Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

VÈ CÔ THÔNG TẰM




Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè … “gì đấy” …  

Những bài vè thường mang tính thời sự, có câu có vần, dễ làm, đọc từ miệng người nầy truyền sang miệng người khác nên có sức lan truyền rất nhanh. Ngày xưa, một cái xóm quê bé tí Đồng Phó đất Tây Sơn, năm ba phút đi quanh đã quay về chốn cũ mà cũng có cả một bài vè :

Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè Đồng Phó
Hay ăn thịt chó
Là ông Trí già
Tính hay la cà
Là bà Thừa Mía
Chân đi cà khía
Là anh Xã Dẹo
Chuyên nghề bán kẹo
Là bà Nhưng Hai
Cái tính nói dai
Là cô …   …


Không rõ bài vè Đồng Phó ngày xưa ấy ai đã tác tạo nên nó, diện mạo từng nhân vật trong xóm cứ vành vạnh trên miệng của mấy đứa nhỏ. Mà hình như ai cũng có thể làm được vè, có thể nối dài thêm ra, nên cuối cùng cũng chẳng biết ai là tác giả chính thức. Vè được đặt ra do những ai không tên không tuổi đó, đề tài của vè thường chỉ quẩn quanh chuyện vặt vãnh của xóm làng, sức sống của vè cũng vì vậy mà mau chóng đi vào quên lảng. Nhân vật trong bài vè Đồng Phó hầu hết đã là người thiên cổ. Người Đồng Phó bây giờ còn nhớ được đôi câu của bài vè chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Đất Bình Định có hai bài vè đã vượt khỏi lũy tre làng chu du khắp xứ là Vè Chàng Lía và Vè Cô Thông Tằm. Nghe đâu Đức Từ Cung của Nguyễn triều ngày xưa cũng thích nghe hai bài vè nầy. Đất Huế thần kinh biết được chuyện Chàng Lía, Cô Thông Tằm của đất Bình Định hình như là nhờ công trạng nói Vè của người đàn bà tên Mụ Mì gì đấy. Một trước tác mà nằm dí trong kho, không đến được tay người đọc thì nó có hay mấy cũng chỉ là lô giấy vụn không tuổi không tên. Đi nói Vè khắp nơi cũng là cách phát hành của “Mụ Mì” đưa tác phẩm đến với bàng dân thiên hạ. Nhưng thân phận của Vè cũng chẳng khấm khá gì với dòng chảy của thời gian. Nay gõ lên Google, Vè chàng Lía ghi nhận lại được đôi ba câu, Vè Cô Thông Tằm thì chỉ biết là bằng văn vần lục bát, chẳng thấy được tăm hơi của một câu nào.

Chuyện Chàng Lía xảy ra ở Bình Định nay cũng đã ngót ba trăm năm. Bất tri tam bách dư niên hậu … Chưa được ba trăm năm, nay không rõ là bao nhiêu, nhưng chắc có nhiều người biết được chuyện Chàng Lía đã phản kháng chống lại sự hà khắc của nhà cầm quyền như thế nào. Chuyện Cô Thông Tằm tính ra chưa được trăm năm, nay hầu như chẳng có bao nhiêu người tận tường sự việc. Cũng phải. Vì chuyện Cô Thông Tằm đối với ngày nay chỉ là chuyện xe cán chó – chó cán xe đăng nhan nhản trên báo. Chuyện cướp bóc, hãm hiếp, đốt chồng, nhốt cha … nay ngày nào cũng có chuyện cho báo đăng. Đăng hôm nay để ngày mai đi vào quên, nhớ chi cho nhọc xác. Những chuyện bất bình thường nhưng cũng sẽ là chuyện bình thường vì vốn dĩ nó đã đầy ắp chung quanh. Đã bình thường mà cho nó là bất bình thường thì chính mình mới bất bình thường.

Ở Bình Định vào thập niên 20 của thế kỷ trước, Cô Thông Tằm là vợ của Ông Thông Tằm. Không có gì là ngạc nhiên cả, ngày xưa người vợ được gọi theo chức danh, theo tên của chồng hoặc theo tên của đứa con đầu. Theo “Tìm Hiểu Nhân Vật Bình Định”, bản in năm 2001 của hai cụ Nguyễn Phu và Nguyễn Thiều thì ông Thông tên là Trần Ngọc Dư. Ông thầy Thông nầy phụ trách sở tằm của hãng Delignon. Sở tằm lo gầy giống, nuôi tằm cho hai nhà máy ươm tơ dệt lụa Bình Định, một ở Bồng Sơn, một ở Phú Phong. “Nhà Tằm” của ông Thông nằm kế bên nhà dây thép (bưu điện) và nhà thương thí ở cửa Đông thành Bình Định. Về sau nầy nhà Tằm dời lên sát nhập với xưởng Delignon Phú Phong.

Năm ông Nguyễn Đình Hiến về làm Tổng đốc Bình Phú, gồm cả Bình Định và Phú Yên, xứ nẫu bây giờ, ông Thông cai quản nhà Tằm bị bệnh phải đi nằm viện ở Quy Nhơn. Không lầm thì bệnh viện hồi đó nằm bên cạnh Trường Nữ Trung Học – Ngô Chi Lan – Trưng Vương ở góc đường Nguyễn Huệ - Lê Thánh Tôn hiện nay. Cô Thông khăn gói xuống thăm chồng thì trên đường chẳng may gặp nạn, bị kẻ gian cướp hết tư trang rồi hãm hiếp, giết hại bỏ vất vưởng bờ sông.

Theo hai cụ Nguyễn Phu và Nguyễn Thiều thì tương truyền ông Nguyễn Đình Hiến đêm nằm mộng, thấy cô Thông Tằm báo cho biết bà bị cướp giết hại ở thôn Phong Niên. Ông báo cho làng ấy quật lên khám nghiệm, xét tra ra vụ án. Sau vụ án nầy, năm 1925, ông được thăng thực thụ Tổng Đốc. Theo hai cụ, bài Vè Thông Tằm có câu :

Giết rồi lại bỏ suối vàng
Vớt lên cấp táng tại làng Phong Niên
Cô Thông thiệt đúng gái hiền
Nửa đêm hồn hiện kêu cùng cụ hay
Cụ tư xuống Sứ ngày mai
Sức Phong Niên quật (…) rày lên coi

Chuyện cô Thông với ngày nay xem là chuyện bình thường xảy ra như cơm bữa. Nhưng ngày xưa một nhân mạng bị hại, một con người bị xâm phạm phẩm giá thì chẳng phải chuyện bình thường. Càng không phải bình thường khi người có trách nhiệm xã hội cho đó là chuyện bình thường. Năm vụ án cô Thông xảy ra, Tri Phủ Tuy Phước lúc đó là cụ Nguyễn Khoa Kỳ vì “thiếu trách nhiệm” mà bị mất chức dù cụ thuộc thế gia vọng tộc, con cháu người có công lớn thời Nam tiến mở cõi.

Nội vụ chuyện cụ Tri Phủ thiếu trách nhiệm, theo lời kể của con cháu cụ, có thể tóm tắt lại :

Thầy Đề của Phủ được phái đi xem xét một tử thi đàn bà không mặc quần áo nằm cạnh con sông về báo đó chỉ là một mụ ăn mày, không có thân nhân nhìn nhận. Quan Phủ cấp tiền cho chôn cất tử tế.

Thầy Thông ở Quy Nhơn về, vợ mất tích, hay chuyện, xin Phủ cho quật tử thi xem xét. Gặp lúc xảy ra bệnh thiên thời đang lan tràn, cụ Tri Phủ không chấp thuận. Thầy Thông vô tình tìm thấy mảnh áo lót của vợ mình máng trên ngọn tre chỗ phát hiện tử thi, nên làm đơn kêu lên Tỉnh đường. Vụ việc án mạng phát hiện, sau đó cụ Tri Phủ bị huyền chức, cho tại ngoại hậu cứu.

Chuyện cô Thông với ngày nay xem là chuyện bình thường như là chuyện chó cán xe, xe cán chó. Nhưng với ngày xưa là chuyện động trời, quan Phủ sở tại phải mất chức, cũng là chuyện động trời, và câu chuyện lan ra khỏi lũy tre, đi khắp nơi bằng kiểu nói Vè. Vè Cô Thông Tằm nay ai còn nhớ …!?
.

3 nhận xét:

  1. Thời nay thông tin mạng chuyển tải nhanh, rộng và lưu trử được. Băn khoăn của bạn sợ thông tin sẽ như Vè không còn lo nữa đâu. Chỉ lo là quan sở tại nhập nhèm sẽ không mất chức, không giống như thời xưa nữa.

    Trả lờiXóa
  2. Từ chuyện cô Thông Tằm rút ra cặp bình thường - không bình thường là đặt ra một vấn đề không nhỏ. Chúc TruongNghi và các bạn cũ ở QTBK một năm mới vạn sư cát tường. Thân, HKB.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thành thật cám ơn Thầy đã thường đến với chúng em.

      Xóa