Đò chiều còn đó người đưa, Ngâm Ai Tư Vãn người xưa đâu rồi

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

VĂN DOAN DIỄN CA (9) - CẦM ROI ĐI QUYỀN


Mẹ Lía mất. Khá thương cho những bà mẹ già, khổ nhiều vì con, nhưng khi con có tiền có của lại chẳng một ngày được phụng dưỡng. Văn Doan Diễn Ca xây dựng hình ảnh tống táng ma chay Mẹ của Lía thật linh đình long trọng. Khẩu truyền trong dân gian ở Bình Định thì khác. Về lo tang ma cho mẹ, sợ mộ của mẹ sẽ bị bọn phú hào xâm hại, Lía phải đội quan tài Mẹ đưa lên tận đỉnh Trưng Sơn phía trên Phú Lạc - quê của Mẹ mà an táng. Nhưng hình ảnh an táng, ma chay nào cũng thể hiện đủ tấm lòng của Lía đối với Mẹ, người mẹ cơ cực, tảo tần ở đất Bình Định.

Một lớp nữ nhi khác của Bình Định lại được lưu truyền lâu nay qua hình ảnh : Con gái Bình Định cầm roi đi quyền. Rắp tâm bành trướng cứ địa, Lía đã đụng phải một thế lực xã hội đối kháng đáng gờm ở Thổ Sơn Tuấn Lĩnh, mà đầu lĩnh ở đây lại là một nữ nhi : Lão Hổ Mụ Trà.



VĂN DOAN DIỄN CA (tiếp theo …)

Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

VĂN DOAN DIỄN CA (8) - ƠN CÙ LAO CÚC DỤC


Lía muốn xem tuồng. Tuồng diễn chuyện Ngũ Tử Tư báo thù cha không đáng để Lía xem. Ngũ Tử Tư chỉ là người con hiếu, cầm binh để trả hiếu, chỉ là kẻ đào mồ cuốc mả người báo thù chứ không có mộng định bá đồ vương. Với Lía, chí của Lía là ở con chim Hồng chim Hộc lượn trên chin tầng cao. Tuồng Lía xem phải là tuồng của những đấng anh hùng sơn hà chia 3 chân vạc. Trong Văn Doan Diễn Ca, xem ra thẩm định nghệ thuật của Lía đâu chỉ quẩn quanh ở điệu hò câu hát.

Là đấng anh hùng, anh hùng nào trước tiên cũng phải là người con hiếu tử. Nhưng thường thì những kẻ lăn thân vào cuộc thực hiện mộng định bá đồ vương - lại phần nhiều là những kẻ chẳng kịp đền ơn phụ mẫu cúc dục cù lao… Sớm chẳng rót được chén trà cho cha, tối chẳng thả được cái mùng cho mẹ. Chẳng qua chỉ thực hiện được chuyện tống táng, ma chay - là chuyện mà thường người đời cho vậy là người con có hiếu.


VĂN DOAN DIỄN CA (tiếp theo …)


Nầy đoạn nói sự Truông mây
Hát rồi ta phải toan lo việc nhà.

Lại nói:
Nào trẻ bây, bắt năm con heo làm thịt ta vầy một tiệc cho vui mà chơi.

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

VĂN DOAN DIỄN CA (7) - MỘT CÕI SƠN HÀ


Thật khốn khó cho thân phận kẻ hát xướng. Tối làm quan làm vua, sáng rửa sạch phấn son thì phải trở lại cuộc sống đời thường bị kẻ buộc người đòi. Nhưng ít ra dưới ánh đèn sân khấu, người sắm tuồng cũng truyền đạt đến người xem những khúc mắc của sự đời, những ước vọng mà người đời muốn đạt được…

Lía lấy của nhà giàu nhưng Lía không lấy làm của riêng cho mình. Lía thu phục nhân tâm, thu nạp lực lượng bằng cách lấy của cướp được chia cho người nghèo. Ước vọng của Lía không chỉ làm Cha làm Chú của dân nghèo, của đám lâu la. Ước vọng của Lía phải nhờ đến sân khấu nói hộ cho. Trò đời đều như kịch, sao lại cười cái giả trên sân khấu ấy chẳng phải là chân : Sự đô như hý, hà tu giả xứ tiếu phi chân (Đào Tấn).

Ước vọng của Lía là muốn mặc áo Rồng 5 móng, chính là ngôi cửu ngũ của một cõi sơn hà kia…
  

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014

VĂN DOAN DIỄN CA (6) - KẺ CƯỚP CÓ ĐẠO ĐỨC


Làm chủ trại, được lâu la phục tùng, việc làm đầu tiên của Lía là đổi cái tên cho ra vẻ người có chữ. Cải tên tao lại Văn Doan / Chớ kêu Chú Lía, thế gian chê cười. Những cái tên như Lía, Đực, Tèo… mấy cái tên mà cha mẹ đã đặt cho đó nó không xứng với kẻ có quyền có thế trong tay. Nhưng rồi người đời đã mấy ai nhớ tới Ông Văn Doan mà bấy lâu nay chỉ biết có mỗi Chú Lía ở Truông Mây (!?). Âu đó cũng chỉ là chuyện thường tình của thế nhân.

Việc làm tiếp theo của Lía là Nhà nào đại phú bất nhân / Thời ta hãy đánh mở hàng đầu tay. Đúng ra những nhà nghèo nhớt mồng tơi như Lía mấy khi thì có cái chi để mà cướp !? Đủ điều kiện đi cướp thì chỉ có nước đi cướp của nhà giàu. Cướp ngày là vậy, còn cướp đêm thì chẳng từ là giàu hay nghèo (!). Đi cướp, ở đây Lía nhắm vào những kẻ giàu bất nhân, cướp xong lại chia phần cho dân làng. Việc làm của Lía không những phân hóa được lực lượng chống đối mình, mà ít ra cũng được cái tiếng là kẻ cướp có đạo đức - dù rằng nhiều khi hành vi quân cướp vẫn quẩn quanh cái chuyện Bắt heo trói lại, vác mà chạy ngay… Lệnh ra là buộc người phải thi hành không on không đơ gì ráo… Xuống đòi bạn hát tựu rày Truông Mây / Tao cho kỳ hẹn ba ngày /  Bằng quá bốn bữa chém rày chẳng tha

Thứ Hai, 21 tháng 4, 2014

VĂN DOAN DIỄN CA (5) - CƯỚP CỦA NHÀ GIÀU


Ăn trộm, bẻ bí, bắt gà… bất quá chỉ đủ để qua bữa. Lừa người lọc chúng… bất quá chỉ lượm tiền lẻ. Đánh lấy mẻ lớn, chỉ có con đường đi ăn cướp. Không ở nhà quan được để làm cướp đêm, Lía tính đường tụ đảng để làm cướp ngày. Tôi thưa cùng mẹ một lời / Con đi ăn cướp đem về mẹ ăn. Đi ăn cướp cũng phải thưa qua mẹ (!?). Xem vậy chuyện ăn cướp lúc ấy thường tình giống như ăn cơm bữa. Chuyện trộm cướp là chuyện đương nhiên phải xảy ra giữa xã hội nhiễu nhương quan trên đè quan dưới, quan dưới hiếp đáp kẻ bần cùng.

Cái đáng nói ở đây, qua góc nhìn của Lía khi tính đường đi ăn cướp, kẻ hại người để mình có lợi là những kẻ giàu bất nhân, trong đó không loại trừ quan tham gian ác :

Vi phú bất nhân,
Tổn nhân lợi kỷ,
Dân tán chúng tài
Tham quan trá hiểm.
mà để của nó làm chi a mẹ.

Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

VĂN DOAN DIỄN CA (4) - LÍA TỤ ĐẢNG


Ngày xưa Đi học cốt mong muốn tiến thân bằng con đường hoạn lộ. Nhưng thời nào cũng vậy, chốn quan trường đâu thể là chốn của kẻ thật thà. Khi Lía chuẩn bị bước vào chốn quan trường :
Lạy mẹ ở lại hàng lang
Cho con đi khóa dốc lòng làm quan.

Thì trước đó Lía đã thử dượt lại cái tính lừa đảo. Hành nghề đưa ngựa - kiểu xe thồ xe ôm ngày nay mà khi cầm được tiền của người thì Lía cao chạy xa bay. Nhưng bao nhiêu đó, những lừa đảo vặt vãnh cũng chẳng đủ để dung túng ở nhà quan. Khi được vào nhà quan, mượn oai quan đi thu nợ, Lía nướng sạch tiền thu nợ vào sòng bạc. Tính khí cướp ngày nầy chẳng thể so bì nổi cái thâm trầm sâu hiểm của cướp đêm. Quả vậy, Lía chỉ còn con đường tụ đảng chốn sơn lâm…


VĂN DOAN DIỄN CA (tiếp theo …)

Xướng:
Qua non Bến Đá một khi,
Tới nơi vừa hết, tiền thì sạch trơn.
Lía bèn toan liệu một mình,
Âu ta ghé lại nghỉ chưn một hồi.
Vào quán rượu thịt uống ăn
Tiệc bày cơm cá ê hề một mâm.
Mụ quán tính hết năm tiền
Lía trả sáu đồng có lấy hay không?
Quán nhân thấy nói giận thay
Hay là ăn cướp no lòng mà đi?
Lía bèn giả uống rượu say
Đá quán, Lía chạy vào rừng một khi.
Mụ quán thôi mới la làng
Ăn uống không tiền, nó lại đánh tui.
Xóm làng đâu đó ai ai,
Nghe la chạy tới, đông đà nên đông.
Đá quán, nó đã mất rồi
Chúng ta tua khá phân nhau trở về.
Lía xem chẳng thấy ai theo
Bộ hành vắng vẻ không ai đi đường.
Thấy một chú lính hồi hương
Xa xa dặm đường, ta kíp chạy theo.

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2014

VĂN DOAN DIỄN CA (3) - LÍA LẬP THÂN




Lía muốn đi học. Nhưng đối với Lía hình như chuyện đến trường chỉ để luyện võ. Chữ nghĩa, đạo lý giảng dạy nơi nhà trường chẳng giúp được gì cho dân nghèo giữa xã hội nhiễu nhương. Ngay ngày đầu tiên đến trường Lía đã nhờ mẹ giúp mình giữ gìn đồ nghề ăn trộm lâu nay. Có lẽ để phòng sau còn có mà làm nghề cũ.

3 năm ở đợ, 3 năm đi học. Đi học chủ yếu là tập phóng lao, nhảy rào. Học hành với tâm tưởng như vậy thì Lía đủ điều kiện lập thân không.


VĂN DOAN DIỄN CA (tiếp theo …)


Xướng:
Nói thôi cùng mẹ một lời
Toan việc ở đời buôn bán làm ăn.
Con đà quá lỗi muôn phần
Cúi đầu lạy mẹ dung tình cho con
Cút cui mẹ ở hàng lang[1]
Thế gian khinh dể, xóm làng cười chê.
Con xin đưa ngựa mà thôi[2]
Mẹ thời bán quán vậy mà hàng lang.
Thốt thôi thằng Lía ra đi,
Hỏi ai mướn ngựa vậy mà tôi đưa.
Phút đâu mới nói vừa rồi,
Khách thương một lũ dầy dầy[3] tới nơi.
Lía hỏi, cậu mướn ngựa không
Đặng cho tôi thắng[4] tức thời cậu đi.
Ngựa tôi, ngựa tía, ngựa hồng
Ngựa bạch, vậy mà ngựa hắc cũng hay.
Còn hai con ngựa tốt thay
Ngựa Thiên lý mã nó hay hơn người.
Mướn thời tiền trước cậu trao,
Đặng tôi thắng ngựa tức thời cậu đi.
Sai viên[5] ngỡ thiệt những là,
Tiền trước đưa rồi, thắng ngựa cho mau.
Lấy tiền đi một hồi lâu
Vừa người vừa ngựa, mất âu chẳng còn.

Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

VĂN DOAN DIỄN CA (2) - LÍA ĐI HỌC


Lía người miền Bích Khê (!?) huyện Phù Ly. Phù Ly của Phủ Qui Nhơn (tỉnh Bình Định bây giờ) thời Trịnh Nguyễn phân tranh, thời mà Lía sống có 2 Tổng là Tổng Thượng và Tổng Hạ. Đến vương triều Nguyễn đời vua Minh Mệnh, Phù Ly mới tách ra làm 2 huyện mới là Phù Mỹ (tổng Thượng) và Phù Cát (tổng Hạ), giữ nguyên địa giới đến tận bây giờ. Mồ côi cha sớm, mới 7 tuổi đầu Lía đã phải đi ở đợ, đã biết đau tình đời : Phú quý được nhiều người kéo đến - Bần cùng người thân thích cũng rời xa.

Lía là người con chí hiếu, trước đây Lía bắt ốc hái rau nuôi mẹ, nay đi ở (chăn trâu cho Lục Tường), vì Thương mẹ ở nhà không kẻ dưỡng nuôi, Lía xén thời gian đi trộm khoai hái bí, bắt gà về nấu cho mẹ ăn. Tháng ngày nầy đã hình thành trong tuổi thơ của Lía những ma mãnh ứng xử kiểu bụi đời : đốt nhà người (Tham Bình), mọi người phải lo chữa cháy để vào dắt trâu của mình bị người bắt nhốt chờ đền lúa bị trâu ăn.

Sau vụ cứu trâu cho chủ, thấm đau kiếp ở đợ bị người đời khi dễ, Lía về xin mẹ cho đi học.

Thứ Sáu, 11 tháng 4, 2014

VĂN DOAN DIỄN CA - TRUYỆN CHÀNG LÍA



VĂN DOAN DIỄN CA - TRUYỆN CHÀNG LÍA, bản Nôm Minh Chương Thị người làng Phụng Du đính chính, khắc in ở Việt Đông Phật Trấn (Quảng Đông). Không rõ in vào năm nào, Gs. Nguyễn Văn Sâm (Viện Việt Học) sưu tầm, phiên âm, Nguyễn Hiền Tâm viết bạt, hiệu đính. NonNuoc BinhKhe đăng lại từ phiên bản [doc] VanDoan.doc của Khoa Văn Học và Ngôn Ngữ Đại Học Xã Hội và Nhân Văn.

Theo GS Nguyễn Văn Sâm, Truyện thơ Chàng Lía được các nhà tân học ở Nam Kỳ khoảng cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20 phiên âm ra chữ quốc ngữ dưới hình thức “bổn cũ soạn lại”. Có nghĩa là thêm thắt, sửa đổi ít nhiều rồi đem in ra để phục vụ nhu cầu cấp thiết sách vở thời kỳ nầy. Nay ông phiên âm, gắng giữ nguyên bản theo bản khắc in Nôm. Truyện thơ có pha thêm các hình thức Nói (viết), Nói lối (tán), Nói thơ (xướng), Hát nam (vãn), Hát khách (loạn), Than thở (thán)... của hát bội. Vô hình trung truyện thơ đã hình thành nên một thể loại văn chương mà Gs. Nguyễn Văn Sâm gọi là Thơ Tuồng. Ông cho rằng Thơ Tuồng “vừa có hình thức truyện thơ, vừa có những thành tố đặc biệt của tuồng hát bội với những thay đổi cách nói và thêm sự ra bộ nếu người nói thơ có khả năng làm những công việc này. Bởi vậy người nói thơ đồng thời tạo cho người nghe thơ những nhân tố để hình dung ra câu chuyện và thấy như mình đang xem trình diễn trên sân khấu với sự than thở, nói năng, xưng tên, hát hò, diễn tả nội tâm cũng như những điều suy nghĩ của nhân vật”  

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

NGÀY TIẾT THANH MINH ĐỌC LẠI "THANH MINH" CỦA ĐỖ MỤC


Thanh Minh là bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Đỗ Mục, một thi gia thời vãn Đường. Ông cùng với người cùng thời là Lý Thương Ẩn được đời sau xưng tụng là Tiểu Lý - Đỗ. Gọi để phân biệt với Lý - Đỗ, thi tiên và thi thánh thời thịnh Đường Lý Bạch và Đỗ Phủ. Qua bài phú Cung A Phòng (A Phòng Cung Phú) của ông, người đọc dễ nhận thấy ngòi bút ông vạch rõ thói hoang dâm, phung phí hưởng lạc của giới cầm quyền thời bấy giờ. Đọc qua bài thơ Thuyền Đậu Bến Tần Hoài (Bạc Tần Hoài) cũng dễ nhận ra trong ông nỗi ưu thời mẫn thế, lòng ray rức trước cảnh người đời hát xướng ăn chơi, lơ mơ trước mối hờn nước mất (thương nữ bất tri vong quốc hận / cách giang do xướng Hậu đình hoa). Nhưng với Thanh Minh, có thể có nhiều người đã chưa thấy rõ nỗi đau đứt ruột của ông trước tình đời.

Giai thoại văn chương Việt Nam còn ghi truyền chuyện các cụ nhà ta trước đây đã ngắt câu, biến bài thơ Thanh Minh của ông thành một bài ngũ ngôn tứ tuyệt.

Thứ Bảy, 5 tháng 4, 2014

THANH MINH



清明
清明時節雨紛紛,
路上行人欲斷魂。
借問酒家何處有?
牧童遙指杏花村。
杜牧


THANH MINH
Thanh minh thời tiết vũ phân phân
Lộ thượng hành nhân dục đoạn hồn
Tá vấn tửu gia hà xứ hữu
Mục đồng dao chỉ Hạnh Hoa thôn
Đỗ Mục

Tiết thanh minh trời mưa rơi lất phất 
Người còn đi trên đường buồn muốn đứt ruột 
Ướm hỏi thử nơi nào có quán rượu 
Trẻ chăn trâu chỉ về phía xa xóm Hạnh Hoa

THANH MINH
Thanh Minh mưa bụi mù giăng
Đường dài gót lạnh ruột quằn xưa sau
Quặn lòng hỏi quán rượu đâu
Mục đồng xa chỉ thôn đầu Hạnh Hoa