Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

THÊM MẮM MUỐI CHO MỘT BÀI VIẾT


“NGƯỜI BÌNH ĐỊNH TẠI SAO GỌI LÀ DÂN NẪU”

Tiêu đề bài viết nầy gần đây xuất hiện nhiều trên các trang mạng, mỗi trang có thay đổi một vài từ hoặc đảo ngược cấu trúc câu. Nội dung trong mỗi trang dù có chỗ thêm chỗ bớt chút đỉnh, nhưng đại loại các bài hầu hết đều giống như nhau. Tìm qua hàng chục các trang mạng, xem ra có lẽ khởi đầu bài đầu tiên có xuất xứ từ bài đăng trên một tạp chí in tự hồi năm 2011 : “Vì Sao Phú Yên Được Gọi Là Xứ Nẫu” ?

Không có gì phải ngạc nhiên, Bình Định và Phú Yên bấy lâu đều cùng chung thanh điệu phát âm, cùng chung cách dùng một số phương ngữ, và kể cả có chung phong cách sống. Ngày xưa Phú Yên và Bình Định, trong một thời gian dài cũng đã từng gộp chung đơn vị hành chính lại gọi là Bình Phú. Người khắp nơi gọi “Dân Nẫu” đều để chỉ chung cho người Bình Định lẫn người ở Phú Yên.

Với bài viết về Xứ Nẫu, Dân Nẫu ấy, phải thừa nhận rằng nó đã mang đến khá nhiều thú vị cho người đọc. Nhưng có đôi điều cũng cần phải bổ sung thêm.

Có thể hệ thống lại trình tự cách lý giải cho câu hỏi từ tiêu đề bài viết ở trên :
- « Nẫu » là do « Nậu » mà ra.
- Do từ « Nẫu » ấy mà Bình Định và Phú Yên được gọi là « Dân Nẫu »
.

1. “Nậu” là gì
Theo bài viết thì ngày xưa :
« Dưới cấp huyện có cấp Thuộc, dưới Thuộc là các đơn vị hành chính nhỏ hơn như Phường, Nậu, Man… Phường là các làng nghề có quy mô như phường Lụa, phường Sông Nhiễu. Nậu là tổ chức quản lý một nhóm nhỏ cùng làm một nghề, người đứng đầu gọi là đầu Nậu.

Ví dụ : “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm...

Do sự phát triển của xã hội Đàng Trong, năm 1726, chúa Nguyễn Phúc Chu (1697-1738) cử Đại ký lục chính danh Nguyễn Đăng Đệ quy định phạm vi, chức năng của các đơn vị hành chính. Các đơn vị hành chính như “Thuộc”, “Nậu” bị xóa bỏ ».
(...)

- Ở đây cần phải hiểu rõ thêm : Với Xứ Đàng Trong vào thời Trịnh Nguyễn, thì Thuộc là đơn vị hành chính không những gồm các Phường, Nậu, Man… mà còn gồm các Trại, Xứ, Ấp… của những vùng đất mới khai phá, người ở chưa đông, chưa tập trung. Cấp Thuộc tương đương với cấp Tổng. Tổng cũng là đơn vị hành chính nằm dưới Huyện, chúng gồm những Thôn, Ấp, Phố… đã định hình, cư dân định cư đã lâu đời.

- Thực ra đơn vị hành chính “Thuộc” của Việt Nam vẫn còn tồn tại tới hơn 100 năm sau chứ không bị xóa bỏ vào quãng năm 1726. Đơn cử năm 1815 triều Gia Long, lúc Bình Định còn gọi là Trấn, theo Địa bạ Trấn Bình Định thì đơn vị hành chính của huyện Tuy Viễn hồi ấy gồm có 6 Thuộc, 1 Tổng. Đó là các Thuộc Võng Nhi, Hà Bạc, Sơn Điền, Thời Tú, Thời Đôn, Thời Hòa, và Tổng Vân Dương. Đến năm 1832, triều Minh Mệnh cải cách hành chính toàn quốc thì các Thuộc nầy đều đổi gọi là Tổng.

- Thời nhà Nguyễn, Thuộc còn được dùng để gọi tên một cấp hành chính của người Minh hương (người Hoa sống trên đất Việt). Cấp hành chính của người Minh hương chỉ quản lý dân chứ không quản lý đất, gồm có Trang (tương đương làng, xã của người Việt), Thuộc (tổng), Bang (huyện). Các Thuộc của người Minh hương đến quãng năm 1945 - 1950 mới không còn dùng để gọi nữa.

- Vì “Nậu” nguyên là tập hợp một nhóm nhỏ cùng chung một nghề, một công việc, nên với thời kỳ khai phá đất, nó dễ cập nhật thành tên gọi một cấp hành chính chỉ có năm, mười nóc nhà. Khi định cư đã lâu đời, cư dân tập trung đến đông hơn, sinh sôi nhiều hơn, hẳn nhiên Nậu đã dễ đổi thành Thôn, thành Ấp… Đến triều Gia Long thì Nậu, Man không còn tên trong Địa bạ nữa, chỉ rơi rớt lại một ít địa danh Phường, Trại, Xứ của ngày trước.
.

2. Vì sao “Nậu” lại trở thành “Nẫu”
Theo thứ tự 2 đoạn của bài viết :

- « Phương ngữ Phú Yên - Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng”, “bả”. Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh”, “chỉ”… »
(…)
- « …Đặc trưng ngữ âm của vùng Nam Trung bộ (Bình Định - Phú Yên) không phân biệt rạch ròi cách phát âm dấu hỏi và dấu ngã. Đặc biệt, bà con vùng biển từ Hoài Nhơn (Bình Định) đến Gành Đỏ (Sông Cầu - Phú Yên), các âm dấu ngã đều phát âm thành dấu hỏi… Riêng đồng bằng Tuy Hòa, khi phát âm không phân biệt được dấu hỏi và dấu ngã. Bởi vậy, “Nẩu” hay được phát âm là “Nẫu” ».
(...)

Hiểu theo cách trình bày bài viết như ở trên thì ban đầu thanh dấu nặng từ chữ “Nậu” biến ra thanh dấu hỏi thành “Nẩu”, Và từ “Nẩu” (dấu hỏi) được thay bằng “Nẫu” (dấu ngã) do khi phát âm không phân biệt được dấu hỏi và dấu ngã (!?)

- Không hẳn là như vậy. Có thể phân định lại cho rõ. Đúng là người miền biển của Bình Định và Phú Yên phát âm có thanh dấu ngã giống cấp độ như âm của thanh dấu hỏi. Nhưng rõ ràng người ở vùng bình nguyên và trung du ở nơi đây phát âm rạch ròi, rõ ràng hết thảy các thanh âm, họ phát âm thanh dấu nặng ra dấu nặng, dấu ngã ra dấu ngã, dấu hỏi ra dấu hỏi. Đặc biệt một số ít cư dân ở phố thị, do lai trộn ngữ âm của các vùng miền, khi họ “nói”, âm của thanh dấu hỏi đa phần biến ra thanh dấu ngã, nhưng khi “đọc” thì hầu hết họ đều đọc đúng, dấu thanh nào đọc rõ ra dấu thanh ấy.

- Về cách sử dụng đại từ nhân xưng, hiện nay ở Bình Định và Phú Yên còn rành mạch cách viết các dấu thanh hỏi hay ngã, khi chuyển ngôi thứ ba thành ra phương ngữ :

Anh ấy → Ảnh
Chị ấy → Chĩ
Ông ấy → Ổng
Bà ấy → Bã 
Cậu ấy → Cẫu
Cô ấy → Cổ
Dượng ấy → Dưỡng
Dì ấy → Dĩ
Thằng ấy → Thẵng
Con ấy → Cỏn

Thẵng và Cỏn nơi đây dùng để chỉ cho cặp vợ chồng trẻ. Ví dụ :
Khi các vùng miền khác có câu hỏi → Chồng con ở đâu vậy con ?
Thì câu hỏi đó ở Bình Định / Phú Yên là → Thẵng đâu con ?
Dùng cho vợ của người được hỏi thì câu hỏi là → Cỏn đâu con ?

- Khi từ Nậu dùng để gọi cho một người (đầu nậu) hay cho một số người có cùng chung công việc, có thể từ đó nó đã chuyển hóa thành đại từ nhân xưng.

Xem lại thống kê các đại từ nhân xưng ở trên, thấy rõ quy luật chuyển âm như sau :

- Các tiếng không có dấu (phù bình thanh) như Anh, Ông, Cô, Con khi chuyển hóa ra ngôi thứ ba đã viết và nói đúng thanh dấu hỏi (trầm thượng thanh) là Ảnh, Ổng, Cổ, Cỏn.

- Các tiếng có dấu thanh huyền (trầm bình thanh) như Bà, Dì, Thằng và các tiếng có dấu nặng (cả phù khứ thanh và trầm nhập thanh) như Chị, Cậu, Dượng khi chuyển hóa ra ngôi thứ ba đã viết và nói đúng thanh dấu ngã (phù thượng thanh) là Bã, Dĩ, Thẵng, Chĩ, Cẫu, Dưỡng.

- Một số tiếng không phải là đại từ nhân xưng nhưng cũng chuyển hóa đúng theo quy luật ấy như Trong ấy → Trỏng… Ngoài ấy → Ngoãi… Năm ấy → Nẳm… Hầu ấy (hồi ấy) → Hẫu… Dậy đó (vậy đó) → Dẫy…

Như vậy theo quy luật và xác suất sử dụng dấu thanh ngã và hỏi ở trên, không loại trừ trường hợp khi gọi “Nậu ấy” thì đã chuyển thẳng ra là “Nẫu”.
.

3. Tại sao gọi người Bình Định và Phú Yên là dân Nẫu
Để cụ thể hơn, có lẽ phải diễn giải bằng một vài ví dụ cách dùng đại từ Nẫu ở Bình Định và Phú Yên (trong ví dụ không sử dụng quá đà cấu trúc câu cũng như các từ địa phương cho dễ hiểu).

- Khi có câu hỏi “Mấy ổng ngủ chưa?”, với câu trả lời → “Nẫu còn tụm năm tụm ba ở ngoài vườn kìa, có chịu ngủ sớm đâu”, (Nẫu ở đây dùng ở ngôi thứ ba).

- Có câu nói cho người đứng trước mặt → “Chớ hôm nay Nẫu đi đâu mà ăn mặc bảnh dữ ?”, (Nẫu ở đây dùng ở ngôi thứ hai).

- Khi có câu hỏi “Anh đã ăn cơm chưa?”, với câu trả lời → “Nẫu đã nói là Nẫu ăn rồi, hỏi chi hỏi hoài” (Nẫu ở đây dùng ở ngôi thứ nhất).

Cứ tưởng tượng xem, đại từ nhân xưng ở bất kỳ ngôi thứ nào, số ít số nhiều gì người Bình Định – Phú Yên cũng đều xưng là Nẫu hết ráo. Không bị thiên hạ gọi cho là Dân Nẫu mới là lạ ! Cứ thử đọc bài thơ dưới đây xem, nếu không có bài phụ chú nhân xưng ở dưới, đố ai biết là Nẫu đã nói gì :

GỬI EM, NGƯỜI XỨ NẪU

Nẫu khoe xứ nẫu đẹp xinh
Nẫu dìa xứ nẫu tỏ tình làm thơ
Nẫu mong, nẫu đợi, nẫu chờ
Nẫu đà có nẫu! ngẩn ngơ nẫu buồn

Em khoe quê em đẹp xinh
Anh về Bình Định tỏ tình làm thơ
Người mong, kẻ đợi, ai chờ
Em đà có bạn! ngẩn ngơ ta buồn
(Đỗ Kinh Thi)

Vốn không phải là dân chuyên môn về ngôn ngữ - âm vị học, cứ tạm gọi là múa máy, thêm mắm thêm muối cho một bài viết đã có, tô điểm thêm cho phương ngữ “Nẫu” đặc sắc riêng của Bình Định - Phú Yên.

Để cùng có nhau món ăn vừa miệng hơn, mong nhờ người hiểu biết, bậc cao minh của khắp bốn phương sửa chữa, góp ý cho.

 .

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét