Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

TẾT ĐOAN NGỌ

Rượu nếp - Tết Đoan Ngọ

Nay đã là mồng 5 tháng 5 – Tết Đoan Ngọ. Thời gian trôi qua sao quá là nhanh …
Tết Đoan Ngọ được người Việt gọi bằng nhiều tên khác nhau : Tết Đoan Dương, Tết Trùng Ngũ, Tết Giữa Năm, Tết Giết Sâu Bọ …

Tháng ngày ăn chơi, tiêu khiển của người xưa từng tổng kết qua câu ca :

          Tháng giêng ăn Tết ở nhà
          Tháng hai cờ bạc tháng ba hội hè
          Tháng tư đong đậu nấu chè
          Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm …

Mồng 5 tháng 5 ăn Tết Đoan Ngọ. Những ngày đầu tháng 5 âm lịch xê dịch trong khoảng từ Tiết Tiểu Mãn (21/5 DL hằng năm) đến sau Tiết Mang Chủng (6/6DL hằng năm). Khí trời khoảng thời gian nầy trở nên nóng bức, khí dương đang thịnh. Đoan Dương có nghĩa là bắt đầu sung thịnh khí dương. Có lẽ từ căn cứ nầy mà người xưa gọi Tết mồng 5 tháng 5 là Tết Đoan Dương.

Theo Lý học Đông phương, Ngọ ở phương vị chánh Nam, biểu tượng quẻ Ly, thuộc hành Hỏa. Ngọ ở ngôi dương, Ngọ cũng có nghĩa là giữa trưa. Trong một ngày, dương khí cao nhất vào lúc giữa trưa – chánh ngọ. Khí dương sung thịnh như mặt trời vào lúc giữa trưa. Người xưa gọi Tết mồng 5 tháng 5 là Tết Đoan Ngọ chắc cũng không ngoài ý nghĩa trên.

Ngày mồng 5 tháng 5 gọi là Ngày Trùng Ngũ thì không có gì phải phân vân, vì mồng 5 tháng 5 có hai con số 5 gặp nhau. Giống như ngày mồng 9 tháng 9 người Tàu gọi là ngày Trùng Cửu. Theo phong tục của Trung Hoa, Tết Trùng Cửu người người lên núi cao, tay đeo túi đỏ đựng hột thù du, lưng mang bầu cúc tửu, ngoạn cảnh, ngắm mây … Còn Tết Trùng Ngũ người Hoa cho rằng đây là ngày tưởng niệm Khuất Nguyên, kỷ niệm ngày hai chàng Lưu Thần và Nguyễn Triệu vào Thiên Thai hái thuốc …


Khuất Nguyên
Theo truyền thuyết, đại thần nước Sở thời Xuân Thu Chiến Quốc là Khuất Nguyên, ông là nhà thơ giỏi Sở từ, là vị quan liêm chính. Trong chính sự, bị dèm pha, ông không can ngăn được vua, sau lại còn bị đày qua Giang Nam, ông chỉ còn biết than :

          Cả đời đục cả, một mình ta trong
          Mọi người say cả, một mình ta tỉnh …

Ngày mồng 5 tháng 5 năm 278 trước Công nguyên, Khuất Nguyên thà vùi xác trong bụng cá còn hơn sống giữa đời nhơ, ông ôm phiến đá trầm mình dưới sông Mịch La. Về sau mỗi năm cứ đến ngày nầy, người Hoa làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc, bơi thuyền ra giữa sông ném xuống cúng Khuất Nguyên. Sau thành tập tục Tết Trùng Ngũ.

Cũng theo truyền thuyết của người Hoa, đời vua Hán Minh Đế (năm 58 sau Công nguyên), hai nho sinh người Diêm Khê, Chiết Giang là Lưu Thần và Nguyễn Triệu, ngày đoan dương vào núi Thiên Thai hái lá làm thuốc. Hai người bị lạc, gặp được và kết duyên cùng tiên nữ Ngọc Kiều, Giáng Tiên. Sau nửa năm sống ở tiên cảnh bên vợ đẹp, nước biếc non xanh, hai người bỗng nhớ quê nhà, đòi về. Giữ lại không được, Ngọc Kiều, Giáng Tiên bịn rịn tiễn hai chàng về quê. Về đến quê, cảnh quan quê nhà đã nhiều thay đổi, người quen đều đã ra người thiên cổ.

Buồn bã, Lưu Thần và Nguyễn Triệu quay về chốn cũ Thiên Thai nhưng không tìm được lối vào. Bước phiêu du của hai người từ đó không ai còn thấy được dấu tích …

Nửa năm tiên cảnh, một bước trần ai …

Chuyện của Lưu Thần, Nguyễn Triệu gặp tiên cũng giống như Việt Nam có chuyện Từ Thức chép trong Truyền Kỳ Mạn Lục của Nguyễn Dữ. Đọc Truyền Kỳ Mạn Lục, thấy hành trạng của Từ Thức có hình tượng hơn chuyện hái thuốc của Lưu Nguyễn. Từ Thức dám cởi phăng áo đem đền cành hoa mà một cô gái lỡ làm gãy đang bị nhà chùa bắt chuộc. Từ Thức của Việt Nam dám bỏ cả quan quyền đi tìm cho được người con gái. Chuyện Từ Thức gai gốc hơn là chuyện hai chàng Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai.


Chuyện Lưu Thần, Nguyễn Triệu gặp tiên và chuyện Khuất Nguyên trầm mình sao đọc ra thấy không đủ thuyết phục được chúng là biểu tượng cho ngày Tết Đoan Ngọ. Chuyện một ông quan trầm mình đã là gì với ý nghĩa đục trong !? Để hình thành nên ý nghĩa ăn Tết, nó phải hội đủ thêm những truyền thống, nếp sống của người dân.

Làng xã Việt Nam ngày xưa khi đến Tết Đoan Ngọ, Đình ở làng, Miếu ở xóm đều tổ chức cúng tế. Nghĩa là sau Tết Nguyên Đán, cả làng ăn một cái Tết nữa gọi là Tết Giữa Năm. Mà chuyện ăn Tết của người xưa bao giờ cũng liên quan đến ngày mùa.

Nông nghiệp Việt Nam ngày xưa làm được hai vụ, vụ mùa và vụ chiêm. Chính yếu là Vụ Mùa. Vụ Mùa là vụ cây lúa có thời gian sinh trưởng vào mùa có nhiều mưa. Vụ chiêm (tên gọi thông dụng ở đồng bằng Bắc bộ) bắt đầu vào đầu tháng 11 và kết thúc cuối tháng 5 DL. Vụ mùa thường bắt đầu gieo cấy vào cuối tháng 5 DL và thu hoạch thường vào trung tuần tháng 11 DL hằng năm.

Cây lúa là cây lương thực chính của người dân. Người nông dân trông trời trông đất trông mây, rồi :

          lạy trời mưa xuống
          lấy nước tôi uống
          lấy ruộng tôi cày …
là để có bát cơm đầy qua ngày, qua tháng.

Gieo xuống được  hạt giống, gặt được hạt lúa, có được miếng ăn … Người nông dân tổ chức cúng lễ tạ, cúng ăn mừng. Đây không phải là Tết của người Việt hay sao … Mồng 5 tháng 5 âm lịch, quy chiếu qua ngày Tiết thường lân cận Tiết Mang Chủng (năm nay 2011 trùng đúng ngày 6/6 DL là ngày Tiết Mang Chủng). Tra được hạt giống xuống đất là cúng lễ tạ, người Việt ăn Tết giữa năm. Thu hoạch xong mùa, người Việt ăn mừng có Tết cơm mới (tháng 10 âm lịch). Tết của các sắc tộc thiểu số miền Trung hiện nay cũng thường tổ chức vào tháng 10 âm lịch hằng năm.

Mừng ngày mùa

Từ cụm từ Tết Giữa Năm, hình như có mối liên quan đến cách gọi tháng âm lịch, liên quan đến Tết Nguyên Đán. Thời nhà Chu ở Trung Hoa ăn Tết vào tháng Tý tức là tháng 11 âm lịch hiện nay. Tháng 11 âm lịch theo cách gọi của người xưa là tháng một, tháng 12 âm lịch là tháng chạp, tháng 1 âm lịch gọi là tháng giêng. Phải chăng lịch pháp ngày xưa chỉ có 10 tháng nên đến tháng 5 gọi là “giữa năm”. Phải chăng lịch pháp qua bổ sung sửa đổi mới có thêm hai tháng nữa là chạp và giêng …

Ăn mừng hạt giống đã tra xuống đất, Ăn Tết giữa năm vào mồng 5 tháng 5 âm lịch. Lúc nầy thời tiết nóng bức, đây là giai đoạn chuyển tiết, chuyển mùa, sâu bọ phát triển, dịch bệnh thời khí dễ phát sinh, phần lớn là các bệnh thuộc đường tiêu hóa. Ăn Tết Đoan Ngọ ngày xưa, trẻ em được ăn hoa quả, uống rượu nếp … để diệt giun sán, làm sạch ruột, người lớn thì uống rượu có hòa “tam thần đơn” gọi là để giết sâu bọ trong người. Thế là mồng 5 tháng 5 Việt Nam ta có cái tên nữa là Tết Giết Sâu Bọ.

Vào mồng 5 tháng 5, người Việt còn có nhiều tập tục khác như tắm nước rồng, khảo cây, hái lá thuốc, sêu Tết cho bố mẹ vợ, sêu Tết cho thầy lang trong vùng … Những tập tục nầy nay đã mai một. Lễ giáo, ân sâu nghĩa trọng, cách ứng xử trong xã hội … còn hay đã phai mờ trong tâm thức của con người !?

Tết mồng 5 tháng 5, Tết Đoan Ngọ, Tết Đoan Dương, Tết Trùng Ngũ, Tết Giữa Năm, Tết Giết Sâu Bọ … người xưa ăn Tết luôn bao hàm những ý nghĩa nhân sinh.
 

2 nhận xét:

  1. Người xưa ăn Tết luôn bao hàm những ý nghĩa nhân sinh ...
    Rất tâm đắc! Từ Tết Đoan Ngọ, biết nhìn thấy, biết giữ được cái nền sống của cha ông mới không bị hòa tan vào những du nhập ngoại lai.

    Trả lờiXóa
  2. Đọc bài nầy mới hiểu tại sao bạn TruongNghi viết Bước chân Từ Thức. Bạn thật có lòng.

    Trả lờiXóa