao tuổi thơ với "Những ngày còn đi học" hồi đó có gì mà nhớ thế! Nhớ rõ đến họ tên từng thầy cô, nhớ lời một bài hát rất có ý nghĩa như vậy? Chắc chắn giải thích điều này dựa vào mỗi cá nhân (trí nhớ) chỉ là một phần nhỏ phải kg bạn? Thật may mắn thay chúng ta bọn học trò của những năm 60s, 70s thuở ấy được thụ hưởng một nền giáo dục đậm đà tính nhân bản, tràn ngập tình yêu thương.
    Bài viết làm mình nhớ lại cái thời tiểu học đáng yêu này.
    Trường Nghị ơi, đoạn văn này mình rất thích nè (nếu có nút "like" như Facebook mình click liền, hehe):
    "...Khoái là khi về nhà khoe với Ba Mẹ đã phân biệt được thế nào là con ngỗng cái cổ cao cao, thế nào là con vịt thấp lè tè, đi lạch bạch. Khoái là được Ba Mẹ khen giỏi. Nhưng khoái hơn nữa là được Cô Giáo xoa đầu tưởng thưởng..." Mình rất khoái từ "KHOÁI" mà bạn dùng chứ không phải là từ "phấn khởi", hehe :D

    Trả lờiXóa