Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

BÀI VĂN BIA TRÊN NÚI THẠCH BI

Núi Đá Bia

Hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, hiện giờ cũng như xưa kia được rạch phân ranh giới bằng dãy núi Đại Lãnh kỳ vĩ. Trên dãy Đại Lãnh đoạn Đèo Cả có Thạch Bi Sơn, hay còn gọi là Núi Đá Bia.

Sách vở của Đại Việt biết đến Thạch Bi Sơn khởi từ cuộc nam chinh của vua Lê Thánh Tôn năm Tân Mão (1471). Nói về cuộc nam chinh nầy, có sách cho rằng quân Đại Việt đã tiến tới Đại Lãnh, như Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí đã ghi (Lê Quang Định soạn năm 1806), được Đại Việt Địa Dư Toàn Biên (gọi tắt là Địa Dư Toàn Biên, còn gọi là Phương Đình Dư Địa Chí do Phương Đình - Nguyễn Văn Siêu và Hữu Trúc - Bùi Quỹ biên soạn dưới triều Tự Đức), mục Tỉnh Bình Định, phụ chép về núi Thạch Bi chép lại :

“Núi nầy ở huyện Tuy Hòa, sách Dư Địa Chí của Lê Quang Định chép rằng : Tương truyền rằng, Lê Thánh Tôn đánh Chiêm Thành, mở cõi đến đấy, lên trên vách đá đỉnh núi, đục đá khắc bia làm địa giới nước ta với nước Chiêm, cho nên gọi núi đó là núi Thạch Bi, nay nét chữ mòn đi, không thể biết được, chỉ tương truyền văn bia ấy nói rằng : Chiêm Thành quá thử binh bại quốc vong, An nam quá thử tướng tru binh chiết, nghĩa là Chiêm Thành sang quá chỗ nầy thì quân thua nước mất. An Nam sang quá chỗ nầy thì tướng bị giết quân tan  …”

Nhưng thật sự quân Đại Việt bấy giờ đã tiến đến Đại Lãnh mài đỉnh núi lập bia làm địa giới, tuyên bố quân Chiêm cũng như quân Đại Việt đều không nên vượt quá chỗ nầy chưa !?

Xem lại cuộc nam chinh của Thánh Tôn, tiến trình hành binh của vua Lê được chép rõ trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (gọi tắt là Toàn Thư - khắc mộc, in vào năm 1697), tàn cuộc chiến 1471, không thấy sách nhắc gì đến chuyện lập bia làm ranh ở dãy Đại Lãnh. Toàn Thư chỉ ghi lại sau khi Chiêm vương Trà Toàn bị bắt đem về kinh, bấy giờ Chiêm Thành tồn tại với 3 tiểu quốc. Vùng đất Phiên Lung do Bô Trì Trì chiếm giữ, Lê Thánh Tôn thuận cho làm phiên thuộc và cũng phong vương cho cả Hoa Anh và Nam Bàn gồm 3 nước để dễ ràng buộcThế thì địa giới Chiêm - Việt ở đâu !?

Vùng đất mà Bô Trì Trì được phong vương, âm đọc theo Địa Dư Toàn Biên ghi lại là Phan Lang và Phan Lý, chính là vùng Phan Rang, Phan Rý bây giờ.

Về Nam Bàn, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục của Quốc Sử Quán triều Nguyễn chú giải :

“Từ triều Lê trở về trước, Nam Bàn thuộc Chiêm Thành, đến khi Lê Thánh Tôn đánh Chiêm Thành, mở đất đai đến núi Thạch Bi, phong dòng dõi chúa cũ Chiêm Thành là Nam Bàn quốc vương, và chia cho giữ đất đai từ núi Thạch Bi này trở về phía tây, từ phủ Hoài Nhơn đi theo đường thượng đạo thì phải đi 14 ngày mới đến được nước này, tức là đất của hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá bây giờ.”

Địa Dư Toàn Biên trong Truyện Hai Nước Thủy Xá Và Hỏa Xá cũng cho biết Thủy Xá, Hỏa Xá ở ngoài cõi Nam Bàn nước Chiêm Thành cũ. Phía trong thượng đạo Phú Yên có núi Bà Nam rất cao. Thủy Xá ở phía bên Đông núi ấy, phía bắc của Thủy Xá có mán lạ (sinh man) tỉnh Chiêm (Bình Định), phía nam có mán quen (thục man) ở Thạch Thành (năm 1808 Thạch Thành thuộc Tổng Trung huyện Tuy Hòa, đến năm 1831 cải thuộc Tổng Hòa Lạc huyện Tuy Hòa). Năm cuối đời Minh Mệnh (năm 1840), Cai Đội Lê Văn Quyền được người mán tên là My Xanh dẫn đường đã từng đến Thủy Xá, từ Phú Yên đi về phía tây đến đất ấy mất 6 ngày đường. Hỏa Xá thì còn ở xa hơn nữa về phía tây núi Bà Nam.

Như vậy có thể hình dung được Thủy Xá bây giờ là Phú Bổn (Ayun Pa). Thủy Xá, Hỏa Xá, chính là đất đai của Tây nguyên ngày nay. Theo vậy thì tiểu quốc Nam Bàn ngày ấy chắc chỉ quẩn quanh ở khu vực Phú Yên - Tây Nguyên !?


Còn vị trí đất Hoa Anh, theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn thì nước nầy về sau mòn mỏi, yếu kém, không khảo sát được … Một số nghiên cứu của người đời nay cho rằng tiểu quốc Hoa Anh có thể là vùng duyên hải Phú Yên bây giờ (Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời - Đào Duy Anh hoặc như chú giải của các tác giả đã dịch Toàn Thư …). Nhưng theo Hồ Bạch Thảo, trong một bảng tóm tắt các triều đại của Chiêm Thành thời kỳ suy vong, thì Hoa Anh có thể là vị trí vùng Quy Nhơn, gồm 1 châu, 3 huyện. Ông căn cứ vào Minh Thực Lục, bộ sử của Minh triều chép những việc xảy ra gần 300 năm (1368 - 1644) của nhà Minh bên Tàu, chép những sự kiện liên quan các mối bang giao giữa Minh triều với lân bang.

Minh Thực Lục ngày 15 tháng 10 năm Thành Hóa thứ 17 (06.11.1481) :

“Hành nhân Trương Cẩn, thuộc Hữu phó ty, đi sứ Chiêm Thành; mắc tội bị hạ ngục. Trước đó Cẩn cùng Cấp sự Phùng Nghĩa phụng mệnh mang sắc ấn phong Vương cho cháu Quốc vương Chiêm Thành Tề Á Ma Vật Yêm. Bọn chúng mang nhiều hàng hóa để bán kiếm lời ; khi đến Quảng Đông nghe tin Tề Á Ma Vật Yêm đã chết, người em là Cổ Lai sai bọn Cáp Na Ba đến xin phong. Nghĩ rằng về không sẽ mất lời, bèn đi vội đến Chiêm Thành. Người Chiêm Thành cho biết sau khi người cháu xin phong bị Cổ Lai giết, An Nam ban sắc ngụy lập Đề Bà Đài Giả nắm quyền quốc sự. Bọn Cẩn không đợi mệnh của triều đình, mang ấn trao cho Đề Bà Đài Giả, phong làm Vương. Bọn chúng được hối lộ hơn 100 lạng vàng, rồi đi qua Mãn Thứ Gia bán hết hàng hóa để trở về. Nghĩa chết trên đường vượt biển. Cẩn trình sự việc và nạp sắc ngụy lên triều đình. Bộ Lễ hặc tội Cẩn tự tiện phong tước, đáng tội hình, bèn ra lệnh giam tại vệ Cẩm Y để điều tra.”

Theo ông Hồ Bạch Thảo : Khi nhà Minh được yêu cầu đến phong vương cho Tề Á Ma Vật Yêm, theo thông lệ Sứ giả đến kinh đô Chà Bàn thì không thấy viên này tại đây, bèn phong vương cho một người khác tên là Ðề Bà Ðài Giả do An Nam lập nên. Phe Ðề Bà Ðài Giả tâu với Sứ giả rằng Tề Á Ma Vật Yêm đã bị Cổ Lai giết; trong khi đó Cổ Lai xác nhận rằng y là em của Tề Á Ma Vật Yêm và được truyền ngôi sau khi anh chết … qua sự kiện có thể khẳng định rằng phần đất thuộc nước Chiêm Thành mới nằm ở phía nam; riêng tại Quy Nhơn, An Nam đã lập một nước khác mà người đứng đầu là Ðề Bà Ðài Giả. Chiếu theo sử nước ta, phải chăng tên của nước này là Hoa Anh, một trong ba nước mà vua Lê Thánh Tôn đã lập …

Giả thiết nầy không phải là không có lý. Theo Toàn Thư thì sau khi hạ thành Đồ Bàn ngày mồng 1 tháng 3 năm Tân Mão :

-  Tháng 3, ngày mồng 7, lấy người Chiêm đầu hàng là Ba Thái làm Đồng tri châu Thái Chiêm, Ba Thủy làm Thiêm tri châu … Ngày 11, lấy Đổ Tử Quý làm Đồng tri châu Thái Chiêm quân dân sự, Lễ Đà làm Cố Lũy châu tri quân dân. Người Chiêm nào dám chống lại hay làm loạn thì cho giết rồi tâu sau …
-  Tháng 6 : ly đt Chiêm Thành đt làm tha tuyên Qung Nam và v Thăng Hoa. Đt chc Án sát s 12 tha tuyên và đt 3 ty Qung Nam.
-   Tháng 11, ngày mồng 8 : lại đi đánh Chiêm Thành. Bắt được chúa nó là Trà Toại và bè lũ đem về kinh.

Lê Thánh Tôn dùng người Chiêm cho làm quan trông coi Đại Chiêm (2 châu Thăng, Hoa cũ - Quảng Nam bây giờ), và Cổ Lũy (2 châu Tư, Nghĩa cũ - Quảng Ngãi bây giờ). Điều nầy trùng khớp với Minh Thực Lục có ghi lại một tấu trình của bộ Lễ và bộ Binh dưới triều Minh Hoằng Trị thứ 12 (năm 1499) :

“An Nam gây hại tại Chiêm Thành không phải mới xẩy ra trong một ngày, triều đình thường nhân Chiêm Thành tố cáo bèn gửi tỷ thư chỉ dạy, lại sai Thủ thần lấy đại nghĩa trách vấn, giảng điều họa phúc; nhưng An Nam trước sau tâu lên đều xưng rằng : Đã tuân theo mệnh lệnh của triều đình, trả lại hết tất cả đất đai và nhân dân; ngoài 4 châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa, đều do Thổ tù cát cứ, nước tôi hoàn toàn không can thiệp.”

Có nghĩa là theo tấu trình trên thì Chiêm Động và Cổ Lũy do Thổ tù người Chiêm cai quản, từ Cổ Lũy trở vào nam đều còn là những tiểu quốc của các Chiêm vương mà triều đình nhà Lê không có can thiệp đến (!?). Lúc ấy bản đồ Đại Việt (năm 1490) đã vẽ đến dãy Cù Mông, vương triều Lê đã lập chính quyền phủ huyện Phủ Hoài Nhơn (Bình Định bây giờ). Nhưng thời bấy giờ Hoài Nhơn là vùng đất mới lập sau binh lửa, ở mức độ nào đó Hoài Nhơn thực sự vẫn chưa có nhiều cư dân Việt. Gán nó thành một tiểu quốc có một tiểu vương Ðề Bà Ðài Giả nào đó để ổn định hành chánh, đối phó về ngoại giao thì có gì mà không thể. Một số sách sử thời nhà Nguyễn còn ghi rõ Tỉnh Bình Định hồi ấy được gọi là Tỉnh Chiêm như Địa Dư Toàn Biên đã dùng. Như vậy cũng có thể nói rằng Tỉnh Chiêm đã có một mối liên hệ nào đó với tiểu quốc Hoa Anh 300 năm hơn về trước !?

Đối chiếu Minh Thực Lục cùng với Sử Việt, thật là lúng ta lúng túng khi truy vấn, so sánh tên một nhân vật hoặc tên một vùng đất. Nhưng dù sao thì Minh Thực Lục đã ghi lại một số sự kiện liên quan đến việc tranh chấp giữa Đại Việt và Chiêm Thành sau cuộc chiến 1471, có địa danh cảng Tân Châu nhận ra được ngay là cảng Thị Nại của châu Vijaya (viết và đọc theo ngữ âm La tinh) - Bình Định bây giờ. Tân Châu đã được nhà Minh dùng để chỉ châu Vijaya, phân biệt với Cựu Châu là châu Amaravati - vùng Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa của đời nhà Hồ, khi Trương Phụ, Mộc Thạnh xâm chiếm Đại Việt đã sáp nhập chúng thành châu huyện của nhà Minh. Minh Thực Lục chép  :

Ngày 21 tháng 6 năm Hoằng Trị thứ 12 (28.07.1499) :

“Quốc vương Chiêm Thành Cổ Lai tâu rằng : Vùng cảng Tân Châu của bản quốc đã bị An Nam xâm đoạt từ lâu, chúng cướp giết nhân dân, mối lo chưa hết. Nay Thần già lão, khi chưa chết muốn cho con trưởng là Sa Cố Bốc Lạc được nối ngôi, mong ngày sau có thể giữ được đất tại cảng Tân Châu ”

Sau nầy khi Cổ Lai mất, năm 1505 con là Sa Cổ Bốc Lạc cũng có sai sứ sang nhà Minh xin phong vương, lại xin được tiếp nhận sắc, ấn ở cảng Tân Châu. Nhưng việc không thành, Minh triều thoái thác, lấy cớ là Chiêm Chúa đã không cáo ai (báo cáo vua cha mất).

Qua Minh Thực Lục, rõ ràng là từ 1471 đến khoảng năm 1500, sự tranh chấp địa giới giữa Chiêm Thành với Đại Việt bằng phương thức ngoại giao là nhắm vào khu vực phía Bắc Cù Mông. Như vậy việc mở cõi đến đấy (Đại Lãnh) theo như Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí đã viết thì chỉ có thể hiểu là vương triều Lê có tầm kiểm soát chốn nầy thông qua các tiểu quốc Hoa Anh, Nam Bàn mà Lê Thánh Tôn đã lập ra chứ chưa thể trực tiếp xây đồn dựng lũy coi ngó ở đây. Có nghĩa là trong khoảng thời gian nầy, việc mài đỉnh núi, đục đá khắc bia ở dãy Đại Lãnh là khó thể xảy ra.

Xem lại lời văn bia theo tương truyền như Dư Địa Chí của Lê Quang Định đã ghi Chiêm Thành quá thử, binh bại quốc vong. An Nam quá thử, tướng tru binh chiết thì rõ ràng sự tranh chấp địa giới ở Núi Đá Bia liên quan đến binh đao nhiều hơn là tranh chấp bằng ba tấc lưỡi nhờ vả vào thiên triều !?

Liên quan đến việc động binh đao với Chiêm quốc sau năm 1471, Toàn Thư có ghi lại sự kiện năm Đoan Khánh thứ 5 (1509) bọn Đô đốc Bảo Lộc bá Lê Tử Vân và Vũ Cảnh đi kinh lý vùng Quảng Nam. Việc nầy được giải thích là khoảng triều Lê Hiến Tôn (1498 - 1504), Trà Phúc đang bị an trí ở Đại Việt đã trộm hài cốt của vua cha là Trà Toại (bị bắt trong cuộc chiến tháng 11 năm 1471) trốn về nước … Năm trước Trà Phúc sai con là Ma La sang cầu viện nhà Minh, lại đóng nhiều thuyền, chứa nhiều lương. Do đó, vua sai bọn Cảnh đi kinh lý. Chắc có lẽ việc kinh lý nầy là để phòng bị, không thấy Toàn Thư ghi lại chiến trận Việt - Chiêm. Mãi sau mới thấy Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên nhắc đến cuộc giao tranh giữa Đại Việt với Chiêm Thành. Năm 1578 Lương Văn Chánh đã vượt Cù Mông vào bạt phá Thành Hồ (vùng Thạch Thành - phía tây Tuy Hòa bây giờ). Có nghĩa là binh đao cũng vẫn lẩn quẩn trong châu Ayaru - phía nam Cù Mông, chứ chưa xảy ra tới dãy Đại Lãnh.

Bài văn tương truyền ấy khắc trên Núi Thạch Bi, được ghi lại trong Dư Địa Chí của Lê Quang Định cũng cho ta biết thêm một điều nữa :

“Chiêm Thành sang quá chỗ nầy thì quân thua nước mất. An Nam sang quá chỗ nầy thì tướng bị giết quân tan  …”

Xét về lời văn thì văn bia thể hiện rõ ý chí dứt khoát rạch phân sơn hà, đòi hỏi sự không xâm phạm lẫn nhau giữa hai dân tộc Việt Chiêm, không xâm phạm lẫn nhau giữa Đại Việt với vương triều Chiêm ở Phan Rang. Ngôn từ của câu văn xem ra không phải từ những người cầm binh có mộng Nam tiến nói ra. Cuộc nam chinh năm 1471 đã được vua Lê Thánh Tôn thiết lập kế hoạch từ lâu. 100 năm sau, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vừa vào Thuận Hóa đã dòm ngó ngay miền biên viễn cực nam. Với nhu cầu Nam tiến, không thể nào vua chúa Đại Việt lại đi dựng một cái bia có lời văn ngáng chân ngáng cẳng của mình.

Nếu có sự kiện đục đá khắc bia thể hiện ý chí không xâm phạm lẫn nhau, thì chỉ có thể xuất phát từ những người mong muốn có sự yên bình cho cả hai dân tộc Việt Chiêm. Từ đây cũng hình dung được là thời điểm thực hiện ý chí nầy phải xảy ra trước thời điểm biên giới Đại Lãnh - Thạch Bi bị đẩy xa xuống phía Nam. Cứ tạm tính tròn là khoảng từ năm 1550 cho đến 1650.

Khoảng thời gian nầy, liên quan đến địa giới Đại Lãnh - Thạch Bi, Đại Nam Thực Lục của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi :

“Tân Hợi, năm thứ 54 [1611], bắt đầu đặt phủ Phú Yên. Bấy giờ quân Chiêm Thành xâm lấn biên giới. Chúa sai chủ sự Văn Phong (không rõ họ) đem quân đi đánh lấy được [đất ấy], bèn đặt làm một phủ, cho hai huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa lệ thuộc vào. Nhân sai Văn Phong làm lưu thủ đất ấy.”

18 năm sau, năm Kỷ Tỵ (1629), Đại Nam Thực Lục lại cho biết đã xảy ra chuyện Văn Phong làm phản :

“Văn Phong ở Phú Yên dùng quân Chiêm Thành làm phản. Phó tướng Nguyễn Phúc Vinh đi đánh, dẹp yên và lập dinh Trấn Biên.  Vì có công ấy, đặc biệt cho dùng ấn son.”

Như vậy khi chúa Nguyễn đặt ra phủ Phú Yên, giao cho Văn Phong trấn giữ đất ấy, cư dân thì trước kia vào năm 1597 đã được Lương Văn Chánh đem từ Tuy Viễn vào khai phá vùng Sông Cầu, Xuân Đài, Đà Rằng … Lúc nầy địa giới Việt Chiêm mới chính thức là ở dãy Đại Lãnh - Núi Thạch Bi.

Lương Văn Chánh không hề có tên có tuổi trong Đại Nam Thực Lục, sau nầy mới được chép ở bộ Đại Nam Liệt Truyện. Chủ sự Văn Phong được chép ở Thực Lục, nhưng ông có ghi tên mà không được ghi họ. Đại Nam Thực Lục cũng như Địa Dư Toàn Biên chép lại sự kiện nầy đều chua là không rõ họ của ông. Chủ sự Văn Phong được giao làm Lưu thủ Phủ Phú Yên, trấn giữ vùng biên viễn, nơi có nhiều nguy cơ tranh chấp binh đao, vai trò của ông không nhỏ. Nhưng tại sao ông làm phản, lại dùng quân Chiêm Thành làm phản theo như Thực Lục đã ghi !?

Trong cuốn Có 500 Năm Như Thế của Hồ Trung Tú, phần Tổng luận có chương viết về Chủ sự Văn Phong. Căn cứ vào Phổ chí của một họ tộc lâu đời ở Quảng Nam, ở đây một giả thiết được sách đặt ra là Văn Phong có họ thuộc tộc Chiêm. Dĩ nhiên đó chỉ mới là một suy đoán. Nhưng thử ghép nối dữ kiện nầy với những gì liên quan đến bài văn bia trên núi Thạch Bi, có thể gọi Chủ sự Văn Phong là chủ nhân của bài văn bia ở núi Thạch Bi được không !?

-  Thời đại của Chủ sự Văn Phong mới phù hợp việc khắc bia ở dãy Đại Lãnh làm địa giới.

-  Lời văn bia được truyền lại kia mới phù hợp với chủ nhân của nó là người đang làm quan cho Đại Việt nhưng lại là người thuộc một tộc Chiêm xưa. Một người không muốn đem binh vượt qua Đại Lãnh tiến xuống phía Nam gây tổn thương họ tộc, đồng bào, cũng không muốn quân bên kia vượt qua Đại Lãnh tiến ra Bắc gây khổ đau cho bá tánh, lê dân !

-  Cũng dễ hiểu là tại sao Đại Nam Thực Lục ghi là Lưu thủ Phú Yên đã dùng quân Chiêm Thành làm phản, và tại sao lại làm phản !? Văn Phong đang sống dưới triều đại cần dùng vũ lực để mở rộng cương vực. Ông không muốn bá tánh lâm vào cảnh lửa binh, chỉ cần lộ ra ý không thực hiện việc nam tiến, khi đưa ra tuyên ngôn : Dù vượt ra Bắc hay tiến vô Nam, binh tướng nào vượt qua chỗ nầy thì binh đều tan, tướng bị giết … chỉ bấy nhiêu thôi thì sẽ bị ghép tội nghịch phản là chuyện thường.

Mọi ghép nối các dữ kiện trên kia chỉ là những giả định. Nhưng giả định để có thể thấy được những cái nút rối như bòng bong của sách sử xưa, âu cũng là điều lý thú.

Núi Đá Bia, nơi đục đá khắc bia như tương truyền, khoảng 200 năm trước người soạn Địa Dư Toàn Biên muốn đến tận nơi, nhưng chỉ biết đứng đằng xa trông lên núi ấy, sắc núi hơi trắng, núi rậm, lắm ác thú, ít người dám đi đến nơi … Ngày nay có người cũng đã lên đến tận đỉnh Núi Đá Bia ở Đèo Cả tìm kiếm, nhưng cũng chẳng thấy được gì … (Trần Quốc Vượng). Có phải chăng mọi dấu tích qua mấy trăm năm đã không còn trước tàn phá của thiên nhiên. Lê Quý Đôn soạn sách Phủ Biên Tạp Lục có ghi lại sự kiện đã xảy ra trước đó 5 năm, năm Tân Mão 1771 :

“Núi Thạch Bi ở phủ Phú An là chỗ chia địa giới của triều đời trước nước ta với Chiêm Thành. Mạch núi ở xa đến từ trên đầu nguồn liên lạc thẳng mãi đến bờ bể, ngọn núi này cao hơn các ngọn núi khác. Đời Thánh Tôn đánh Chiêm Thành, lấy đất ấy đặt làm xứ Quảng Nam, lập con cháu Chiêm Thành cũ phong cho ở đất phía tây núi này. Mài đỉnh núi lập bia làm địa giới, bia ấy quay lưng ra phía bắc hướng mặt về phía nam, lâu năm dấu chữ mòn hết. Truớc kia họ Nguyễn đánh Chiêm Thành đặt phủ Bình Khang và Diên Khánh, từ Phú An vào Bình Khang đường đi theo chân núi, những đá ở núi đều sắc đen. Năm Tân Mão tháng mười hai, tự nhiên có một tiếng nổ rất mạnh, đá ở núi ấy biến thành ra sắc trắng, xa trông một tòa núi Thạch Bi đứng sững như đá vôi. Nguyễn Phúc Thuần khiến người làm lễ tế thần núi ấy”

Họ Nguyễn đã vượt qua dãy Đại Lãnh. Năm 1653 quân Đại Việt đã tiến đến tận Phan Rang, lấy đất lập ra hai phủ Thái Khang (Ninh Hòa) và Diên Ninh (Diên Khánh), là đất Khánh Hòa bây giờ. Rồi chẳng bao lâu sau Nguyễn Hữu Cảnh đã có mặt ở Gia Định, Đồng Nai lập dinh, lập phủ vào năm 1698.

Có hay không việc đục đá khắc bia trên núi Thạch Bi !? Với chúng ta bây giờ không phải là điều quan tâm nữa, vì chỉ khi đọc lại câu văn bia đã có ghi lại trong sách xưa :

“Chiêm Thành sang quá chỗ nầy thì quân thua nước mất. An Nam sang quá chỗ nầy thì tướng bị giết quân tan  …”

Bấy nhiêu cũng đã đủ để ta ngậm ngùi, có cùng nỗi day dứt với người xưa trước nạn khói lửa binh đao !

Trường Nghị



NGUỒN THAM KHẢO

  • Đại Việt Sử Ký Toàn Thư - Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sỹ Liên … - Viện KHXH, NXB Khoa Học Xã Hội - Hà Nội 1993
  • Lê Quý Đôn Toàn Tập, Tập 1 (Phủ Biên Tạp Lục) - Viện Sử Học, NXB Khoa Học Xã Hội - Hà Nội 1977
  • Khâm Định Việt Sử Thông giám Cương Mục - Quốc Sử Quán Triều Nguyễn - Viện Sử Học, NXB Giáo Dục - 1998
  • Đại Nam Thực Lục Tập 1 - Quốc Sử Quán Triều Nguyễn - Viện Sử Học, NXB Giáo Dục -  2007
  • Đại Việt Địa Dư Toàn Biên - Nguyễn Văn Siêu - Viện Sử Học, NXB Văn Hóa - Hà Nội 1997
  • Bài viết Lịch Sử Chiêm Thành Thời Kỳ Suy Vong (Trích dẫn Minh Thực Lục) - Hồ Bạch Thảo - diendan.org
  • Bài viết Vài Nét Về Nhân Vật Lương Văn Chánh - Lý Thị Mai - phuyen.info.vn
  • Có 500 Năm Như Thế -  Hồ Trung Tú, NXB Đà Nẵng 2012


India quae Orientalis dictitur et Insulae Adiacentes (bp) 
(Willem Gianszoon Blaeu, 1571-1638)
Bản đồ Ấn Độ và các đảo lân cận vùng Viễn Đông của Blaeu, thuộc Công Ty Đông Ấn Hà Lan vẽ năm 1635 
(hiện tàng trữ tại Amsterdam)
Mapping the Silk Road and Beyond, tr. 96

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét