Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

HUYỆN TUY VIỄN

100 NĂM VÙNG ĐẤT ĐỊA ĐẦU

Tháp Cánh Tiên - Thành Đồ Bàn


Một trăm năm thường lấy làm biểu tượng cho một đời người. Đời người một trăm năm ngắn ngủi như bóng câu qua cửa sổ, nhưng một trăm năm của lịch sử với bao thăng trầm thì quá dài trong tâm tưởng của những lưu dân gian nan đi mở đất.

Tháng 8 năm Canh Dần 1470, Chiêm Vương Trà Toàn đem 10 vạn quân thủy bộ xâm lấn Hóa Châu. Nhân cơ hội đó, vua Lê Thánh Tôn ban sách Bình Chiêm, thân chinh đem binh đánh vào Vijaya. Tháng 3 năm Tân Mão 1471, niên hiệu Hồng Đức thứ 2, vua hạ thành Đồ Bàn, bắt được Chiêm vương. Tháng 7 năm ấy, ra chiếu chỉ lấy đất mới vừa chiếm được từ biên giới Cổ Lũy đến Cù Mông, lập nên Phủ Hoài Nhơn, trông coi 3 huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn, cho thuộc Thừa Tuyên Quảng Nam. Cuộc nam chinh của Lê Thánh Tôn,  nhiều sách sử của Việt Nam cho rằng quân Đại Việt đã tiến tới Đèo Cả bây giờ, nơi có tên núi là Thạch Bi (Đá Bia).

Mục Tỉnh Bình Định, phụ chép về núi Thạch Bi, Đại Việt Địa Dư Toàn Biên viết :

Theo như sách Dư Địa Chí của Lê Quang Định : Tương truyền Lê Thánh Tôn đánh Chiêm Thành, mở cõi đến Đại Lãnh, lên trên đỉnh núi đục đá khắc bia làm địa giới nước ta với nước Chiêm, cho nên gọi núi đó là núi Thạch Bi, nay nét chữ mòn đi, không thể biết được. Tương truyền văn bia ấy nói rằng : Chiêm Thành sang quá chỗ nầy thì nước mất, quân thua. An Nam sang quá chỗ nầy thì quân bị tan, tướng bị giết (Chiêm Thành quá thử, binh bại quốc vong. An Nam quá thử, tướng tru binh chiết).

Nay xét Lê sử chép : Ngày mồng 1 tháng 3 năm Hồng Đức thứ 2, bắt được vua Chiêm là Trà Toàn ở thành Đồ Bàn, ngày mồng 2 lập tức ban chiếu rút quân về. Xét bản đồ đời Hồng Đức thì cũng chỉ đến huyện Tuy Viễn mà thôi, từ núi Cù Mông trở vào nam, vẫn còn là đất nước Chiêm Thành. Thế tục truyền thuyết, có lẽ không đúng với sự thật.

Cương vực của Đại Việt lúc nầy đã tới núi Thạch Bi chưa !? Điều nầy có thể xem xét lại sau, nhưng chắc chắn là bộ máy hành chính của triều Lê bấy giờ đã thiết lập ở phía bắc đèo Cù Mông. Huyện Tuy Viễn lúc nầy là vùng địa đầu biên viễn của Đại Việt.

Đại Việt Địa Dư Toàn Biên chép về Đạo Phú Yên trong mục Tỉnh Bình Định :

Niên hiệu Hoằng Định thứ 12 ( Lê Kính Tôn - năm 1611), người Chiêm lấn bờ cõi, Chúa (Nguyễn Hoàng) sai Chủ sự là Văn Phong [quên mất họ là gì] đi đánh lấy được đất ấy, chia làm 2 huyện Đồng Xuân và Tuy Hòa, đặt làm phủ Phú Yên, sai Văn Phong làm Lưu thủ.

Vùng địa đầu biên viễn bao giờ cũng gánh vác mọi hiểm nguy, khó nhọc của công cuộc khẩn hoang, lập ấp. Như vậy hơn 100 năm sau, tính đến năm 1611, huyện Tuy Viễn mới có được phủ Phú Yên làm phên giậu. Trong hơn 100 năm đó, Tuy Viễn huyện của phủ Hoài Nhơn thời mở đất đã trải qua những bước gian nan nào ?

Lập thêm phủ Hoài Nhơn, vua Lê cho đặt 3 ty : Đô ty, Thừa ty, và Hiến ty để trông coi việc dân, việc nước ở Thừa Tuyên Quảng Nam. Thừa Tuyên Quảng Nam lúc nầy có 3 phủ coi 9 huyện.

Theo Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú :

Tháng 4, niên hiệu Hồng Đức thứ 5 (năm 1474)  vua ra sắc chỉ : Tù nhân bị xử tội lưu đày, đày đi châu gần thì cho sung vào vệ quân Thăng Hoa (Quảng Nam), đi châu ngoài thì cho sung vào vệ quân Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), đi viễn châu thì sung vào vệ quân Hoài Nhơn (Bình Định). Tù nhân được tha chết cũng cho sung vào vệ quân Hoài Nhơn.

Tù nhân bị tội chết mà được tha, cũng như tù lưu đày biệt xứ đi xa đều cho đưa làm lính ở Hoài Nhơn. Qua đấy thấy rõ miền biên viễn lúc nào cũng đặt trong tình trạng khẩn cấp nhu cầu chiến đấu. Theo Dư Địa Chí trong Nguyễn Trãi Toàn Tập : phủ Hoài Nhơn lúc mới thành lập, huyện Bồng Sơn có 7 xã, huyện Phù Ly có 8 xã, trong khi đó huyện Tuy Viễn có đến 18 xã. Phần ghi chép nầy có thể do người sau bổ sung sau năm 1471, mức độ chính xác có thể kém phần tin cậy, nhưng ở đây hiểu được cư dân Tuy Viễn lúc nầy đa phần vừa là lính, vừa là dân của chính sách ngụ binh ư nông, nên các làng xã có số lượng nhiều hơn 2 huyện Phù Ly, Bồng Sơn. Một phần nữa, đồng bằng Tuy Viễn vốn rộng, trù phú, là đất kinh đô cũ của Chiêm Thành, dễ nhanh chóng thiết lập làng xã đi vào nề nếp.

Đại Nam Thực Lục Chính Biên chép :

Tháng 10 năm Quý Dậu (1813), ở Bình Định phát hiện một ấn đồng cổ, một mặt khắc bốn chữ Phù Ly huyện ấn, mặt kia khắc dòng chữ Hồng Đức thập tam niên tạo (tạo ra vào năm thứ 13 đời Hồng Đức – 1482)

Điều nầy chứng tỏ bộ máy cai trị cấp huyện triều đình nhà Lê lúc nầy đã ổn định việc tổ chức cai trị, đã định hình làng xã. Khẩn hoang, lập ấp thường là hai việc song hành, cùng đi đôi với nhau. Khi đến xứ lạ gầy nên được miếng đất để cấy cày, việc trước tiên của lưu dân là phải chung lưng đấu cật với nhau, lập nên xóm nên làng để bảo đảm trật tự, bảo vệ thành quả của nước mắt, mồ hôi, để có hy vọng vào tương lai cuộc sống. Nhưng chỉ trong một thời gian ngắn, làng xã của Tuy Viễn, của Phù Ly … đã thành hình, như vậy việc khẩn hoang trong thời kỳ nầy chưa phải là bức thiết, rầm rộ. Ruộng đất ở đây có thể đã tạm bảo đảm miếng ăn cho những cư dân mới đến. Có thể người Việt, người Chiêm đã cùng cộng cư , sống chung với nhau trong tình làng nghĩa xóm.

Từ lâu, miền Chiêm Động, Cổ Lũy  (Quảng Nam, Quảng Ngãi bây giờ)  đã thuộc về Đại Việt. Cư dân Chàm Việt sống lẫn lộn với nhau, các mối hôn nhân giữa người Việt với người Chàm không phải là ít. Đến nỗi theo Sử Ký Toàn Thư, ngày 8 tháng 9 năm Cảnh Thống thứ 2 (năm 1499), vua ra chiếu dụ :

Kể từ nay, trên từ thân vương, dưới đến dân chúng, đều không được lấy đàn bà con gái Chiêm Thành làm vợ …

Chiêm Thành vốn gồm nhiều vương quốc, nhiều tiểu quốc cùng tồn tại ở dãi đất miền Trung. Khi Vijaya trở thành phủ Hoài Nhơn, người Chiêm ở đây và người Việt chắc chưa có những mối hôn nhân cần phải ngăn chặn theo như chiếu dụ, nhưng mối quan hệ làng xóm có thể đã gần gũi với nhau giống như miền Chiêm Động, Cổ Lũy. Mối quan hệ mà sau nầy cùng đi đôi với thời kỳ di dân lập ấp ồ ạt, đã xuất hiện trò chơi bài chòi, hô bài chòi, một thể loại văn hóa dân gian chỉ có riêng ở vùng Nam Ngãi Bình Phú.

Cư dân Tuy Viễn tay cầm chuôi cày, tay cầm gươm giáo, thời kỳ đầu mở đất ngoài việc phải đương đầu với ác thú, thiên tai, nước độc rừng thiêng xứ lạ, còn phải chăm lo an ninh biên giới, trật tự xóm làng. Nhưng tính từ khi thành lập, trải qua 100 năm, huyện Tuy Viễn có vẻ như yên bình, không có biến động binh đao đúng nghĩa miền biên viễn.

Năm 1527 xảy ra biến động Nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, sách sử sau nầy đa phần ghi chép các việc liên quan đến chuyện tranh quyền đoạt vị ở phía bắc. Không biết có bỏ sót, có lơ là những biến động, đổi thay ở cương vực phía nam hay không. Từ lúc huyện Tuy Viễn có tên trên bản đồ Đại Việt cho đến năm 1578, là năm Lương Văn Chánh được bổ làm tri huyện Tuy Viễn, miền biên viễn chưa thấy có ghi chép nào về những trận chiến giữa người Chiêm, người Việt. Dù vương triều Chiêm lúc nầy có suy yếu mấy đi nữa, ta rõ người Chiêm bao giờ cũng là những chiến binh máu lửa. Nhưng tại sao Tuy Viễn lúc bấy giờ trải hơn trăm năm mà không vướng vào binh lửa.

Từ đây, có thể xem lại lời nhận xét trong Đại Việt Địa Dư Toàn Biên về văn bia núi Thạch Bi. Đại Việt Địa Dư Toàn Biên do Bùi Quỹ và Phương Đình Nguyễn Văn Siêu chấp bút nên sách nầy còn gọi là Phương Đình Dư Địa Chí. Phương Đình Nguyễn Văn Siêu cùng với Chu Thần Cao Bá Quát được người đương thời xưng tụng là Thánh Quát, Thần Siêu. Phương Đình Dư Địa Chí cẩn trọng sưu tra tư liệu chính thống chiếu, biểu … Ngày mồng 1 tháng 3 hạ thành Đồ Bàn, ngày mồng 2 Lê Thánh Tôn đã ban sư thì chắc chắn vua không thể nào đặt chân đến Đại Lãnh. Tháng 4 năm thứ 21 niên hiệu Hồng Đức (Canh Tuất 1490), vua cho vẽ bản đồ 13 xứ Thừa Tuyên, phía cực nam là huyện Tuy Viễn chỉ đến Cù Mông. Đúng là cương vực Đại Việt chưa đến Đại Lãnh. Nhưng Đại Lãnh không phải không liên quan đến Đại Việt. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, bản khắc năm 1697 :

… Sau khi Trà Toàn bị bắt, tướng của hắn là Bô Trì Trì (Po Kabrah) chạy vào Phiên Lung (Phan Rang), chiếm cứ đất ấy, xưng là chúa Chiêm Thành, sai sứ sang xin xưng thần, nộp cống, được phong làm vua. Vua lại phong vương cho cả Hoa Anh và Nam Bàn gồm 3 nước để dễ ràng buộc …

Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn cũng cho biết Bô Trì Trì chỉ chiếm cứ được một phần năm đất đai Chiêm Thành bấy giờ, cho người dâng lễ cống vua ta, Vua phong cho làm Chiêm vương. Vua còn phong vương cho cả Hoa Anh vương, Nam Bàn vương là dòng dõi vua cũ nước Chiêm còn sót lại. Như vậy đất Chiêm còn lại đã bị chia làm ba nước.

Bô Trì Trì được phong vương ở Phan Rang, còn vị trí  Hoa Anh và vị trí Nam Bàn ở đâu ? Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nói vào năm 1471, vua Lê cho lập Phủ Hoài Nhơn, lãnh thổ chỉ đến Đèo Cù Mông, phía nam Cù Mông người Man, người Lạo ở … Người Man, người Lạo có phải chăng là cư dân của tiểu quốc Hoa Anh và Nam Bàn.

Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, quyển thứ 22 cho biết :

Từ triều Lê trở về trước, Nam Bàn thuộc Chiêm Thành, đến khi Lê Thánh Tông đánh Chiêm Thành, mở đất đai đến núi Thạch Bi, phong dòng dõi chúa cũ Chiêm Thành là Nam Bàn quốc vương, và chia cho giữ đất đai từ núi Thạch Bi này trở về phía tây, từ phủ Hoài Nhơn đi theo đường thượng đạo thì phải đi 14 ngày mới đến được nước này, tức là đất của hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá bây giờ (năm soạn thảo 1856 – 1884).

Theo Phương Đình Dư Địa Chí trong  “Truyện Hai Nước Thủy Xá Và Hỏa Xá” thì Thủy Xá, Hỏa Xá ở ngoài cõi Nam Bàn nước Chiêm Thành cũ. Phía trong thượng đạo Phú Yên có núi Bà Nam rất cao. Thủy Xá ở phía bên Đông núi ấy, phía bắc của Thủy Xá có mán lạ (sinh man) tỉnh Chiêm (Bình Định), phía nam có mán quen (thục man) ở Thạch Thành (năm 1808 thuộc Tổng Trung huyện Tuy Hòa, năm 1831 thuộc Tổng Hòa Lạc huyện Tuy Hòa). Năm cuối đời Minh Mệnh (năm 1840), Cai Đội Lê Văn Quyền được người mán tên là My Xanh dẫn đường đã từng đến Thủy Xá, từ Phú Yên đi về phía tây mất 6 ngày đường. Hỏa Xá còn ở xa hơn về phía bên tây núi Bà Nam. Có thể hình dung được Thủy Xá bây giờ là Phú Bổn (Ayun Pa), Thủy Xá, Hỏa Xá, chính là đất đai của Tây nguyên ngày nay.

Nếu không chấp nhận Nam Bàn là Thủy Xá, Hỏa Xá theo như Cương Mục thì Nam Bàn cũng chỉ quẩn quanh, gần kề khu vực Ayun Pa bây giờ.

Còn vị trí đất Hoa Anh thì theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn : nước nầy về sau mòn mỏi, yếu kém, không khảo sát được … Theo một số nghiên cứu của người đời nay (và Phan Khoang trong Việt Sử Xứ Đàng Trong … ), tiểu quốc Hoa Anh có thể là vùng Phú Yên bây giờ.

Theo Minh Thực Lục của Trung Quốc, trong một số văn bản quan hệ ngoại giao của Nhà Minh với triều đình Đại Việt cũng như Chiêm Thành giai đoạn từ năm 1471 đến năm 1550, không hiểu sao mà lại có một Quốc Vương tên  Ðề Bà Ðài trông coi 1 châu 3 huyện nguyên đất cũ của người Chiêm. Hay ông ấy chính là Quốc vương của Hoa Anh gì đấy do Lê Thánh Tôn lập ra !?

Ngày 13 tháng 10 năm Thành Hóa (Minh Hiến Tông – Trung Quốc) thứ 23 (năm 1487), Minh Thực Lục chép sắc dụ gửi cho vua Lê :

Mới đây được các quan coi giữ Quảng Đông tâu rằng con Quốc vương Chiêm Thành, Cổ Lai, tố cáo rằng nước này nguyên có 8 châu, thành Ban Nhược Ban [Chà Bàn ?] và 25 huyện. Vào năm Thành Hóa thứ 7 [1471] nước ngươi mang binh chiếm hết số đất nêu trên. Vào tháng 3 năm Thành Hóa thứ 13 [1477] trả lại 4 châu, 5 huyện trong đó có Bang Đô Lang, Mã Na Lý. Rồi đem 1 châu 3 huyện trong đó có Mai Đả Lý, Bôn Để Ba Để cho tên Đầu mục phản phúc Đề Bà Đài. Sau đó lại ngầm ra lệnh Đề Bà Đài mang binh tìm giết Cổ Lai, nên bị Cổ Lai bộ hạ giết chết [1486]. Bọn ngươi lại sai Đầu mục mang quân bức phải trả lại Đề Bà Đài sống. Vì lý do đó Cổ Lai quẫn bách, mang gia thuộc vượt biển từ xa đến tố cáo …”

1 châu 3 huyện  được giao cho Đề Bà Đài hiện nằm ở đâu ? Chưa rõ được nhưng ông Đề Bà Đài nầy đã làm cho một viên sứ nhà Minh bị hạ ngục, sau bị biếm làm lính thú.

Trước đó, ngày 15 tháng 10 năm Thành Hóa thứ 17 (năm 1481), Minh Thực Lục chép :

Hành nhân Trương Cẩn, thuộc Hữu phó ty, đi sứ Chiêm Thành, mắc tội bị hạ ngục. Trước đó Cẩn cùng Cấp sự Phùng Nghĩa phụng mệnh mang sắc ấn phong Vương cho cháu Quốc vương Chiêm Thành Tề Á Ma Vật Yêm. Bọn chúng mang nhiều hàng hóa để bán kiếm lời ; khi đến Quảng Đông nghe tin Tề Á Ma Vật Yêm đã chết, người em là Cổ Lai sai bọn Cáp Na Ba đến xin phong. Nghĩ rằng về không sẽ mất lời, bèn đi vội đến Chiêm Thành. Người Chiêm Thành cho biết sau khi người cháu xin phong bị Cổ Lai giết, An Nam ban sắc ngụy lập Đề Bà Đài Giả nắm quyền quốc sự. Bọn Cẩn không đợi mệnh của triều đình, mang ấn trao cho Đề Bà Đài Giả, phong làm Vương. Bọn chúng được hối lộ hơn 100 lạng vàng, rồi đi qua Mãn Thứ Gia [Melaka] bán hết hàng hóa để trở về. Nghĩa chết trên đường vượt biển. Cẩn trình sự việc và nạp sắc ngụy lên triều đình. Bộ Lễ hặc tội Cẩn tự tiện phong tước, đáng tội hình, bèn ra lệnh giam tại vệ Cẩm Y để điều tra …

Đề Bà Đài có phải là Hoa Anh Vương không!? Phú Yên là đất Hoa Anh!? Đúng hay sai!? Điều nầy còn phải làm sáng tỏ thêm. Nhưng căn cứ vào Minh Thực Lục, cuộc chiến ngoại giao giữa 3 nước Việt, Chiêm, Hoa về biên giới Việt Chiêm luôn bận rộn, căng thẳng cho đến tận năm 1543. Kèm theo đó không phải là không có xảy ra chiến sự (đòi trả mạng Đề Bà Đài, gây hấn biên giới  …), nhưng cũng không thấy chép chiến sự xảy ra trên đất Tuy Viễn.

Còn Sách sử Việt, có cho thấy về sau đất Phú Yên từng là nơi giao tranh khốc liệt giữa Chiêm Thành và Đại Việt. Năm 1578 tri huyện Tuy Viễn Lương Văn Chánh đưa quân vào bạt phá thành Hồ (thành cũ của người Chiêm ở Thạch Thành  phía tây Tuy Hòa), bộ tướng Cao Cát tử trận. Năm sau, quân Chiêm của vương triều Po Klong Hlau lại vượt Đại Lãnh đánh chiếm lấy. 100 năm của Tuy Viễn tính từ năm 1471, cương vực của Đại Việt chưa tới Đại Lãnh, nhưng Đại Lãnh như một biên giới xa của Tuy Viễn. Từ Cù Mông đến Đại Lãnh, nếu được xem là 2 tiểu quốc Hoa Anh và Nam Bàn, từ núi cao phía tây chạy xuống tới biển, một vùng đất không khác gì phên giậu để Tuy Viễn được bình yên.

Lịch sử đa phần chỉ là những phỏng đoán. Nhưng trên thực tế của Tuy Viễn, trải qua 100 năm tính từ khi thành lập, nhờ có vùng đệm từ Cù Mông đến núi Thạch Bi nên nó đã không lâm vào nạn khói lửa đao binh. Tuy Viễn đã yên bình giống như tên gọi của nó, dù nó là vùng địa đầu biên viễn thời bấy giờ …



NGUỒN THAM KHẢO

*  Đại Việt Địa Dư Toàn Biên  -  Phương Đình Nguyễn Văn Siêu
*  Việt Sử Xứ Đàng Trong  -  Phan Khoang
*  Đại Nam Thực Lục  -  Quốc Sử quán triều Nguyễn
*  Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục  -  Quốc Sử quán
*  Lịch sử Chiêm Thành thời kỳ suy vong  -  Hồ Bạch Thảo
*  Chín Đời Chúa Mười Ba Đời Vua Nguyễn  -  Nguyễn Đắc Xuân
*  Địa Chí Bình Định  -  Sở Khoa Học và Công nghệ Bình Định



1 nhận xét:

  1. Bài viết công phu, dẫn dắt được nhiều vấn đề. Nhưng chắc có ít người ham thích tìm đọc để hiểu.
    2 đoạn trích từ Minh Thực Lục thật đáng giá.

    Trả lờiXóa