Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Bảy, 22 tháng 9, 2012

VĂN TẾ CHỒNG

Ảnh minh họa



*  Bài văn tế do Quách Tấn soạn cho Bà Quả phụ Tam Hà - Trần Thiếu Du tế ngày tuần giáp năm (tiểu tường) của chồng, năm 1948.
Cụ Tam Hà người Thuận Nghĩa, sinh năm Tân Sửu (1901), là con cháu họ Trần ở Bình Khê có mối quan hệ với triều đại Nhà Tây Sơn. Thời Pháp thuộc tham gia tổ chức cách mạng của Đồng Sỹ Bình và Bửu Đình, bị bắt giam ở Lao Bảo ngót 10 năm. Năm 1936, Mặt Trận Bình Dân ở Pháp lên cầm quyền mới được phóng thích. Sau khi ở Lao Bảo về, cụ tham gia biên tập cho tờ Nhành Lúa, tờ báo chống chính quyền bảo hộ thời Pháp thuộc. Làm bạn vong niên với nhà thơ Quách Tấn khi nhà thơ về lại quê nhà tránh loạn lạc thời 9 năm kháng chiến.

Theo thi sĩ Quách Tấn, cụ Tam Hà là người đã tạo điều kiện cho ông bước vào thể loại Văn Tế. Và bài Văn nầy được xem như là bài hay nhất trong các bài thuộc thể loại nầy được biết do Quách Tấn chấp bút.




Hỡi ôi,
Sông gãy cầu ô,
Núi gầy thân đá !
Cõi trần hạc mơ màng một giấc, có có không không;
Máy huyền vi tráo trở trăm chiều, sanh sanh hóa hóa.
Nhớ lương nhân xưa :
Nghiệp dõi Châu Trình,
Thú quen Vương Tạ.
Trên nước nhà trung hiếu hai vai,
Ngoài bạn lứa tín thành một dạ.
Gốc Tử nhớ ngày bóng ngã, miền Hương giang phận xót liễu bồ; (1)
Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa, trời Tượng lĩnh thân nương tòng bá. (2)
Cuộc phong lãng mười năm về trước, nhắc làm chi cho ruột thêm đau !
Cảnh gia viên mấy độ gần đây, vun bén lại xem tình chút thỏa.
Ngựa hồng khớp bạc, hôm sớm đi về;
Ruộng lúa soi dâu, tháng ngày thong thả.
Nhìn dưới gối trên mười đông, chữ thập vô dù thốt, nàng Ban ả Tạ, giá văn chương trước mắt những mơ màng;
Tựa bên nôi gần ba tháng, câu nhất hữu thường ngâm, non quế sân hòe, vẻ xiêm áo trong mơ cười hỉ hả.
Lòng những chắc trời thương đất tưởng, thú phong lưu còn đãi khách hào hoa;
Nào hay đâu gió tạt sương sa, miền cố thổ bỗng cướp người phong nhã.
Ôi !
Tuổi chửa bao lăm,
Trời sao vội vã !?
Con thơ vợ dại, biết nhờ ai tủ nắng che mưa !
Mẹ yếu cha già, đành thiếu kẻ nằm băng khóc giá.
Thảm thiết bấy phòng khuê đêm tối, giấc bàng hoàng trở dậy hỏi Cha đâu … ?
Não nùng thay cửa vắng ngày chiều, thân lảo đảo thở ra Trẻ đã … !
Thềm đãi nguyệt mưa chan khóm trúc, tơi bòi giọt lệ Tương Phi!
Gác thừa lương dế rỉ hơi sương, vắng vẻ cung đàn Tư Mã!
Ba thước đất không xa mà cách, nẻo thăm tìm cánh bướm bơ vơ !
Bốn phương trời về đó là đâu, xe ngày tháng bóng câu giục giã !
Đen mịt mịt bóng mây trủng quạnh, mới ngày nào tiếng nhạn thương thu !
Xanh dờn dờn sắc cỏ gò cao, kìa nay đã hồn quyên khóc hạ !
Nhìn lui ngó tới, cảnh khó làm khuây;
Thương dập nhớ dồn, tình khôn xiết tả.
Nay
Tuần tiểu tường vừa đến, chút tinh thành bát nước nén hương,
Miền âm cảnh có hay, về phù hộ con thơ vợ góa.
Có thiêng xin chứng.
Án Mạnh Thị nén hương bát nước, sóng khơi sầu, than đốt tủi, thoảng hơi may tâm sự luống tơi bời
Đàn Chu Lang phím trúc đường tơ, thương lạc điệu, nhớ chùng giây, nghe tiếng dế tình hoài thêm bức rức
Mai trắng phau phau miền Lộc Đỗng, bẽ bàng thay, ai kẻ thân tri !
Tre xanh dợn dợn bến Côn Giang, lơ lửng đấy, bóng người tương thức !
Đưa nếp tử mơ màng còn nhớ lúc, ruột tằm lau chưa ráo lệ năm vần !
Vút xe tiên thắm thoát đã đầy năm, hồn cuốc lại khêu thêm sầu một bức !
Người chin suối thấu trời truy ức, bước theo về ngọn gió hiu hiu,
Rượu ba tuần lóng giọt tinh thành, niềm tưởng tới mùi hương phức phức.

Phục duy thượng hưởng



(1)  Vợ của cụ Tam Hà - Trần Thiếu Du là em gái của Chí sĩ Đồng Sỹ Bình, người Huế.
(2)  Núi An Tượng là một danh sơn ở Bình Định.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét