Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

ĐỒ NGỰA


“Đồ Ngựa!” Chắc hẳn không ai lại đi lấy cho mình một cái mỹ danh (!?) như vậy. Mà nếu có ai cả gan dùng nó thì Đồ Gàn Thế Kỷ XXI tui nhứt định chẳng dám nhận Đồ Ngựa là họ hàng Nhà Đồ của tui. Ít ra nhà Đồ của tui ngày xưa đã từng vác lều gánh chõng đến trường thi để tranh nhau xem ai thông hiểu chữ thánh hiền. Có nghĩa là họ nhà tui được xếp vào hàng có chữ có nghĩa đấy. Chữ của thánh hiền bao đời đã từng là cái cần câu câu nên sự nghiệp đai vàng lọng tía đấy nhé. Chẳng phải quý bà ngày ấy chẳng tham ruộng cả ao liền, tham vì cái bút cái nghiên anh Đồ ấy sao !

Họ nhà Đồ tui lâu nay chưa có ai được đề tên trên bảng vàng bảng đỏ, chưa có ai cỡi ngựa vinh quy mà hai bên có lính hầu đi dẹp đàng - hẳn rồi, vì được cỡi ngựa vinh quy, được thiên hạ cờ lọng đi đưa đi rước như vậy thì đố ai dám gọi anh em Gàn tui là anh Đồ anh Khóa. Nhưng lý nào với lẽ đời lại chẳng rán giữ lấy lề dù giấy đã rách đã nát, đã đi chầu thánh hiền tự đời nảo đời nao. Nên giờ đây họ nhà Đồ tui lẽ nào lại thừa nhận có bà có con với đồ ngựa là đồ… chẳng ra làm sao cả trước cửa miệng thiên hạ !?

Sợ lắm. Miệng thiên hạ gớm ghê lắm. Yêu nên tốt ghét nên xấu. Thương nhau rồi thì cái củ ấu cũng cho là tròn. Ghét nhau thì có tốt mấy mà thông qua cái cửa miệng người đời sẽ thành xấu huơ xấu hoắc. Bà mẹ của Thầy Tăng Sâm ngày xưa chả đã từng vứt thoi loi qua cửa sổ chạy trốn vì tới những mấy cái cửa miệng đến réo bên tai của bà : Bà nè ! Con bà, Tăng Sâm nó giết người đấy ! Thầy Tăng Sâm sau là một trong những bậc hiền triết buông câu nhả chữ cho họ nhà Đồ tui gặm nhấm mà. Chẳng qua vì một kẻ trùng tên với ông giết người, thiên hạ nghe một nói mười mà vấy tiếng cho ông. Đương nhiên một chuyện láo toe láo toét mà đem nhồi đem nhét mãi vào đầu người ta thì người vững tin mấy cũng phải ngập ngừng xét lại lòng tin của mình.

Nhưng Đồ Ngựa là đồ như thế nào nè !? Cái đồ ngựa! Hẳn quý bà quý cô khi bị ai nhiếc như vậy phải đỏ mặt tía tai (!?). Mà chắc chỉ quý bà quý cô mới là những người thông hiểu cái mắng ấy nhất. Vậy thì cũng hiểu giúp cho Gàn tui tại sao lại tuyên bố là chẳng dám nhận họ hàng với Đồ Ngựa. Là hạng nếu ngon ăn thì sẽ trở thành ông nầy bà nọ xuống kiệu lên xe, miệng nói ra có gang có thép, Gàn tui mà chơi với đồ ngựa tránh sao khỏi sẽ bị miệng đời gán cho là phường không nên nết. Đúng ra Gàn tui cũng tự thấy xấu hổ cho mình với lời tuyên bố cũng chẳng ra làm sao ấy. Xét ra nếu giọng mắng Cái đồ ngựa! không nặng trề nặng trịch thì té ra đấy chẳng phải là cái mắng đáng yêu hết sức hay sao! Nếu có ai mắng Gàn tui là Đồ quỷ nè, thấy phát ghét !… bằng cái giọng thỏ thẻ dài lê thê mấy cây số thì Gàn tui cứ muốn được bị mắng hoài. Ấy vậy cái mắng đâu chỉ xem qua ngữ nghĩa mà phải xét thêm cái giọng điệu, cái bộ tịch của người mắng kẻo lầm.

Nói về ngữ nghĩa. Nói cho cùng thì trên đời nầy hình ảnh con ngựa đâu có xấu mà gán nó cho lời mắng nhiếc ấy. Bao lâu nay con ngựa là biểu tượng của sự hùng dũng, tận tụy, trung thành, có tình có nghĩa… Bức tranh Bát Ký Toàn Đồ, những câu thành ngữ Thẳng như ruột ngựa… Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ… đâu đã diễn tả hết đức tính của con vật đã từng chung lưng gánh vác nặng nhọc, xông pha trận mạc với con người. Bất quá người đời hay diễn nghĩa kiểu vẽ Rồng vẽ Rắn thành thử mới nảy ra mấy cái câu có vần điệu với hàm ý xấu. Bấy lâu nay mấy ai hay tái phạm những sai lầm đã mắc thì thường bị gán cho là có cái thói Ngựa quen đường cũ… Những kẻ nào đem cái tàn ác, hung bạo ra áp chế người yếu thế thì được phong cho tên gọi là bọn Đầu trâu mặt ngựa… Những ai tìm đến tụ bầy tụ đàn với nhau thì nói chúng ấy là thứ Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã

Thiệt tội cho con trâu, con ngựa - những con vật đã bao đời dày công, hiền hòa chung đụng với con người. Con người tàn ác với nhau, tranh hơn tranh thua với nhau nỡ nào lại đem chúng ra ví von, so sánh, làm biến dạng đi cái hiền lương của chúng. Cũng bỡi tại mấy Ông quân sư quạt mo - Thiệt ra họ nhà Đồ của tui tối ngày tụng Tứ thư Ngũ kinh lều chõng đi thi là để được danh được phận ấy đấy. Khi có danh phận thì miệng có gang có thép là đối với kẻ thấp cổ bé miệng, chớ với bậc bề trên thì mở miệng ra là phải Muôn tâu, hở ra là Vạn tuế vạn vạn tuế… thành thử khi hiến kế, không dám cho người trước mặt là đồ đần, phải mượn chuyện nầy chuyện nọ để ví von cho có hình tượng. Gàn tui nhớ đời xửa đời xưa có câu chuyện nầy, đọc lại thì rõ ngay thôi :

… Chiêu Vương lại về kinh đô nước Yên, sửa sang tôn miếu, dốc chí báo thù nước Tề, nhún mình đem nhiều tiền của để cầu hiền sĩ, bảo tướng quốc Quách Ngỗi rằng :

-  Cái sỉ nhục của tiên vương, ta ngày đêm vẫn ghi nhớ trong lòng. Nếu được kẻ hiền sĩ có thể dùng mưu việc đánh Tề thì ta xin hết lòng thờ, vậy tiên sinh nên vì ta mà chọn người hiền tài.

Quách Ngỗi nói:

-  Đời xưa, có ông vua đem nghìn nén vàng sai tên môn dịch đi cầu ngựa thiên lý, giữa đường gặp con ngựa chết, người xung quanh đều xúm lại xem mà than tiếc, tên môn dịch hỏi cái gì, mọi người đáp rằng con ngựa ấy khi còn sống, ngày đi nghìn dặm, nay nó chết, nên lấy làm tiếc. Tên môn dịch liền bỏ ra năm trăm nén vàng mua lấy bộ xương gói đội đem về. Vua giận nói rằng đó là bộ xương con ngựa chết, còn dùng được việc gì mà bỏ ra nhiều tiền như thế. Tên môn dịch thưa: "Phải bỏ năm trăm nén vàng ra mua vì nó là ngựa thiên lý. Việc này đồn đi, ai nói tất sẽ nói đối với ngựa chết ta còn trả món tiền to như thế nữa là ngựa sống, tự nhiên có ngựa sống đem đến bán". Quả nhiên không đầy một năm, ông vua ấy mua được ba con ngựa thiên lý. Nay đại vương muốn cầu hiền sĩ thiên hạ, thì xin cứ gọi Ngỗi này là bộ xương ngựa chết, những người giỏi hơn Ngỗi này, tất ai cũng cầu giá đắt mà thi nhau đến … (Đông Chu Liệt Quốc)

Một câu chuyện kể không thể minh chứng cho một sự việc. Nhưng qua câu chuyện thì thấy một bộ xương ngựa cũng có thể giúp cho người ta định bá đồ vương, thúc giục bao nam nhi phải xả thân, da ngựa bọc thây. Vậy thì có ai mắng ta là Đồ Ngựa đi nữa thì cũng chẳng chết con ma nào. Nhưng giả như có ai đấy ví quý bà quý cô là Đồ ngựa hởi!” Không cần đúng sai, không cần phải xem lại âm điệu, bộ tịch của người phát ngôn, quý bà quý cô cũng nên canh me, xét hỏi lại mình (!?)

Đồ Gàn XXI


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét