Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2017

PHƯƠNG THUỐC NHẤT DẠ LỤC GIAO



            Thầy Phác về lại làng. Cả làng xúm nhau đến chúc mừng. Không mừng sao được, ít gì thì nay làng cũng có được một ông quan sớm quay về ở cùng dân, chia bùi sẻ ngọt với dân. Mấy làng bên đã đâu có được.

            Chả là Thầy Phác, ờ không, lẽ ra nên gọi là Quan mới đúng, dù gì Quan cũng là một Ngự y của triều đình, nghe đâu vì hục hặc với quan trên sao đó nên phải ôm tráp hồi hương. Tuổi chưa đến nỗi mà phải sớm rời chốn quan trường, bị bãi chức hay gì gì đi nữa, thôi thì cứ gọi là hưu non. Nhưng chẳng hề gì, tiến vi quan thoái vi sư. Không làm quan chốn cung đình thì về làm thầy hốt thuốc bắt mạch cho dân làng. Ai ai cũng sẽ phải gọi bằng Thầy! Cũng còn vinh dự chán.

            Tiếng là tới chúc mừng, nhưng chẳng qua chỉ là lời chào cao hơn mâm cỗ, người làng đã vốn quen cái ứng xử ấy. Thực ra có mặn mà gì đâu mà phải đi chào hỏi, hòng vin vào đó về sau nhờ vả đến Thầy. Nghề thuốc phải lấy y đức làm đầu. Bấy lâu Thầy làm thuốc trong chốn triều trung, ở tận nơi cao xa ấy, Thầy làm cái quái gì ai mà biết được. Nhưng ngày mẹ của Thầy bệnh, người làng đã bắt tận tay day tận mặt cái ruột của Thầy.

            Mẹ của Thầy năm ấy bị ban nhập lý. Nằm liệt giường hơn nửa năm trời, ngày ngày bà cầm hơi chỉ bằng mấy muổng nước cơm. Bệnh của mẹ Thầy quả thật trầm trọng, thằng cháu, con của bà chị Thầy cơm đùm gạo dỡ mò lên tận trên Kinh tin cho Thầy biết. Nhưng Thầy đâu thể về để chăm miếng cháo, sắc chén thuốc cho đấng sinh thành. Bận việc quan mà. Cái nghề làm quan nó khốn nạn thế đấy. Thầy không về được. Thầy bốc hai thang thuốc cho thằng cháu mang về. Thầy căn đi dặn lại thằng cháu dễ tới chín mười lần, về cho Bà uống cái thang nầy, khi đến ngày ấy tháng ấy mà Bà vẫn không thuyên giảm thì sắc cho Bà uống nốt cái thang kia.

            Kể ra thuốc của Thầy cũng công hiệu thiệt, thang đầu tiên đã thấy mẹ của Thầy tươi tỉnh hơn ra. Bà con ai cũng mừng. Nhưng cho dù có là tiên dược, chỉ bổ có mỗi một thang thuốc cho người bệnh thì lấy đâu mà hồi phục. Bà vẫn nằm ỳ ra đó. Bà nằm với đôi chân co quắp, lúc nào tay cũng mân mê mép chiếu. Mỗi khi có ai đến thăm, mắt bà lờ đờ nhướng lên như chào hỏi, rồi chậm rải nhắm nghiền lại, không nói không rằng. Người làng ai cũng mong cho bà sớm đi. Ra đi thanh thản hơn là nằm một chỗ, vật vã với bệnh tình. Rồi cái ngày ấy tháng ấy mà Thầy Phác dặn thằng cháu, nó đã đến. Nửa buổi sáng hôm ấy bà uống thang thuốc thứ hai. Trưa lại bà không chiếp được muổng nước nào. Tối đến bà im lìm ra đi chẳng để lại một lời trăng trối. Cũng tội, nửa năm rồi bà cũng đâu có nói được tiếng nào.

            Ngày nào người làng thì thầm mong cho bà sớm về với đất Phật. Bấy giờ họ lại ngờ ngợ trước sự ra đi của Bà. Ông thầy coi ngày coi hướng ở xóm trên bô bô cái miệng là bà ra đi được năm được tháng, mà ngày an táng cũng tốt không chê vào đâu được, cứ như là trời sắp đặt để phát quan phát tướng cho con cháu. Người làng biết chẳng có bàn tay ông trời nào trong chuyện nầy. Ngày ấy họ thầm rủa cái ác đức của Thầy. Rủa luôn cái chí làm quan của Thầy. Thầy vốn chẳng có bao chữ nghĩa trong bụng, học lỏm nghề thuốc của Thầy Cả làng bên vài tháng rồi bỏ lên Kinh, hăm hằm cơ hội chui cho được vào cung làm quan bốc thuốc. Ngày vừa qua họ đến chào hỏi Thầy, nhưng họ cũng thầm rủa trong bụng sao không ngồi lì đó, ôm cứng cái ghế để được ngày ngày người ta thưa quan bẩm tướng. Họ làm như một ông quan trị bệnh chẳng khác gì những cái ông miệng có gang có thép khác. Những ông mà mỗi khi mở miệng ra, dù có nói hiếp nói ngang cũng được xem là lời vàng lời ngọc.

            Nói thì nói vậy, nhưng mấy ông Hương ông Xã đến chúc mừng Thầy Phác về làng, họ là những người mừng ra mặt thấy rõ. Chức sắc mà ngồi chung chiếu nhau dễ gì đã ngó mặt nhau. Ấy vậy mà họ tụm năm tụm bảy, dắt díu nhau đến gặp Thầy không chỉ một đôi lần. Mấy ông Hương Xã xúm đến với Thầy Phác, chả là nghe đâu Thầy có mang ở Kinh về cái phương thuốc Nhất dạ Lục giao sanh Ngũ tử.

            Toa thuốc chốn phòng trung ấy chỉ để dành riêng cho Hoàng thượng đương triều. Của của vua mà mang ra cho dân hèn dùng, dễ bị chém đầu như chơi.

            Biết rõ vậy nên ai nấy cũng thậm thà thậm thụt, dặn nhỏ nhau phải kín miệng. Nhưng khi mấy bà Hương bà Xã ngồi lại được với nhau thì chuyện bí mật gì mà chẳng phun hết ra. Được cái là người làng cũng biết phải sống theo kiểu Vì muốn cho bán thịt thì phải mua lòng, thành thử họ cũng làm thinh ngó lơ. Tội tình chi mà phải bới lông tìm vết để rồi cả bầy ôm lấy nhau cùng loi xuống giếng! E khi một miệng kín mà chín miệng hở thì chết nhau cả đám. Người làng nhắc với nhau, mỗi khi nói đến cái phương thuốc quái quỷ ấy thì gọi đó là toa thuốc Một đêm hút mấy điếu. Mấy bà Hương bà Xã rất khoái chí, cái tên vừa giấu diếm được tông tích mà lại rất ư là hình tượng. Mấy bà xúm vỗ đùi vỗ mông, cười ré lên đấm thùi thụi vào nhau mỗi khi nhắc tới cái tên gọi mới của nó.

            Thuốc của quan ngự y trong triều có khác. Một đồn năm, năm đồn mười. Chẳng mấy lâu người làng thấy nhà của Thầy Phác lúc nào cũng nghìn nghịt người ra vô. Chức sắc làng bên cũng mò đến, dấu ngựa dấu xe quần nát cả sân trước nhà Thầy. Thời của tiên đế, mấy mươi năm trước xông tên đụt pháo, ngựa sải vó ngoài chiến trường sặc tanh mùi máu, nay ngựa chạy nước kiệu trong làng lại vướng vất phấn son. Nay từ vua chí quan ai ai cũng chăm chăm vào cái phương thuốc động cỡn, đánh thức con lợn lòng.

            Có toa mà không có thuốc thì xem như cái toa là đồ bỏ. Thầy Phác mang thuốc về cũng khấm khá, nhưng xem ra lần hồi không đủ bốc cho người cần càng lúc càng đông. Thầy bảo có mấy vị ngoài núi rừng biên giới của ta cũng có. Không sao. Chỉ cái vị dâm dương hoắc gì đó phải lấy tận ở phương Bắc đem về. Cái vị nầy lại là vị thuốc chính trong toa. Quả là gay go! Trùm Sẽ thấy vậy. Lại mới rồi nghe mấy Thầy Hương kháo nhau là thuốc Thầy Phác bốc cho, một đêm hút có một điếu chẳng đủ đô, người rậm rực cứ muốn rông trong làng kiếm mấy bà góa mà đè ngửa ra. Trùm Sẽ thầm nghĩ quả là gay go thiệt. Không gấp hốt vài thang thì nay mai chẳng có mà hốt. Không thử lấy một thang làm màu thì cô Nần, cái cô góa chồng mắt lá răm ở xóm dưới kia sẽ bỏ Trùm đi theo Thầy Hương, Thầy Xã mất. Bấy lâu Trùm Sẽ thầm khen mình còn trai trẻ, chưa cần ra cái uy ông trùm trong làng thì cái cô Nần kia đã tự động liếc mắt đưa tình. Cô Nần cặp với Trùm. Thầy Hương Thầy Xã trong làng cũng để yên cho. Ai cũng khiếp cái mặt hồng hồng, đôi chân dài dài mà con mắt lại có đuôi. Chồng thị đã chẳng sớm đi đời nhà ma đấy sao. Trùm Sẽ than thầm. Nay thì rõ khổ rồi.

            Trùm Sẽ biết phận. Nhưng may là cũng còn được tiếng chức sắc của làng. Nếu phải là cái ngữ chân lấm tay bùn, ngày nào cũng phơi mình ngoài đồng thì không có cửa mà hưởng thụ của đời. Đêm ấy Trùm Sẽ thủ thỉ với vợ:

- Mình à. Tui nói chuyện nầy. Mình… đừng cười.
- Chuyện gì mà ông lại rào trước đón sau vậy.
- Tui… Tui muốn hốt thang thuốc của Thầy Phác.
            Mụ vợ bật dậy liền. Đúng như Trùm Sẽ đã liệu.
- Sao nay ông rửng mỡ vậy. Ông có biết là một thang thuốc của Thầy Phác bay tuốt luốt mấy vuông lúa hông.
- Má thằng Còn đừng lo. Lúa thì mình hổng có… Nhưng mình có chỗ xoay.
- Ông nói đi. Cái nhà nầy trống huơ trống hoác. Có cái gì mà cho ông xoay với sở!
            Trùm Sẽ được thể ngồi dậy thủng thẳng:
- Má thằng Còn còn nhớ cái đám soi dưới Rộc Hạ chớ.
- Nhớ. Sao, ông định làm gì với nó!
- Thì làm được gì. Giờ đang là lúc quân điền, ngoài cái phần được chia, tui ém nhẹm muốn giữ nó cho riêng mình. Giờ e là hổng được. Trăm con mắt đang ngó vào. Tui… định cấp cho Thầy Phác. Bù lại…
- Bù lại ổng dúi cho ông mấy thang thuốc quái quỷ ấy chớ gì. Cái đồ quỷ sứ!
            Trùm Sẽ cười hềnh hệch đẩy thằng con nhỏ đang ngủ say lăn sát vô vách. Phất mạnh tay về phía dĩa đèn dầu phộng cho nó tắt ngúm, Trùm Sẽ còn kịp thấy mắt vợ nguýt một cái rõ dài.

            Mấy tháng sau Trùm Sẽ tìm lên Thầy Cả ở làng trên, cái ông Thầy đã từng dạy cho Thầy Phác nghề thuốc. Trùm Sẽ mang theo luôn cái siêu còn bã thuốc bên trong.

- Thầy nghĩ coi. Mẹ nó nó còn làm chuyện ác được. Để làm giàu, chuyện gì mà nó hổng dám làm.

            Nghe tiếng được tiếng mất. Nhưng ông Thầy với tuổi đời tuổi nghề từng trải, ông chỉ ngó sơ qua siêu bã thuốc rồi ôn tồn:

- Ý chú muốn hỏi thang thuốc chú cắt về là thuốc giả phải không. Dẫu có cho là thuốc thật, nó cũng không công hiệu với người nghèo khó. Thuốc ấy chỉ tác dụng với những kẻ hằng ngày dùng vi cá yến sào thôi chú. Thuốc hiệu quả chỉ khi hội đủ cả quân thần tả sứ.

            Trùm Sẽ lẳng lặng ra về. Ngậm ngùi, nhưng bụng cũng có chút chút ấm ức.

Tháng 6.2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét