Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

BÀI CHÒI BÌNH ĐỊNH (2)

THỂ THỨC CUỘC CHƠI


Một hội bài chòi, ngoài số người đến đánh bài và thân nhân của họ, còn có số người đến xem, có thể lên đến vài trăm người. Một đám hát trống, người xem thường có mặt từ lúc dạo tuồng đến khi vãn tuồng. Nhưng ở bài chòi, người xem có thể đến rồi ra về bất cứ lúc nào tùy thích, và không có lệ bán vé vào xem.

Muốn đánh bài chòi người ta phải báo cho ban tổ chức biết để sắp xếp ở hội kế tiếp. Người đến xem không cần xin phép ai cả, cứ chen vào đứng dọc theo các chòi và rạp, làm thành một vòng bao quanh sân khấu.

Mỗi ngày cuộc chơi kéo dài từ sáng tới khuya. Giờ ăn chỉ nghỉ ngơi chốc lát. Ở đám bài chòi, lúc nào cũng có tiếng kèn trống, âm thanh rộn rã vang xa, lôi cuốn thúc dục:

Rủ nhau đi đánh bài chòi
Ðể cho con khóc đến lòi lún ra 


Trống chầu một hồi ba tiếng rống lên, giàn nhạc tiếp theo phụ họa, cuộc chơi bắt đầu. Những người tham gia leo ngồi trên chòi, do ban tổ chức sắp xếp. Người đánh bài có thể rủ bạn bè, thân nhân hay người tình lên ngồi trong chòi của mình.

Ban Hiệu ra sân, thường thì một nam một nữ, nếu thêm một người nữa để thay bài thì càng tốt. Hiệu hô bài mặc áo dài đen, đội khăn đóng, thắt dây lưng đỏ, mặt đánh phấn thoa son, có khi hóa trang như là đào kép hát bội. Hiệu bưng khay đến từng chòi thu tiền và phát bài. Người ngồi trên chòi nhận bài, đem găm ở khúc chuối hay bó rơm để sẵng trên chòi. Phát bài xong, Hiệu đến trước rạp vái chào ban tổ chức rồi hô lớn:

- Phát bài đã đủ cho Hiệu tính tiền.

Người điều khiển cho cuộc chơi đáp lại bằng ba tiếng trống chầu. Hiệu cúi đầu:

- Dạ!

Trống lệnh đã cho phép.

Hiệu hai tay ôm lấy ống đựng thẻ lắc mạnh nhiều lần. Khi các con bài đã trộn lẫn vào nhau, Hiệu vói tay rút một con bài. Mọi người hồi hộp chờ đợi tên con bài đang nằm trong tay Hiệu. Lúc ấy tiếng trống chầu thúc liên hồi, dàn nhạc cũng dồn dập tưng bừng, kích thích lòng mong đợi của mọi người. Nhưng Hiệu chưa vội đọc tên con bài. Anh ta múa may, vái chào mọi người rồi mới cất giọng hô điệu bài chòi bằng hai câu thơ hay cả bài lục bát tùy thích. Có điều câu cuối bao giờ cũng có chữ chỉ định tên con bài vừa mới rút được. Chẳng hạn tên con bài là Ngũ Trượt thì hô:

Trời mưa làm ướt sân đình
Anh đi cho khéo trợt ình xuống đây
Trợt quơi (ơi), Ngũ Trợt!

Tức thì chòi có bài trùng với con bài ấy đáp lại bằng ba tiếng mõ "cốc, cốc, cốc!". Nếu là chòi trung ương trúng thì đánh ba tiếng trống "tum tum tum!"

Hiệu trao thẻ bài cho người chạy bài đem đến chòi trúng. Con bài ấy được găm vào khúc chuối cây hay bó rơm trên chòi. Hiệu lại tiếp tục lắc ống rồi rút con bài khác. Và cũng theo thủ tục hô bài như đã nói trên.

Ban đầu trong ống có 27 thẻ bài, nhưng bớt dần theo mỗi lần rút thẻ cho đến khi có một chòi nào trúng được ba lần, tức là bài đã tới thì mới chấm dứt ván bài. Khi Hiệu hô xong con bài, nếu có chòi trúng lần thứ ba thì báo hiệu bài tới bằng một hồi mõ dài (chòi trung ương thì báo một hồi trống tum), lúc ấy, ở rạp ban tổ chức, một hồi trống chầu được gióng lên, báo hiệu xong một ván bài.

Hiệu bưng khay tiền và một lá cờ đuôi nheo đến tận chòi có bài tới. Cờ đuôi nheo còn gọi là cờ hiệu, có hình tam giác vuông, màu đỏ bằng giấy. Trên cờ viết số thứ tự ván bài, từ đệ nhất, đệ nhị đến đệ bát. Hiệu đứng trước chòi có bài tới trịnh trọng thưa:

- Vâng lệnh làng lãnh lấy khay tiền
Hiệu (tui) khẩn cấp điện cờ Ðệ nhất.

Theo lệ, chòi có bài tới, muốn lịch sự phải thưởng tiền cho Hiệu, nhiều ít là do tài diễn xuất của Hiệu. Vì thế, khi dâng khay tiền, Hiệu phải trổ tài múa những động tác đẹp mắt, miệng thì ngâm thơ, hát Nam, hát Khách. Nếu gặp người tới có máu văn nghệ, hỏi đố bằng thơ, Hiệu cũng phải biết đáp bằng thơ. Chẳng hạn như câu hỏi đố:

Cái gì có trái không hoa?
Cái gì không rễ cho ta tìm tòi?
Cái gì vừa thơm vừa tho?
Kẻ yêu người chuộng, kẻ dò tình nhân?
Cái gì mà chẳng có chân?
Cái gì không vú xây vần lắm con?
Cái gì vừa trơn vừa tròn?
Mười hai tháng chẵn không mòn chút nao?
Cái gì mà ở trên cao?
Làm mưa làm gió làm sao được vầy?
Cái gì mà ở trên cây?
Trèo lên tụt xuống khen ai là tài
Cái gì chỉ có một tai?
Cái gì một mặt cái gì ngẳng lưng?
Cái gì anh gảy từng tưng...

Nếu không lanh trí, có tài ứng đối, thuộc nhiều ca dao, câu đố... Hiệu khó mà vượt qua nổi. Hiệu nhanh nhẩu đáp ngay:

Cây súng có trái không hoa
Tơ hồng không rễ cho ta tìm tòi
Quế ăn vừa thơm vừa tho
Kẻ yêu người chuộng, kẻ dò tình nhân
Cái ốc ma không có chân
Con gà không vú xây vần lắm con
Sợi chỉ vừa trơn vừa tròn
Mười hai tháng chẵn chẳng mòn chút nao
Ông trời mà ở trên cao
Làm mưa làm gió làm sao được vầy
Con vượn mà ở trên cây
Trèo lên trợt xuống khen ai là tài
Cối xay đậu có một tai
Trống mảng một mặt, mâm bồng ngẳng lưng
Ðàn bầu anh gảy từng tưng...

Hiệu vừa đáp xong, người chủ chòi trúng khoái quá, đổ cả khay tiền xuống thưởng. Các chòi thua cuộc, chẳng buồn việc ăn thua, vẫn ném tiền xuống thưởng tài nghệ của Hiệu, người đứng xem cũng hùa theo, vãi tiền vào sân như bươm bướm lượn.

Màn thưởng thức xem chừng đã mãn. Trống chầu của ban tổ chức vang lên một hồi ba tiếng, báo hiệu cuộc chơi cho ván kế tiếp. Người chạy bài đi thu con bài ở các chòi đem bỏ vào ống thăm chuẩn bị. Người xem chỉ cần nhìn cây cờ đuôi nheo cắm ở chòi trúng có đề số thứ tự thì biết hội bài này đã chơi đến ván thứ mấy.


Thời gian cho một ván bài không chừng, tùy sự may rủi của việc bốc bài. Nhanh nhất, bốc ba lần đã thấy bài tới. Còn chậm nhất phải bốc đến lần thứ 19. Ngoài ra còn tùy thuộc vào việc hô bài của Hiệu. Nếu hô những bài dài thì chiếm nhiều thời gian. Vì vậy Hiệu thường hô những câu thai chỉ có hai hoặc bốn câu lục bát. Thỉnh thoảng mới chen một bài dài hoặc bài có tính hài hước để thay đổi không khí, tránh sự nhàm chán. Chẳng hạn như câu thai của con bài Bạch Huệ chọc cười dưới đây:

Con vợ tui tốt tợ tiên sa
Coi trong thiên hạ ai mà dám beng (bì, sánh)
Lưng khòm rồi lại da đen
Còn hai con mắt tợ khoen trống chầu
Giò cao đít lớn to đầu
Lại thêm cái mặt cô sầu bắt ghê
Việc làm trăm việc tui chê
Chỉ thương có chút cái Bạch Huê nó tròn...

Những câu thai thường có sẵn, Hiệu phải thuộc lòng hàng trăm câu. Cũng có khi Hiệu phải sáng tác hoặc chắp nối, ráp câu nọ với câu kia, miễn sao câu thai nói lên được tên con bài Hiệu vừa mới bốc. Ðể tăng sự hấp dẫn, khi hô Hiệu phải diễn tả bằng điệu bộ, nét mặt, giọng nói như một diễn viên hát bội rành nghề. Nội dung câu thai cũng luôn thay đổi.

Chẳng hạn ván thứ nhất, gặp con bài Nhì Nghèo, Hiệu hô:
Chắp tay với chẳng tới kèo
Cha mẹ anh nghèo chẳng cưới được em!

Ván thứ hai, nếu gặp lại con bài đó, Hiệu hô câu thai có nội dung khác:
Cây khô tưới nước cũng khô
Vận nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo

Ván thứ ba Hiệu đổi khác:
Nhiều quan thêm khổ thằng dân
Nhiều giàu thì lại chết trân thằng nghèo

Ván thứ tư lại khác:
Thấy anh em cũng muốn theo
Chỉ sợ anh nghèo anh bán em đi

Ván thứ năm khác nữa:
Buồn từ trong dạ buồn ra
Buồn anh ở bạc, buồn cha mẹ nghèo

Ván thứ sáu, vẫn còn nhiều câu khác nữa:
Ngày thường thiếu áo thiếu cơm
Ðêm nằm không chiếu lấy rơm làm giường
Dù dơi, dép bướm chật đường
Màn loan gối phượng ai thương thằng nghèo

Ngoài ra tên con bài cũng được gọi trại đi hoặc đổi khác để ứng vào một câu thơ hoặc câu ca dao nào đó.

- Gọi khác chữ, chẳng hạn Bảy Thưa thành Bảy Hột. Gặp cái bài này, Hiệu xử dụng một trong hai câu thơ sau đây làm câu thai:

Ước gì em chửa có chồng
Anh về thưa với cha mẹ mang rượu nồng đón em

hoặc:

Còn duyên mua thị bán hồng
Hết duyên buôn mít cho chồng gặm xơ
Gặm xơ rồi lại gặm cùi
Có ba bảy hột để lùi cho con

- Nói trại, chẳng hạn Ngũ Rốn thành Ngũ Rún rồi thành Ngũ Ruột:

Rủ nhau đi đánh bài chòi
Ðể cho con khóc đến lòi lún ra

hay:

Thò tay vào ngắt ngọn ngò
Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ

- Suy diễn, từ Ngũ Dụm thành Ngũ Dít:

Một cây làm chẳng nên non
Ba cây dụm lại thành hòn núi cao

hoặc:

Ðêm khuya ngọn gió thổi lồng
Hai con dít lại, thằng chồng chết queo

- Có khi dùng câu đố làm câu thai. Trường hợp này thì nội dung của câu đố đã diễn tả tên con bài nên câu chót không cần phải trùng chữ với tên con bài nữa. Chẳng hạn gặp con bài Ba Gà, Hiệu có thể hô câu thai:

Mình vàng vận áo mã tiên
Ngày ba bốn vợ tối nằm riêng một mình

- Có trường hợp không cần nêu tên con bài mà chỉ giải nghĩa đầy đủ là được. Gặp con bài Thái Tử, có thể dùng câu:

Thuyền ai thấp thoáng bên bờ
Hay thuyền ông Lữ đợi chờ con vua

- Ðôi khi Hiệu dùng câu thai hình tượng để suy diễn ý nghĩa con bài Tứ Cẳng (còn gọi là Tứ Ghế hay Tứ Móc):

Một hai bận nói rằng không
Dấu chân ai đứng bờ sông hai người

- Thỉnh thoảng còn dùng những câu thai mơ hồ, người xem khó đoán được tên con bài Nhì Bánh mà Hiệu đang nắm trong tay:

Biết rằng ai có mong ai
Sao trời lại nỡ xé hai thế này
Có sao hôm mà chẳng có sao mai
Hai đàng hai đứa tình phai hoa tàn

- Cũng có lúc, cả bốn câu đều nhắc đến tên con bài. Gặp con bài Chín Cu thì câu thai sau đây điển hình cho trường hợp này:

Tiếc công bỏ mẩn cho cu
Cu ăn, cu lớn, cu gù, cu bay
Cu say mũ cả áo dài
Cu chê nhà khó phụ hoài duyên anh!

- Còn như gặp những câu thai nêu trọn vẹn tên con bài thì Hiệu không bao giờ bỏ qua cơ hội. Chẳng hạn như con bài Ba Bụng mà dùng câu thai sau đây thì tuyệt :

Xét ra cho kỹ sự đời
Ba người ba bụng không ai thời giống ai.

Khi bài tới ván thứ tám thì xong một hội. Lẽ ra phải chín ván vì có chín chòi đóng tiền, nhưng phải dành tiền ván thứ chín để ban tổ chức chi phí cuộc chơi và trả tiền công cho gánh bài chòi. Vậy khi vãn một hội thì ban tổ chức được một khoản tiền bằng số tiền cáp của một chòi, và cứ xong một hội thì ít nhất cũng phải có một chòi thua.

Xong một hội, trống chầu vang lên một hồi rất dài. Ban nhạc cũng tạm nghỉ giải lao, chuẩn bị cho hội khác. Người đánh bài nếu muốn chơi tiếp thì vẫn ngồi trên chòi của mình, bằng không thì xuống, để chòi trống cho người khác lên thay.

Đào Đức Chương
(Còn tiếp)


.

1 nhận xét:

  1. nên đăng tải nhiều viedo clip bài chòi như của Hội An để mọi người dân trên cả nước thưởng thức, góp ý hoặc bổ sung nội dung

    Trả lờiXóa