Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Tư, 15 tháng 6, 2011

BƯỚC CHÂN TỪ THỨC

Động Từ Thức - Nga Sơn, Thanh Hóa

Chuyện Từ Thức cưới vợ tiên được Nguyễn Dữ chép trong Truyền Kỳ Mạn Lục (Hà Thiện Hán đề tựa năm 1547, thời Lê – Mạc). Là huyền truyện, nhưng chuyện Từ Thức gắn liền với những dấu tích mà ngày nay ở Thanh Hóa vẫn còn lưu lại. Động Từ Thức hay còn gọi là Động Bích Đào thuộc địa bàn Xã Nga Thiện, huyện Nga Sơn còn truyền lại chuyện kể ghi dấu chân ông.

Tích xưa kể Từ Thức người Thanh Hoa thời Trần, phụ ấm, nối nghiệp cha được bổ làm Tri huyện Tiên Du, Bắc Ninh. Vào một ngày hội hoa Mẫu đơn tại ngôi chùa gần lỵ sở, chàng đã cởi chiếc áo cừu đang mặc đem chuộc người con gái trót lỡ tay làm gãy cành hoa quý, đang bị nhà chùa giữ lại bắt đền. Ít lâu sau, chán ngán cảnh quan trường, Từ Thức trả ấn từ quan. Cùng túi thơ, bầu rượu, cây đàn, chàng ngao du khắp danh lam, thắng cảnh.

Ngày nọ, chàng chèo thuyền ra cửa Thần Phù, ghé đề thơ trên một vách núi rồi lạc vào động tiên, gặp lại Giáng Hương, cô gái ngày trước được chuộc ra ở hội thưởng hoa. Động chủ động tiên núi Phù Lai gả Giáng Hương cho Từ Thức, ngày ngày vợ chồng ngoạn cảnh ngắm hoa, vui cùng non xanh nước biếc. Thắm thoát đã gần một năm. Tuy nhởn nhơ vui sống cảnh Đào nguyên, Từ Thức vẫn bồn chồn lòng nhớ cố hương, chàng xin quay về thăm quê cũ.

Biết không thể lưu giữ chàng được, Động chủ phu nhân cho vân hạc đưa chàng về trần. Về đến quê, cảnh cũ đã hoàn toàn thay đổi, ruộng dâu hóa biển, người quen xưa cũng đã không còn. Hỏi thăm ông già bà cả trong xóm thì có người cho biết, cụ tổ ba đời của họ tên là Từ Thức, mấy chục năm trước đi lạc vào núi, đã trải tới mấy đời vua.

Nửa năm tiên cảnh, một bước trần ai … Từ Thức mở lá thư của Giáng Hương trao cho lúc bịn rịn chia tay :

     -   “Tình duyên trần - tiên đã dứt. Muốn tìm lại động xưa cũng chẳng còn lối mà tìm …”

Biết là lời vĩnh biệt của Giáng Hương. Buồn rầu, Từ Thức nón lá, áo cừu đi vào núi Hoành Sơn. Rồi sau không biết đi đâu mất. Từ đó không còn ai gặp nữa …

Đường lên Động Từ Thức (Ảnh Internet)

Hiện nay cửa vào Động Từ Thức ở Nga Sơn có 2 bài thơ chữ Hán, trên vách đá là của Lê Quý Đôn, phiến đá đặt dưới nền khắc bài của Chúa Trịnh Sâm ca tụng nét thần tiên của hang động. Động Bích Đào, Hang Từ Thức, năm 1992 Bộ VH-TT đã xếp hạng di tích cấp quốc gia. Chuyện xưa nhưng đấu tích thạch nhũ còn rành rành buồng tắm Giáng Hương, thư phòng Từ Thức … Động tiên còn đó mà người xưa đâu rồi. Bước chân chàng Từ Thức như mây ngàn thăm thẳm non cao …

Cái anh chàng Từ Thức thật lạ, mỗi bước chân chàng đi là mỗi dấu tích để lại cho thế nhân “ngớ ngẩn truy tìm”.

Chuyện Từ Thức xảy ra vào năm Quang Thái, niên hiệu vua Trần Thuận Tông (1388 – 1398). Thời nhà Trần chế độ khoa cử đã được áp dụng để chọn người ra giúp nước. Chính vua Trần Thuận Tông là người ban chiếu quy định cách thức thi Hương, thi Hội với 4 kỳ : trường nhất thi kinh nghĩa, trường nhì thi thơ phú, trường ba thi chế, chiếu, biểu và trường tư thi văn sách. Đường khoa cử của Từ Thức lận đận, phải nhờ vào chân ấm sinh, cha làm quan, ông mới được nhận chức tri huyện ở Tiên Du. Ngay từ đầu, Từ Thức đã có bước chân hờ hững với con đường hoạn lộ.

Cái gì đã làm cho Từ Thức hững hờ quan chức !?

Chúng ta biết rằng nhà Trần đã suy vi từ thời ông vua thứ 7 Trần Dụ Tông (1341 – 1369). Dụ Tông là ông vua chỉ biết xa hoa hưởng lạc, xây đền đài, cung điện nguy nga, đưa ra chính sách thuế nặng, sưu cao …, xa lánh lương thần, không ngó ngàng đến Thất trảm sớ của Chu Văn An. Từ đó các triều vua kế cận chính sự thối nát, lê dân khổ sở, ca thán, lân bang Chiêm Thành gây hấn. Vua Duệ Tông cất quân nam chinh bị thất trận, năm 1377 bỏ mình ở thành Đồ Bàn (Bình Định bây giờ). Rồi quân Chiêm Chế Bồng Nga đưa binh ra đến tận Thăng Long. Vua Thuận Tông, vị vua kế cuối Trần triều làm vua chỉ được 10 năm, bị cha vợ là Hồ Quý Ly ép nhường ngôi cho đứa bé 3 tuổi Thiếu Đế, và chỉ 2 năm sau là Trần triều mất ngôi vào tay nhà Hồ (năm 1400).

Sống trong những năm Quang Thái triều Thuận Tông, tình cảnh vua không có thực quyền, mọi đối kháng chống lại Hồ Quý Ly đều bị diệt tận, dân chúng thì lầm than, phía Bắc Chu Nguyên Chương thay ngôi nhà Nguyên, quân Minh đang lăm le ngoài biên cương. Chàng nho sinh quèn Từ Thức vô kế cứu dân, người có tâm bước chân nào lại mơ màng tới quan chức!?

Chúng ta cũng biết rằng triều Lý – Trần Phật giáo cực thịnh. Phật giáo đời Lý - Trần cung cấp một triết lý sống không bó hẹp trong chùa chiền, từ vua quan đến thứ dân, ai cũng có thể theo đạo bằng cách quán tâm. Chính vua Trần Nhân Tông là ông Tổ của Thiền phái Trúc Lâm. Còn Trần Thái Tông trong Khóa Hư Lục có bàn về phương pháp Thiền và luận về pháp môn Tịnh Độ, biện giải về cách thức tu trì đúng chánh pháp, không chấp vào hình tướng giáo điều … Thiền Tông, Tịnh Độ Tông thời Trần không tách rời nhau, mà bổ cứu nhau trong quán tâm.

Phật Nho Lão thời nhà Trần cũng đã dung hợp nhau, thể hiện trong cai trị cũng như trong tâm thức sống của người dân. Thời Lý – Trần, Phật Nho Lão đã uyển chuyển đưa đến sự thống nhất : Tam giáo đồng nguyên. Chính căn bản nầy hình tượng qua thái độ sống của chàng Từ Thức. Định nghiệp của cả một đất nước, khi nhà Trần bắt đầu suy vi, ngay như Tư nghiệp Quốc Tử Giám Chu Văn An mà còn chưa xoay chuyển được, phải bỏ quan về dạy học. Hững hờ quan chức, đâu phải chàng Từ không có cái tâm lo nước lo dân.

Trong Hang Động Từ Thức (Ảnh Internet)

Dù sao thì với phụ ấm, chàng Từ cũng đã làm quan. Ngày hội hoa Mẫu Đơn năm Bính Tý, ông quan Từ Thức lang thang đi thưởng thức cái đẹp của muôn đời. Bước chân chàng Từ lúc nầy không chắc là bước vi hành. Nếu là bước vi hành xem dân tình, xử lý tại chỗ chuyện oan khiên cho dân, ông quan Từ Thức đã có cách xử sự khác hơn cách cởi áo cừu đền cho cành hoa bị gãy.

Cuối nhà Trần, Phật giáo cũng đã suy yếu theo. Nhiều nhà Nho lên án chỉ trích giới tăng sĩ không giữ gìn giới răn, gieo rắc điều mê tín dị đoan … Đúng vào năm Bính Tý 1396, vua Thuận Tông ban chiếu thải bớt tăng sĩ dưới 50 tuổi. Không rõ đây là hành động của Thuận Tông nhằm ngăn chặn sự lạm dụng đạo Phật hay là quyết định của Hồ Quý Ly muốn làm giảm tiềm lực của Phật giáo. Nhưng qua chuyện Từ Thức cưới vợ tiên trong Truyền Kỳ Mạn Lục, rõ ràng tăng sĩ ở Tiên Du – Bắc Ninh chưa ngộ được vận nghiệp của một cành hoa, còn sân si trong việc bắt giữ cô gái phải đền.

Cành hoa gãy và cô gái. Cái đẹp lỡ rụng rơi và cái đẹp lỡ bị dập vùi. Cái áo cừu của chàng Từ đã giải thoát cho những cái lỡ của sự đời. Việc làm của Từ Thức, bước chân của chàng … bước chân phóng khoáng của một lãng tử trên cõi tạm dữ nhiều lành ít.

Cái phóng khoáng lãng tử không thể kề cận được cùng cái hiểm ác chốn quan trường. Từ Thức trả ấn từ quan là điều đương nhiên không tránh khỏi. Giống như Đào Uyên Minh đời Đông Tấn bên Tàu “Lẽ nào vì năm đấu gạo lương mà phải khom lưng”, Từ Thức than :

     -    “Lẽ nào chỉ vì một vài đấu thóc mà chịu dìm thân trong chốn lợi danh”.

Túi thơ, bầu rượu, theo gót Lão Trang, chàng Từ với bước chân phiêu dật ngao du cùng biển biếc non xanh.

Hành trình Từ Thức gặp lại cô gái lỡ làm gãy cành hoa ngày trước, được kết duyên cùng nàng, sống êm đềm như ở non tiên, cứ xem như Từ Thức đã đạt được ước vọng của một chàng lãng tử. Hình ảnh tiên nữ, tiên cảnh trong Truyền Kỳ Mạn Lục cứ xem như là biểu tượng của hạnh phúc. Con người ai chẳng có ước vọng sống trong hạnh phúc bên vợ đẹp con ngoan, sống trong thanh bình giữa xóm làng yên ổn. Nhưng khi chàng Từ đạt được ước vọng của riêng mình, chàng lại thấy vẫn chưa thõa mãn khi thực tại chung quanh vẫn còn bao nhiêu người lao đao cùng miếng cơm manh áo, thực tại chung quanh vẫn còn bao lầm than bỡi tham vọng, sân si …

Sống trong tiên cảnh, động lòng trần, Từ Thức xin quay về thăm cố hương. Một sự dũng cảm bước ra với thực tại chung quanh. Nhưng chính sự quay về của Từ Thức đã đưa chàng đi những bước bơ vơ, lạc lõng giữa trần đời. Lối đi nào cho chàng Từ khi đứng giữa quê hương mà chung quanh với chàng như những người xa lạ …

Từ Thức lạc vào động tiên, khi quay về trần, theo Truyền Kỳ Mạn Lục thì đã là năm thứ 5 niên hiệu Diên Ninh, triều Lê Nhân Tông tức năm 1458. Không tính vua Trần Thuận Tông, khi chàng Từ một năm ở non tiên thì nhẩm lại cõi trần ai đã trải các đời vua Trần Thiếu Đế, Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương, Giản Định Đế Trần Ngỗi, Trùng Quang Đế Trần Quý Khoáng (Khoách !?), Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông.

Chỉ mấy mươi năm mà tới mấy triều vua, biết bao vật đổi sao dời. Hỏi sao chàng Từ chẳng có những bước lạc lõng, bơ vơ. Chỉ thoáng chốc nửa năm tiên cảnh mà một bước trần ai. Có ngớ ngẩn không khi đi tìm lại bước chân chàng nho sinh Từ Thức !?

 Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai
Suối tiễn, oanh đưa, những ngậm ngùi
Nửa năm tiên cảnh,
Một bước trần ai
Ước cũ, duyên thừa có thế thôi!
Đá mòn, rêu nhạt
Nước chảy, huê trôi.
Cánh hạc bay lên vút tận trời
Trời đất từ nay xa cách mãi.
Cửa động đầu non, đường lối cũ
Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng chơi.

TỐNG BIỆT 
Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu

4 nhận xét:

  1. Vậy Bước chân Từ Thức đã đi trên mấy con đường :

    - Bước hững hờ hoạn lộ
    - Bước phóng khoáng lãng tử
    - Bước phiêu dật Lão Trang
    - Bước bơ vơ (gọi tên gì nhỉ)

    Còn bước nón lá áo cừu vào Hoành sơn sao không thấy tác giả xét đến !?

    Trả lờiXóa
  2. Dường như tác giả đã mượn bài Tống Biệt của cụ Nguyễn Khắc Hiếu để nhắc đến bước đi trở lại Hoành sơn của Từ Thức.

    Trả lờiXóa
  3. Nay thấy anh TruongNghi vừa thay đổi ảnh biểu tượng. Ảnh mới có tên là lacloi !?
    Vậy cứ gọi bước trở lại Hoành sơn của Từ Thức là bước lạc lối đi.

    Trả lờiXóa
  4. Truyền Kỳ Mạn Lục được viết vào thời Lê - Mạc. Lúc nầy Nho giáo thống lĩnh hệ thống cai trị. Lấy tư tưởng Nho gia mà xét hành trạng của Từ Thức thì thấy bước đi của chàng Từ bi thảm biết chừng nào.

    Khi dũng cảm bước về thực tại quê hương. "Lối đi nào cho chàng Từ khi đứng giữa quê hương mà chung quanh với chàng như những người xa lạ …". Một nỗi bơ vơ khủng khiếp với mọi xa lạ chung quanh. Ai giống như mình. Mình là ai !?

    Bạn Luong Phong, Tôi tạm gọi bước trở về trần của Từ Thức là bước bơ vơ trần thế. Không biết có hợp ý tác giả !? Riêng bạn thấy thế nào !?

    Trả lờiXóa