Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Hai, 3 tháng 1, 2011

ĐỘC TIỂU THANH KÝ (1)

MỘT BÀI THƠ ĐƯỜNG LUẬT BỊ THẤT NIÊM !?

Độc Tiểu Thanh Ký - Nguyễn Du
Sách giáo khoa hiện nay soạn cho học sinh học về Nguyễn Du, ngoài Kim Vân Kiều còn có bài Độc Tiểu Thanh ký lấy trong các di cảo của cụ. Bài Độc Tiểu Thanh ký có 2 câu kết được nhiều người nhớ và sử dụng trích dẫn khi tìm hiểu về Tố Như - Nguyễn Du. Nói đến Nguyễn Du, người ta có thể nhắc liền đến tâm sự :
“Không biết ba trăm năm sau nữa, trong thiên hạ có ai là người khóc cho Tố Như” ...
Cũng giống như bài Cáo tật thị chúng của Thiền sư Mãn Giác, đa phần người ta chỉ nhớ đến 2 câu kết mà không cần nhớ toàn bài :
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Nói đến Độc Tiểu Thanh ký người ta cũng chỉ cần nhớ đến 2 câu :
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Nhưng cũng chính vì ít để ý đến toàn bài nên ít thấy rằng bài Độc Tiểu Thanh ký bị thất niêm luật theo phong cách, kỷ thuật làm thơ Đường.
Theo Việt Nam Văn Học Sử Yếu của cụ Dương Quảng Hàm (bản in Trung Tâm Học Liệu – Sài Gòn in lần thứ 10 năm 1968), niêm là sự liên lạc về âm luật của 2 câu thơ trong bài thơ Đường luật. Hai câu thơ niêm với nhau khi nào chữ thứ nhì của 2 câu cùng theo một luật, hoặc cùng là thanh bằng, hoặc cùng là thanh trắc. Bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc. Trong một bài Đường luật thất ngôn bát cú, chữ thứ 2 câu 1 niêm chữ thứ 2 câu 8, tương tự câu 2 với câu 3, câu 4 với câu 5, câu 6 với câu 7.
Niêm luật được quy định là để tạo nhạc điệu trong thơ. Khi các câu đặt không đúng theo lệ đã định, mất sự dính liền (niêm) với nhau, không còn nhạc điệu với nhau nữa nên gọi là thất niêm (mất niêm).
 Xem lại toàn bài Độc Tiểu Thanh ký :
Tây Hồ mai uyển tẫn thành khư
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chỉ phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Cụ Giản Chi đã dịch thơ như sau :
Đọc bài ký truyện nàng Tiểu Thanh
Vườn cũ Tây Hồ mai xác xơ
Viếng ai song vắng một vần thơ
Phấn son đất lấp thương còn để
Bút mực tro tàn lụy vẫn lưa
Việc lỡ xưa nay trời khó hỏi
Niềm oan phong vận tớ còn vơ
Ba trăm năm nữa người thiên hạ
Chả biết còn ai khóc Tố Như
Tiếng Việt ta có 8 thanh
-         thanh bằng có dấu chỉ thanh là
dấu huyền (phù bình thanh)
không dấu (trầm bình thanh)
-         thanh trắc có dấu chỉ thanh là
dấu sắc (phù khứ thanh)
dấu hỏi (trầm thượng thanh)
dấu ngã (phù thượng thanh)
dấu nặng (trầm khứ thanh)
dấu sắc cho các tiếng đằng sau có phụ âm c, ch, p, t (phù nhập thanh)
dấu nặng cho các tiếng đằng sau có phụ âm c, ch, p, t (trầm nhập thanh)
Theo luật của thơ Đường, Luật bằng là luật thơ bắt đầu bằng 2 tiếng bằng, Luật trắc là luật thơ bắt đầu bằng 2 tiếng trắc.
Bài  Độc Tiểu Thanh ký của Tố Như là bài thơ theo Luật bằng vần bằng, khi xét theo niêm luật, chữ thứ 2 của câu 1 thanh bằng (Hồ trong Tây Hồ) thì chữ thứ 2 câu 8 cũng phải thanh bằng, nhưng chữ thứ 2 câu 8 của Độc Tiểu Thanh ký thì lại là thanh trắc (hạ trong Thiên hạ).
Như vậy xét theo luật của Đường thi, bài Độc Tiểu Thanh ký là một bài thơ Đường luật đã bị thất niêm.
Những người đam mê thơ Đường khi đọc Độc Tiểu Thanh ký cứ tiếc rẻ cho một viên ngọc bị xước và cũng vì mến tài của Nguyễn Du mà lặng lẽ bỏ qua ít muốn đề cập đến. Nhưng với một tâm hồn lớn, một tài năng lớn như cụ Nguyễn Du, việc để bài viết của mình bị thất niêm là do lơ đễnh, do muốn phá cách, hay còn có nguyên cớ nào khác.
Cách đây đã  4 năm hơn, chú Linh Đàn, nhà thơ - nhà nghiên cứu có chuyển đến TruongNghi một bài viết đáng để tâm về nguyên cớ thất niêm của bài Độc Tiểu Thanh ký.  TruongNghi’ s Blog chia sẻ cùng mọi người thông tin nầy.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét