Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Hai, 2 tháng 4, 2012

LỜI BIA MỘ


Mộ Bi hay Mộ Chí là tấm bia ở mồ người chết có khắc ghi công đức, sự nghiệp của họ để truyền lại cho đời sau. Đơn giản hơn, Bia Mộ ghi rõ danh tính, quê quán, năm sinh, năm mất, việc đã làm … để cháu con, người đời xem đó mà biết được ai là người nằm dưới mộ, đã nằm đó được bao lâu, họ đã làm gì cho đời …

Trăm năm bia đá thì mòn
Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ

Dẫu biết ngày xưa là vậy, nhưng không riêng gì Mộ Bi hay Bi Văn (những bài văn khắc trên bia đá), nếu không có những dấu vết văn bia còn sót lại, người đời nay đâu thể tường tận hình ảnh cũng như cách sống của người xưa. Biết xưa là để sống nay sao cho không tủi hổ với những gì mà người trước đã làm được. Cảm thông chuyện người xưa mới cảm thông được chuyện của người nay. Ghé thăm nấm mộ của nàng Tiểu Thanh là sự cảm thông nỗi đau xé ruột Đoạn Trường của Cụ Nguyễn Tiên Điền. Nỗi cảm thông của 300 năm trước sẽ tồn tại mãi nghìn năm, không chỉ dừng lại cho chỉ 300 năm sau đó.


Với cuộc sống hối hả ngày nay, đam mê, bon chen với mưu sinh, người đời nay dễ quên chuyện xưa hơn là nhớ. Bia miệng người đời nay dễ mòn theo cuộc sống hơn là văn tự khắc trên bia đá. Nếu không đọc được Bi Văn mà Từ đường họ Nguyễn Thế ở Phụng Sơn, Tuy Phước hiện còn lưu giữ được, hỏi thử mấy ai ở Bình Định biết được hơn trăm năm trước tại quê nhà đã có người khởi xướng lập ra Nghĩa thương, mua Nghĩa điền để chi dụng việc từ thiện và cứu tế hằng năm cho dân làng Phụng Sơn !?

Bia mộ nằm đó với sương gió dãi đầu. Nhưng tự bản thân nó chuyển tải đến người đời sau tiếng nói của hồn thiên cổ. Cũng vì vậy mà Tam Nguyên Yên Đỗ đã cẩn trọng di thư để lại cho con cháu :

Việc tống táng nhung nhăng qua quýt
Cúng cho Thầy một ít rượu hoa
Đề vào mấy chữ trong bia
Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu

Tự bản thân của bia mộ xưa mang tính khiêm tốn, cẩn trọng là để tránh rìu búa của miệng đời. Văn tế đọc xong rồi đốt, nhưng Văn bia khắc lên vẫn còn đó với miệng đời. Bia mộ lập cho Cụ Trần Tế Xương mới đây (1989) không mang tính cẩn trọng, chỉ sơ sót một vài từ, trước phản kháng của dư luận, chính quyền Nam Định năm 2011 đã phải sửa sai, cho chỉnh lại bài thơ khắc trên bia mộ Cụ Tú.

Văn tự khắc lên bia rành rành câu chữ, không thể không cẩn trọng khi lập bia. Bi văn khắc thờ cụ Nguyễn Thế Hiển (1823 – 1871) ở Phụng Sơn, Tuy Phước phải nhờ vào văn tài của cụ Tú Nhơn Ân (Quỳnh Phủ Nguyễn Diêu - Thầy dạy cụ Đào Tấn) chấp bút. Khi Tri Phủ Lê Trung Khoản về nhậm chức Tri Phủ Tuy Phước, thấy xã thương Phụng Sơn kho lẫm thóc đầy, hoạt động mở rộng qua các địa phương bên cạnh. Ca tụng thêm hạnh tích cụ Nguyễn Thế Hiển và xã thương, ca tụng văn tài của cụ Tú Nhơn Ân, vào năm Khải Định thứ 2 (1917), ông cho khắc thêm bài minh của ông phía mặt sau bia đá đã có. Đủ thấy công đức, sự nghiệp của người xưa được người xưa trân trọng tới mức nào.

Cũng từ tính khiêm tốn và cẩn trọng, những nhà thường thường bậc trung ngày xưa chỉ dám lập bia ghi danh tánh, tuổi tác mà không dám ca tụng nhân phẩm, đức hạnh của người mất.

Sống cái nhà, Già cái mồ. Phong cảnh nơi người mất đang nằm cũng là điều người xưa xưng tụng. Bia Mộ xưa cũng thường cho khắc những câu liên quan đến quang cảnh, địa cuộc của ngôi mộ.

Một ngôi mộ ở Tiên Thuận (Tây Sơn) phía sau lưng có Hòn Mun, phía trước là sông Côn có khắc câu mang hình ảnh của một địa cuộc :

Tiền Thanh Long thủy
Hậu Hắc Hổ sơn

Thanh Long thủy phía trước
Hắc Hổ sơn phía sau

Mộ của một cự phú ở Hữu Giang (Tây sơn - Bình Khê cũ) có câu bia nghe đâu là cụ Đầu xứ Cao Cự Diêu cho chữ :

Vật đắc kỳ bình - khê thảo dã hoa oanh đối ngữ
Thần như tại hữu - giang phong sơn nguyệt nhạn hoành phi

Cảnh Vật phẳng bằng, suối khe, hoa đồng, oanh ca hót
Miếu Thần phía phải, gió sông, trăng núi, nhạn liệng bay

Cái hay câu bia nói được cảnh quan chung quanh mộ, mà câu chữ còn ghép được địa danh nơi ngôi mộ đang nằm là Bình Khê, Hữu Giang.

Bia miệng, lời nói gió bay. Người đời có thể thêm thắt, cắt xẻo làm biến dạng sự việc. Nhưng Bia mộ xưa nằm đó, nó phản ảnh được văn hóa của thời đại người nằm dưới mộ.

Ngày nay mộ phần người mất được xây dựng đẹp đẽ hơn, quy mô hơn ngày xưa rất nhiều, thể hiện được mức sống của người thời nay, thể hiện được sự chăm lo cho người quá vãng. Nhưng văn từ mộ bia không còn giống như thời xưa nữa. Ngoài văn bia khắc danh tánh, tuổi tác, quê quán người mất, ngày nay thường đem khắc đá những câu đối dán lên mộ. Đại loại những câu :

Vợ thương tình nghĩa trăm năm nguyện
Con khóc cù lao trọn kiếp thờ

Cực Lạc mẹ về vui cảnh Phật
Trần Gian con mãi vấn vương sầu

Những câu đối nầy na ná những câu khóc, câu thờ người mất ở bàn linh.

Theo Nghi lễ tang chế ngày xưa, khi người mất đã được 3 tháng 10 ngày, gia đình cúng Tuần Bách Nhật, còn gọi là làm Tuần Trăm Ngày, Tuần Tốt Khốc. Kể từ tuần nầy trở đi, thôi cúng cơm ngày 2 bữa trên bàn vong người mất, con cháu sẽ thôi không còn khóc nữa (tốt khốc). Khi được 3 năm, thường là sau 24 tháng, cộng thêm 1 hoặc 2 hoặc 3 tháng (gọi là những tháng dư ai), gia đình làm lễ trừ phục mãn tang, thu cất trướng liễn phúng điếu, đốt liễn thờ bàn linh và bài vị cũ, xếp bỏ bàn linh, rước linh vị mới, di ảnh của người mất vào bàn thờ chính.

Như vậy những câu đối liễn ở bàn linh người mất chỉ sử dụng trong thời gian tang chế. Còn bàn thờ chính, hoặc bàn thờ Tiên Tổ đã có những câu liễn đối, đại loại như câu :

Tổ công Phụ đức thiên niên thịnh
Tử hiếu Tôn hiền vạn đại vinh

Nhờ công đức cha mẹ ông bà mà ngàn năm hưng thịnh
Cháu con đều hiền thục hiếu hạnh thì vạn đời vinh hiển

Ngày nay công nghệ khắc đá áp dụng kỷ thuật có máy móc hổ trợ. Câu bia được sưu tập, khách hàng thích câu nào thì chọn đặt làm câu ấy. Chỉ trong một buổi, một ngày là nhà khắc đá bia mộ có thể giao sản phẩm ngay cho khách hàng. Chính từ điều nầy mà vùng nào, địa phương nào cũng có những lời trên bia mộ giống như nhau. Bia mộ không còn mang tính đặc thù riêng của từng ngôi mộ, không có sự cân nhắc nói về người đã quá vãng nằm dưới mộ.

Điều ít ai để ý tới, lời trên bia mộ ngày xưa là lời nói về người đang nằm dưới mộ, và nói về chỗ người ấy đang nằm. Đôi khi lời trên bia mộ cũng là lời của người chuẩn bị cho chính mộ phần của mình. Nhà yêu nước hoạt động phong trào Duy Tân ở Phan Thiết, một trong những người sáng lập trường Dục Thanh là Hồ Tá Bang, trước khi mất, ông cho khắc câu đối trên sinh phần của mình :

Sinh vi nô lệ sinh do tử
Tử hữu tinh thần tử nhược sinh

Sống mà làm nô lệ, thì sống như đã chết
Chết mà có tinh thần, là chết nhưng còn sống

Lời trên bia mộ ngày xưa không phải là lời nói về người sống, lời khóc của người sống.

Nghi thức lễ nghĩa, tập quán ngày xưa có nhiều điều không còn phù hợp với nhịp sống thời đại. Nhưng người ngày nay có những khoảng trống văn hóa mà mình đã tự đánh mất khi cho rằng mọi tàn dư phong kiến là những trói buộc, lạc hậu … Thời đại mới có những tư tưởng mới, nếp sống mới. Con người thời nay có quyền, có đủ điều kiện làm những gì mình thích, thể hiện những gì mà mình muốn. Nhưng lời trên bia mộ sẽ còn đó với mai sau.

Nếu ngày sau con cháu bước vào một nghĩa trang, đọc các lời khắc trên bia mộ thấy nhà nhà đều khóc, làng làng đều khóc như nhau, khó hiểu trước cái khóc được đem trình ra trước thiên hạ, thiên hạ mới biết nỗi khóc thương người dưới mộ … Nếu con cháu bần thần đứng trước những mộ phần chạm rồng trổ phượng xa hoa như lăng mộ đế vương mà nhiều cảnh ngộ khó khổ vẫn còn nhan nhản chung quanh … Nếu con cháu sẽ ngỡ ngàng trước mộ phần có đắp tạc những bức tượng khỏa thân, những chiếc xe ô tô, gắn máy thay cho mộ chí như người Tây phương đang thực hiện … Chúng ta nghĩ gì đây !?

Người thời nay chăm lo chu tất mộ phần người quá vãng là điều đáng trân trọng. Xã hội sung túc là điều đáng mừng. Nhưng sự sung túc đến bất thường trong khi mối hiềm thù tiềm ẩn trong tâm thức tự bấy lâu nay chưa phai nhạt. Sự sung túc đến quá nhanh tới nỗi con người bên trong mình không kịp lớn bằng với số lớn tài sản đang có trong tay. Tránh sao khỏi chông chênh văn hóa ứng xử. Có đúng không nếu nói rằng con người thời nay đã có một khoảng trống văn hóa vì đã đánh mất nội tại, tiếp nhận những ngoại lai vô tội vạ, không chọn lọc … !?


Hoài An - 2012

Xem thêm :






.

Hôm nay ngày 04/04 DL, Tết Thanh Minh năm 2012, Tết Cõi Âm. Hiện còn bao nhiêu nấm mồ vô chủ chẳng có mộ bia !? 

Tết Thanh Minh năm 2013 Ngày 04/04 DL (24 tháng 02 Quý Tị)
Tết Thanh Minh năm 2014 Ngày 05/04 DL (6 tháng 3 Giáp Ngọ) 

Liệu những nấm mồ đó vẫn còn những tấm lòng bao dung lo nhang khói …khi cuộc chiến qua rồi đã mấy chục năm !?



Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co.
Xác người nằm bơ vơ, dưới mái hiên chùa
Trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu

Mùa xuân ơi, xác nuôi thơm cho đất ruộng cày
Việt Nam ơi, xác thêm hơi cho đất ngày mai
Đường đi tới, dù chông gai
Thì quanh đây đã có người

Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này
Bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây
Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này
Trong những vùng lửa cháy, bên những vồng ngô khoai

3 nhận xét:

  1. Từ một nguyên cớ đời thường tác giả có cái nhìn rất tâm huyết về một hiện tượng xã hội-tạm gọi là VĂN HÓA BIA MỘ-đã bị đời sống thực dụng , mì ăn liền xâm thực và nếu không cứu vãn chuyện mất gốc chỉ là vấn đề thời gian!
    Cảm xúc chuyển ý trong bài mềm mại và tinh tế đến ngỡ ngàng ! tôi như thấy tác giả quặn ruột mình để nhả ra những sợi tơ lòng óng ánh cho đời.

    Trả lờiXóa
  2. Vâng, cảm ơn anh đã cùng chung sẻ chia.

    Trả lờiXóa
  3. Chúng ta bây giờ đang đi qua xa với thực tế , cuộc sống hối hả làm mệt mỏi bao nhiêu con người tham vọng sống ích kỹ cho riêng mình. Khi còn sống biết cho , nhường nhịn mọi người thì mai này có thác .Cuộc đời này còn mãi trong tâm tưởng người mai sau những lời chúc phúc tốt đẹp

    Trả lờiXóa