Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Ba, 1 tháng 2, 2011

HƯƠNG VỊ TẾT (2)

NGÀY XUÂN LAN MAN CHUYỆN CÂU ĐỐI  (tiếp theo)

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau ...

Tú Xương viết chúc Tết Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau …” đến bây giờ, đến thời nào cũng thực, cũng thời sự.
Câu đối Tết của cụ không thấy hình ảnh Tết nhưng Tết bàng bạc cả năm cả tháng trong cuộc đời của cụ. Bài Hát Nói về chuyện viết câu đối Tết của cụ không những thể hiện được cái hình, cái tình vợ chồng đáo để của cụ mà còn có một câu đối đáo để để lại cho văn học.
Nhập thế cục bất khả vô văn tự, vào cuộc đời không thể không có chữ nghĩa. Dù chỉ vác cái học vị Tú Tài đi ăn lương vợ, nhưng bụng của cụ đầy chữ đầy nghĩa, làm một câu đối Tết, cụ cũng “trình” lên cho vợ thưởng thức, để được nghe vợ “phê” Hay thật là hay, Xưa nay em vẫn chịu ngài … Nhà thanh bần nhưng gia đình êm ấm ai mà không ao ước … ngày nào trong năm chẳng là Tết.
Nhập thế cục bất khả vô văn tự
Chẳng hay ho cũng húng hắng một vài bài
Huống thân danh đã đỗ Tú Tài
Ngày Tết đến cũng phải một hai câu đối
Đối rằng :
Cực nhân gian chi phẩm giá, Phong nguyệt tình hoài
Tối thế thượng chi phong lưu,  Giang hồ khí cốt
Viết vào giấy dán ngay lên cột
Hỏi mẹ mày rằng dốt hay hay ?
Thưa rằng hay thật là hay,
Chẳng hay sao lại đỗ ngay Tú Tài !
Xưa nay em vẫn chịu ngài !
Câu đối Tết mà không nói chuyện ngày Tết, không nói chi mong ước của gia đình trong năm mới, câu đối gần như là một tuyên ngôn của con người :
Tạm dịch nghĩa :
Cái phẩm giá cao nhất trong cuộc sống là tình mến trăng trong gió mát
Cái phong lưu quý nhất ở trên đời là cốt khí sông hồ lãng tử.
Chữ trong câu đối không nhiều nhưng cái thần thể hiện trong câu không ít. Mà nghệ thuật đối, cách đối của người xưa thể hiện cũng rất nhiều thú vị trong thưởng thức.
BÌNH ĐỊNH CÙNG ĐÔI CÂU ĐỐI
Đất Bình Định không những với truyền thống đất võ mà còn là đất tuồng, đất thơ. Bình Định Đất thơ của Đồ Bàn tứ hữu, còn gọi là tứ linh Long Phụng Quy Lân (Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn, Yến Lan), Xuân Diệu cũng là người con Bình Định sinh ở Gò Bồi Tuy Phước. Bình Định Đất Tuồng của Đào Duy Từ, Đào Tấn, Bát Phàn, Cửu Vị, Ngọc Cầm, Tư Cá, Long Trọng, Hoàng Chinh. Cho nên qua câu đối của đất Bình Định cũng tiềm ẩn cái khí phách ngang tàng, lãng tử … như người Bình Định.
Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, triều đình Huế kiệt quệ tài chính nên ai có tiền cũng có thể mua được tước vua ban. Bá Hộ cửu phẩm là một tước hư hàm được bán với giá ngàn quan, được vua ban mão lễ sinh, áo rộng màu chàm thêu hình con trâu.
Bình Định có Bá hộ Huệ người Bả Canh Đập Đá bây giờ mua tước cửu phẩm, bạn là Nguyễn Bá Huân tặng liền câu đối :
Tiền ngàn tới tỉnh khom lưng cóc
Chín phẩm về làng hỉnh mũi trâu
Một câu đối ngang tàng của người cho, một khí phách của người nhận câu đối. Câu đối được cụ Bá hộ trân trọng treo giữa đại sảnh.
Ngang tàng, khí phách của người Bình Định là vậy. Nguyễn Thân sau khi theo Pháp phá tan phong trào Cần vương Bình Định do cụ Đào Doãn Địch và Mai xuân Thưởng lãnh đạo, Nguyễn Thân về làm Tổng đốc Bình Định. Bá hộ Huệ đến mừng bằng tấm hoành phi cẩn 4 chữ : Thiên Lý Nhân Lương. Nguyễn Thân tưởng tấm hoành có nghĩa theo thường tình là Người hiền tiếng vang xa nghìn dặm. Nhưng sau có người cho biết cách chơi chữ của tấm hoành, ghép chữ Thiên chữ Lý lại thành chữ Trọng, ghép chữ Nhân chữ Lương lại thành chữ Thực. Có nghĩa là người tặng tấm hoành chửi Nguyễn Thân Trọng thực – Ham ăn. (nguồn Nước Non Bình Định – Quách Tấn).
Bá hộ Huệ trân trọng người chửi mình là thứ khom lưng cóc, hỉnh mũi trâu. Nhưng cụ sẵn sàng chửi kẻ theo giặc, cụ không màng cái chết trước kẻ nham hiểm như Nguyễn Thân.
Hậu Tổ Tuồng người Bình Định là Đào Tấn có tuyên ngôn nghệ thuật bằng câu đối :
Thiên bất dự nhàn, thả hướng mang trung tầm tiểu hạ
Sự đô như hý, hà tu giả xứ tiếu phi chân.
Tạm dịch nghĩa :
Trời chẳng cho nhàn, nên tới chốn nhộn nhịp nầy tìm chút rảnh rổi
Trò đời như kịch, chớ cười trong giả ấy không có cái chân thực.
Cụ Đào với tuyên ngôn đó cùng phương châm tùy chỗ mà có cách hài, tùy nơi mà có cách diễn
Tùy xứ khôi hài, Mạ Thiên Tiên bản sắc
Phùng trường tác hý, Hoan Hỷ Phật tiền thân.
Nhờ vậy nghệ thuật tuồng ở Bình Định trưởng thành với hàng lớp hậu bối nổi tiếng nghệ sĩ chân chính. Cũng từ nôi tuồng, từ gia phong của gia đình, con ông là cụ Đào Nhữ Tuyên khi ra trấn nhậm lỵ sở ở một huyện tỉnh Quảng Ngãi, gặp chuyện một số kẻ ganh tài, thủ cựu chơi khăm lén viết hai bên cổng công đường mỗi bên hai chữ :
Hát hay
Học dở
Thuộc lại định xóa đi, Ông ngăn lại và ung dung viết nối thêm thành cặp đối :
Hát hay, chánh kép Quy Nhơn thiệt
Học dở, làm quan Quảng Ngãi chơi.
Lấy văn chương gán vào xử sự, duyên nợ của Nguyễn Thân người Quảng Ngãi kiếm chuyện giết Bá hộ Huệ vần còn âm ỷ … (nguồn Giai thoại Câu Đối Bình Định - chưa in -  Mai Đình Nguyễn Hoài Văn 1916-2003)
Trong nghệ thuật Câu đối, có giai thoại viết thêm ra như trên thì thật lý thú, nhưng có chuyện viết bớt đi, hoặc sửa đôi chút thì thật chẳng ra làm sao cả.

Sau hiệp định Genève, người Bình định cho xây dựng Điện thờ Tây Sơn trên nền nhà cũ của ba anh em Tây Sơn Tam Kiệt, trụ biểu trước Điện có đắp 2 câu đối của cụ Cử Hà Trì (Trần Đình Tân 1893 – 1979) người trong tỉnh :
Tây Sơn thảo thụ lưu kỳ tích
Nam Quốc sơn hà ký vũ công.
Hiện nay, sau quá trình trùng tu, câu đối trên đã được sửa lại :
Tây Sơn thảo thụ lưu huân nghiệp
Nam Quốc sơn hà chấn chiến công.
Nguoibinhdinh.vnweblogs  có ý kiến :
Nay sửa lại thành "Lưu huân nghiệp" và "chấn chiến công" nghe có vẻ rổn rảng và "hoành tráng" hơn thật nhưng ngẫm cho kỹ thì không ổn. Ba anh em nhà Tây Sơn lập nên nghiệp lớn, sự nghiệp vẻ vang đáng tạc vào sử sách, chiến công của nhà Tây Sơn quả thật là lừng lẫy, thế nhưng nếu chỉ giới hạn trong "huân nghiệp" và "chiến công" thì hoá ra chẳng làm giảm đi ý nghĩa sâu xa của cuộc khởi nghĩa nông dân như một kỳ tích, huyền thoại;  hơn thế nữa, "vũ công" bao hàm cả "chiến công"và "uy vũ" của bậc anh hùng làm nên một triều đại tuy ngắn ngủi nhưng lẫy lừng, sửa lại thành "chấn chiến công" quả thật không thoả đáng! …
Nhà thơ Linh Đàn thường tham gia cùng trang Non Nước Bình Khê biết chuyện cũng góp bút :
… Người sửa câu đối đã làm hỏng mất một vế xuất đối của tác giả. Kỳ tích ở đây vừa nói lên phong cảnh, vừa nói lên địa danh, vừa nói lên một dũng khí của triều đại. Vũ công tự nó đã bao hàm nghĩa của huân nghiệp lẫn chiến công. Câu đối cũ vế xuất tả cảnh hết sức tài tình, vế đối tả uy vũ cũng rất hào khí …
Lan man nhiều, mà năm hết cũng đã cận kề. Năm Tân Mẹo sắp đến, TruongNghi có Câu đối CHÚC NĂM MỚI mọi người :
MEN RƯỢU NỒNG XUÂN,
XUÂN HẠNH PHÚC AN KHANG THỊNH VƯỢNG
HƯƠNG HOA THẮM BÚT,
BÚT GIAO TÌNH THANH DẬT TRƯỜNG LƯU

3 nhận xét:

  1. Đầu năm công chuyện lu bu quá!
    Nhân đọc "Câu đối CHÚC NĂM MỚI" của Nghị có "TRƯỜNG LƯU" khiến mình nhớ lại một câu đối cũng có "TRƯỜNG LƯU", giới thiệu với Nghị coi cho vui:
    TRƯỚNG NỘI VÔ PHONG PHÀM TỰ LẬP,
    HUNG TRUNG BẤT VŨ THỦY TRƯỜNG LƯU.

    Trả lờiXóa
  2. anh nghị ơi ,anh có ý kiến gì về câu đối của anh bửu châu không vậy?

    Trả lờiXóa
  3. Câu đối tớ nhớ và ghi lại trên đây không phải của tớ đâu anh quytu ơi!
    Vế xuất là của Nữ sỹ ĐOÀN THỊ ĐIỂM, vế đối là của TRẠNG QUỲNH đấy!
    Góp vài ý cho vui vậy thôi chớ bàn luận về câu đối tớ e rằng cả đời chưa hết nên tớ "hổng dám đâu"!.
    Nhiều vế xuất hằng trăm năm nay vẫn chưa có vế đối cho thiệt chỉnh, cho thiệt hay (ví dụ như: Da trắng vỗ bì bạch hay Cha con thầy thuốc về quê, gánh một gánh hồi hương, phụ tử hay Cỏ đầu cầu đỏ xanh mơn mởn,...),vì "xuất đối dị, đối đối nan" mà), phải không các bạn?

    Trả lờiXóa