Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2017

MỒNG 5 THÁNG 5 - ĂN TẾT GIỮA NĂM


TẠI SAO GỌI LÀ GIỮA NĂM !

Năm Tháng Ngày Giờ là những đơn vị của thời gian, thành thử phải sơ lược lại một chút vài khái niệm về Lịch pháp (phép làm lịch) của lịch xưa.

Lịch là hệ thống chu kỳ của thời gian. Thời cổ xưa con người đã nghiệm ra chu kỳ tuần hoàn của thời tiết ảnh hưởng đến mùa vụ trồng trỉa, hệ thống lại chu kỳ thời gian, làm lịch chính là một trong những yếu tố giúp cho con người sinh tồn. Người Việt cổ đã có những tên gọi đơn vị thời gian còn lưu lại, còn dùng đến tận bây giờ như Rằm, Mồng. Đó là những ngữ âm thuần Việt liên quan đến lịch tuần trăng, bây giờ gọi phổ biến là Lịch Âm. Một số người còn gọi chúng là Lịch Ta.

Thời cổ xưa, cứ mỗi lần từ đêm tối chuyển qua sáng, con người đón nhận được ánh mặt trời gọi là qua ngày mới. Mỗi một mùa trăng, xem như là một tháng. Hầu hết lịch cổ đại đều tính theo tuần trăng, lấy 10 tháng cấu thành một năm. Về sau phát hiện ra chu kỳ 10 tháng không đúng với chu kỳ tuần hoàn của thời tiết, người xưa đã điều chỉnh thành một năm có 12 tháng. Rồi về sau được phối hợp với yếu tố Tiết Khí, là cấu thành của thời gian một năm chuyển vận theo mặt trời, để trở thành Âm Dương Lịch có nhuận tháng. Bên trời Tây thì không theo tuần trăng nữa, thay hẳn ra thành Lịch Dương có nhuận ngày.

Lịch ta đang sử dụng là loại Âm Dương Lịch còn thể hiện dấu vết cải tiến thành 12 tháng, tháng được gọi theo số đếm có 10 tháng, 2 tháng kia gọi bằng tên là Giêng và Chạp. Chạp và Giêng là ngôn ngữ của tộc Việt, nó có trước hay sau tên gọi Lạp nguyệt và Chính nguyệt của Tàu, xin nhường cho những nhà chuyên môn lý giải, để từ đó có thể lần ra được mối quan hệ của Lịch Tàu và Lịch Ta. Lịch Dương hay còn gọi là Lỉch Tây, cũng còn lưu lại dấu vết của cải cách lịch qua tên gọi của tháng. Tháng September của tiếng Anh có gốc La tinh là septem, nghĩa là “bảy” nay thành Tháng thứ 9. Tháng Octorber tiếng Anh có gốc La tinh là octo, nghĩa là “tám”, nay thành Tháng 10. Tương tự, Tháng November và December cũng vậy.

Ở đây cần nói rõ thêm về tên gọi Tháng hiện nay. Khi người Tây phương đến Việt Nam, họ mang vào loại lịch mà giờ ta gọi là Lịch Tây, nó là Công lịch, đang sử dụng phổ biến trên toàn thế giới. Việt Nam ta sử dụng song hành 2 loại lịch, vô tình các tháng Âm hiện nay đã biến tên gọi hoàn toàn theo số đếm từ tháng 1 cho đến tháng 12. Tuy vậy, nhờ vào sách xưa không chép cách gọi tháng Âm theo hệ thống Can Chi, sách của Quốc sử quán nhà Nguyễn vẫn chép tháng từ Một tới Mười cùng với Chạp và Giêng. Từ đó ta biết được Tháng Một trong sử xưa bây giờ gọi là Tháng 11, Tháng Chạp giờ là Tháng 12, Tháng Giêng giờ là Tháng 1.

Lịch tính theo tuần trăng thời cổ chỉ có 10 tháng, gọi Tháng Năm là tháng giữa năm của thuở xa xưa cũng chẳng có gì gọi là sai. Những tên gọi tháng Ngọ (tháng 5), ngày Đoan Ngũ (ngày 5/5), hay ngày Trùng Cửu (ngày 9/9)… chỉ có thể có về xa sau chớ không thể hình thành cái tên từ thời cổ.

VÌ SAO LẠI ĂN TẾT GIỮA NĂM ?

Cứ tạm đặt mình vào vị trí đang sống thời cổ xưa, thuở phôi thai còn nhiều bỡ ngỡ, nhiều khó khăn trong canh tác. Cũng dễ hiểu là việc thu hoạch được mùa màng, hoặc nhờ thời tiết mà xuống được giống, chắc con người không thể không ăn mừng. Các buôn làng tộc người thiểu số ở Bình Định như trên vùng miền núi Vĩnh Thạnh, An Lão... hiện vẫn còn tục ăn mừng sau khi tuốt lúa xong vào khoảng tháng 10 âm lịch. Những ngày ăn mừng nầy, được xem là ngày Tết riêng của họ.

Tết đầu năm của người Việt cổ, không loại trừ xa trước cũng được tổ chức sau khi cắt gặt xong vụ Mùa, cũng khoảng tháng 10 âm lịch. Tháng Một (tức tháng 11 âm lịch) chính là tháng đầu năm. Tên gọi tháng nầy theo hệ thống Can Chi cũng được gán cho cái Địa Chi đầu tiên nên gọi là Tháng Tý. Đời nhà Chu bên Tàu lấy tháng Tý làm chính sóc khởi đầu cho một năm (Sóc là ngày không trăng, bắt đầu của một tháng), cho nên lịch nhà Chu gọi là Lịch Kiến Tý. Đến đời nhà Hán bên Tàu mới phổ biến dùng Lịch Kiến Dần tức là lấy tháng Dần (tháng Giêng) làm chính sóc. Lịch ta đang sử dụng chính là lịch Kiến Dần.

Ăn mừng theo thời vụ, hẳn nhiên không thể cố định đúng vào một ngày trong tháng. Khoảng thời gian những ngày đầu tháng Năm âm lịch bây giờ, xét theo lịch đã cải tiến 12 tháng theo Tiết Khí mà ta đang sử dụng, biên độ xê dịch của ngày mồng 5 bao giờ cũng xoay quanh Tiết Mang Chủng. Tức là trước hoặc sau ngày 5 ngày 6 tháng 6 dương lịch. Đây là khoảng thời gian đã cắt hái vụ tháng 3 (bây giờ đã có thêm vụ tháng 7 cũng cấy sạ xong), nhờ vào các cây mưa trong Tiết Tiểu Mãn trước đó, người làm nông đang chuẩn bị xuống giống cho vụ Mùa, trỉa lúa rẫy vùng cao.

Ở vào cái thuở mà canh tác chưa biết dùng phân bón, nước nôi đều trông cậy vào thiên nhiên, vào mưa nắng… Xuống được giống sao lại chẳng ăn mừng. Ăn cái Tết vào giữa năm. Ăn mồng 5 tháng 5 âm lịch, ăn Tết thì đâu phải là chỉ để riêng tưởng nhớ người đã trầm mình xuống dòng Mịch La, cũng đâu phải chỉ để nhắc đến chuyện mấy anh đi hái thuốc vô tình lạc vào chốn thiên thai. Những mắm muối ấy chỉ là những gia vị nêm thêm vào món ăn đã sẵn có.

Mồng 5 tháng 5, ăn Tết giữa năm. Đúng hay sai !? Bây giờ cũng chẳng cần phải quan tâm, phải lấy đó làm việc tìm hiểu, tranh luận. Hiện nay ngày Tết Nguyên đán còn được đưa lên bàn mổ xem nên duy trì nó nữa hay không, thì sá gì với cái ngày Tết nhỏ nhoi giữa năm. Với lốc xoáy của thời đại công nghiệp tận dụng sức lực của con người, những ý niệm cổ truyền lần hồi sẽ đi vào quên lãng.

Ngày mồng 5 tháng 5 âm lịch giờ chỉ còn đáng quan tâm về khái niệm đây là ngày giết sâu bọ của người Việt xưa. Những con sâu con bọ trong tâm, con người không tự giết nó trước, chắc chắn việc sống chung với loài sâu bọ là điều không tránh khỏi.

Mồng 5.5 năm Đinh Dậu

.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét