Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Hai, 17 tháng 1, 2011

CON TÀU THỜI GIAN (1)

SƠ LƯỢC LỊCH TÂY – LỊCH TA

Quỹ đạo của Trái đất và Mặt trăng

Ngày hết Tết đến. Tết Dương lịch đã qua rồi nửa tháng, nửa tháng nữa lại đến Tết ta. Con tàu thời gian cứ vậy mà trôi. Năm, tháng, ngày, giờ cứ vậy đi qua với dòng đời.
                 Thời giờ ngựa chạy tên bay
                 Hết trưa lại tối, hết ngày lại đêm
                 Đông qua Xuân lại đến liền
                 Hè về rực rỡ, êm đềm Thu sang …
Năm, tháng, ngày, giờ là những quy ước xác định thời gian, từ đây con người chế tạo ra lịch để ghi nhận sự tuần hoàn của thời tiết, của ngày đêm, ghi lại những sự kiện quan trọng xảy ra trong dòng đời … Hiện nay Việt Nam ta sử dụng song hành 2 loại lịch. Người dân đơn giản gọi là Lịch Ta và Lịch Tây, hay còn gọi là Lịch Âm và Lịch Dương.
Gọi Lịch Ta – Lịch Tây để phân biệt lịch mà dân tộc đã dùng trước đó với lịch người Tây đã du nhập vào Việt Nam thời Pháp thuộc. Gọi Lịch Âm – Lịch Dương để phân biệt theo phép làm lịch.
 Dương Lịch được lập nên căn cứ vào chuyển động tuần hoàn của trái đất, là loại lịch mà ngày tháng của nó xác định vị trí của trái đất khi nó quay quanh mặt trời (trong thiên văn học còn gọi là xác định vị trí biểu kiến của mặt trời trên thiên cầu). Dương lịch mà ta đang sử dụng bây giờ còn gọi là Lịch Gregory (tên của một Giáo Hoàng).
Âm lịch được lập nên lấy chuyển động của mặt trăng làm chính để hình thành tháng ngày, là loại lịch dựa trên chu kỳ của tuần trăng. Âm lịch Việt Nam đang dùng thực ra là một loại Âm Dương lịch, không phải là loại Âm lịch thuần túy. Âm lịch của ta có tháng căn cứ theo tuần trăng, nhưng với sự hình thành các Tiết khí (Xuân phân, Thu phân …) phân định được 4 mùa, nên năm Âm lịch khi có bổ sung tháng nhuận nó có chu kỳ là năm của mặt trời (Dương lịch).
Sự hình thành của Lịch Âm, Lịch Dương trải qua nhiều cải cách mới có chuẩn mực như ngày nay, nhưng với tiến triển của Thiên văn học, sự cần thiết sử dụng phải phù hợp với nhịp sống công nghiệp ngày nay, thế giới đang có nhiều đề xuất cải cách, thay đổi lịch. Chờ đến khi có sự đồng thuận sử dụng lịch mới cho cả thế giới chắc là còn lâu. Lịch Gregory xác lập vào năm 1582 tương đối chính xác so với các loại lịch khác mà nhân loại sử dụng, nhưng phải mấy trăm năm lịch nầy mới được công nhận, phổ biến sử dụng rộng rãi trên thế giới.
Hiện tại ta sơ lược đôi nét về các thang thời gian năm, tháng, ngày, tuần lễ của Lịch Âm và Lịch Dương mà Việt Nam đang sử dụng.
Trong vũ trụ, trái đất tự xoay quanh nó, một nửa đón nhận ánh sáng từ mặt trời, nửa kia nằm trong bóng tối. Ở một vị trí nào đó trên trái đất, cứ qua mỗi lần đón nhận được ánh sáng là có được 1 ngày. Khoa học của Tây phương là khoa học số hóa nên Lịch Tây ghi nhận ngày – đêm là ngày 1, ngày 2, ngày 3, ngày 4 … Khoa học của Đông phương là khoa học tượng hóa nên lấy hình tượng của loài vật mà gọi là ngày Tý, ngày Sửu, ngày Dần, ngày Mẹo …
Trong Thiên văn học, hình chiếu quỹ đạo của trái đất lên bầu trời gọi là Hoàng đạo, vùng phụ cận Hoàng đạo về cả 2 phía được gọi là Hoàng đới, hình chiếu quỹ đạo của mặt trăng khi nó quay quanh trái đất gọi là Bạch đạo.
Khi Trái đất chuyển động quay quanh mặt trời giáp vòng ngắn hơn một chút 365,2422 ngày. Dương lịch lấy tròn 365 ngày gọi là 1 năm. Phần dư gần 0.25 ngày mỗi năm, gộp 4 năm lại được một ngày, năm thứ tư có 366 ngày gọi là năm nhuận. Để xác định năm nhuận Dương lịch, năm nào chia tròn cho 4 lấy năm đó làm năm nhuận. Nhưng do vẫn còn có dung sai của thời gian vũ trụ, các nhà soạn lịch  thêm quy ước, lấy những năm đầu thế kỷ như 1800, 1900, 2000 … năm nào chia hết cho 400, năm đó mới gọi là năm nhuận. Microsoft Office Excel đã lập trình sai khi tính cho năm 1900 có 366 ngày. Dương lịch quy ước lấy năm chúa Kitô ra đời gọi là năm 1. Trước đó 10 năm gọi là năm thứ 10 trước công nguyên. Năm nay là năm 2011 (sau công nguyên).
Chuyển động biểu kiến của mặt trời trên Hoàng đạo, mặt trời lần lượt đi qua 12 chòm sao nằm trên Hoàng đới mà phương Tây gọi là Aries (Bạch Dương), Taurus (Kim Ngưu), Gemini (Song Tử) …, Hoàng đạo được chia làm 12 cung tương ứng, mỗi cung gọi là 1 tháng.
Nghe truyền rằng lúc đó các nhà soạn lịch La Mã lấy 6 tháng có 30 ngày gọi là tháng thiếu và 6 tháng 31 ngày gọi là tháng đủ, một năm không nhuận có 365 ngày nên phải bỏ bớt 1 ngày vào tháng nào đó. Tháng 2 được chọn bỏ bớt vì đây là tháng nặng nề, có tục các bản án tử hình thường được thực hiện vào tháng nầy nên ai cũng muốn nó trôi qua nhanh chóng. Chưa hết, Giáo Hoàng Greegory vì sinh tháng 8, ông không muốn tháng 8 là tháng thiếu nên tháng 2 lại khấu trừ tiếp 1 ngày nữa chỉ còn 28 ngày. Năm nào nhuận gia vào tháng 2 thành 29 ngày.
Trong Dương lịch, tháng được xác định không phải là một độ dài thiên nhiên, nó là một khoảng thời gian quy ước do con người đặt ra. Ngược lại, Âm lịch xây dựng căn cứ vào tuần trăng, cứ mỗi lần trăng tròn chuyển đến không trăng xác định là qua 1 tháng. Tháng của Âm lịch là độ dài tuần trăng, một chu kỳ khách quan. Vì thế các nhà soạn lịch phải tính toán tháng thiếu, tháng đủ như thế nào để giữa tháng là trăng tròn, đầu tháng là không trăng.
 Muốn tính tháng thiếu, tháng đủ trong Âm lịch, trước hết phải xác định các ngày đầu tháng còn gọi là ngày sóc. Ngày sóc là ngày xảy ra hiện tượng giao hội của Hoàng đạo và Bạch đạo trong thiên cầu. Chu kỳ giao hội được gọi là tuần trăng có độ dài trung bình 29,53 ngày. Tính được các thời điểm xảy ra giao hội giữa mặt trời và mặt trăng là xác định các ngày đầu tháng, khoảng thời gian giữa các ngày đó xem xét là 29 hay 30 ngày mà xác định được tháng đó thiếu hay đủ. Tháng âm lịch có thể có 2 tháng thiếu liên tục, cá biệt có năm xảy ra 3 tháng đủ liền.
Dương lịch nguyên từ nguồn gốc Âm lịch thuần túy mà ra, con người cổ xưa ghi nhận thời gian cơ bản qua các lần trăng tròn. Tháng được xác định theo tuần trăng, năm được xác định là bội số của tháng để tính phù hợp với chu kỳ khí hậu. Một năm âm lịch 12 tháng khoảng 354 – 355 ngày, so với chu kỳ khí hậu hụt mất 11 ngày, 3 năm hụt một tháng, 9 năm hụt mất 1 mùa. Từ nhược điểm nầy của Âm lịch thuần túy, các nhà làm lịch cổ xưa Ai cập, La mã với tiến triển khoa học đã bỏ hẳn Âm lịch, chuyển sang dùng lịch mặt trời (lịch Julius năm 45 trước công nguyên …). Không bỏ hẳn nhưng tìm cách cải tiến để năm Âm lịch không chênh lệch nhiều so với chu kỳ khí hậu là cách làm của dân Babylon, Hy Lạp cổ, Trung Hoa cổ.
Cải tiến của lịch pháp Trung Hoa là xác định các ngày Tiết khí trên cung Hoàng đạo. Sách Lã Thị Xuân Thu thời Xuân thu Chiến quốc có ghi tên 8 tiết là Lập Xuân, Xuân Phân, Lập Hạ, Hạ chí, Lập Thu, Thu Phân, Lập Đông, Đông Chí. Đến đời Hán sách Hoài Nam Tử đã có chép đủ 24 tiết khí như ngày nay. Định các ngày Tiết khí chính là xác định ngày theo lịch mặt trời, khi tháng nào không có ngày Trung khí (Cốc Vũ, Tiểu Mãn, Hạ Chí …) thì ghép thêm 1 tháng nhuận để tính năm đó có 13 tháng.
Năm nhuận của Dương lịch là nhuận ngày. Năm nhuận của Âm lịch ta đang sử dụng (Âm Dương lịch) là nhuận tháng. Chu kỳ ghép tháng nhuận được xác định là phân số tối giản của 365,2422 chia cho 29,53 để từ đó có phân số 7/19 được dùng, cứ 19 năm có 7 năm nhuận. Trong Âm lịch, để tính mau năm nào là năm nhuận, lấy năm Dương lịch tương ứng chia cho 19, nếu có số dư là một trong các số sau :  0, 3, 6, 8 (hoặc 9), 11, 14, 17  thì năm Âm lịch đó có tháng nhuận.

(Còn tiếp)
Sự cố kỷ thuật vi tính làm cho bài chậm đăng hơn dự định. Cám ơn BuuChau đã giúp khắc phục.

3 nhận xét:

  1. 1./ Nghị kiểm tra lại coi "năm nào chia hết cho 400, năm đó mới gọi là năm nhuận": 400 hay 4?

    Trả lờiXóa
  2. BuuChau mến,
    Với tiêu chí viết sơ lược về lịch pháp, mình chỉ nêu khái quát sự hình thành và phép làm lịch của Lịch Tây và Lịch Ta. Bài viết chắc chắn có nhiều chỗ chưa đáp ứng được mong mỏi tìm hiểu cặn kẽ của người đọc về lịch pháp.
    Vấn đề năm nhuận của Lịch Dương được xác định theo Lịch Julius ban hành năm 709 kỷ nguyên La Mã, tức năm 45 trước công nguyên. Lịch Julius được nhóm thiên văn học (do Sosigenes người Ai Cập đứng đầu) quy ước cứ cách 3 năm đặt một năm nhuận, căn cứ theo độ dài trung bình của năm là 365,25 ngày. Độ dài trung bình của năm nầy so với năm mặt trời còn gọi là năm hồi quy của trái đất chuyển động giáp vòng quỹ đạo 365,2422 ngày, sai số không lớn, nhưng tích lũy lần đến 400 năm sẽ lệch mất 3 ngày.
    Đến năm 1582, Lịch Gregory (Gregorius) xác định năm nhuận : những năm Công nguyên có thể chia hết cho 4 là năm nhuận, riêng những năm đầu thế kỷ là những năm có 2 số zero đứng sau, phải chia hết cho 400 mới là năm nhuận.
    Vài dòng bổ sung thêm, chắc BuuChau và người đọc tạm hài lòng.
    Phần tiếp theo TruongNghi sẽ cố gắng đưa thêm thuật toán làm lịch của người xưa để người đọc cùng đồng cảm tại sao TruongNghi sử dụng tiêu đề của đề tài là CON TÀU THỜI GIAN.
    Cám ơn BuuChau đã đặt vấn đề, tạo điều kiện cho TruongNghi viết rõ hơn.

    Trả lờiXóa
  3. 1./ Vấn đề "chia hết cho 400 của các năm đầu thế kỷ" thì OK rồi!.
    Thiết tưởng Nghi nên đưa chi tiết khi chuyển từ lịch Julius sang Gregorius vào năm 1582, có việc điều chỉnh "sau ngày thứ năm 04/10/1582 là ngày thứ sáu 15/10/1582"!
    2./ Nhân Nghị viết bài này trùng hợp với sự kiện "chào mừng ĐH XI Đảng ta thành công rực rỡ", đồng thời sắp đến kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2, khiến mình nhớ đến cụ Nguyễn Xiển (nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Tổng thư ký đảng Xã hội, nguyên Giám đốc Nha Khí tượng). Có lần cụ đã kiến nghị với Hồ Chủ tịch "chuyển ngày tết cổ truyền sang một ngày dương lịch có tính dân tộc và khoa học hơn là ngày đầu năm âm lịch...là ngày 3/2, ngày đảng Cộng sản Đông Dương ra đời...".(Trích từ "Vì sao nên dùng dương lịch" của Nguyễn Xiển, NXB Phổ thông, năm 1977)
    Tiếc thay Bác và Đảng ta lại chưa nghe theo kiến nghị có tính đân tộc và khoa học ấy của cụ Nguyễn Xiển!

    Trả lờiXóa