Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

NGÔI TRƯỜNG TRUNG HỌC ĐẦU TIÊN

Sông  Côn Trăng Lên - Ảnh chụp từ Trường MXT nhìn về An Vinh

Bài viết Ngôi Trường Trung Học Đầu Tiên Ở Bình Khê - Tây Sơn, Bình Định sau khi được đăng, một số thân hữu, người đọc đã tận tình góp ý, bổ sung thêm tư liệu. Một bài viết với quy mô không lớn, nhưng sẽ là những cứ liệu vững chắc cho lịch sử giáo dục ở quê nhà khi nhiều người cùng chung tay xây dựng, cung cấp tư liệu.

NonNuocBinhKhe hiệu đính lại bài viết và vẫn mong người đọc góp ý thêm.


NGÔI TRƯỜNG TRUNG HỌC ĐẦU TIÊN Ở BÌNH KHÊ - TÂY SƠN, BÌNH ĐỊNH



Dưới Triều Nguyễn, cũng giống như các địa phương khác, trường lớp ở Bình Định xây dựng theo phân cấp hành chính Trường Tỉnh, Trường Phủ và Trường Huyện. Quan chức phụ trách giáo dục cấp Huyện có Huấn Đạo, cấp Phủ có Giáo Thụ và cấp Tỉnh có Đốc Học. Giống như trường tư bây giờ, ở mỗi làng xã còn có những Thầy Đồ là các Khóa sinh, các ông Tú hoặc các hưu quan, hoặc các vị đỗ đạt mà không muốn làm quan đứng ra tổ chức giảng dạy cho người trong thôn trong xóm. Những lớp học nầy đặt ở nhà Thầy hoặc nhà dân, dạy từ 5,  7 cho đến vài chục môn sinh.

Trường cấp tỉnh Hán học ở Bình Định được thành lập từ thời Gia Long, xây dựng tại thôn Kim Châu, huyện Tuy Viễn, nay thuộc Thị Trấn Bình Định (hiện là Thị Xã An Nhơn). Tháng 1 năm 1805, Gia Long đặt chức Đốc Học ở trấn Quy Nhơn, bổ Đặng Đức Huy người Hoài Nhơn phụ trách, kiêm khảo khóa sĩ tử (giám sát, tra xét, tổ chức việc thi cử) hai địa phương kế cận là Dinh Quảng Ngãi và Phú Yên. Đến năm 1842, Trường được dời về thôn Liêm Trực, phía nam tỉnh thành.

Năm 1888, huyện Bình Khê được thành lập trên cơ sở tách ra từ Tuy Viễn. Trường của Tuy Viễn đầu tiên đóng ở thôn Hòa Cư, nay thuộc phường Nhơn Hưng, Thị Xã An Nhơn. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, năm 1865 trường dời về thôn Mỹ Thịnh (Thạnh) nằm phía tây phủ lỵ. Nguyên vào năm 1832, Minh Mệnh đổi tên Trấn Bình Định thành Tỉnh Bình Định, chia huyện Tuy Viễn làm hai thành huyện Tuy Viễn và huyện Tuy Phúc (Phước), lập ra phủ An Nhơn quản hạt 2 huyện nầy. Năm 1852, Tự Đức bỏ phủ An Nhơn, đặt huyện Tuy Viễn trở lại dưới sự thống hạt của phủ Hoài Nhơn. Đến năm 1865 lại lập lại phủ An Nhơn, kiêm lý luôn huyện Tuy Viễn, phủ lỵ đặt ở thôn Mỹ Thạnh, tổng Nhơn Ngãi. Ngày nay Mỹ Thạnh - An Thái thuộc xã Nhơn Phúc - An Nhơn, hiện vẫn còn dấu tích Phủ lỵ, Văn Chỉ, Trường Phủ, Bến đò Phủ ở đây.

Nền giáo dục và khoa cử Nho học triều Nguyễn được xem như cáo chung với khoa thi Hội cuối cùng là khoa Kỷ Mùi 1919 ở Huế. Người Pháp đã triệt bỏ chữ Hán, cắt đứt mối liên lạc văn hóa giữa người Việt với người Tàu. Người Pháp đã điều chỉnh, thêm bớt Hệ thống giáo dục Pháp cho phù hợp với thực tế Việt Nam thời bấy giờ, áp dụng, tổ chức đào tạo nhanh lớp người thừa hành phục vụ guồng máy cai trị. Tổ chức giáo dục theo hệ thống “Giáo Dục Pháp Cho Người Bản Xứ” (Enseignement Franco - Indigène, thường được gọi là Giáo Dục Pháp - Việt) phải mãi đến năm 1932, bộ máy quan lại của triều đình nhà Nguyễn trong giao dịch hành chính mới thay thế được chữ Hán bằng chữ Pháp và chữ Quốc ngữ (chữ do các giáo sĩ truyền giáo chế tạo ra theo lối ghép vần mẫu tự La tinh đang sử dụng hiện nay). Nhưng sau năm 1932, không riêng gì ở Bình Định, ở các làng xã Việt Nam vẫn còn tồn tại việc cho con đi học chữ thánh hiền. Song song với giáo dục phổ thông của Pháp, với trường lớp do triều đình mở, người Việt ở các làng xã vẫn còn các hương sư dạy chữ Nho cho trẻ làng đến tận năm 1945 mới gần như chấm dứt hẳn.

Tổ chức hệ thống giáo dục phổ thông của Pháp ở Nam Kỳ khởi đầu từ việc thành lập trường Collège Le Myre de Vilers tại Mỹ Tho năm 1879 (sau nầy là Trường Nguyễn Đình Chiểu), ở Trung Kỳ khởi đầu từ trường École Primaire Supérieure (Tên Việt là Pháp Tự Quốc Học Đường) tại Huế mở năm 1896 (sau nầy là Lycée Khải Định, nay là Quốc Học Huế), ở Bắc Kỳ khởi đầu từ trường Collège du Protectorat (Trường Bảo Hộ, Trường Thành Chung) tại làng Bưởi, Thụy Khê, Hà Nội mở năm 1905 (sau nầy gọi là Trường Bưởi, nay là Trường Chu Văn An).

Riêng ở Bình Định, năm 1921, Trường Tiểu Học Pháp Việt được thành lập (Ecole Elémentaire Franco - Annamité Cours Complémentaire). Cơ sở trường sau là Trường Tiểu Học Ấu Triệu, giáp khu gia binh ở đầu đường Tăng Bạt Hổ, nay là Trường Tiểu Học Lê Lợi, Thành phố Quy Nhơn. Năm học 1921 - 1922 Trường có mở thêm lớp Đệ nhất niên (bậc Cao Đẳng Tiểu Học), cơ sở trường Tiểu Học Pháp Việt là tiền thân của Collège de Qui Nhơn (Cao Đẳng Tiểu Học Qui Nhơn), sau nầy là Trung Học Cường Đễ, và là Quốc Học Quy Nhơn hiện nay.

Thoạt đầu, các Trường mới mở dưới thời Pháp thuộc chỉ có các lớp cấp thấp. Học trình lúc đầu chỉ 12 năm, đến niên học 1927 - 1928 mới hình thành thêm lớp Nhì Nhị để hoàn chỉnh học trình 13 năm sử dụng cho đến năm 1945. Từ năm 1930, Hệ thống Phổ thông Giáo dục Pháp - Việt hoàn chỉnh có 3 bậc học.

Bậc Tiểu Học  trải qua 6 năm. Ba lớp đầu còn gọi là bậc Sơ Học (Ấu Học) :

     -  Lớp Đồng Ấu  (Cours Enfantin)
     -  Lớp Dự Bị  (Cour Préparatoire)
     -  Lớp Sơ Đẳng  (Cours Élémentaire)

Học xong lớp Sơ Đẳng, học sinh thi lấy bằng Sơ Học Yếu Lược (Primaire Élémentaire - thường được gọi tắt là bằng Yếu Lược). Hệ thống trường lớp thì có Hương Trường, là Trường ở thôn, có Giáo làng dạy lớp Đồng Ấu và Dự Bị. Một số Tổng có mở thêm được lớp sơ Đẳng. 3 năm chính thức bậc Tiểu Học có các lớp học :

     -  Lớp Nhì Nhất  (Cours Moyen 1ère année)
     -  Lớp Nhì Nhị  (Cours Moyen 2ère année)
     -  Lớp Nhất (Cours Supérieur)

Mỗi Huyện, Phủ có 1 hoặc 2 Trường Tiểu Học có đến lớp Nhất, chưa kể các Tư thục Tiểu Học được chính quyền cho phép mở ở địa phương. Học hết lớp Nhất, học sinh thi lấy bằng Tiểu Học Yếu Lược hay còn gọi là Sơ Đẳng Tiểu Học, Sơ Đẳng Pháp - Việt (Certificat d'Études Primaire Franco-Indigène, viết tắt là CEPFI, gọi tắt là bằng Primaire). Có bằng Primaire, học sinh mới được dự tuyển vào bậc học lớp trên.

Ở Phú Phong - Bình Khê những năm sơ khai giáo dục Pháp - Việt, có Trường Tiểu Học tư thục nổi tiếng là Trường của 2 cha con Thầy Nguyễn Phàm, Nguyễn Đồng. Giáo trình của Trường soạn cho 5 năm học (bỏ bớt một lớp Nhì) chứ không phải 6 như trường công lập. Nhưng các học sinh nhập học phải trải qua sự sát hạch gắt gao mới được Trường thu nhận, xếp lớp đúng lực học, nên Trường luôn có nhiều học sinh đỗ Primaire. Cơ sở Trường nằm phía trong Bàu Bờ Lặn một chút, phía trái trên đường vào Khu Du Lịch Hầm Hô hiện nay. Thượng Tướng Nguyễn Nam Khánh là người đã từng cặm cụi gò từng chữ a, b, c  từ ngôi trường nhỏ bé nầy.

Bậc Cao Đẳng Tiểu Học  (Primaire Supérieurs) trải qua 4 năm, gồm các lớp học :

     -  Nhất niên  (Première Année)
     -  Nhị niên  (Deuxième Année)
     -  Tam niên  (Troisième Année)
     -  Tứ niên  (Quatrième Année)

Học hết năm Tứ niên được thi lấy bằng Cao Đẳng Tiểu Học (Diplôme d'Étude Primaire Supérieurs Franco-Indigène) còn gọi là bằng Diplôme hay Thành Chung.  Phải có bằng Thành Chung mới được dự thi lên bậc Tú Tài.  Các trường dạy bậc Cao Đẳng Tiểu Học được gọi là Collège. Tính đến năm 1928, không kể các Trường Dòng và Quốc Học Huế, ở Trung Kỳ bậc Cao Đẳng Tiểu Học chỉ có 3 trường là Collège Đồng Khánh ở Huế, thu nhận học sinh nữ từ Thanh Hóa vào Bình Thuận, Collège Vinh ở Nghệ An, thu nhận học sinh nam các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Bình, Collège Quy Nhơn ở Bình Định thu nhận học sinh nam từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận.

Bậc Trung Học  (Enseignement Secondaire) trải qua 3 năm học.

     -  Đệ Nhất niên  (Seconde)
     -  Đệ Nhị niên    (Première)
     -  Đệ Tam niên  (Terminale)

Bậc học nầy còn gọi là bậc Tú Tài Pháp - Việt. Học xong năm Đệ Nhị niên thi lấy bằng Tú Tài phần nhất (Baccalauréat, 1ère partie). Có được bằng nầy mới tiếp tục vào lớp Đệ Tam niên để cuối khóa học thi lấy bằng Tú Tài Toàn Phần (Certificat de Fin d'Études Secondaire Franco-Indigènes). Thập niên 30 thế kỷ trước, Ở Bắc Kỳ có trường Bưởi nâng cấp lên thành trường Lycée, Trung Kỳ có Quốc Học Huế dưới tên Lycée Khải Định, là 2 trong 4 trường ở Việt Nam có Bậc Tú Tài.

Việc phân bậc học hệ thống giáo dục Phổ thông Pháp - Việt trên đây, đúng ra nên xác định Bậc Trung Học gồm có 2 cấp là Cao Đẳng Tiểu Học và Ban Tú Tài. Đây là cơ sở để xác định sự tương đương bậc học (Đệ nhất cấp - Cấp 2, Đệ nhị cấp - Cấp 3) qua các thời kỳ kế thừa giáo dục cho đến nay. Xác nhận bậc học Trung học như vậy để làm cơ sở đi tìm ngôi trường Trung Học đầu tiên của huyện Bình Khê, Tây Sơn hiện nay.

Căn cứ theo diễn văn của cụ Phan Chu Trinh diễn thuyết ở Sài Gòn năm 1925, Việt Nam lúc nầy chỉ mới hơn 20 triệu dân. Số dân chưa nhiều, lượng học sinh đủ điều kiện cắp sách đến trường chẳng được bao nhiêu. Thêm nữa vào thời kỳ nầy, với nền kinh tế chủ yếu nông nghiệp, với các trường của các bậc học như trên, với hệ thống thi cử như trên … thì việc học sinh đi suốt hết học trình không thể gọi là dễ dàng. Ở Bình Định, những năm nầy Collège Quy Nhơn nhận học sinh cả mấy tỉnh miền Trung, nhưng ngay năm đầu thành lập, học xong Nhất niên, học sinh phải ra Huế để tiếp tục các khóa học sau. Mãi đến năm 1927, bậc Cao Đẳng Tiểu học của Collège Quy Nhơn mới có đủ 4 khóa lớp, mỗi khóa lớp chỉ có 1 lớp, hằng năm mỗi lớp quãng chừng khoảng 45 học sinh. Năm 1944 Collège Quy Nhơn được đổi tên là Collège Võ Tánh, các lớp bậc Cao Đẳng Tiểu Học mỗi khóa lớp mới có được 2 lớp, sĩ số khoảng 320 học sinh.

Tính chất sàng lọc trong hệ thống giáo dục thời Pháp, dù sao cũng đã đào tạo được một thế hệ học sinh sau là những nhà khoa học, nghệ thuật, giáo dục …, những nhà quản lý đầu ngành của đất nước khi người Pháp phải rút về nước. Có nhiều người trong đó xuất thân từ Collège de Quy Nhơn.

Collège Quy Nhơn ngay từ năm thành lập, song song với việc mở lớp Nhất niên (Première Année) đầu tiên, Trường có mở lớp Sư phạm Sơ cấp để đào tạo các Trợ Giáo dạy các lớp Sơ Học. Nguồn nhân lực nầy tạo điều kiện cho Bình Định sau năm 1945 có được lượng học sinh đủ để mở Trường Trung Học (theo như bậc Cao Đẳng Tiểu Học) ở mỗi huyện.

Ở Bình Khê thời ấy (bao gồm huyện Tây Sơn và huyện Vĩnh Thạnh ngày nay), các Trợ Giáo còn được lớp trẻ thập niên 60 thế kỷ trước biết đến như các Thầy Mai Cao Lương ở Trường Định, Huỳnh Nhu ở Trà Sơn, Huỳnh Ngô, Huỳnh Đồng, Nguyễn Đang ở Vĩnh Lộc, Nguyễn Ngọc Liễn ở Phú Xuân, Bùi Võ ở Vĩnh Thạnh … Ở phía Bắc sông Côn còn có các Thầy dạy khác nữa như Thầy Cúc, Thầy Ngô, Tú Tuyển, Giáo Châu …

Thời tiêu thổ kháng chiến, Collège Võ Tánh dời về An Lương, Phù Mỹ, sau phân tán thành 2 cơ sở : Trung Học Nguyễn Huệ Bắc ở huyện Hoài Nhơn, và Trung Học Nguyễn Huệ Nam ở huyện An Nhơn với trường lớp rải rác các thôn Hòa Bình, Cảnh Hàng, Trung Lý … Trường lớp nằm kề với dân đã tạo điều kiện cho học sinh nhập học Trung Học thuận tiện hơn dưới nền giáo dục của một nước độc lập.

Từ tình hình nầy, năm 1948, Nhà Giáo Nguyễn Đồng cùng Phán Sự - Thi Sĩ Quách Tấn, hai anh em bạn rể cùng từng là cựu học sinh Collège de Quy Nhơn những năm 1924 - 1929, đứng ra xin mở các lớp đầu của bậc Trung Học ở huyện Bình Khê. Một số phụ lão Bình Khê còn nhớ thời ấy có bài ca cổ động :

Quách Tấn và Nguyễn Đồng
Có mở tại Phú Phong
Nhất, Nhì niên hai lớp
Bậc Trung Học Phổ Thông
Ai có tiền thì trả
Không tiền thì học không
Chỉ mong lòng chẳng phụ
Danh con cháu Tiên Rồng …

Năm 1949, trường tư thục nầy chính thức được phép mở ở thôn An Chánh (trước thuộc xã Bình An, Bình Khê, nay là xã Tây Bình, Tây Sơn) với tên trường là Trung Học Mai Xuân Thưởng. Trường mở lớp ở sát bên bờ Sông Côn, dưới chân Núi Thơm (Hương Sơn), thuê nhà của một người họ Phạm ở địa phương, tên con là Phựu, mọi người thường gọi là nhà Ông Năm Phựu. Nhà thời ấy là nhà lá mái, có dãy nhà lẫm rộng rãi được sắp đặt là nơi Thầy trò cùng nhau miệt mài với con chữ.

Trường mở được 2 lớp Nhất niên và 1 lớp Nhị niên. Học sinh chừng khoảng hơn 100, không những là người ở Bình Khê, Vĩnh Thạnh, mà còn đến từ các huyện lân cận An Nhơn, Phù Cát. Ở ngoài Phù Mỹ xa xôi học sinh Nguyễn Thiều sau là nhà Đông Y, nghiên cứu Kinh Dịch cũng vào đây nhập trường. Ở tận trong Phú Yên cũng cơm đùm gạo dỡ ra học được năm, bảy người, trong đó có cô học trò nữ tên là Loan … Học sinh của trường, một ít người khác mà cựu học sinh Phan Trường Đàm còn nhớ được tên như Nguyễn Nhượng, Quách Gia, Trần Củng, Bùi Thúc Kháng, Mai Cao Vinh, Nguyễn Thế Huấn, Đặng Triêm, Hà Tiền, Nguyễn Cang, Hồ Vinh Quảng … Đoàn Chưu, Tạ Chương Phát, Huỳnh Công Cứ, Lê Tăng Hiển …

Ban giảng huấn ở nhờ nơi nhà Ông Xã Mẫn (Hương Sơn - Nguyễn Đình Mẫn). Thầy Quách Tấn vừa là Hiệu Trưởng vừa là người phụ trách dạy Văn, Thầy Trần Đình Chi dạy Toán, Thầy Nguyễn Đồng dạy tiếng Pháp, Thầy Nguyễn Đồng Luân dạy tiếng Anh, Thầy Quách Vĩnh Khương dạy Nhạc … Những Thầy giáo của trường vừa là anh em, người trong nhà, vừa là thân hữu đến với nhau để cùng một lòng diệt giặc dốt cho thế hệ sau.

Một Trường tư thục thời vừa học vừa chạy bom, khó khổ trăm bề. Học sinh phải học ban đêm, mỗi người một cái đèn thắp bằng dầu phụng, che gió bằng một cái thẩu (keo) thủy tinh. Thầy truyền cho kiến thức mà Ai có tiền thì trả, Không tiền thì học không … Điều tâm huyết mà Trường muốn truyền đạt cho học sinh là Chỉ mong lòng chẳng phụ, Danh con cháu Tiên Rồng … Theo tư liệu của anh Mang Viên Long (Báo Giác Ngộ số 118), ngày trường tổ chức lễ khai giảng, bên bàn thờ tổ quốc khói trầm nghi ngút có án thư đặt một thanh kiếm trên chồng sách. Với hình ảnh Thư - Kiếm đưa đến cho môn sinh, Trường mong muốn học sinh mình như là những Kẻ Sĩ của thời đại mới. Thời đại đánh đuổi ngoại xâm ra khỏi nước và đem kiến thức khoa học dựng xây đất nước.

Tháng 7 năm 1950, chính phủ kháng chiến tổ chức cải cách giáo dục toàn quốc. Cho mở các trường công lập Phổ thông bậc Trung học ở các huyện, đóng cửa tư thục và trưng dụng các giáo viên tư thục sang giảng dạy các trường công lập. Học trình cải cách chỉ còn 9 năm học, đổi tên gọi các bậc học là Cấp I, Cấp II, Cấp III.

     -  Cấp I   : 4 năm học gồm các lớp 1, 2, 3 và 4
     -  Cấp II  : 3 năm học gồm các lớp 5, 6 và 7
     -  Cấp III : 2 năm học gồm có lớp 8 và lớp 9

Ở Bình Khê niên khóa 1950 - 1951, Trường Trung Học Mai Xuân Thưởng giải thể. Địa phương mở ra Trường Phổ Thông Cấp II Bình Khê cũng ở khu vực Bình An, tổ chức khai giảng tại Đình Mỹ Thuận tháng 10 năm 1950.

Năm ấy Trường Cấp II Bình Khê thành lập chỉ mới có 2 khóa lớp là lớp 5 và lớp 6. Trường không tổ chức thi tuyển, không phân biệt độ tuổi. Học sinh có bằng Tiểu học hoặc có chứng nhận đã học qua chương trình lớp Nhất bậc Tiểu học được nhận vào lớp 5. Học sinh Mai Xuân Thưởng hoặc các trường huyện lân cận có chứng nhận đã học hết chương trình Đệ nhất niên được nhận vào học lớp 6. Học sinh đã học xong Đệ nhị niên của Trường Mai Xuân Thưởng phải chuyển đi học ở các huyện khác. Đến niên khóa 1952 - 1953 Trường Cấp II Bình Khê mới trở thành một Trường Cấp II hoàn chỉnh, gồm hai lớp 5, hai lớp 6 và một lớp 7. Như vậy cựu học sinh Nhất niên của Mai Xuân Thưởng học tiếp ở Cấp II Bình Khê chỉ được một năm học 1950 - 1951 rồi cũng phải chuyển học tiếp ở nơi khác.

Trường Cấp II Bình Khê trong bom đạn chiến tranh, cơ sở trường phải chuyển dời khắp nơi. Mỗi lần chuyển dời địa điểm học sinh phải khiêng vác bàn ghế, đóng góp tranh tre cùng địa phương dựng nên cơ sở mới. Trường mái tranh, vách đất, thiếu thốn mọi thứ. Sách giáo khoa không có, căn cứ chương trình đã ấn định, giáo viên phải tự soạn giáo trình của mình cho phù hợp học trình hệ 9 năm. Qua đến năm 1955, dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa, nền Giáo dục Phổ thông được xây dựng học trình hệ 12 năm thì Trường không tồn tại nữa.

Các cựu học sinh của Trung Học Mai Xuân Thưởng Bình Khê - Tây Sơn còn tại thế hiện nay đều trên 80 tuổi, chỉ mươi, hai mươi năm nữa chẳng còn ai kể lại chuyện của Trường. Họ được học dưới mái trường của họ trong thời gian ngắn ngủi chỉ một năm học. Nhưng thật hạnh phúc cho họ. Họ đã được học ở ngôi trường Trung học đầu tiên mở ra ở huyện Bình Khê.

Từ khi huyện Bình Khê tách ra từ Tuy Viễn vào năm 1888, xét vào năm thành lập cũng như học trình bậc học so với ngày nay, nói công bằng, dù là Tư thục, nhưng Trường Trung Học Mai Xuân Thưởng đáng được xem là Ngôi Trường Trung Học Đầu Tiên của Bình Khê, Tây Sơn ngày nay. Ngôi trường có mang dấu ấn của một nhà giáo nặng lòng với nền giáo dục quê nhà là Thầy Nguyễn Đồng. Người sau nầy vào năm 1965 có công trạng không nhỏ trong việc xây dựng nên Trường Trung Học Quang Trung Bình Khê, là cơ sở hiện nay của Trường Trung Học Phổ Thông Quang Trung, huyện Tây Sơn, Tỉnh Bình Định.


Trường Nghị
Hòe nguyệt, Nhâm Thìn niên, 2012


Tham Khảo :

1.    Thi Cử Và Nền Giáo Dục Việt Nam Dưới Thời Pháp Thuộc - bài viết của Trần Bích San
2.    Giáo Dục Bình Định Những Chặng Đường - Website Sở GD&ĐT Bình Định
3.    Vài Nét Về Trường Quốc Học Quy Nhơn - Website Sở GD&ĐT Bình Định
4.    Lịch Sử Hình Thành Của Một Ngôi Trường - bài viết của Võ Xuân Đào về Trường Cường Đễ - Website Xứ Nẫu
5.    Địa Chí Bình Định - Website Sở KH&CN Bình Định
6.    Đại Việt Địa Dư Toàn Biên - Phương Đình Nguyễn Văn Siêu - NXB Văn Hóa 1997
7.    Kỷ Yếu Tịnh Ninh Đường - Phổ Ký Quách Tộc in năm 2000
8.    Thầy Giáo Quách Tấn - bài viết của Mang Viên Long - Báo Giác Ngộ số 118 năm 1995
9.    Việt Nam Dưới Thời Pháp Đô Hộ - Nguyễn Thế Anh - Lửa Thiêng Sài Gòn 1970 (trích theo cuốn Giáo Dục Và Khoa Cử Triều Nguyễn của Nguyễn Phu)
10.  Tìm Hiểu Nhân Vật Bình Định - Nguyễn Phu và Nguyễn Thiều - NXB Trẻ 2001
11.  Nhớ và ghi lại theo lời kể của Cố Nhà Giáo Nguyễn Ngọc Liễn (Phú Xuân - Tây Sơn), Cố Lão Y Nguyễn Thiều (Quy Nhơn) cựu học sinh Mai Xuân Thưởng. Ghi theo lời kể của cựu học sinh Mai Xuân Thưởng Phan Trường Đàm (Đồng Phó - Tây Sơn)
12.  Trường Cấp II Bình Khê Hình Thành Và Phát Triển - Tài liệu sơ thảo của Ban Biên Tập Kỷ Yếu Cựu học sinh Trường Cấp II Bình Khê, Bình Định (tháng 5 năm 2012)



Nhà xưa kia là nhà lá mái, nơi Thầy trò Trường MXT dạy và học.
Người trong hình là người ngày xưa lo giúp trà nước cho Trường




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét