Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Năm, 6 tháng 10, 2011

BƯỚC ĐẦU VÀO TRUNG HỌC

NHỮNG NGÀY CÒN ĐI HỌC


Mùa tựu trường năm ấy, chúng tôi được lên trường Trung học ...
 
Mùa tựu trường năm ấy, chúng tôi được lên trường Trung học. Ngôi trường mới thật bề thế, khang trang, nằm bên kia đường của Trường Tiểu Học Quận Lỵ Bình Khê. Lớp Đệ thất đầu tiên được ngồi vào ngôi trường mới xây xong là lớp của chúng tôi. Mấy năm rồi, các anh khóa lớp lớn phải học ké cùng chúng tôi, vui chơi cùng chúng tôi ở sân trường Tiểu học.
Không phải đến lúc được đậu vào Trung học chúng tôi mới được bước lên trường. Hồi đó sân trường Tiểu học Quận Lỵ được cho mượn làm nơi đúc gạch tableau xây dựng, lớp học trò nhỏ chúng tôi trong những giờ ra chơi đã từng góp bàn tay đưa gạch lên công trình. Chúng tôi đã từng xúm nhau lên trường bòn sạch từng mảnh “giấy rác”, từng cộng kẽm gai bung. Chúng tôi vui đùa hồn nhiên cùng công việc nhỏ của mình. Nhặt từng cộng kẽm gai bung, chúng tôi tập tễnh truyền cho nhau mơ ước mà trên bài viết đăng trong tờ bích báo của lớp Đệ Thất 1 sau nầy, bạn tôi đã viết : Ước mơ sao Trường học không phải là nơi được rào bằng những mảng thép gai. Ước mơ của bạn tôi, của chúng tôi hồi đó như là của người lớn.
Vào trường Trung học, chúng tôi đã thành người lớn. Người lớn, lời đầu môi là cám ơn và xin lỗi, biết lựa chọn trong hành động, trong việc làm. Đề luận văn thi vào Đệ thất năm ấy, chúng tôi đã học cách cám ơn và lựa chọn. Không còn nhớ rõ câu từ, nhưng chắc các bạn tôi sẽ cùng nhớ với tôi đại lược của đề thi :
“ Được tin em đậu vào Đệ thất, người thân của em (chú, bác, cô, dì …) đã viết thư chúc mừng, hứa sẽ thưởng cho em một món quà do em tự chọn. Em hãy viết thư cám ơn và cho người thân biết món quà đó là gì.”
Lựa chọn – Không rõ các bạn tôi chọn món quà gì trong bài làm. Nhưng tôi chắc một điều là tôi cùng bạn bè tôi chỉ dám đưa ra một món quà nhỏ mà mình hằng mơ ước.  Gần đây, trong một cuộc thi gì đấy phát sóng trên TV, một thí sinh trong phần thi ứng xử phải trả lời cho cô Chiều Xuân sự lựa chọn của mình trước hai món quà mà người yêu sẽ trao, món mình thích và món mình không thích nhưng có giá trị cao. Thí sinh người đẹp đó đã trình bày là cô chọn món có giá trị cao, và nếu được trao luôn món quà kia thì cô cũng sẽ sẵn sàng nhận nốt (!).
Chọn lựa của lớp trẻ sau nầy và chọn lựa của bọn trẻ chúng tôi ngày ấy, thật khác nhau giữa hai lớp tuổi, tuổi thực dụng và tuổi hồn nhiên.
Vào trường Trung học, chúng tôi đã tự thấy mình lớn hơn lên. Cúc, Nga, Thu, Mơ, Huệ, Phượng …  những cô bạn gái giờ thấy thướt tha ra trong những tà áo dài trắng. Bọn con trai chúng tôi, Khanh, Thi, Dũng, Đình, Gá, Thiếu Hoa … phải mặt quần dài pantalons, áo bỏ trong quần, phải cố đi đứng cho ra vẻ trước bọn con gái. Với quần áo chỉnh tề nầy, bọn chúng tôi nếu muốn làm trẻ con cũng khó lòng lẻn về sân trường cũ uống ké vài ly sữa của mấy nhóc tì mà Unicef viện trợ, cung cấp cho học sinh Tiểu học.
Lên Trung học, đã ra vẻ lớn, nhưng tính trẻ con ăn vặt thì chắc thời nào tuổi học sinh nào cũng đều có như nhau. Nếu có khác chăng là khác món ăn của thời đại nào, món ăn riêng biệt của vùng đất nào. Năm ấy khi đến giờ ra chơi, mấy đứa con gái, mấy đứa con trai bọn tôi chạy ra góc bờ sông ăn bánh tráng. Bánh tráng nướng, bánh tráng sống, bánh diểu còn đang phơi trên vỉ tre, bánh nào chấm mắm cay ớt bay (ớt hiểm) cũng còn vương trên đầu lưỡi cho đến tận bây giờ. Bây giờ, tiếc một điều,  tôi không nhớ ra được tên Dì tráng bánh tráng ở góc bờ sông. Dì có cái tài nướng bánh, bánh nướng ra cong cong như cái kiều ngựa, nói như bạn tôi, bánh chất chồng lên cả thước mà gió thổi không bay.
Vào trường Trung học, bọn chúng tôi bỗng có những cái tên ngồ ngộ. Năm đó chẳng hiểu rõ vì sao, Thầy Đỗ Công Tiếp dạy Văn gán cho tôi cái biệt danh Phật mập Xì dầu. Từ đó, bạn tôi cứ hả hê gọi tôi là Thằng Xì dầu, Thằng Phật mập. Bạn bè khác của tôi, cũng không hiểu từ đâu, cứ gọi nhau ra rả những cái tên Thi Kinh, Thi Sót, Dũng Gãy, Dũng Cẩm, Ngôn Sinco, Huệ Lùn, Phượng Lùn, Nga Dụng … những cái tên mà đến bây giờ gặp nhau, gọi nhau, vẫn còn thấy thân thương. Ngày nay, thỉnh thoảng tôi được nghe mấy cháu nhỏ gọi nhau nào là Dũng đầu lâu, nào là Thúy xì tin … Có thể có những mẫu kỷ niệm đem đến với nhau những cái tên còn nhớ để gọi nhau. Nhưng nghe gọi nhau những biệt danh thời đại, thấy sao sao ấy nơi lớp trẻ bây giờ. Nhiều khi tôi tự hỏi, mình thuộc dạng khắc khe hay lứa tuổi mình khe khắc.
           
Bước đầu vào Trung học, chúng tôi có những môn học mới, có những Thầy Cô mới, có những nghịch ngợm láu lỉnh hơn …, rồi biết bao chuyện buồn vui, những kỷ niệm hồn nhiên, nay chúng vẫn đi cạnh với chúng tôi trên quãng đường đời.
           

3 nhận xét:

  1. Đọc thấy nhớ quá những ngày còn đi học.

    Trả lờiXóa
  2. Cái thời bước vào trung học đệ thất, đệ lục này quả là một khúc quanh trong quảng đời học sinh của chúng ta phải kg Trường Nghị? Cám ơn bạn về loạt bài viết về "NHỮNG NGÀY CÒN ĐI HỌC", hay lắm!
    Bạn bè thân hữu xin đồng cảm với người viết.

    Trả lờiXóa
  3. Xin lỗi đã muộn trao đổi cùng NgocLuyen.
    Đúng là Cái thời bước vào trung học đệ thất, đệ lục quả là một khúc quanh trong quãng đời học sinh ...

    Vào vỡ lòng, Tiểu học, ta bập bẹ, bắt đầu chuyện học. Vào Đại học chính thức học những gì mà ta sẽ sử dụng chuyên môn của mình để vào đời. Nhưng kiến thức, hành trang nặng ký mang vào đời lại chính là những gì ta có thời Trung học. Thời tuổi mới lớn.

    Mình không nhớ ai đó nói về cụ Nguyễn Văn xuân :

    Ông cứ ngạc nhiên là không hiểu các trường Pháp ngày xưa đào tạo như thế nào mà chỉ cần tốt nghiệp trung học là bao nhiêu người đã trở thành những con chim đầu đàn của nhiều ngành học. Hầu hết các nhà văn hoá lớn của nước ta đâu có mấy người lấy được bằng đại học!

    Thời Trung học của bọn mình còn thua xa thời Trung học của các cụ
    Đúng vậy phải không Luyện

    Trả lờiXóa